Nhân Ngày Thế giới truyền giáo lần thứ 96

Listen to this article

Chúa nhật 23/10, toàn thể Giáo Hội cử hành Ngày Thế giới truyền giáo lần thứ 96, với chủ đề là “Các con sẽ là chứng nhân về Thầy cho đến tận bờ cõi trái đất” (Cv 1,8).

Giuse Trần Đức Anh O.P.

Cách đây 96 năm, Hội Truyền Bá Đức Tin, do sự gợi ý của Nhóm truyền giáo thuộc chủng viện Sassari trên đảo Sardegna bên Ý, đã thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng Piô 11 ấn định một ngày trong năm để cổ võ hoạt động truyền giáo của Giáo Hội và ngài đã chấp thuận ngay trong năm đó, và ấn định Ngày này được cử hành hằng năm vào Chúa Nhật áp chót của tháng 10. Trong ngày này, các tín hữu 5 châu được mời gọi mở lòng đối với công cuộc truyền giáo và dấn thân cụ thể để nâng đỡ các Giáo Hội trẻ tại các xứ truyền giáo. Các ngân khoản lạc quyên trong ngày này được dùng để hỗ trợ các giáo lý viên và các nhân viên mục vụ, cũng như đáp ứng các nhu cầu khác của các Giáo Hội địa phương.

 Để chuẩn bị giúp các tín hữu cử hành Ngày Thế giới truyền giáo, hằng năm các vị Giáo Hoàng vẫn công bố một sứ điệp. Năm nay, Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô được công bố rất sớm, vào ngày 6/1, lễ Hiển Linh, qua đó ngài mời gọi các tín hữu toàn Giáo Hội cùng nhau trở nên chứng nhân về Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Linh.

 3 kỷ niệm quan trọng

 Nhưng trước khi đi vào nội dung lời nhắn nhủ trên đây của Chúa Kitô với các môn đệ, được thuật lại trong sách Tông đồ công vụ, Đức Thánh Cha nhắc đến 3 kỷ niệm quan trọng trong năm 2022 này, đó là kỷ niệm 400 năm thành lập Bộ Truyền Giáo, nay là Bộ Loan Báo Tin Mừng, kỷ niệm 200 năm thành lập Hội Truyền Bá đức tin, rồi tiếp theo đó có Hội Nhi Đồng truyền giáo và Hội Thánh Phêrô Tông Đồ, sau cùng là kỷ niệm 100 năm 3 hội này được nâng lên hàng Hội “Giáo Hoàng”.

 Làm chứng nhân

 Trong số những điều được Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong sứ điệp, đặc biệt là sứ mạng của các môn đệ: “Các con sẽ là chứng nhân về Thầy… cho đến tận bờ cõi trái đất”. Ngài viết:

 “Các con sẽ là chứng nhân về Thầy”, đây là điểm chủ yếu, là trung tâm giáo huấn của Chúa Giêsu cho các môn đệ đứng trước sứ mạng của họ trên thế giới. Tất cả các môn đệ sẽ là chứng nhân của Chúa Giêsu, nhờ Chúa Thánh Linh mà họ sẽ nhận lãnh, dù họ đi đâu hay ở đâu.

 “Cũng như Chúa Kitô là vị đầu tiên được sai đi, nghĩa là thừa sai của Chúa Cha (Xc Ga 20,21), và với tư cách đó Người là ‘chứng nhân trung thành’ (x.

Kh 1,5), cũng vậy mỗi tín hữu Kitô được kêu gọi trở thành thừa sai và chứng nhân của Chúa Kitô. Giáo Hội, cộng đồng các môn đệ của Chúa Kitô, không có sứ mạng nào khác ngoài việc loan báo Tin Mừng cho thế giới, làm chứng về Chúa Kitô” (…)

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng “Chính Chúa Kitô và Chúa Kitô Phục sinh là Đấng chúng ta phải làm chứng và chia sẻ cuộc sống của Người. Các thừa sai được sai đi không phải để loan báo bản thân, chứng tỏ các đức tính và khả năng thuyết phục của mình hoặc khả năng quản trị của họ. Trái lại họ có vinh dự rất cao trọng là, bằng lời nói và việc làm, cống hiến Chúa Kitô, loan báo cho mọi người Tin Mừng cứu độ của Chúa trong niềm vui và thẳng thắn như các tông đồ tiên khởi”.

 Cho đến tận bờ cõi trái đất

 – Điểm thứ II là “Cho đến tận cùng trái đất”, nói lên tính thời sự ngàn đời của sứ mạng loan báo Tin Mừng hoàn vũ: “từ trung tâm Giêrusalem, vốn được truyền thống Do thái coi như trung tâm của thế giới, cho đến miền Giuđêa, Samaria và tới tận cùng trái đất”. Họ không được sai đi để chiêu dụ tín đồ (proselitismo)…

Đức Thánh Cha nhận xét rằng thành ngữ “cho đến tận cùng trái đất” phải đặt câu hỏi cho các môn đệ của Chúa Giêsu mọi thời và thúc đẩy họ ngày càng đi ra ngoài những nơi quen thuộc đệ làm chứng về Chúa. Mặc dù có tất cả những dễ dàng do những tiến bộ thời nay, vẫn còn những vùng địa lý trong đó các thừa sai chứng nhân của Chúa chưa đi tới cùng với Tin Mừng tình thương của Chúa… Giáo Hội đã, đang và sẽ luôn luôn “đi ra ngoài”, hướng tới những chân trời mới về mặt địa lý, xã hội, cuộc nhân sinh, hướng về những nơi chốn và hoàn cảnh của con người ở “biên cương” để làm chứng về Chúa Kitô và về tình thương của Người đối với mọi người nam nữ thuộc mọi dân tộc, văn hóa và giai tầng xã hội.

 Nhận lãnh sức mạnh của Chúa Thánh Linh

 Điểm thứ III: “Các con sẽ nhận lãnh sức mạnh của chúa Thánh Linh” – luôn để cho mình được Chúa Thánh Linh củng cố và hướng dẫn.

 Theo trình thuật của sách Tông đồ công vụ, sau khi Chúa Thánh Linh hiện xuống trên các môn đệ của Chúa Giêsu, đã diễn ra hoạt động đầu tiên làm chứng về Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại, với lời loan báo ơn cứu độ nhờ Chúa Kitô, gọi là diễn văn truyền giáo của thánh Phêrô cho dân chúng ở Giêrusalem”.

 Khía cạnh cụ thể

 Trong phần cuối của sứ điệp, Đức Thánh Cha đề cao hoạt động và sự nghiệp của Bộ truyền giáo, Hội Giáo Hoàng Truyền Bá đức tin, Hội Thánh Nhi, hay nhi đồng truyền giáo, và Hội Thánh Phêrô, sau cùng là Liên hiệp Truyền giáo, dưới ánh sáng tác động của Chúa Thánh Linh. Trong năm qua (2021), tuy ở trong hoàn cảnh đại địch, Hội Truyền Bá đức tin đã quyên góp và tài trợ hơn 110 triệu mỹ kim cho các hoạt động tại các xứ truyền giáo với 1.118 giáo phận, từ việc nâng đỡ các giáo lý viên, các hoạt động xã hội, Hội thánh Phêrô Tông Đồ đã hỗ trợ việc đào tạo các chủng sinh: cụ thể là tài trợ cho 431 tiểu chủng viện với hơn 45 ngàn 800 tiểu chủng sinh, 120 chủng viện dự bị với gần 5.600 ứng viên, 220 đại chủng viện với tổng cộng hơn 23 ngàn đại chủng sinh. Hội này cũng giữ liên lạc với 800 chủng viện với 80 ngàn chủng sinh. Ngoài ra, Hội cũng trợ giúp 978 tập viện dòng nam và dòng nữ.

 Hội Giáo Hoàng Nhi Đồng truyền giáo đã trợ giúp hơn 15 triệu mỹ kim cho các giáo phận ở Á, Phi, Mỹ và châu đại dương với mục đích giúp các thầy cô khơi lên và phát triển nơi các trẻ em và thiếu niên ý thức về sứ vụ truyền giáo, ngay từ nhỏ.

 Tin tưởng

 Cứ nhìn tình hình Giáo Hội tại một số nước Âu Mỹ, có thể người ta sẽ rơi vào tình trạng bi quan về tương lai. Nhưng nhìn rộng hơn tới các nơi khác, chúng ta thấy không thiếu những chứng tá và hoạt động tông đồ âm thầm của các tín hữu Công Giáo trong sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa. Như trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, không thiếu những chứng tá theo chiều hướng này. Ví dụ trong vòng 4 năm, từ 1989 đến 1993, số tín hữu công giáo tại huyện Thanh Thần (Qingshen), thuộc giáo phận Lạc Sơn (Leshan) tỉnh Tứ Xuyên bên Trung Quốc, đã tăng gấp 36 lần, từ 55 người lên 2.000 người, nhờ lòng nhiệt thành truyền giáo của một nữ giáo lý viên, là bà Lôi Tố Phương (Lei Sufang).

 Từ năm 1989, Bà Lôi Tố Phương cùng với 3 người chị viếng thăm các làng lân cận để nói về Chúa với những người mà họ gặp. Bà nói: “Khi dân làng có vấn đề gì, chúng tôi thường an ủi và bày tỏ tình thương với họ. Chúng tôi cố gắng giúp đỡ họ bao nhiêu có thể và hướng dẫn họ cầu nguyện với Chúa. Ban đầu họ xua đuổi chúng tôi và coi chúng tôi như những người điên. Nhưng rồi với sự kiên trì, dần dần người ta chấp nhận chúng tôi và nghe những gì chúng tôi nói. Sau đó một thời gian, nhiều dân làng xin lãnh nhận bí tích rửa tội. Tiếp đến, những người ấy lại chia sẻ đức tin với họ hàng bạn hữu của họ, vì thế số tín hữu gia tăng thêm”.

 Bà Lôi Tố Phương nói: “Tôi thiết nghĩ chính Chúa đã mang Tin Mừng đến cho họ. Chúng tôi chỉ là những dụng cụ của Chúa mà thôi”. Bà là con út trong một gia đình Công giáo có 4 người con. Bà vẫn quen đi nhà thờ với gia đình khi còn nhỏ, nhưng sau khi lấy chồng thì bà không đi nhà thờ nữa. Bà Phương sinh được 3 người con và năm 54 tuổi, bà về hưu. Năm 1989, nhờ đọc được một bài báo, bà Lôi Tố Phương đã quyết định trở về với Giáo hội. Bài báo đó nói rằng: Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho những ai đã phạm tội, nếu họ đáp lại tiếng gọi của Người. Lúc đó, bà Phương cảm thấy như có người nào đó đập mạnh vào đầu bà và bà nghe tiếng nói trong nội tâm thúc đẩy bà hãy trở về với Giáo hội. Rồi từ đó bà đã quyết tâm làm tông đồ, dẫn đưa những người khác về với Chúa và làm cho số tín hữu Công giáo tăng từ 55 người lên 2.000 người như thế. (UCAN 22/12/93)

Trả lời