Tứ Diệu Đế Trong Giáo Lý Phật Giáo Nguyên Thuỷ

Listen to this article

Mục Lục

Dẫn nhập 

  1. Khái quát về Tứ Diệu Đế
  2. Truy tầm từ nguyên
  3. Một vài khái niệm cơ bản
  4. Nội dungTứ Diệu Đế
  5. Khổ đế
  6. Tập đế
  7. Diệt đế
  8. Đạo đế

III. Vị trí, vai trò của Tứ Diệu Đế trong giáo lý Phật giáo nguyên thủy

Kết luận

 THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO                                                                                                       

Dẫn nhập

Con người, dù ở trong thời đại nào, luôn đặt ra những câu hỏi về nguồn gốc, ý nghĩa sự hiện hữu của mình và đi tìm câu trả lời cho nó. Có những người còn đặt ra câu hỏi liệu có cuộc sống sau khi ta kết thúc cuộc sống này hay không? Dầu vậy, trong cuộc sống hiện tại, con người luôn phải sống chung với hạnh phúc và đau khổ. Trong kiếp nhân sinh thử hỏi ai không có đau khổ? Kẻ đau khổ về thể xác, người đau khổ về tinh thần. Người đang quằn quại vì bệnh tật, kẻ đau thương vì mất mát người thân. Kẻ đau buồn vì gia đình rạn vỡ, người khốn khổ vì không chốn nương thân. Kẻ bị áp bức bởi ác tâm người chiếm đoạt, người bị trị bởi dã tâm kẻ độc quyền. Đối diện với đau khổ, có người phải oằn mình chịu đựng, có kẻ lại rơi vào thất vọng ê chề và đi đến tuyệt vọng, đường cùng. Đứng trước đau khổ, nhiều người tỏ ra bất lực. Không ít người sống trong lo âu, sợ hãi và bất an. Nhưng qua đau khổ, con người không ngừng đặt ra những câu hỏi: Thế giới là hữu hạn hay trường tồn? Vận mệnh của con người trong cuộc sống là gì? Làm thế nào để loại bỏ được những nguyên nhân đau khổ đang nhấn chìm con người trong thế giới hiện thực? Nếu có kiếp sau, đời sống ở kiếp này có ảnh hưởng gì đến nó không? Là con người, có lẽ ai cũng mang trong mình khát khao tìm kiếm hạnh phúc và không ngừng đi tìm kiếm câu trả lời cho mình. Một trong số đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni,[1] ngài đã chứng kiến những cảnh khổ đau của con người và chúng sinh. Lòng trắc ẩn của ngài đã thúc giục ngài tìm đường giải thoát cho bản thân và chúng sinh khỏi đau khổ. Sau khi giác ngộ chân lý giải thoát, Đức Phật đã không ngừng thuyết giáo những chân lý đó nhằm giúp chúng sinh giải thoát khỏi khổ đau. Ngài đã để lại những bài giáo pháp và nó trở thành giáo lý của các tín đồ Phật giáo. Một trong những bài giáo pháp được Đức Phật thuyết giảng nhiều là “Tứ Diệu Đế”. Đối với Đức Phật, Tứ Diệu Đế như là phương cách giúp con người giải thoát khỏi khổ đau. Để hiểu rõ hơn về những chân lý đau khổ và chấm dứt đau khổ mà Đức Phật giảng cho các tín đồ theo ngài, người viết lựa chọn đề tài “Tứ Diệu Đế trong giáo lý Phật giáo nguyên thủy”. Bài tiểu luận được trình bày theo cấu trúc như sau: (I) Trước hết, ta sẽ tìm hiểu khái quát về Tứ Diệu Đế; (II) Tiếp đến, ta tìm hiểu nội dung chính của Tứ Diệu Đế; (III) Cuối cùng, ta tìm hiểu về vị trí và vai trò của Tứ Diệu Đế trong giáo lý Phật giáo nguyên thủy.

I. Khái quát về Tứ Diệu Đế

Bài giảng đầu tiên tại vườn Lộc Uyển của Đức Phật sau khi giác ngộ là mô tả về bốn chân lý của đau khổ. Đau khổ là một phần của cuộc sống. Đức Phật cho rằng mỗi con người được sinh ra trên đời này không ai thoát khỏi khổ đau vì ngay chính quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” đã là nguyên nhân đau khổ của một kiếp người. Vì đau khổ là một phần của cuộc sống, do đó đau khổ có thể kết thúc. Ngài mô tả những con đường để đạt tới sự chấm dứt đau khổ. Những ý tưởng này tổng hợp thành những giáo lý then chốt trong giáo pháp của ngài. Để giúp hiểu rõ hơn về Tứ Diệu Đế, ta đi tìm hiểu cách khái quát một vài khái niệm của nó.

1. Truy tầm từ nguyên

Tứ Diệu Đế, tiếng Pāli viết là Cattāri Ariya Saccāni, Phạn ngữ viết चत्वारि आर्यसत्यानि,[2] chữ La tinh hóa đọc là catvāry āryasatyāni.

Catvāry trong Phạn ngữ có nghĩa là con số bốn, viết từ chữ चत्वारि.

Ārya viết  từ chữ अर्य, thuật ngữ này là một từ trong tiếng Phạn xưa, có nguồn gốc từ thời Ấn – Ba Tư, hay thời tiền Ấn – Âu. Ārya có nhiều ý nghĩa như sau:  Người phục vụ với lòng nhiệt thành, tận tâm, trung tín, trung thành, thân thiện, chăm sóc, cao quý, đẳng cấp thứ ba trong bốn giai cấp Bà – la – môn, đức tính, quý tộc, tốt hơn, chúa, làm chủ, đáng kính, danh dự, thầy, chủ nhân, chân chính, chiến binh tinh thần, anh hùng, người đã làm việc cho sự bình đẳng, tiến bộ, văn minh, các kinh nghiệm, người tiên tiến, cấp trên.

Satyāni được viết từ chữ सत्य. Satyāni có các nghĩa như sau: Đúng, sự thực tế, sự thật, lời hứa, lời thề, chân thành, trung thực. Satyāni được dịch ra là Đế.

Như vậy, Cattāri Ariya Saccāni được dịch là “Tứ Diệu Đế” hay “Tứ Thánh Đế” có nghĩa là “bốn chân lý cao cả.”

2. Một vài khái niệm cơ bản

 Bốn chân lý cao cả là gốc căn bản của giáo pháp Phật giáo, đó là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Theo Từ điển của Đoàn Trung Còn, ta có thể đưa ra các khái niệm về sự khổ, tập, diệt và đạo:

Thứ nhất, Khổ đế là chân lý về sự khổ. Khổ được dịch từ Dukkha. Dukkha có các nghĩa: Khổ, khó chịu, hoạn nạn, bệnh tật, suy nhược, những sự ưu sầu buồn não, bức bách thân tâm. Đức Phật dạy rằng chúng sinh hằng chịu cái khổ của “sinh, lão, bệnh, tử” bởi chứng vô minh, mê muội, tham lam, luyến ái, ham muốn. Do đó, muốn dứt khổ phải dứt cái ham muốn, tức là thi hành bốn cái diệu đế của Phật, diệt trừ mười hai nhân duyên dính lứu với nhau mà tạo ra các nỗi khổ.[3]

Thứ hai, Tập đế là chân lý về sự phát sinh của khổ. Tập được dịch từ Samudaya. Samudaya nghĩa là tụ tập, nhóm họp. Tập đế là sự tụ tập nguyên nhân, nguồn gốc để gây nên mọi sự khổ. Nguồn gốc, nguyên nhân gây ra khổ là ái.[4]

Thứ ba, Diệt đế là chân lý về diệt trừ khổ não. Theo âm Phạn ngữ là Nirodha nghĩa là dứt, trừ, làm cho tắt. Diệt đế là chân lý thứ ba trong Tứ Diệu Đế. Khi một người nhận ra đời là khổ, cái khổ đó vì lòng tham, sân, si và luyến ái mà có, bây giờ muốn dứt khổ thì phải hạ cái lòng tham luyến ấy xuống, bỏ đi các sự lưu luyến, dính bén, trục chúng ra khỏi mình, không còn biết đến chúng nữa.[5]

Ðạo đế là chân lý thứ tư trong Tứ Diệu Đế. Đạo được dịch từ Gamini. Gamini nghĩa là có tính cách đưa tới, dẫn đi, hay là con đường dẫn tới chỗ đã định trước. Như vậy, trong chân lý thứ tư này ta thấy đạo là con đường đưa tới Niết bàn. Đức Phật đã đưa ra các con đường dẫn tới giải thoát mà ngài gọi là Bát Chính Đạo.[6]

Bên cạnh đó, theo Từ điển Tiếng Việt của giáo sư Hoàng Phê ta có các khái niệm về khổ, tập, diệt và đạo như sau:

Thứ nhất, khổ có nghĩa là quá khó khăn, thiếu thốn về vật chất, hoặc bị dày vò, đau đớn về tinh thần.[7]

Thứ hai, tập ở đây hiểu theo là tập hợp. Tập hợp nghĩa là từ nhiều vật, nhiều chỗ, nhiều nơi khác nhau tập trung lại một chỗ, một nơi.[8]

Thứ ba, diệt là làm cho không còn tiếp tục tồn tại để có thể tác động nữa.[9]

Thứ tư, đạo là chỉ đơn vị hành chính hoặc người cai quản một xóm làng ngày xưa. Đạo cũng có nghĩa là đường lối, nguyên tắc mà con người có bổn phận giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội. Đạo cũng là nội dung học thuật của một học thuyết được tôn sùng ngày xưa.[10]

Qua phân tích như trên, từ चत्वारि आर्यसत्यानि (Catvāry āryasatyāni, Cattāri Ariya Saccāni) được hiểu là “bốn sự thật cao quý, bốn chân lý cao quý hay còn gọi là Tứ Diệu Đế, Tứ Thánh Đế” mà Đức Phật đã thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển.[11] Tứ Diệu Đế được Đức Phật trình bày như một tiến trình chữa bệnh qua bốn bước. Tiến trình đó diễn ra như sau: Trước hết, ta phải biết nguyên nhân gây ra sự đau khổ; thứ đến, ta phải tìm ra nguồn gốc để chữa trị; thứ ba, ta quyết diệt trừ tận gốc nguồn gốc gây ra đau khổ; cuối cùng, ta thực hiện diệt trừ nguồn gốc đau khổ bằng những phương thức khác nhau.

II. Nội dung Tứ Diệu Đế

Giác ngộ được sự giải thoát, Đức Phật đã chia sẻ cho chúng sinh điều mình đã đạt được nhằm chỉ đường cho chúng sinh hoàn toàn thoát khỏi đau khổ. Theo Đức Phật, mỗi cá thể chết đi sẽ được tái sinh vào một trong thế giới tùy theo nghiệp thiện ác của mình. Vậy phải làm thế nào để con người mới có thể thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử? Đó là phải trở thành người giác ngộ được hoàn toàn ba chân lý Huệ – Giới – Định. Để giác ngộ được Huệ, Giới, Định, chúng sinh cần phải trải qua các bước như Tứ Diệu Đế trình bày. Ngài đã trình bày Tứ Diệu Đế như tiến trình để chữa trị cho một bệnh nhân. Bệnh nhân cần xác định nguyên nhân, nguồn gốc căn bệnh, phương hướng và cách chữa trị căn bệnh đó. Như vậy, để tiêu diệt đau khổ trong con người, chúng sinh cũng thực hiện một tiến trình như thế. Chúng sinh phải nhận ra chân lý của sự đau khổ, nguồn gốc của nó, quyết tâm diệt khổ bằng những phương pháp hữu hiệu.

1. Khổ đế

Trước hết, con người cần phải nhận ra mình đang phải dò dẫm bước đi trong biển đời đầy đau khổ. Con người phải nhận ra bản chất nguyên nhân thật sự hủy hoại hạnh phúc của mình luôn hiện hữu ngay bên trong bản thân.[12] Tại vườn Lộc Uyển, Đức Phật đã trình bày về chân lý của sự khổ với những người đang nghe mình:

“Đây là sự thật về khổ. Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, không ưa thích mà gặp là khổ, yêu thương mà phải xa lìa là khổ, mong cầu mà không được là khổ. Tóm lại, bám víu vào thân ngũ uẩn là khổ.”[13]

Niềm khát khao được thoát khỏi đau khổ sẽ không sinh khởi trừ khi con người nhận biết được mình đang đau khổ.[14] Sự hiểu biết về đau khổ càng sâu sắc, rõ ràng thì niềm khao khát giải thoát càng mạnh mẽ hơn. Quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” là bốn nguyên nhân đau khổ không thể tránh khỏi, gắn liền với thân phận con người. Con người bình thường sinh ra ắt sẽ trải qua bệnh, lão và cuối cùng là tử. Chỉ khi nào con người thoát khỏi vòng sinh ra thì ba cái kia ắt tự mất. Sinh gây ra khổ, điều đó nghĩa là hồi còn trong bụng mẹ đến lúc sinh ra và trong thời kì ấu trĩ, mình khổ và làm cho cha mẹ khổ. Hay khi già cả, mắt mờ, tai điếc, không làm được gì, phải cậy dựa người khác sinh ra khổ. Đau yếu, bệnh tật cũng làm ta khổ và khiến những người giúp đỡ ta cũng khổ. Cuối cùng, khi ta chết có thể chịu đau đớn mà chết, chịu bệnh tật mà chết hay chết cách “bất đắc kì tử”, và để lại bi thương cho người thân cũng gây ra khổ. 

Khổ còn bắt nguồn từ nguyên nhân gặp gỡ, hội tụ với người mình không ưa hay phải rơi vào hoàn cảnh mình không thích, sử dụng những vật mình không muốn. Những điều tiêu cực đó là điều không ai muốn. Do đó, chúng làm cho con người không vui, gây bối rối, khó chịu và lại tăng thêm lòng thù ghét. Từ đó, bản thân sẽ rơi vào chán chường hay phiền não, đó là khổ. Ngược lại, khi phải xa gia đình, xa người thân yêu, xa những điều mình thích đều dẫn đến đau khổ. Lúc này, khổ không phải là sự đau đớn về thể xác cho bằng đau khổ về tinh thần. Tinh thần của người đó sẽ cảm thấy sự thiếu vắng, trống rỗng, cô đơn. Điều đó làm tâm hồn buồn sầu và đau khổ.

Ngoài ra, khổ đến từ những gì con người muốn, ao ước nhưng không đạt được dẫn đến đau khổ. Những gì con người đạt được chỉ mang lại niềm vui tạm thời. Ví dụ: ăn ngon, mặc đẹp hay danh dự, địa vị, chúng chỉ mang lại thỏa mãn hữu hạn rồi đưa con người tiếp tục rơi vào đau khổ.

Cuối cùng, Đức Phật đề cập đến “ngũ uẩn thịnh khổ” là năm yếu tố gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức.[15] Các yếu tố này đều có tính vô thường, sinh diệt, không thật, không có gì trường tồn để có thể gọi là ngã. Đức Phật cũng nói về điều này như sau: “Thân thể này không phải là ngã, cũng không phải là vật sở hữu của ngã. Ngã không nằm trong thân thể, thân thể cũng không nằm trong ngã.”[16] Tuy nhiên, con người lại bám vào những yếu tố này và cho rằng có bản chất của ngã từ đó sinh ra khổ. Vì thế, ta phải nhận ra tính không trong bản chất của chúng.[17]

Như vậy, đau khổ bắt nguồn từ những nguyên nhân ngay trong thân phận chóng qua của con người. Quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” không tha một ai. Sống trong xã hội này, con người không thể tránh khỏi những tình cảm thương, ghét hay những nhu cầu cho cuộc sống nhằm thỏa mãn các dục vọng của tấm thân ngũ uẩn, những thứ đó đều dẫn con người đến đau khổ. Vậy đâu là nguồn gốc sâu xa gây nên đau khổ?

2. Tập đế

Sau khi nêu ra các nguyên nhân đau khổ, Đức Phật giải thích và trình bày nguồn gốc sâu xa của đau khổ là bắt nguồn từ dục vọng, tất cả đau khổ đều khởi sinh từ lòng tham ái mà ra:

“Đây là sự thật về Khổ Tập Khởi: Chính tham ái là tập khởi của khổ, là sinh khởi của khổ, là nguyên nhân của tái sinh, với sự hợp tác của lòng thiết tha khao khát mong được cái này, cái kia trong cuộc sống. Chính tâm tham cầu dục lạc, tham cầu hiện sinh và tham cầu vô sinh là nguyên nhân của tái sinh và đau khổ.”[18]

Có thể khẳng định rằng, nguồn gốc của mọi đau khổ là sự kết hợp của “ái dục” hay còn gọi là dục vọng, đó là tham, sân, si.[19] Chính dục vọng tạo ra sự luân hồi và tái sinh, nó bị trói buộc với sự tham muốn si mê và đi tìm khoái lạc chỗ này chỗ khác. “Dục vọng” được Đức Phật nhấn mạnh vào ba loại: Dục vọng về khoái lạc giác quan, nhục dục; dục vọng được sống, được hiện hữu, được trở thành; và dục vọng vì không được hiện hữu, vì quan điểm cho rằng không còn được hiện hữu sau khi chết.[20]

Trước hết dục vọng về khoái lạc giác quan hay nhục dục là nhắm tới những đối tượng của giác quan. Mỗi người đều sở hữu “lục giác” hướng tới đối tượng là: Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.[21] Tuy nhiên, bởi vì sự vô minh mà con người không hiểu biết được những sự vật như bản chất thực sự của chúng. Do đó, những cái không tốt đẹp lại cho là tốt đẹp, rồi yêu thích nó. Khi sự yêu thích khởi sinh thì mong muốn bắt đầu, do đó sinh ra dục vọng. Từ đó, nó dẫn dắt mình hướng tới suy nghĩ, hành động để đạt được và thỏa mãn dục vọng. Thỏa mãn giác quan chính là bám víu vào ngũ uẩn, vì thế, nó sinh ra đau khổ.

Thứ hai, dục vọng về sự hiện hữu. Trường tồn là ước muốn sâu xa nhất của con người. Dục vọng này bắt nguồn từ tư tưởng về sự thường hằng hay sự hiện hữu trường tồn. Khi sống trong kiếp luân hồi hay chuyển từ kiếp này qua kiếp khác, thân xác thay đổi mà linh hồn không thay đổi. Do đó, cái tôi luôn có cảm giác tồn tại. Vì thế, dục vọng này mưu cầu được sinh ra nơi sung sướng, được hưởng phúc đức từ kiếp trước, ước muốn sinh ra phải là đàn ông hay đàn bà ở kiếp sau. Chính những điều này liên quan đến ngũ uẩn là nguyên nhân sinh ra đau khổ.  

Thứ ba, ngược với dục vọng trên là vì không hiện hữu. Một số người lại cho rằng linh hồn cũng như mạng sống chỉ ở trong kiếp này thôi, chỉ tồn tại khi đang sống, không còn gì sau khi chết. Với quan điểm này, con người không cần phải nỗ lực sống tốt với người hay vật khác, không cần phải kiêng cữ những ý nghĩ và hành động, tức là làm điều ác mà không sợ báo ác. Do đó, người ta cố gắng theo đuổi những đối tượng thỏa mãn giác quan, thỏa mãn nhục dục bằng mọi cách. Chính sự thỏa mãn này lại cũng liên quan đến ngũ uẩn, vì thế nó sinh ra đau khổ. 

Tóm lại, đau khổ sinh ra là do sự kết hợp của các tham ái hay dục vọng trong chính con người. Dục vọng này nhằm thỏa mãn tấm thân ngũ uẩn nên sinh ra đau khổ. Khi xác định rõ được nguồn gốc sâu xa nhất của đau khổ là “dục”, ta quyết tâm diệt trừ nó.

3. Diệt đế

Sau khi ta đã hiểu rõ nguyên nhân và nguồn gốc của đau khổ thì tiến tới bước thứ ba là loại bỏ nguồn gốc của đau khổ: Diệt dục. Diệt dục là làm biến mất và tắt ngấm những dục vọng. Đức Phật nói:

“Đây là sự thật về Khổ Đoạn Diệt, chính là khi tâm đã hoàn toàn xa lìa và tận diệt tham ái, không còn ham muốn lợi danh, không còn chạy theo dục vọng các căn. Đó là tâm rời bỏ, từ khước, thoát ly và không luyến tiếc, không vướng mắc.”[22]

Điều này đòi hỏi sự buông bỏ dục vọng để hướng tới tự do và giải thoát. Con đường giải thoát là con đường diệt trừ vô minh, “vô minh diệt thì tham ái diệt; tham ái diệt thì phiền não diệt và khổ đau diệt.”[23] Khi phiền não và khổ đau diệt, con người sẽ đạt đến Niết bàn.

“Niết bàn là cảnh giới vô niệm, phi tư tưởng, bất khả tư nghị, bất khả ngôn thuyết, bất khả đạo, vượt ngoài khả năng thấu hiểu của ý niệm, tư tưởng, suy luận, diễn giải của ngôn từ, văn tự.”[24]

Như vậy, để thoát khỏi đau khổ, ta cần tận diệt căn nguyên của nó là dục, là lòng tham ái, là sự vô minh. Vậy đâu là cách thế giúp con người thực hiện điều đó?

4. Đạo đế

Cuối cùng, khi hiểu được các nguyên nhân, nguồn gốc và phương thức loại bỏ đau khổ, con người tiến đến thực hành diệt trừ đau khổ. Đức Phật đưa ra cho các con đường để giúp con người thoát khỏi đau khổ:

“Đây là sự thật về Con Đường Đưa Đến Hết Khổ, chính là Bát Chính Đạo, gồm có chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm và chính định.”[25]

Đạo đế gồm tám con đường giúp con người tập trung vào tiêu diệt ái dục. Tám con đường được chia thành Huệ – Giới – Định.[26] Huệ[27] nghĩa là trạng thái tâm trí cao nhất mà chúng ta đạt được thông qua việc rèn luyện về tinh thần. Giới nghĩa là giới luật mà chúng ta không được phép phạm phải. Định nghĩa là một cách chuẩn bị để đạt đến sự trong sạch của tâm.

“Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Huệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Huệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu là: Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.[28]

Bát Chính Đạo không phải là một tiến trình sắp xếp theo thứ tự nhất định, như là yếu tố này phải đứng trước yếu tố kia. Những yếu tố này có thể được diễn tả một cách trung lập. Để hiểu rõ hơn về Bát Chính Đạo, ta đi vào chi tiết của mỗi con đường.

Chính tri kiến nghĩa là con người cần có một cái nhìn, cái biết đúng đắn, chân thực, khách quan. Nhận biết bản chất mọi sự như chúng là.[29] Nhờ đó, con người sẽ loại bỏ được mọi thành kiến, mọi suy nghĩ tốt xấu, khen chê. Sự hiểu biết này có thể là biết một cách thông thường nhờ ghi nhớ, tích lũy hoặc biết một cách sâu sắc thật sự nhờ nghiên cứu học hỏi và thực hành nghiêm túc để thấy được bản chất thật sự.

Chính tư duy là suy nghĩ chân chính. Nhờ suy nghĩ đúng đắn, đích thực về sự thật mà ta từng bước đi vào thực hành đúng đắn. Hay nhờ các tư tưởng chân chính giúp ta dứt bỏ tâm tham ái, tâm sân hận và tâm si mê.

Chính ngữ là lời nói đúng đắn, trung thực và hợp đạo lý. Dù một mình hay với tha nhân ta không nói lời sai trái, vu khống bịa đặt; không nói lời hung dữ, mắng chửi, nhục mạ; không nói chuyện tầm phào, tào lao và chuyện vô tích sự.  

Chính nghiệp là việc làm đúng đắn không gian dối. Những hành động chân chính có ý nghĩa bảo vệ, xây dựng và chở che cho sự sống như: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Trái với chính nghiệp là những hành động tà nghiệp. Ví dụ, những hành động tạo ra đau khổ cho người lẫn thú vật, như khi nóng giận, đanh đá, chửi bới, nguyền rủa người khác.

Chính mệnh là sống chân chính, không tham lam vụ lợi, không xa rời nhân nghĩa. Cuộc sống là sự chiến đấu không ngừng để đạt được những nhu cầu khẩn thiết cho sự bảo tồn đời sống cá nhân và nuôi sống gia đình. Theo Đức Phật thì tất cả suy nghĩ và hành động của con người đều khởi nguồn từ tâm.[30] Nếu con người có tâm tốt và biết lo lắng tới việc phát triển xã hội loài người, bằng hành động thực tế, thì kết quả sẽ có ích cho nhân loại.

Chính tinh tấn là sự cố gắng, nỗ lực chân chính. Người có nỗ lực không mệt mỏi trong việc tu tập đúng đắn, thì đó chính là năng lực tinh tấn để tự mình thoát khỏi những cám dỗ nhất thời, trong xiềng xích ngục tù của cái ác. Làm việc gì trên đời, ta đều cần có sự chú tâm và siêng năng, thì mới đưa đến sự thành công. Mọi sự khởi đầu đều khó khăn nhưng nếu ta không bắt tay và cố gắng thì chỉ là ảo tưởng.

Chính niệm là suy niệm chân chính. Chính niệm được xem như một ngọn đèn tỉnh thức để giúp cho tâm thấy và biết được ý nghĩa tốt đẹp của sự sống mà không sống trong mê lầm. Phương pháp tu tập chính niệm là sự ý thức được rằng mình đang làm cái gì đó trong từng giây phút của đời sống mình. Sống trong chính niệm là sống trong tỉnh thức, là sống trong sự giác ngộ. Càng giữ chính niệm được lâu thì tính giác ngộ nơi ta càng sáng tỏ và lớn mạnh.[31]

Chính định là kiên định tập trung tâm tư vào con đường chân chính không để bất cứ điều gì lay chuyển làm thoái chí, phân tâm. Chính định là một phương pháp tu tâm trọng yếu, khiến cho Giới được trong sạch, cho Huệ được thanh cao. 

Như vậy, Bát Chính Đạo là tám con đường riêng biệt chứ không phải tám bước của một con đường cần thực hiện theo thứ tự. Tất cả đều có thể thực hiện ít nhiều cùng lúc và luôn bổ trợ cho nhau. Theo Đức Phật, Bát Chính Đạo mới dẫn đến giải thoát, dẫn đến giác ngộ và chấm dứt khổ đau của kiếp này và những kiếp khác chứ không phải việc thờ cúng, sùng bái hay những lễ nghi phức tạp.[32]

III. Vị trí, vai trò của Tứ Diệu Đế trong giáo lý Phật giáo nguyên thủy

Trong các sách ghi chép về giáo pháp của Đức Phật để lại, Tứ Diệu Đế được biết đến trong vai trò tổng thể như là một cấu trúc nền tảng giáo pháp của ngài.[33] Tất cả các phần giáo lý và thực hành được Đức Phật trình bày trong phạm vi nội dung của bốn chân lý là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Đối với Đức Phật, con người cần phải nhận biết được sự thực về đau khổ, loại trừ các nguồn gốc của đau khổ, hoàn tất sự chấm dứt đau khổ bằng những con đường cụ thể dẫn tới chấm dứt hoàn toàn đau khổ để đạt cảnh giới cao nhất là Niết bàn.

Một sự thật hoàn toàn tự nhiên trong cuộc sống là mỗi người chúng ta đều có một khát vọng bẩm sinh luôn tìm kiếm hạnh phúc và muốn vượt qua khổ đau. Đây là một bản năng sẵn có, nên ta không cần phải chứng minh sự tồn tại của nó. Hầu hết mọi người đều có khát khao đạt được hạnh phúc. Cũng vậy, khổ đau là điều mà ai cũng mong muốn tránh khỏi và chúng ta cần nỗ lực để vượt qua đau khổ. Nếu như sự khát khao đạt được hạnh phúc và vượt qua đau khổ là bản chất sẵn có của mọi sinh vật, và cũng là một nhu cầu tự nhiên,[34] vậy thì vấn đề là chúng ta phải nỗ lực như thế nào để đáp ứng sự khao khát đó. Qua những giáo pháp của Đức Phật, vấn đề này đưa ta đến với Tứ Diệu Đế như là con đường mà từ người mang thân phận thấp hèn đến những người có địa vị cao quý, từ những người không có học hành đến các vị có học vấn uyên thâm đều có thể thực hành nó. Giáo pháp này giúp ta hiểu được mối quan hệ giữa hai loại sự kiện: nguyên nhân và kết quả, điều mà Đức Phật nhấn mạnh khi trình bày về “thập nhị nhân duyên” như là một chuỗi các mắt xích gây ra đau khổ. Một mặt, ta phải gánh chịu khổ đau, nhưng khổ đau không phải tự nhiên mà có, nó sinh khởi từ các nguyên nhân và điều kiện của chính nó. Mặt khác, ta được huởng hạnh phúc, thì hạnh phúc cũng có được từ những nguyên nhân và điều kiện của chính nó. Lý do mà Đức Phật hết sức nhấn mạnh vào việc phát triển một hiểu biết sâu sắc về bản chất của khổ đau là vì còn có một khả năng thay thế, có một lối thoát, và chúng ta thật sự có khả năng tự giải thoát khỏi mọi khổ đau. Vì thế, chân lý thứ tư của Tứ Diệu Đế là Bát Chính Đạo hướng dẫn con người thoát đau khổ. Do đó, Tứ Diệu Đế được xem như là trung tâm của giáo lý Phật giáo[35] và là nền tảng mọi giáo pháp của đức Phật.[36]

Kết luận

Trong suốt cuộc đời thuyết pháp của mình, Đức Phật đã để lại số lượng lớn các giáo pháp và được các đệ tử ghi chép lại như giáo lý cho các tín đồ Phật giáo. Tuy vậy, trong các kinh sách Phật giáo không có lời dạy nào được cho là phải tuân thủ tuyệt đối.[37] Những giáo pháp của ngài cũng được trình bày bằng những phương cách khác nhau. Một giáo pháp có thể là rất thâm thúy nhưng hợp với người này mà không hợp với người kia, vì tùy vào căn cơ[38] khác nhau của mỗi người. Trong hệ thống giáo pháp đó, Đức Phật nhấn mạnh về Tứ Diệu Đế, vì mỗi giáo pháp đều trình bày trong phạm vi của bốn chân lý huyền diệu này là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Tứ Diệu Đế được trình bày như một liệu pháp, một cách chữa trị hoặc một phương thuốc và một quá trình chữa trị.[39] Việc hiểu biết nhiều không phải là điều quan trọng lắm. Điều quan trọng là biết và thực hành một điều có ý nghĩa, tức là chuyện một người từ bỏ tất cả những gì gắn bó với mình như lời Đức Phật dạy:

“Giáo Pháp của tôi là để thực tập, thực hành để đi đến thực chứng, chứ không phải để tôn thờ, hoặc để bàn luận và ca ngợi. Giáo Pháp của tôi là chiếc bè đưa người qua sông mê bể khổ, đến bờ giác ngộ giải thoát. Khi đến bờ rồi thì chiếc bè trở nên vô dụng”.[40]

Qua Tứ Diệu Đế, con người nhận ra được nguyên nhân, nguồn gốc dẫn tới đau khổ để rồi đi tới quyết tâm tận diệt đau khổ. Con đường được Đức Phật trình bày và mô tả chi tiết để đạt tới sự giải thoát là Bát Chính Đạo.

“Khi hiểu được mọi đau khổ đều bắt nguồn từ vô minh, cố chấp, tham ái thì cần phải diệt trừ nó bằng cách dùng trí tuệ quán chiếu muôn vật đúng như thật. Phải trì Giới để ba nghiệp thân, miệng, ý được thanh tịnh; nhờ ba nghiệp thanh tịnh nên tâm ý được Định; tâm ý được Định nên trí Huệ phát sinh; nhờ trí Huệ phát sinh nên vô minh, cố chấp, tham ái không còn; đau khổ do đó cũng chấm dứt.”[41]

Do vậy, việc rèn luyện Huệ – Giới – Định là việc cần thiết. Trong đó, cái được coi trọng hơn là Huệ,[42] bởi Huệ chính là giác ngộ để có thể nhận ra chân tướng sự vật cũng như tu dưỡng thực tế. Sự giác ngộ cá nhân như là mục đích cần đạt tới. Mỗi người đều có phật tính trong mình, và đều có tiềm năng để trở thành Phật quả như Đức Phật.[43] Lời Đức Phật để lại như kim chỉ nam cho những tín đồ theo giáo pháp của ngài: “Tất cả những pháp hữu đều biến hoại (vô thường). Hãy cố gắng tinh tấn để đạt được mục tiêu giải thoát của mình.”[44]

 Phêrô Đậu Quốc Thanh, K.XVI

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Từ điển
  2. Đoàn Trung Còn,Phật học Từ điển(Tập I, II, III), Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 1992.
  3. Gs. Hoàng Phê,Từ điển Tiếng Việt,Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2019.
  4. Các sách tham khảo
  5. Nguyễn Tuệ Chân,Lịch sử Phật giáo,Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2011.
  6. Minh Thiện Trần Hữu Danh,Sự tích Đức Phật Thích Ca,Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2009.
  7. Diane Morgan (Lưu Văn Hy dịch),Triết học và Tôn giáo Phương Đông,Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2006.
  8. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma XIV (Võ Quang Nhân dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính),Tứ Diệu Đế nền tảng những lời Phật dạy, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2017.
  9. Garma C. C. Chang (Thanh Lương Thích Thiện Sáng dịch),Triết học Phật giáo Hoa Nghiêm Tông, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2006.
  10. Heinrich Zimmer (Lưu Văn Hy dịch),Triết học Ấn Độ một cách tiếp cận mới,Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2006.
  11. Junjiro Takakusu (Tuệ Sĩ dịch),Tinh hoa Triết học Phật giáo, Nxb. Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, 2008.
  12. Chan Khoon San (Lê Kim Kha dịch),Giáo trình Phật giáo, Nxb. Tổng Hợp, Tp. Hồ Chí Minh, 2013.
  13. Albert Schweitzer (Phan Quang Định dịch),Những nhà tư tưởng lớn của Ấn Độ, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2003.
  14. Kang Sung-Ryul (Lương Mỹ Vân – Kim Sang Ho dịch),Lịch sử Triết học Phương Đông cho thanh thiếu niên, Nxb. Nhã Nam, Hà Nội, 2017.
  15. Lý Minh Tuấn,Đông Phương Triết học cương yếu, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2014.

III. Các tài liệu trên mạng

1.http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/giao-phap/bon-chan-ly/6070-Vai-loi-gioi-thieu-ve-Tu-Dieu-De.html. Truy cập ngày 12/11/2020.

2.http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/giao-phap/bon-chan-ly/5958-Bat-Chanh-Dao.html. Truy cập ngày 12/12/2020.

[1] Tên thật là Siddhattha, nghĩa là “thành đạt ước muốn”, họ là Gautama. Ngài là con của vua Suddhodana thành Kapilavatth và hoàng hậu Maha Maya Devi. Ngài sinh năm 623Tcn. Năm 29 tuổi ngài xuất gia đi tu, 35 tuổi đạt đạo và 80 tuổi nhập diệt. Cf. Chan Khoon San (Lê Kim Kha dịch), Giáo trình Phật giáo, Nxb. Tổng Hợp, Tp. Hồ Chí Minh, 2013, 625-629.

[2] Ts. Huệ Dân, “Vài lời giới thiệu về Tứ Diệu Đế,” 2010, http://www.daophatngaynay.com   Truy cập ngày 12/11/2020.

[3] Đoàn Trung Còn, Phật học Từ điển, quyển II, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 1992, 148.

[4] Đoàn Trung Còn, Phật học Từ điển, quyển III, op. cit., 88.

[5] Đoàn Trung Còn, Phật học Từ điển, quyển I, op. cit., 434.

[6] Ibidem., 522.

[7] Gs. Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2019, 641.

[8] Ibidem., 1140.

[9] Ibidem., 325.

[10] Ibidem., 365.

[11] Minh Thiện Trần Hữu Danh, Sự tích Đức Phật Thích Ca, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2009, 76-77.

[12] Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma XIV (Võ Quang Nhân dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính), Tứ Diệu Đế nền tảng những lời Phật dạyop. cit., 182.

[13] Minh Thiện Trần Hữu Danh, Sự tích Đức Phật Thích Ca, op.cit., 80.

[14] Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma XIV (Võ Quang Nhân dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính), Tứ Diệu Đế nền tảng những lời Phật dạyop. cit., 84.

[15] Sắc (rupa): bao gồm bốn nguyên tố đất, nước, lửa và khí. Thọ (vedana): cảm giác, tri giác, cảm xúc. Tưởng (sanjina): mọi khái niệm tạo thành tri thức, tự thức. Hành (samskara): khuynh hướng, xu hướng. Thức (vijnana): ý thức, óc phán đoán, tri thức. Cf. Lý Minh Tuấn, op. cit., 520.

[16] Minh Thiện Trần Hữu Danh, Sự tích Đức Phật Thích Ca, op. cit., 220.

[17] Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết học cương yếu, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2014, 520.

[18] Minh Thiện Trần Hữu Danh, Sự tích Đức Phật Thích Ca, op. cit., 80.

[19] Chan Khoon San (Lê Kim Kha dịch), Giáo trình Phật giáoop. cit., 51.

[20] Ibidem., 59.

[21] Ibidem., 53.

[22] Minh Thiện Trần Hữu Danh, Sự tích Đức Phật Thích Ca, op. cit.,80.

[23] Ibidem., 94.

[24] Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma XIV (Võ Quang Nhân dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính), Tứ Diệu Đế nền tảng những lời Phật dạyop. cit., 80-91.

[25] Minh Thiện Trần Hữu Danh, Sự tích Đức Phật Thích Ca, op. cit.,80.

[26] Chính tư duy và chính tri kiến thuộc về Huệ. Chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng thuộc về Giới. Chính tinh tiến, chính niệm, chính định thuộc về Định. Cf. Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết học cương yếuop. cit., 530.

[27] Trí tuệ, Phạn ngữ là Prajñā प्रज्ञा, Pali là pañña. Trí tuệ còn gọi là Tuệ hay Huệ. Trí là quán thấy, Huệ là hiểu rõ. Cf. TS Huệ Dân, “Bát Chánh Đạo,” 2010,

http://www.daophatngaynay.com. Truy cập ngày 12/12/2020.

[28] Dục lậu gồm các phiền não ràng buộc chúng sinh vào cõi dục; hữu lậu gồm các phiền não ràng buộc chúng sinh vào cõi sắc; vô minh lậu gồm các phiền não ràng buộc chúng sinh vào cõi vô sắc. Cf. Minh Thiện Trần Hữu Danh, Sự tích Đức Phật Thích Ca, op. cit., 400.

[29] Junjiro Takakusu (Tuệ Sĩ dịch), Tinh hoa Triết học Phật giáoop. cit., 30.

[30] Minh Thiện Trần Hữu Danh, Sự tích Đức Phật Thích Ca, op. cit.,98.

[31] Ibidem., 202.

[32] Chan Khoon San (Lê Kim Kha dịch), Giáo trình Phật giáoop.cit., 69.

[33] Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma XIV (Võ Quang Nhân dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính), Tứ Diệu Đế nền tảng những lời Phật dạyop. cit., 300.

[34] Ibidem., 78.

[35] Heinrich Zimmer (Lưu Văn Hy dịch), Triết học Ấn Độ một cách tiếp cận mới, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2006, 468.

[36] Chan Khoon San (Lê Kim Kha dịch), Giáo trình Phật giáo, Nxb. Tổng Hợp, Tp. Hồ Chí Minh, 2013, 31.

[37] Heinrich Zimmer (Lưu Văn Hy dịch), Triết học Ấn Độ một cách tiếp cận mới, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2006, 467.

[38] Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma XIV (Võ Quang Nhân dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính), Tứ Diệu Đế nền tảng những lời Phật dạyop. cit., 28.

[39] Ibidem., 468.

[40] Minh Thiện Trần Hữu Danh, Sự tích Đức Phật Thích Ca, op.cit., 113.

[41] Ibidem.,123.

[42] Kang Sung-Ryul (Lương Mỹ Vân – Kim Sang Ho dịch), Lịch sử Triết học Phương Đông cho thanh thiếu niênop. cit., 339.

[43] Heinrich Zimmer (Lưu Văn Hy dịch), Triết học Ấn Độ một cách tiếp cận mới, op. cit., 494.

[44] Chan Khoon San (Lê Kim Kha dịch), Giáo trình Phật giáoop. cit., 658.

Trả lời