Thánh 09/6: Thánh Ép-rem – Phó tế, tiến sĩ Hội Thánh (+306-373)

309 lượt xem Hạnh Các Thánh
Listen to this article

Lễ nhớ tùy chọn

11595 St.Ep rem

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV đã đưa lễ nhớ thánh Éphrem vào lịch Giáo triều Rôma năm 1920 và tuyên phong ngài là tiến sĩ Hội thánh.

Afrim (hay Éphrem) sinh tại Nisibe khoảng năm 306, vùng Mésopotamie, một tỉnh của đế quốc Rô-ma (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay); vì “thường xuyên quan hệ giới Kitô giáo” nên ngài bị thân phụ theo ngoại giáo và không bao dung, đuổi khỏi gia đình. Sau khi được giám mục địa phương là Đức cha Jacques de Nisibe tiếp nhận, Éphrem, còn là dự tòng, trở thành người con thiêng liêng của ngài và theo lời thuật của Grégoire de Tours, ngài được dạy dỗ và siêng năng đọc, suy niệm Lời Chúa trong Kinh thánh.

Năm mười tám tuổi, ngài lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Sau khi lưu lại Édesse một thời gian, Éphrem trở về Nisibe, nơi đây vị giám mục bảo trợ Giacôbê phong người làm phó tế. Ngài học thần học và trở thành “Yhydy”, một hình thức đan sĩ “tại gia”, với tâm nguyện sống đời khiết tịnh. Ngài sống cuộc đời nghiệm nhặt, vừa phục vụ tích cực Hội thánh, vừa điều hành trường thần học của thành phố. Một chứng nhân đã nói về ngài như sau: “Afrim, do lòng khiêm tốn, đã từ khước làm linh mục, song người hằng nâng đỡ các tín hữu, chống kẻ ngoại giáo và đã trở nên chiến sĩ nổi tiếng kháng cự quân xâm lăng Ba tư.”

Năm 363, thay vì ở lại sống dưới ách nô lệ người Ba tư, phó tế Éphrem đã di tản sang Édesse, miền đất thuộc Rô-ma, đồng thời chuyển về đó trường đại học thần học của ngài, mệnh danh là “trường người Ba tư”. Chính nơi đây ngài sống mười năm cuối đời (363 – 373), và qua đời ở tuổi sáu mươi bảy, do quá tận tụy săn sóc các bệnh nhân dịch hạch.

Éphrem được xem là người thi sĩ vĩ đại nhất của ngôn ngữ Syriaque và đã để lại cho chúng ta một tác phẩm văn học đáng kể, được dịch trước tiên sang tiếng Hy Lạp, sau đó tiếng Aram, La Tinh và Ả Rập… (xem Nguồn tư liệu Kitô giáo, nxb Cerf): Giải thích tác phẩm Diatessaron, số 121, và thánh thi về Thiên Đường, số 137). Tài năng đa dạng của ngài được tỏa sáng trong nhiều lãnh vực: thần học, âm nhạc và thơ văn. Các thánh thi của ngài vừa kêu gọi mọi người sống đức hạnh, vừa tôn vinh các mầu nhiệm thánh và các thánh, đồng thời chống lạc giáo. Một người đồng hương của ngài nói: “Vào các chúa nhật và ngày lễ, người như một người cha đáng kính đứng giữa các trinh nữ và đàn hạc cầm hòa theo tiếng hát của họ… Như thế, toàn thể thành phố đều qui tụ quanh người.”

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Khi nhắc đến Thiên Chúa “nhiệm mầu khôn tả”, lời nguyện riêng ca tụng sự nghiệp vô song của phó tế Éphrem, người được ơn linh hứng và sức mạnh của Thánh Thần để “ca ngợi” các mầu nhiệm thánh. Các giáo đoàn sử dụng ngôn ngữ Syriaque gọi người là “Cây đàn của Thánh Thần” vì trên hết, ngài muốn nâng tâm hồn mọi người lên để chiêm ngắm các mầu nhiệm trong đạo bằng nét đẹp của thi ca. Một chứng nhân về ngài đã viết: “Khi nhận thấy dân Edesse yêu thích ca hát, người liền sáng tác thi ca để đối lại với các trò chơi, các bài khiêu vũ đang thịnh hành trong giới trẻ… Các sáng tác của người tỏa sáng những ý tưởng tinh tế và đạo lý về mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh, khổ nạn, sống lại và lên trời, cũng như về bí tích giải tội và các thừa tác viên của bí tích này, các kẻ qua đời.”

b. Khi cho thấy Đức Maria bên cạnh Thánh giá Chúa Giêsu, Tin Mừng Thánh lễ (Ga 19,25-27) muốn gợi đến sự nghiệp của thánh Éphrem. Khi ca tụng Đức Kitô, ngài cũng tôn vinh Mẹ Người nữa. Thánh Mẫu học của thánh phó tế khẳng định trước tiên sự đồng trinh của Mẹ “trước khi sinh con, đang và sau khi sinh con”; rồi ngài trình bày Mẹ như là “đấng ban phát ân sủng và sự thật”; sau cùng ca tụng đặc ơn vô nhiễm nguyên tội của Mẹ: “Lạy Chúa Giêsu, chỉ mình Ngài và Mẹ là hoàn toàn thanh khiết dưới mọi phương diện. Lạy Chúa Kitô cứu thế, nơi Ngài chẳng chút bợn nhơ; và Mẹ Ngài chẳng vương tì tích” (Thơ của Nisibe 27,8)

c. Trong trích đoạn của thánh tiến sĩ nổi tiếng Éphrem được đề ra trong Bài đọc – Kinh sách, ca tụng mầu nhiệm Thánh Thể: “Nhờ các bí tích của Chúa, hằng ngày chúng con được tiếp đón Chúa và rước Chúa vào trong thân xác chúng con, xin làm cho chúng con xứng đáng cảm nghiệm trong con người chúng con sự phục sinh mà chúng con trông đợi. Cùng với ơn bí tích Thánh Tẩy, chúng con cất giấu kho tàng của Chúa trong thân xác chúng con, xin cho kho tàng ấy được gia tăng nhờ bàn tiệc các bí tích của Chúa. xin cho chúng con được vui mừng trong ân sủng của Chúa. Lạy Chúa, nhờ bàn tiệc thần linh của Chúa, chúng con được mang lấy kỷ niệm của Chúa trong con người chúng con, xin cho chúng con được thật sự sở hữu kỷ niệm ấy trong ngày sống lại mai sau”.

Éphrem, người Syrie, không phải là giám mục, cũng không là linh mục, nhưng đã tài tình làm nổi bật vẻ đẹp cao cả của một ơn gọi: ơn gọi phó tế. Thiên chức này mời gọi thừa tác viên lần lượt công bố, giải thích và thể hiện Tin Mừng, linh hoạt việc cử hành Phụng Vụ bằng lời kinh tiếng hát, phục vụ người nghèo, các bệnh nhân, khách ngoại kiều, trong khi vẫn sống đời tận hiến, chuyên cần khổ hạnh và chiêm niệm.

Enzo Lodi

Trả lời