VIỆC GIẢI THÍCH KINH THÁNH
TRONG ĐỜI SỐNG CỦA HỘI THÁNH
(Trích từ Tài liệu của Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng,“Giải thích Kinh thánh trong Giáo hội”)
Đến đây, UBKTGH mô tả cách thức Giáo hội sử dụng Kinh thánh: Giáo hội đọc Kinh thánh như là Lời Chúa được ngỏ với tất cả mọi người, dưới ánh sáng của hoàn cảnh hiện tại của dân Thiên Chúa (“hiện tại hóa”), cố gắng bảo đảm cho sứ điệp Kinh thánh bám rễ vào trong các miền đất khác nhau (“hội nhập văn hóa”), và cuối cùng, dùng Kinh thánh (“sử dụng Kinh thánh”) cách thích hợp vào những lúc quan trọng nhất của đời sống Giáo hội (phụng vụ, thừa tác vụ, đối thoại đại kết v.v.).
I.- Hiện tại hóa
“Hiện tại hóa” là “đọc lại các bản văn cổ theo những hoàn cảnh mới và áp dụng vào hoàn cảnh hiện tại của Dân Thiên Chúa”. Tài liệu, với thái độ khuyến khích, nhắc lại những kết quả tốt đã đạt được: “Nhờ việc hiện tại hóa, Kinh thánh soi sáng cho nhiều vấn đề hiện nay, chẳng hạn vấn đề các thừa tác vụ, chiều kích cộng đoàn của Giáo hội, ưu tiên chọn lựa người nghèo,v.v.” (x. EB 1516; EV 13,3106)[1].
Trong thực tế, vấn đề hiện tại hóa Kinh thánh là một vấn đề hết sức phức tạp. Không phải là chỉ cần đọc Kinh thánh với một cái nhìn trên thực tế là đủ để động cơ được phát động. Bất cứ tín hữu nào chân thành, đã có thời gian lâu dài chuyên cần làm quen với các bản văn Kinh thánh và sống cách ý thức các vấn đề của Giáo hội và của con người ngày nay, thì chắc chắn có thể đón nhận được những gì Lời Chúa đang nói vào lúc này. Nhưng điều này cũng rất có thể chỉ là một trực giác thuộc bình diện cá nhân, nếu được sống kiểu cá nhân. Hẳn là khác lắm kinh nghiệm cộng đoàn sống trong tình huynh đệ chuyên cần và đối thoại của một nhóm mang tính Giáo hội thật sự trong đó Lời Chúa lưu chuyển và vén mở cho thấy tính hiện thực của Lời[2]. Nhưng cả trong trường hợp này cũng không được quên rằng người đối thoại uy tín và người thông ngôn đích thực của Lời Chúa luôn luôn chỉ có thể là Giáo hội. Các kinh nghiệm hiện tại hóa này, tự chúng có giá trị, được lưu hành trong các cộng đoàn Giáo hội, khi được đón nhận với trách nhiệm bởi chính Giáo hội, có thể biến thành một sứ điệp mang sự sống “khả dĩ giúp cho hoàn cảnh hiện tại tiến triển một cách phong phú” (x. EB 1515; EV 13,3105). Để kết luận, ở tại gốc rễ của vấn đề hiện tại hóa, có yêu cầu phải có người nhận đích thực Lời Chúa, người thông ngôn chắc chắn các sứ điệp của Lời Chúa. Các kinh nghiệm cá nhân được sống trong đức tin, các kinh nghiệm cộng đoàn chín muồi trong đời sống huynh đệ, sẽ là những khoảnh khắc cần thiết nhưng chỉ có giá trị chuẩn bị trong hành trình của Giáo hội trong việc hiện tại hóa Lời Chúa.
II.- Hội nhập văn hóa
Tấm bảng đóng trên cây thập giá của Đức Giêsu, viết bằng ngôn ngữ của ba nền văn hóa khác nhau (Ga 19,20), dấu chỉ hùng hồn cho thấy thập giá đang ngỏ lời với mỗi nền văn hóa, trở thành gần như là một biểu tượng của ơn gọi phổ quát của Tin Mừng. Nhưng chính ơn gọi này cũng được ghi khắc sâu xa trong tất cả Kinh thánh, thấm nhuần các tương quan sống động trước đây với các nền văn hóa đông phương cổ – Mêsôpôtamia, Ai-cập, Syria – rồi sau dần dần với các nền văn hóa của thế giới tây phương, hy-lạp và la-tinh. Sứ mạng của ki-tô hữu là đưa ơn gọi tiêu biểu này của Kinh thánh đến chỗ hoàn tất, đó là phổ biến ơn cứu độ bằng cách đi vào đối thoại sống động với tất cả mọi dân tộc trên trái đất và hiệp thông vào nền văn minh chuyên biệt của họ[3].
Trong thế giới Tây phương, các giai đoạn của việc hội nhập văn hóa tiệm tiến thật rõ: thời đại các Giáo Phụ, thời đại của nền văn hóa Trung cổ, thời đại Phục hưng. Đó là cả một sinh hoạt sôi nổi được thúc đẩy bởi Lời Chúa, nay vẫn đang tiến tới. Trong các miền truyền giáo, tiến trình này đang được tái diễn, quả là có nhiều khó khăn, nhưng với một thuận lợi: hôm nay chúng ta ý thức rõ ràng hơn về tính hữu hiệu của Kinh thánh trong việc ban sức sống cho các nền văn hóa khác nhau nhất. Hôm nay tất cả chúng ta ý thức rằng Lời Chúa đang tiến đi và mang lại hoa trái (2 Tx 3,1).
III.- Việc sử dụng Kinh thánh
A.- Kinh thánh và phụng vụ
Về việc sử dụng Kinh thánh trong phụng vụ[4], chắc chắn là hữu ích việc nhớ lại rằng nhiều bản văn Kinh thánh dùng trong phụng vụ hiện nay của Giáo hội trong thực tế là thành phần của một nền phụng vụ ki-tô giáo tiên khởi (Bộ Thánh vịnh, các thánh ca như Gn 2,3-10; Lc 1,46-55 [Magnificat]; 1,68-79 [Benedictus]; các đoạn trong các thư Phaolô [Pl 2,6-11; Ep 1,3-10] và sách Khải huyền [5,9-10; 11,16-18]), và nhiều đoạn, chẳng hạn trích từ các Tin Mừng, có vẻ được tác giả thánh soạn ra để đáp lại những yêu cầu thuộc thể loại phụng vụ của cộng đoàn tiên khởi (chẳng hạn các đoạn về việc hóa bánh ra nhiều). Sự tiếp nối này trong phụng vụ giữa ngày hôm nay với thuở khai nguyên ki-tô giáo là một sự kiện nổi bật, và ta có thể thấy có một ý thức sâu xa hơn về điểm này phản ánh tích cực trong việc sử dụng các bản văn này.
Nhưng có những vấn đề thuộc loại thực tiễn và cụ thể: các tín hữu chưa quen biết bao nhiêu với các thư Phaolô hoặc các bản văn Cựu Ước. Người hữu trách về mục vụ cần suy nghĩ để giúp giáo dân.
B.- Lectio divina
Cần phải nhìn nhận rằng kinh nghiệm phổ biến hiện nay trong việc nối kết đọc Kinh thánh, cầu nguyện và suy tư, đang đưa lại một sinh lực thực sự[5] Có lẽ vấn đề đầu tiên hệ tại việc nhấn mạnh trên chặng đầu và căn bản, “lectio”, để những chặng sau – suy niệm, chiêm ngưỡng, cầu nguyện – luôn luôn trào vọt ra từ bản văn Kinh thánh mà người ta tiếp cận với lòng tôn kính.
C.- Trong tác vụ mục vụ
1) Kinh thánh và huấn giáo[6]
Trong huấn giáo, phải đưa vào mọi chiều kích của đời sống ki-tô hữu: Kinh thánh, phụng vụ, giáo thuyết, luân lý, v.v., nhưng chỗ đầu tiên thuộc về chiều kích Kinh thánh, là nơi ưu tiên cho việc mạc khải của Thiên Chúa. Vậy Kinh thánh không là một trợ giúp, cho dù là một trợ giúp ưu tiên, của huấn giáo, một bản văn để ta kín múc các nội dung hoặc các luận điểm; Kinh thánh chính là “quyển sách” của huấn giáo ki-tô giáo. Như vậy, không được chỉ giới hạn vào việc tăng thêm các chỗ trích dẫn Kinh thánh theo kiểu chuyển về tùy hoàn cảnh hoặc chỉ như điểm tựa cho lời trình bày; cũng không được chỉ tóm tắt một vài đề tài Kinh thánh, nhưng phải giúp tiếp xúc với cấu trúc thuật truyện và sứ điệp của bản văn; cung cấp một kiểu giải thích mạch lạc với những đòi hỏi của khoa chú giải hiện đại; giúp chuẩn bị cá nhân đọc trực tiếp vào bản văn.
2) Kinh thánh và bài giảng[7]
Theo kinh nghiệm mục vụ, có năm nguy cơ: (1) nói mà quên mất bản văn thánh; (2) sử dụng ý nghĩa của bản văn khi hướng nó theo những chiều hướng không phải là của nó; (3) giải thích bản văn kiểu luân lý; (4) lạc vào trong chuyện trừu tượng hoặc vào trong lời lẽ không dính líu gì đến đời sống của người tín hữu; (5) mất liên lạc với cuộc cử hành trong đó bài đọc và bài giảng được đặt vào.
Cần nhấn mạnh hai điểm căn bản: (a) nêu bật vị trí trung tâm của bản văn Tin Mừng, và dưới ánh sáng của bài Tin Mừng, hiểu các bài đọc khác; (b) minh nhiên tìm một dây liên kết giữa Lời được loan báo và cuộc cử hành bí tích. Một điểm cần tiết thực tiễn: dọn bài giảng trong một thời gian đầy đủ và có sự góp ý của các tín hữu.
Còn theo Tài liệu của UBKTGH, nên nhấn mạnh trên hai điểm: (1) bài giảng là một dịp thuận tiện để “hiện tại hóa” Lời Chúa; (2) “tránh nhấn mạnh một chiều đến những bổn phận áp đặt lên các tín hữu”, tránh “giảng luân lý suông”. Không phải là bằng cách “giảng luân lý” mà giúp được các tín hữu giải quyết các vấn đề luân lý, nhưng là bằng cách góp phần làm cho sống động và trung thực việc hiệp thông thân mật với Thiên Chúa cứu độ và công chính.
3) Việc tông đồ Kinh thánh
Đây là lãnh vực mà một Hội đồng giám mục có thể đảm nhận: cổ võ những sáng kiến mục vụ Kinh thánh không những ở bình diện quốc gia mà cả bình diện giáo phận, mở các khóa huấn luyện các linh hoạt viên Kinh thánh để phục vụ các nhóm Kinh thánh; mời các chuyên viên Kinh thánh cộng tác; cổ võ một công việc tông đồ Kinh thánh tại gia đình…[8]
D.- Trong chiều hướng đại kết
Ở đây nên nhắc lại tài liệu của Hội đồng Tòa thánh về việc cổ võ sự hiệp nhất các ki-tô hữu, Chỉ nam cho việc áp dụng các nguyên tắc và các quy tắc về đại kết (ss. 1 và 3): mời gọi các tín hữu và các cộng đoàn của mọi Giáo hội đọc Lời Chúa chung với nhau “nếu có thể”, không những để giúp việc hiểu biết chung về Kinh thánh và việc cầu nguyện với Lời Chúa, mà nhất là để nhờ đó củng cố dây hiệp nhất đã có[9]. Như thế, nên mời gọi các Giáo hội mở ra với các hoạt động tông đồ Kinh thánh dưới những hình thức đối thoại và cộng tác với các ki-tô hữu khác, thậm chí cả với những người không tin, nhưng quan tâm đến Kinh thánh dù chỉ với mục đích trau dồi văn hóa[10].
Riêng Tài liệu của UBKTGH thì có giọng rất khích lệ. Đây là một sự kiện rất ý nghĩa, bởi vì ta biết rằng việc đọc Kinh thánh trong đối thoại giữa các Giáo hội thật sự nói lên hai điều: (1) con đường bó buộc và xây dựng cho một cuộc gặp gỡ thật sự (chẳng hạn làm các bản dịch liên tôn); (2) nhưng cũng là con đường khô khan của sự đối chiếu, thậm chí của sự bất đồng ý kiến. Ở đây nên đọc lại số 21 của Sắc lệnh về Hiệp nhất (Unitatis Redintegratio) của Công đồng Vatican II: trong bản văn này, Công đồng khẳng định thẳng thắn sự khác biệt về cách tiếp cận Kinh thánh của công giáo và các tôn giáo khác, nhưng không vì đó làm suy yếu đi xác tín là có thể thực sự tiến tới hiệp nhất chỉ nhờ việc bền bỉ và kiên nhẫn đọc Lời Chúa trong tình huynh đệ. Chúng ta cũng ghi nhận rằng Thông điệp mới đây về đại kết Ut Unum Sint (25-5-1995) đã dành cho vấn đề sử dụng đại kết Kinh thánh một đoạn ngắn (số 44) với giọng thoải mái và lạc quan, nhưng chỉ quy chiếu về các bản dịch đại kết trong các nhóm ngôn ngữ khác nhau[11].
Nói rằng trong hành trình đại kết, việc đọc và giải thích Kinh thánh là một con đường đầy hứa hẹn, nhưng cũng đầy khó khăn, chúng ta đã biết qua những nỗ lực của phong trào đại kết quốc tế[12]. Về một điểm quá tế nhị và quyết liệt như thế đối với sự sống của toàn thể Ki-tô giáo, cần phải nắm vững khẳng định kết thúc của Tài liệu Công đồng trích ở trên nói rằng chính việc đối thoại hiệp nhất về Kinh thánh có tính hữu hiệu do Thiên Chúa (chứ không do con người); nghĩ như thế cũng là để có thể đánh giá cách đúng đắn các lời lẽ bình thản và khích lệ, nhưng cũng đầy ý thức, của Tài liệu của UBKTGH.
[1] Về vấn đề và phương pháp hiện tại hóa, xem: B. Maggioni, “Il problema dell’ermeneutica biblica e dell’attualizzazione in prospettiva pastorale”, trong G. Zevini (a c. di), Incontro alla Bibbia (LAS; Roma 1978) 55-70; Aa. Vv., Attualizzazione della Parola di Dio nelle nostre comunità (Bibbia e catechesi 9; EDB; Bologna 1983); U. Vanni, “Esegesi ed attualizzazione”, trong R. Latourelle, Vaticano II. Bilancio e prospettive venticinque anni dopo (1962-1978), vol. I (Cittadella; Assisi 1987) 308-323.
[2] C. Bissoli, “Interpretare per attualizzare”, Rivista di pastorale liturgica 19 (1981) 13-20.
[3] “Evangelii inculturatio: possibilitates et limites”, Seminarium n.s. XXXII (1992), n. 1; A. Peelman, L’inculturazione. La Chiesa e le culture (Giornale di teologia 216; Queriniana; Brescia 1993); “La Bibbia come eredità culturale”, Concilium 1995, n. 1.
[4] A.M. Triacca, “Bibbia e Liturgia”, trong Nuovo Dizionario di Liturgia (Ed. Paoline; Roma 1984) 175-197; R. De Zan, “La Bibbia nella Liturgia”, Studia Patavina 41 (1994) 167-172; O. Vezzoli, “Bibbia e Liturgia”, trong La Bibbia (Piemme; Casale Monf. 1995) 3223-3242; E.H. van Olst, The Bible and Liturgy (Eerdmans; Grand Rapids, MI 1991).
[5] E. Bianchi, “La lettura spiritule della Scrittura oggi”, trong Aa. Vv., L’esegesi cristiana oggi (Piemme; Casale Monf. 1991) 215-277; G. Zevini, “La lectio divina, lettura della Bibbia per il popolo”, trong C. Bissoli (a c. di), Il popolo di Dio incontra la Bibbia (coll. “Bibbia. Proposte e metodi”; Elle Di Ci; Leuman (Torino) 1995) 48-49.
[6] C. Bissoli, “Attualizzazione della Parola di Dio nella pastorale e nella catechesi”, trong Aa. Vv., Attualizzazione della Parola di Dio (EDB; Bologna 1983) 175-204; La Bibbia nella catechesi (Elle Di Ci; Leumann (Torino) 1985); G. Betori, “La Bibbia nella catechesi”, Studia Patavina 41 (1994) 153-165.
[7] L. Della Torre, art. “Omelia”, trong Nuovo Dizionario di Liturgia (ed. Paoline; Roma 1984) 923-943; L. Maldonado, L’omelia. Predicazione, liturgia, comunità (ed. San Paolo; Cinisello B. (MI) 1995).
[8] G. Betori, “Tendenze attuali nell’uso e nell’interpretazione della Bibbia”, trong R. Fabris (a c. di), La Bibbia nell’epoca moderna e contemporanea (EDB; Bologna 1992) 247tt.; F. Perenchio, “La Bibbia in alcuni movimenti ecclesiali”, Credere oggi 2 (1982), số 9, tr. 87-98; G. Zevini, “Attualizzazione della Parola di Dio nelle comunità e nei movimenti ecclesiali”, trong Aa. Vv., Attualizzazione della Parola di Dio (EDB; Bologna 1983) 205-231.
[9] Để cho thấy Tân Ước tha thiết cổ võ cho mục tiêu đại kết, UBKTGH trích Ga 10,16 (“một đàn chiên, một mục tử”); 17,11 (Đức Kitô cầu nguyện “cho họ nên một”); 17,22 (“để họ nên một, như chúng ta là một”); 1 Cr 12,14-27 (tình liên đới của các ki-tô hữu, “tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể” [x. Rm 12,4-5]; Pl 2,1-5; Ga 15,4-5; Ep 1,22-23; 4,4-6.12-16).
[10] Điều này đã đúng với Thông điệp của Đức Piô XII năm 1943. Xem J. Reumann – J.A. Fitzmyer, “Scripture as Norm for Our Common Faith”, JES 30 (1993-94) 81-107; R.E. Brown et al. (eds.), Peter in the New Testament: A Collaborative Assessment by Protestant and Roman Catholic Scholars (Augsburg; Minneapolis, MN/Paulist; New York 1973); Mary in the New Testament: A Collaborative Assessment by Protestant and Roman Catholic Scholars (Paulist; New York/Fortress; Philadelphia, PA 1978); E. Fleeseman-van Leer (ed.), The Bible: Its Authority and Interpretation in the Ecumenical Movement (World Council of Churches; Geneva 1969).
[11] J. Potin (ed.), Traduction oecuménique de la Bible: Édition intégrale (2 vols.; Cerf/Les Bergers et les Mages; Paris 1975; tái bản 1985); O. Knoch et al. (eds.), Die Bibel: Einheitsušbersetzung der Heiligen Schrift, Altes und Neues Testament (Katholische Bibelanstalt/Deutsche Bibelstifung; Stuttgart 1979-80).
[12] Xem R. Bertalot – I. Gargano, La Bibbia. La sua autorità e interpretazione nel movimento ecumenico (Claudiana – Elle Di Ci; Torino 1982; L. Sartori, “La Bibbia nel cammino ecumenico”, Studia Patavina 41 (1994) 181-186.
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận