Hỡi Philôtê, con hãy yêu mọi người với một tình bác ái, nhưng chỉ nên kết bạn với người có thể chia sẻ với con về các câu chuyện nhân đức. Càng đem các nhân đức cao đẹp hơn bao nhiêu vào việc giao dịch ấy, tình bạn của con càng hoàn hảo. Nếu giao dịch trong các chuyện văn chương, khoa học, đã hẳn tình bạn cũng đã đáng khen, càng đáng khen hơn nếu là giao dịch trong các chuyện nhân đức, như đức khôn ngoan, tiết độ, dũng cảm và công bình. Còn nếu chia sẻ với nhau về đức bác ái, sự đạo đức và thánh thiện thì thật tình bạn của con vô cùng quí báu! Nó tuyệt hảo vì nó từ Thiên Chúa đến, vì nó quy về Thiên Chúa, vì giây liên kết nó là Thiên Chúa, và cuối cùng vì nó sẽ tồn tại đời đời trong Ngài. Ôi, đẹp thay khi người ta yêu nhau dưới đất như yêu ở trên trời, tập yêu quý nhau ở đời này như sau ta sẽ yêu nhau muôn kiếp ở đời sau.

Ở đây tôi không nói về đức bác ái thông thường mà ta phải có với mọi người, nhưng về tình bằng hữu thiêng liêng, trong đó hai hay ba tâm hồn thông truyền cho nhau lòng đạo đức, tình quý mến thiêng liêng, và trở nên đồng tâm nhất trí với nhau. Những tâm hồn phúc lộc ấy có lý để hát câu: “Ôi hạnh phúc và êm đềm thay khi anh em được chung sống bên nhau” (Tv 132, 1). Phải, dầu thơm êm dịu của đời đạo đức sẽ từ lòng người này chảy sang lòng người kia luôn luôn, nên có thể nói: Thiên Chúa đã đổ rưới phúc lành và sự sống trên tình bạn đó cho đến muôn đời.

Theo thiển ý tôi, các tình bạn khác chỉ như bóng chập chờn so sánh với tình bạn này, các giây nối kết của chúng chỉ là sợi giây thủy tinh, so với giây đạo đức bằng vàng tuyền này. Con đừng có tình bạn nào khác, nghĩa là các tình bè bạn mà con tự tìm kiếm lấy. Đàng khác, cũng không nên khinh hay bỏ các tình bạn mà thiên nhiên hay bổn phận đòi con phải giữ: như đối với họ hàng, các kẻ thân thuộc, các ân nhân, láng giềng hay kẻ khác nữa. Tôi chỉ có ý ngăn về các tình bạn con tự tìm kiếm lấy thôi. Có khi nhiều người sẽ nói với con: không nên có lòng quý mến hay bằng hữu riêng tư gì cả, nó làm bận tâm chia trí và sinh ghen tương. Họ đã khuyên lầm. Vì họ đã xem trong sách của nhiều thánh và tác giả đạo đức, nói về tình bạn riêng tư và tình quý mến ngoại luật làm hại vô kể cho các tu sĩ, rồi họ tưởng về mọi người đều cũng thế cả. Song câu chuyện đâu có đơn giản thế. Trong một tu viện có kỷ cương, mọi người đều một chí hướng nhắm tới sự thánh thiện, nên chẳng cần phải có những sự trao đổi riêng tư kia với nhau, sợ khi tìm tư riêng cho mình trong cái chung cho mọi người, người ta sẽ từ riêng tư đâm ra riêng rẽ.

Nhưng đối với những người sống giữa thế gian, mà muốn sống đời nhân đức cần phải liên kết với nhau trong tình bạn thánh thiện siêu phàm, nhờ đó, kích thích nhau, giúp nhau, đem nhau tới sự lành. Người đi đường bằng không cần đưa tay đỡ nhau, kẻ đi đường gồ ghề, trơn trợt phải nâng đỡ nhau để đi cho vững. Những người sống trong dòng tu cũng vậy, không cần bạn hữu riêng tư, còn kẻ ngoài đời lại cần, để giúp dỡ nhau trong bao đoạn đường nguy hiểm phải qua. Ở đời, không phải mọi người cùng hướng theo một đích, cùng có một tinh thần. Vậy phải kéo riêng một vài người mà kết tình bạn với nhau. Cái riêng tư ấy thành riêng rẽ, nhưng riêng rẽ thánh thiện, không gây chia rẽ, có chia rẽ chăng là giữa sự thiện và sự ác, giữa chiên với dê, giữa ong mật vạ ong bầu: chia rẽ ấy cần thiết !

Đã đành, không ai chối Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt thánh Gio-an, ông La-da-rô, bà Mát-ta, và Ma-da-lê-na, như Phúc Âm làm chứng. Thánh Phê-rô yêu riêng thánh Mát-cô và thánh Pê-trô-nil-la, như thánh Phaolô yêu quý thánh Ti-mô-tê và Tê-kla. Thánh Grê-gô-riô Na-diăng đã nhiều lần khoe mối tình bạn hiếm có giữa ngài với thánh cả Ba-si-liô như sau: “Giữa hai chúng tôi, là hai người song chỉ còn một linh hồn. Nếu không nên tin học thuyết “mọi sự ở trong nhau”, ít ra cũng nên tin chúng tôi ở trong nhau, và cả hai ở trong mỗi người. Cả hai cùng một chí hướng: rèn luyện nhân đức và đem các dự định của đời chúng tôi hướng theo những phần thưởng đời sau. Như thế, chúng tôi như đã ra khỏi trần gian trước khi chết”. Thánh Ao-gu-ti-nô cho biết thánh Am-brô-xiô yêu quý một mình thánh Mo-ni-ca vì các nhân đức hiếm có ngài thấy trong thánh nữ, và phần thánh nữ đáp lại cũng quý mến ngài như thiên thần Thiên Chúa.

Trong một chuyện quá rõ rệt như thế, tôi còn nói thì là bậy. Thánh Giê-rô-ni-mô, Ao-gu-ti-nô, Grê-gô-riô, Bê-na-đô và tất cả các đáng đầy tớ lớn nhất của Chúa đều đã có tình bạn đặc biệt mà không phương hại đến sự hoàn thiện của các ngài. Khi trách sự phóng đãng của người ngoại giáo, thánh Phaolô đã gọi là những kẻ vô tâm vô tình (2Tm 3,3), nghĩa là không có tình bằng hữu gì cả. Và thánh Tô-ma-sô cũng như mọi triết gia danh tiếng khác, công nhận tình bằng hữu là một nhân đức. Đó là ngài nói về tình bằng hữu tư riêng, theo ngài tình bằng hữu hoàn hảo không thể bao quát nhiều người được. Vậy sự hoàn thiện không ở tại không có tình bạn nào, song nếu có thì phải là tình bạn tốt và thánh thiện.

Nguyên tác: Th. Phanxicô Salêdiô,

bản dịch: Ph. Hoàng Minh Tuấn, DCCT, Sống Thánh Giữa Đời, 1965/2007, tr. 199-202.