Một trong những ý niệm tài tình, hình thành từ những thử thách, chính là việc rước lễ thiêng liêng.
Thần học của việc rước lễ thiêng liêng cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc về chính bản chất của Bí tích Thánh Thể.
Thánh lễ (còn gọi là Bí tích Thánh Thể) là cội nguồn và đỉnh cao của đời sống Giáo hội. Và như thế, đó cũng là trung tâm của chính Kitô giáo. Trước hết và chủ yếu, Thánh lễ là hành vi hiến tế của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha.
Nói cách khác, Bí tích Thánh Thể trước tiên là một hy tế. Từ “hy tế” bắt nguồn từ hai chữ Latinh: “sacra” có nghĩa là “thánh”, và “facere” nghĩa là “làm nên”. Do đó, Thánh lễ là việc Chúa Kitô “thánh hóa” thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo hội. Chính Chúa Giêsu, qua bàn tay của các linh mục, hòa giải thế gian với Chúa Cha. Thánh Phaolô đã nói rất đẹp về điều này: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình.” (Cl 1:19-20).
Đây là lý do tại sao thời điểm quan trọng nhất của Thánh lễ không phải là lúc rước lễ, mà là lúc dâng lên lời ca tụng: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần, đến muôn đời. Amen!” Trong những lời này, chúng ta nghe được lý do cử hành Thánh lễ, là để ta chứng kiến và tham gia vào hoạt động cứu độ của Chúa Kitô, Đấng nối kết chúng ta với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha” (Ga 17:21).
Ở đây, chúng ta thấy mục đích đầu tiên của việc rước lễ thiêng liêng, đó là kết hợp trái tim và linh hồn của ta với hy tế của Chúa Kitô được các linh mục cử hành trong Thánh lễ. Mặc dù chúng ta không thể đích thân tham dự thánh lễ vì những tình huống đặc biệt, các giám mục và linh mục vẫn cử hành Bí tích Thánh Thể cách riêng tư.
Như thế, chúng ta được mời gọi hợp nhất trái tim của chúng ta với trái tim của những vị chủ chăn – những người đã thay ta trò chuyện với Chúa và thực thi mệnh lệnh của Chúa Kitô: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22:19). Bất cứ nơi nào linh mục trung thành cử hành thánh lễ, ở đó có Giáo hội! Linh hồn của những người có mặt và vắng mặt được hòa nhập vào một bản giao hưởng tình yêu duy nhất mà dâng lên Chúa Cha. Mặc dù hôm nay, chúng ta phải xa cách nhau vì sự an toàn và ngăn ngừa, chúng ta vẫn có thể hợp nhất với nhau thông qua lời cầu nguyện và chiêm niệm.
Việc rước lễ thiêng liêng theo truyền thống cũng dạy chúng ta rằng: Khao khát Chúa Kitô cũng chính là hiệp thông với Ngài. Vì thế, Giáo hội ngay từ thời cổ đại đã công nhận những người tử đạo mà chưa lãnh Bí tích Rửa tội thì cũng đã thành Kitô hữu rồi. Mặc dù thân xác họ chưa lãnh nhận nước Rửa tội , nhưng họ đã lãnh Bí tích Rửa tội bằng niềm khao khát.
Trường hợp Rửa tội đầu tiên bằng niềm khao khát chính là tên trộm lành trên thập giá, được Chúa Giêsu đưa vào thiên đàng mặc dù hắn chưa được rửa tội.
Một ví dụ xúc động khác là những lời trong bài điếu văn của Thánh Ambrôsiô dành cho hoàng đế La Mã Valentinian II khi nhà vua qua đời:
“Bạn có đau buồn vì nhà vua chưa được rửa tội không? Hãy nói cho tôi biết: Bạn còn có quyền lực nào khác ngoài niềm khao khát và sự kêu cầu không? . . . Vậy đức vua có nhận được ân sủng mà ngài hằng mong muốn hay không? Đức vua có nhận được ân sủng mà ngài hằng kêu cầu hay không? Và bởi vì đức vua đã cầu xin, nên đã nhận được.”
Niềm khao khát được ở với Chúa Kitô của hoàng đế Valentinian đã cho phép nhà vua đón nhận được các ơn ích của Bí tích, mặc dù hoàn cảnh đặc biệt không cho phép nhà vua nhận bí tích cách hữu hình. Thánh Tôma Aquinô tái khẳng định giáo huấn này trong cuốn Tổng luận Thần học của mình:
Người ta có thể lãnh nhận Bí tích Rửa tội bằng niềm khao khát; chẳng hạn, khi một người muốn được rửa tội nhưng do một căn bệnh hiểm nghèo nào đó, họ đã chết trước khi nhận phép rửa tội. Một người như thế có thể được cứu rỗi dù không thực sự được rửa tội, nhờ niềm ước ao được rửa tội; niềm ước ao đó là kết quả của đức tin được tạo ra từ đức ái, nhờ đó, Thiên Chúa – với quyền năng không chỉ gói gọn nơi các bí tích hữu hình – đã thánh hóa người đó ngay từ bên trong. (Summa, 3.68.2)
Cũng tương tự như thế khi nói về Bí tích Thánh Thể.
Đã có một số lần trong lịch sử, Giáo hội phải tạm dừng việc cử hành các nghi thức phụng vụ cộng đồng. Quyết định này chưa bao giờ là nhẹ nhàng. Kết quả là, các tín hữu được mời thể hiện niềm khao khát Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, tin tưởng rằng Chúa sẽ kết hiệp với linh hồn của mình. Điều này được gọi là rước lễ thiêng liêng. Thánh Tôma Aquinô định nghĩa rước lễ thiêng liêng là “niềm khao khát mãnh liệt được đón nhận Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và trìu mến ôm lấy Ngài vì đã được đón rước Chúa rồi”.
Trong những tuần sắp tới, vào giờ bạn thường đi dự lễ, hãy cùng nhau xem Thánh lễ trực tuyến và đọc Kinh Rước lễ thiêng liêng, do trang web cung cấp trên màn hình máy tính.
Bạn cũng có thể mời gọi cả gia đình cùng nhau tham dự Phụng vụ Lời Chúa, đọc Kinh thánh trong ngày theo quy định. Sau các bài đọc ấy, hãy quỳ xuống hoặc đứng cùng nhau trước thánh giá và cầu xin Chúa Giêsu lấp đầy trái tim bạn bằng tình yêu và ân sủng của Người. Hãy cho Người biết rằng bạn khao khát đi dự lễ biết bao nhưng không thể được. Kế đến, hãy xin Người kết hợp trái tim của bạn với Thánh Tâm của Người đang hiện diện nơi Nhà Tạm gần nhất với bạn tại thời điểm đó.
Có nhiều người lo lắng bối rối trước nhu cầu phải đình chỉ các nghi thức phụng vụ cộng đồng do dịch bệnh covid-19. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Nhưng chúng ta không thể cho phép nó đánh cắp sự bình yên và niềm vui của chúng ta – là những người con của Chúa.
Chúa Giêsu hiểu con tim, ý muốn và niềm khao khát của bạn. Hãy cho phép tất cả trở thành lời cầu nguyện dâng lên Chúa trong thời gian khủng hoảng này, để những tuần lễ sắp tới sẽ không là nguyên nhân gây ra căng thẳng, mà là cơ hội để sống thánh thiện.
Lm. Blake Britton
Thu Phượng chuyển ngữ WordonFire
Nguồn: WGPSG
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận