Tìm Lại Những Gì Đã Mất

Listen to this article

TÌM LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT

Tản mạn về việc làm người

Tiền tài, địa vị, danh vọng, khoa học, văn hóa, văn minh, tín ngưỡng, tôn giáo… là những thực tại bao quanh cuộc sống con người. Sự bao quanh đó làm cho con người ngày một trở nên người hơn, nghĩa là một sự hiện hữu tự thân giàu ý nghĩa trong một cá thể con người thật phong phú. Tại sao ta có thể khẳng định được như vậy? Nói được như vậy bởi lẽ con người là trung tâm của mọi vấn đề cuộc sống, nó trở nên mục đích của mọi chương trình, là nguyên tắc nền tảng của sự phát triển nhân loại.

Thật rằng, trên nguyên tắc là như vậy nhưng thực tế cuộc sống thì cần phải đáng bàn. Bởi lẽ thế giới hôm nay như đang biến con người trở thành phương tiện để nhắm đến những hiệu quả cho mục đích kinh tế, chính trị. Đó là một lỗ hổng hiện sinh của chính sự hiện hữu của con người. Vậy nhìn lại “con người xét như nó là” trong chính sự hiện hữu của nó là một vấn đề cấp bách. Nhìn để rồi biết điều chỉnh, quay đầu trở về nguồn và tìm lại điều căn cốt nhất mà chính mình được nắm giữ, tức là một hành trình tìm về phẩm giá nhân loại mà mỗi người đang được trao mang.

Nhìn…

Nhìn là một khả năng. Nhìn vào cuộc sống xung quanh, thế giới vạn vật. Nhưng nhìn cũng là nhìn vào chính mình, một quá trình ‘phản thân’. Một thắc mắc đặt ra: Nhìn là một hành động có một chủ thể nhìn và hướng đến một đối tượng để nhìn, sao tôi lại phải nhìn tôi? Tôi là chính tôi rồi mà. Đứng trước thắc mắc này, tôi đặt ra câu hỏi tôi là ai? (Who am I?). Trong các mối tương quan, triết học cho rằng mối tương quan giữa tôi và tôi là một mối tương quan thiết yếu, nền tảng. Nhưng để hiểu rõ tôi và để hài hòa tôi thì tôi phải hỏi về tôi. Hay nói cách khác, tôi hỏi về chính tôi hay tôi đang suy nghĩ, suy tư về tôi. Dưới khía cạnh này, ta thấy, chính một hữu thể người mang tính bao hàm một chủ thể (Subject) suy nghĩ về một đối tượng (object). Hay nói cách khác, chính tôi là chủ thể nhưng đồng thời là khách thể và là khách thể nhưng cũng chính là chủ thể. Dám thẳng thắn để có cái nhìn đó sẽ giúp ta cảm nghiệm được chiều sâu của cuộc sống, của sự hiện hữu mà mỗi người đang có. Bởi lẽ, nhìn tức là tồn tại nhiều hơn và sống nhiều hơn.[1]

Câu hỏi đặt ra: Nhìn để làm gì? Có phải nhìn để mà nhìn không? Nhìn để biết và nghĩ. Đây là một khả năng chỉ duy nhất con người mới có. Nhìn, biết, nghĩ là ba động từ để chỉ hoạt động mang tính tiệm tiến, qua lại của thị giác và tri giác. Nghĩa là từ cái nhìn mang tính trực quan đi vào bên trong của não bộ và với khả năng của lý trí phân tích và để làm rõ vấn đề. Bởi lẽ ‘biết’ rồi còn phải ‘nghĩ’ để thao thức vấn đề và hành động. Hay nói rằng, nghĩ để nhận ra mọi việc không đơn giản như mới thoạt nhìn. Khi dám nghĩ, con người không còn để ý nghĩ đó trong trạng thái tĩnh mà hướng đến một năng động, tức là thôi thúc mình đi tìm một con đường mới, một cách đặt vấn đề mới và một cách giải quyết mới. Đến đây, ta nhận thấy giữa nhìn, biết và nghĩ không trở nên riêng rẽ, phân biệt nhau trong từng hành động. Nhưng trong mỗi hành động này có hành động kia và đó là sự hòa quyện tạo nên một hành động duy nhất.

Thực tế cuộc sống…

– Hối hả giành đường cho mình, bất chấp ngược chiều, một chiều, leo lên lề đường

– Xả rác bừa bãi, tuồn rác từ nhà ra ngõ, ra đường, ra ruộng. Rác đã có người thu gon, nạp tiền rác rồi.

– Bạo lực học đường, học trò đánh thầy cô, bắt thầy cô quỳ xuống xin lỗi. Ẩu đã, đâm chém lẫn nhau tại bệnh viện, chợ búa diễn ra nhan nhãn. Giáo dục trở nên như một dịch vụ đổi chác: ở trường chẳng dạy, lên lớp cho có, chính thức dạy ở nhà…

Đó là những mãnh vụn trong bức tranh muôn màu của hiện thực cuộc sống xã hội. Ở đó, gam màu tối, chói, nóng làm cay con mắt như lấn át và có xu hướng chiếm lĩnh. Đưa ra những mãnh vỡ đó, không phải để lên án, chỉ trích hay mỉa mai, bôi nhọ nhưng để mỗi người lặng, biết  mà ngẫm.

Phải chăng một thứ chủ nghĩa cực đoan cá nhân trở nên quy luật sống?

Phải chăng giữa người với người đối xử với nhau cần luật rừng?

Phải chăng trong con người chỉ có ‘con’ mà thiếu ‘người’?

Phải chăng lương tâm và lương thực chỉ là một?

Là người Việt, một thực tế mà ai cũng biết, đi khắp mọi nẻo đường từ Bắc vào Nam, ai cũng thấy khẩu hiệu: gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, xã văn hóa, làng văn hóa, cổng trường văn hóa, nếp sống văn hóa…Nhìn thật ấn tượng. Nhưng phải chăng đó chỉ là những khẩu hiệu thuần túy để quảng cáo mà thôi. Hay với cái nhìn đơn sơ, là người Việt Nam, thích thú hô lên: Nước Việt Nam ta, bốn ngàn năm văn hiến, tràn trề văn hóa.[2] Nhận định như vậy, không có nghĩa phủ nhận những giá trị vốn có, những giá trị đích thực mà truyền thống văn hóa của chúng ta đang có. Nhưng đặt vấn đề để đưa đến một thái độ tự phản tỉnh. Bởi lẽ phản tỉnh như là năng lực chỉ duy con người mới có. Phản tỉnh để biết điều chỉnh, phản tỉnh để biết mình.

Ở đây, khi nhìn những khẩu hiệu nói trên và ngẫm biết từ những thực tế cuộc sống vốn là, ta đặt ra vấn đề giữa bản chất và hiện hữu có đồng nhất không? Giữa vỏ và ruột có ăn khớp không? Hay có vỏ mà không có ruột, không còn ruột? Có vỏ thật đẹp, bóng nhẵn mà ruột đã biến chất, nặng mùi. Đó cũng là điều cần nghĩ.

Thực tế cho thấy, hiện nay, mạng truyền thông phát triển không ngừng, trong đó, mạng xã hội facebook như là công cụ đắc lực để mọi người kết nối, học hỏi, quảng bá. Nhận thấy ở đó mặt tích cực cũng nhiều nhưng tiêu cực cũng không ít. Nhưng ở đó, người ta như khai thác mặt tiêu cực nhiều hơn. Khi sử dụng nó, người ta có vẻ như đánh tráo khái niệm, tức là cái tiêu cực trở nên tích cực và được mọi người ưa chuộng. Đó là nơi để con người chém gió cách rôm rả, hào hứng về những vấn đề thực tế của cuộc sống. Từ một nỗi buồn bâng quơ của một cá nhân, từ những mốt thời trang không giống ai, từ những vụ ẩu đả mang tính ngược đạo đức, từ những vụ tai nạn…tất cả, tất cả đều được đưa lên để rao hàng, để tìm like, comment, để chia sẻ và xem như những hot news. Phải chăng xã hội đang bị ám ảnh với vẻ bên ngoài. Chỉ cần cái tỏ hiện, cái lộ ra là quan trọng chứ bên trong không cần thiết. Một sự lộ hiện có vẻ ‘quái thai’. Đó như một thực trạng, một căn bệnh, một cơn nghiện mà con người hôm nay đang sùng bái tôn thờ. Người ta coi trọng cái vỏ để rồi quên đi cái ruột là giá trị của nhân cách, của lương tâm, của tri thức đích thực, của phẩm giá làm người của tư cách là một nhân vị.

Từ những hiện tượng mang tính cá nhân rồi trở nên xu hướng chung của số đông như đang tạo nên một lớp vỏ ngày càng phình ra như những khối ung nhọt. Trong đó, nó chứa đựng biết bao cái giả tạo. Một câu nói đùa mà ai cũng biết: Ngày nay, ở ta, cái giả lại là cái thật nhất. Nghe qua thật nực cười nhưng ngẫm kĩ thật đau xót và chua chát về một thực tế cuộc sống. Có thể thấy: hàng giả, bằng cấp giả, phân bón giả, bác sĩ giả, giáo sư giả, tiến sĩ giả…nhan nhãn trong xã hội hiện nay. Rồi là hằng năm, dịp tết, các huyện, xã cắt xén tiền giúp đồng bào nghèo ăn tết. Và nhiều nhiều nữa. Chứng kiến những hiện tượng này, nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” thúc đẩy ta đáng phải quan tâm.

Với những điểm nhìn khác nhau, có vẻ tản mạn từ mọi ngóc hẻm xuất phát từ hoạt động cuộc sống con người. Đó là những mặt trái đòi hỏi mỗi người phải tự vấn, phản tỉnh chính mình. Phải chăng ‘căn tính người’ trong tôi đã bị mai một, trong tôi bị biến đổi ‘gen’ dẫn đến lỗi hệ thống. Đến đây, phải trở về câu hỏi: Tôi là ai? và can đảm, thẳng thắn đi tìm câu trả lời  mới có thể giải quyết được những vấn nạn, thách đố mà ta đang phải đối diện. Bởi lẽ đó là câu hỏi nền tảng nhất mà con người luôn luôn phải đặt ra hầu tìm lại những gì đã mất để làm người, để có thể hiện hữu vốn như nó là.

Tôi là vật chất tuyệt vời…

Phân tích con người dưới khía cạnh vật chất kinh tế, con người cũng chỉ là vật chất, được cấu tạo bằng vật chất tầm thường như bao vật khác. Điều đó được khoa học phân tích và thống kê rằng: Trong cơ thể con người, có một lượng nước đủ giặt một chiếc khăn bàn, một chút sắt đủ làm mấy chiếc đinh, một chút vôi đủ quét mấy thước tường, một chút than đủ làm 65 cây bút chì, một chút lưu huỳnh đủ làm một bao diêm và một vài thìa muối đủ nấu một bữa ăn. Như vậy, tổng cộng giá trị trên khoảng được 98 xu, nghĩa là chưa được một đồng Mỹ kim.[3] Như thế, đánh giá con người dưới khía cạnh này, ta thấy con người thật nghèo nàn, hạn chế và yếu đuối bởi nơi nó chỉ thấy một chút, một vài và cho ra một kết quả thật ít ỏi. Nếu xem xét khía cạnh này của con người với các loài động vật khác thì con người trở nên thua xa. Cuộc sống của con người và con vật theo nghĩa tự nhiên là sự tồn tại ở hình thái có trao đổi chất với môi trường bên ngoài, có tuân theo quy luật sinh đẻ, lớn lên và chết. Nếu hiểu theo phương diện thể lý thì mọi vật trên cuộc đời này đều giống nhau, có nghĩa là con người và con vật đều có sinh ra, tồn tại một khoảng không thời gian nhất định và chết đi. Như thế, nếu đóng khung con người trong quy luật trên cùng với các loài vật khác thì cuộc sống của con người chẳng có ý nghĩa gì.

Thật vậy, khi nhìn dưới khía cạnh này, trong thực tế đã có những lạm dụng thái quá và biến con người thành những món hàng để khai thác những lợi ích kinh tế, khoa học, công nghệ để rồi quên đi những chiều kích sâu xa của cuộc sinh tồn mà chính những chiều kích đó giúp con người nhận ra phẩm giá của mình.[4] Não trạng đó đã gây ra những vấn đề như nạn buôn bán nội tạng người, buôn bán phụ nữ trẻ em, phân biệt đối xử về màu da, thụ thai trong ống nghiệm, phá thai, giết trẻ sơ sinh…Đứng trước những thảm kịch đó, đòi hỏi con người phải nhìn lại chính mình là một thụ tạo chứ không phải là Tạo Hóa hay là kiến trúc sư của thế giới. Từ đó, con người phải luôn nhớ mình không thể và không được phép biến mình trở thành thí vật cho kế hoạch lắp ráp của chính mình mà đi ngược lại phẩm giá của con người.[5] Bởi lẽ, mỗi người là một thế giới riêng. Ở đó, không ai có quyền được khai thác hay biến người khác thành dụng cụ cho mình. Thật vậy, mỗi con người được quy ước bởi một cái tên mang hình ảnh của những kí hiệu ngôn ngữ A, B, C…nào đó và với những đặc điểm về màu da, chiều cao, cân nặng, chủng tộc, giới tính…Đó là những điều tùy phụ làm nên một mô thể (Form) người. Nhưng nhìn ở khía cạnh đó, nó đã trọn vẹn là một con người chưa? Hay phải chăng nó là phép cộng của những điều nói trên? Nó có bị đóng khung trong điều quy ước đó không? Thưa không! Nhìn con người tức xem xét nó theo nghĩa trọn vẹn của nó, tức là trong chính sự hiện hữu của nó. Điều này đã được Aristote đề ra một môn học “hữu thể xét như là hữu thể”. Thật thế, xét con người tức là đi tìm “cái nó là” chứ không phải biến nó thành đối tượng để khai thác “điều nó có”. Và như vậy, tất cả những điều tùy phụ mà ta có thể thấy lộ hiện nơi mỗi người làm nên một thể xác cho chính họ. Chính vẻ bề ngoài đó làm cho người này khác với người kia, làm cho người này trở thành vũ trụ xa cách đối với người kia. Chính điểm này, tạo cho mỗi người có một không gian riêng, khiến cho người này không thể sát nhập hay phụ thuộc vào người khác được.[6]

Thấy rằng, vượt qua những gì thuộc thế giới khả giác của thân xác, con người đi sâu vào tận điều sâu xa nhất trong chính mình, là tất cả của mình. Đó là linh hồn. Nhưng sự trọn vẹn có được nơi con người lại chính là sự hội tụ, gắn kết giữa cái bên ngoài lẫn bên trong. Sự gắn kết đó là điều làm nên hiện hữu tròn đầy của chính con người. Thật vậy, con người được xem là cây cầu nối liền hai thế giới vật chất và tinh thần. Ở đó, cái thân xác vật chất bên ngoài và luôn luôn biến dịch theo thời gian không trở nên vô nghĩa trong chính con người. Từ con người, vật chất tự nâng mình lên và nhập vào lãnh vực tinh thần. Như thế, vật chất không còn bị xem là thực thể biệt lập nữa mà nó gắn kết với linh hồn. Chính điều cao quý đó nâng con người từ vị trí thụ tạo hữu hạn được đồng mang sự nhất thống của tạo dựng và nâng vật chất lên tới Chúa.[7] Nhưng để nhận ra được giá trị đó, con người cần thay đổi cách nhìn, tức là vượt qua những gì là ngăn cách, biến dịch, thô tục, tầm thường để đi sâu vào sâu thẳm nội tâm dưới ánh sáng của mạc khải. Con đường đó giúp con người xác tín mình là “hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,27). Hình ảnh đó bắt nguồn từ những gì là vật chất nhưng không đơn thuần là vật chất mà nó mang trong mình hơi thở của Thiên Chúa. Và như thế, con người vừa thuộc vào vũ trụ này, vừa trực tiếp đến từ Thiên Chúa. Hay nói cách khác, con người vừa thuộc về vật chất nhưng nó lại vượt lên trên cái được tạo thành và nơi con người, hơi thở của Thiên Chúa đã đi vào tạo dựng.

Tôi là một nhân vị…

Khi không chấp nhận mình là một hữu thể thuần túy sinh vật, con người đã không dừng lại ở khía cạnh vật lý (Physics) nữa mà vượt qua đó để tìm được cái siêu hình (Meta) ẩn sâu. Đó chính là cái nền tảng nhất, đích thực nhất. Cái siêu hình ở đây không phải là trừu tượng khó hiểu, xa vời nhưng lại trở nên cụ thể, gần gũi với cuộc sống con người. Hay nói cách khác, nó không dừng lại ở sự biến dịch của vật chất bên ngoài được nhận biết bằng cảm giác mà đi vào tận sâu mình để tìm ra điều hệ tại nơi chính mình. Tôi là một con người duy nhất, tồn tại như một ngôi vị mà không có một sự trùng lặp hay thay thế nào. Từ quá khứ huyền nhiệm và bất định đó đã tạo nên cái độc nhất vô nhị nơi tôi. Điều này làm cho tôi là một, là riêng, là tất cả trong chính tôi. Từ đó, tôi nhận thấy mọi điều thuộc về tôi bao gồm những kinh nghiệm, lý tưởng hay những điều tùy phụ khác là do chính tôi sở hữu và định đoạt mà không do một người nào khác. Hiện hữu của tôi là khoảnh khắc đích thực và duy nhất. Như thế, tôi là một hữu thể duy nhất bởi không hề có trước đó và tôi lại được mời gọi bước vào đời sống vĩnh cửu ngay từ thời điểm lịch sử hiện tại kéo dài cho đến vô tận. Cái “hữu” nơi tôi đã khiến tôi là chính tôi, đồng thời làm sản sinh điều vượt trên thời gian và tồn tại mãi như một phần của những thành tựu bất diệt của nhân loại, của vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa.[8]

…nhân vị hướng đến tương quan: Cá thể – Toàn thể

Khẳng định mỗi người là một nhân vị đồng nghĩa với việc nhìn nhận một hữu thể duy nhất, độc nhất vô nhị. Nhưng nói vậy không có nghĩa sự hiện hữu của nó trở nên đơn độc, lạc lõng và tạo nên một ốc đảo khép kín. Nhưng, khẳng định điều nói trên về con người là thừa nhận một cá vị tự thân nó để rồi biết tôn trọng điều cao quý gắn liền với phẩm giá của nó. Đó là phẩm giá của trí tuệ, chân lý và khôn ngoan mà con người được sở hữu. Đó là phẩm giá của lương tâm mà con người được đặt để. Đó là phẩm giá của món quà tự do mà con người được ban tặng nhưng không. Đó là phẩm giá được kêu gọi để sống trong đời sống hạnh phúc với Thiên Chúa. Từ phẩm giá đó, con người đạt tới thực tại sâu xa nhất của chính bản thân. Hay nói cách khác, phẩm giá của con người là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người.[9] Và khi khẳng định điều đó, không cho phép con người tự khép kín và chỉ biết có mình. Phẩm giá đó chỉ trở nên tròn đầy và được nhận biết khi con người sống trong mối tương giao. Bởi lẽ con người chỉ nhận ra giá trị của mình khi biết tôn trọng phẩm giá của người khác. Và khi hiện hữu trong mỗi thân xác khác nhau thì nó đã bao hàm một lịch sử và một cộng đoàn là vì nếu tinh thần thuần túy có thể hiện hữu cho riêng nó mà thôi, thì trái lại tính thể xác nói lên sự lệ thuộc về gốc gác: con người sống trong mối tương quan tùy thuộc lẫn nhau.[10] Chính mối tương quan đó giúp con người nhận ra bản ngã của mình. Hay nói cách khác, tôi có thể nhận biết tôi khi tôi được nhận biết từ người khác và ngược lại. Vì thế, là một nhân vị nhưng tôi được trở nên tròn đầy trong chính tôi khi tôi biết hội nhập vào trong khung cảnh chung của nhân loại. Đó là khung cảnh của những vấn đề cần đồng quan tâm, thao thức như sự sống con người, vấn đề quyền con người, hòa bình nhân loại, bảo vệ môi trường… Sự đồng trách nhiệm đó nhằm giúp mỗi người đạt tới được ý nghĩa làm người theo nghĩa sâu xa nhất tức là biết lãnh nhận và cho đi tình yêu với người khác. Đó chính là cùng nhau làm cho sự hiện hữu của chính mình và người khác thành toàn.

Tạm kết

Thật vậy, khi nói đến mục đích của cuộc sống con người tức là nhắm đến ba khía cạnh để xác định ý nghĩa cuộc sống của nó. Thứ nhất là lý do của hiện hữu (reason of being), tức là tại sao tôi lại sống? Tôi sống để làm gì? Điều đó làm nên cái lý của sự hiện hữu của con người, một lẽ sống cho một mục đích cao cả cho chính mình. Thứ hai, sự hiện hữu của chính con người có một ý nghĩa sâu xa (make sense). Đâu là điều làm cho mình cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa? Điều đó trở thành một khía cạnh của kinh nghiệm giác quan. Bởi lẽ con người nhận ra cuộc sống có ý nghĩa khi cảm thấy vui, cảm thấy đam mê và cảm thấy trong tất cả mọi sự nó đang đụng chạm đến cái sâu xa là điều làm cho nó đáng để sống. Thứ ba đó là định hướng của cuộc sống con người (orientation). Hướng đi đó luôn luôn làm con người suy nghĩ mình sẽ đi về đâu. Hay nói cách khác, đâu là cùng đích của con người. Chính khi suy nghĩ về điều đó, con người sẽ luôn biết định vị cho cuộc đời của mình mà không bị rơi vào trạng thái mất phương hướng, nghĩa là mất đi kinh nghiệm sâu xa về cái gì làm cho mình đáng sống. Tuy nhiên, sống trong thời đại của chủ nghĩa tương đối, duy khoa học nhiều lúc con người bị rơi vào lỗ đen của tiện nghi vật chất mà quên đi những chiều kích căn cốt làm nên sự hiện hữu của mình. Khoa học không thể tìm ra ý nghĩa cuộc sống cho con người.

Bàn về con người là một hành trình dài. Trên hành trình đó nhắm đến việc nhận ra chính mình. Thật vậy, làm sao ta có thể làm đúng việc khi chưa biết đâu là cái đúng. Làm sao “làm ra chính mình”, làm sao “hãy là chính mình” khi chưa biết đâu là mình. Đó là một hành trình khai sáng chính mình để có thể đánh thức bình mình trong con người của mình.[11] Hãy luôn bước đi trên hành trình – nghề làm người.

Bùi Hưởng, K.14

Trích Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 12


[1] Teilhard de Chardin, (Đặng Xuân Thảo dịch), Hiện tượng con người,  NXB.Tri Thức, Hà Nội, 2014, 27

[2] Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tư duy và lối sống người Việt hiện nay, 2013, 179

[3] Lm. Đan Vinh, Đối thoại những vấn đề khoa học và đức tin, NXB. Phương Đông, Tp. HCM, 2015, 50-51

[4] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Thông Điệp “Tin Mừng Sự Sống”, số 23

[5] Joseph Ratzinger, (Phạm Hồng Lam dịch), Thiên Chúa và Trần Thế, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, 134

[6] Joseph Ratzinger, (Lm. Nguyễn Quốc Lâm dịch), Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua và Hôm Nay, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, 261

[7] Joseph Ratzinger, Thiên Chúa và Trần Thế, op.cit, 90

[8] Ibid, 31

[9]Công đồng Vatican II, Gaudium et Spes, 17

[10] Joseph Ratzinger, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua và Hôm Nay, op.cit, 261

[11]  Giản Tư Trung, Đúng Việc, NXB. Tri Thức, Hà Nội, 2006, 11.

Nguồn tin:

Trả lời