Viết cho em giữa lúc không thể dự lễ vì dịch bệnh

Listen to this article

TẠI SAO PHẢI ĐI LỄ?

Hạ An thân mến!

Thầy còn nhớ trong Thánh lễ cuối cùng của ngày Chúa nhật đó, Cha xứ bắt đầu giảng lễ, ngoài trời mưa tầm tã, bỗng có một cô học sinh hớt hải chạy vào nhà thờ tay vẫn còn ôm cặp sách, vội vàng làm dấu thánh giá với vẻ mặt thoáng chút lo lắng. Đó là ngày mà thầy quen em, bởi sau Thánh lễ em cố đợi thầy chỉ để hỏi: “Thầy! chắc con mất lễ phải không ạ? Con có phải đi xưng tội không?” Thầy thấy thương em, thương cả Chúa của mình nữa. Với em đi lễ như là “luật buộc” mà không chu toàn thì bị phạt. Thương cả Chúa, vì Ngài trở thành ông chủ hà khắc không còn là người cha nhân từ.

Em à! Con người hiện đại dễ sống trong tình trạng đó, coi Thánh lễ chỉ như là những nghi thức buộc phải tuân thủ, như một công việc phải làm mỗi tuần không thì “sa hỏa ngục”; do không hiểu hay vì coi thường mà chẳng còn thấy Thánh lễ là điều quí giá, là ưu tiên phải được đặt lên hàng đầu trong một ngày sống, là tâm điểm của một tuần làm việc và là nguồn mạch sự sống trong suốt cuộc đời. Thế nên An à! lòng khao khát Thánh lễ của thế hệ ông bà chúng ta có lẽ chỉ còn trong ký ức như những câu chuyện xa lạ, thậm chí nực cười của cái thời bao cấp; việc đi bộ hàng chục cây số để tham dự Thánh lễ, họ đạo chuẩn bị tập tành cả một tuần cho Thánh lễ, ông trùm đạp xe lên tỉnh, lên huyện để xin cho được có cha về dâng lễ, những hình ảnh đó chẳng lẽ chỉ còn thấy trong viện bảo tàng sao?

Không biết tại chính chúng ta, hay phải đổ lỗi cho thế giới này quá cuốn hút, trong khi Thánh lễ lại nhàm chán như nhiều người vẫn nói:“Hai ngàn năm rồi vẫn thế!” đấy sao?

Thầy còn nhớ, khi Hội dòng của Mẹ Têrêxa Calcutta được mời sang Mỹ để phục vụ, với lòng yêu mến công việc của các nữ tu này, Đức Giám mục giáo phận đã cho chuẩn bị cơ sở rất đầy đủ và hiện đại; nhưng khi tới nơi, Mẹ Têrêxa yêu cầu bỏ hết những thứ đó đi chỉ để lại những tấm phản để nằm, rồi Mẹ nói với Đức Cha:“Điều quan trọng duy nhất và cần thiết với Hội dòng chúng con là nhà Tạm có Mình Thánh Chúa để cầu nguyện và dâng lễ hằng ngày”.

Em biết không? Thánh lễ không phải là một mớ những nghi thức: đọc, hát, đứng lên ngồi xuống…mà ta phải làm đủ không thì “mất lễ”. Thánh lễ càng không phải là vở kịch cho ta thưởng thức và chờ đợi những gì mới lạ, hấp dẫn hay kịch tính. Thánh lễ không phải là bổn phận phải trả cho Thiên Chúa, càng không phải là sự đổi trác để được bình an, mạnh khỏe, giàu sang như quan niệm “Đi lương thì tốn gạo, đi đạo tốn công”.

Thánh lễ phải là nơi ta trở về để được chăm sóc, được yêu thương. An à! chúng ta vừa trải qua những ngày Tết nguyên đán trong dịch bệnh Covid-19, có nhiều người vì sức khỏe cộng đồng, cũng như vì cấm cách không thể trở về nhà đón Tết. Chỉ khi đó ta mới thấy được về nhà là một là hồng ân, một nỗi niềm khao khát; về để được quây quần bên cha mẹ, chia sẻ bữa cơm đoàn viên, về để được đón nhận sự quan tâm yêu thương của mẹ cha, và về như là để lấy lại sức sống cho một năm xa nhà, xa cha mẹ. Ai đã có kinh nghiệm này sẽ thấy khao khát được về nhà vì nơi đó ta được yêu thương. Em có nghĩ đó phải là tâm tình của chúng ta khi tham dự Thánh lễ không?

Không chỉ những người vô gia cư mới mong có mái ấm để về, mà hết thảy chúng ta sau một ngày lao nhọc vất vả cũng muốn được trở về tổ ấm nơi đó có mẹ cha, có vợ chồng, con cái, nơi đó có những người yêu thương đang chờ ta. Chẳng lẽ chúng ta cứ muốn lang thang mải miết, đầu tắp mặt tối bên “ngoài” mãi sao? không muốn trở về “nhà” nơi đó có một người cha đang chờ mong chúng ta ư?

Thế nên Thánh lễ còn là “nơi”, là “không gian” để Thiên Chúa đến gặp con người với nỗi khát khao nhớ mong đến thổn thức bồi hồi:“Ta sẽ quyến rũ nó dẫn nó vào sa mạc, lòng kề lòng ta sẽ thổ lộ tâm tình với nó” (Hs 2, 16-17). Nơi đó là Thánh lễ, ở đó “lòng kề lòng” Ngài sẽ thổ lộ tâm tình với chúng ta qua phụng vụ Lời Chúa, Ngài nâng tâm hồn ta lên qua các kinh nguyện của Hội Thánh; Ngài ôm trọn lấy chúng ta để không còn là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi mỗi khi chúng ta đón rước Mình Thánh với lòng khao khát và tâm hồn rộng mở, bởi “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).

Thánh lễ cũng là nơi ta kín múc sự sống cùng sức mạnh để bảo vệ sự sống thần linh ấy. Nếu Đức Giêsu đã ban cho ta sự sống thần linh, sự sống từ chính Thịt Máu Ngài thì ta phải gìn giữ. Đừng bao giờ đổ lỗi cho ma quỷ hay thế gian đầy cạm bẫy cướp mất sự sống nơi chúng ta, nơi gia đình vợ chồng con cái, bởi càng ngày càng có nhiều gia đình Công giáo ly dị, con cái hư hỏng, không phải bởi ma quỷ độc dữ hay thế gian đầy cám dỗ, nhưng là chính chúng ta không còn tìm kiếm sức mạnh nơi Lời Chúa, nơi Thánh lễ để có thể đối chọi và chiến thắng được ma quỷ, thế gian; tại ta quá hời hợt với Thánh lễ, Đức Giêsu Kitô nơi bàn tiệc Thánh Thể không còn là trung tâm đời sống cá nhân cũng như gia đình của chúng ta. Con người quá nhỏ bé trước phong ba bão táp cuộc đời, nhưng chúng ta lại nắm giữ một kho tàng sức mạnh khiến mọi sự phải khuất phục là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến ban chính Mình cho con người trên thập tự và nay được ban cho nhân loại hằng ngày nơi bàn tiệc Thánh Thể. Hãy mau mắn đón nhận sức mạnh ấy để có thể thưa lên như vị tông đồ: “Trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8, 37)

An à! đã có nhiều người cảm nhận được giá trị từ món quà vô giá mà Thiên Chúa ban cho nhân loại nơi Thánh Lễ, gần chúng ta nhất đó là chân phước Carlo Acutis. Thánh lễ mỗi ngày là nguồn sống và là sức mạnh của vị chân phước trẻ tuổi này. Thầy mong em cũng biết yêu mến Thánh lễ mỗi ngày như thể em không bao giờ sống cách tròn đầy và viên mãn nếu em không dự lễ hoặc viếng Thánh Thể hay ít là nhớ đến Đức Giêsu Thánh Thể mỗi ngày.

Hãy tự nhắc lòng mình qua câu chuyện xảy ra tại một bệnh viện ở Philippines nhé: sau khi hoàn thành ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ, vị bác sĩ bước ra trước sự chào đón và cảm ơn của gia đình bệnh nhân. Bỗng trên hệ thống loa của bệnh viện thông báo:“Mười phút nữa sẽ có Thánh lễ tại nhà nguyện bệnh viện”; vị bác sĩ vội vàng nói với mọi người: “Xin lỗi! nhưng tôi phải đi dự lễ bây giờ, một ngày tôi không tham dự và rước lễ tôi chẳng làm được việc gì tốt cả”.

Totus Tuus

Trả lời