NGUỒN GỐC BẢN KINH THÁNH BẢY MƯƠI (LXX)
Tác giả: Paul Lawrence, PhD
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
WGPQN (07.92021) – Bản dịch Kinh Thánh sớm nhất từ tiếng Hípri sang tiếng Hy Lạp ra đời vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Được gọi là bản Bảy Mươi, bản dịch này theo truyền thống được thực hiện dưới triều vua Ptolemy II Philadelphus Ai Cập (285-246 BC).
Thường được gọi là bản “Septuaginta” (tiếng Latinh nghĩa là “bảy mươi”) vì theo câu chuyện được lưu lại trong Thư Aristeas, 72 dịch giả đã dịch ra nó. Bức thư này kể lại rằng vua Ptolemy II đã ủy thác cho viên quản thủ thư viện hoàng gia, Demetrius thành Phaleron, sưu tập bằng cách mua lại hay sao chép tất cả các sách thánh trên thế giới. Ông còn viết thư cho Eleazar, thượng tế ở Giêrusalem, xin gởi đến 6 vị trưởng lão trong mỗi chi tộc, vị chi là 72 vị, có đời sống gương mẫu và thông thạo các sách Lề Luật (Torah), đến để dịch Kinh Thánh sang tiếng Hy Lạp.
Vừa đến Alexandria, các dịch giả được nhà vua tiếp đón và ban cho một bữa yến tiệc sang trọng. Sau đó họ giam mình trong ngôi nhà kín cổng cao tường trên đảo Pharos gần bờ biển, nơi ngọn hải đăng cao 110 mét, một trong 7 kỳ quan thế giới, vừa được xây dựng xong.
Theo thư Aristeas, bản dịch dưới sự điều hành của Demetrius được hoàn tất trong 72 ngày. Khi cộng đồng người Do Thái ở Alexandria họp lại để nghe bản dịch mới, các dịch giả và Demetrius nhận được nhiều lời khen tặng, và người ta loan báo một lời nguyền rủa cho bất kỳ ai thêm thắt, chuyển đổi hay bỏ sót bất kỳ một lời nào trong đó. Công trình cũng được đọc cho vua nghe, theo như lời của Thư Aristeas, và ông ngạc nhiên về trí tuệ của các nhà ban hành luật lệ. Các dịch giả về Giêrusalem, mang theo nhiều tặng phẩm cho mình và cả thượng tế Eleazar nữa.
Các thế hệ sau này vẽ vời thêm vào câu chuyện. Philo thành Alexandria, thế kỷ thứ I AD, viết rằng mỗi dịch giả được chia ra ở những căn phòng kín tách biệt nhau, thế mà kỳ lạ thay các bản văn dịch đều giống nhau như một, điều đó chứng tỏ rằng bản dịch của họ đã được Thiên Chúa linh hứng.
Xét lại về nguồn gốc
Thật khó biết các câu chuyện này đáng tin ở mức độ nào. Có đôi điều về lịch sử rõ ràng là không chính xác lắm trong Thư Aristeas. Ai cũng biết là khi lên ngôi thì vua Ptolemy II đã đuổi cổ Demetrius thành Phaleron đi rồi. Và một trong những người được cho là hiện diện tại bữa tiệc khoản đãi, ông Menodemus thành Eritria, được biết là đã qua đời hai năm trước khi Ptolemy II lên ngôi. Nhưng ngay cả khi những câu chuyện liên quan đến bản Bảy Mươi là không đúng thì ít ra không phải tất cả đều không đúng, ít ra hầu như chắc chắn rằng Ptolemy II đã thúc đẩy công việc dịch thuật các sách Lề Luật (Torah), năm cuốn đầu tiên của Sách Thánh Do Thái giáo.
Tầm quan trọng của bản dịch Bảy Mươi
Sau những cuộc chinh phục của Alexander Đại đế (336-323 BC), tiếng Hy Lạp trở thành ngôn ngữ chính thức của Ai Cập, Syria và phía đông biển Địa Trung Hải. Bản dịch Bảy Mươi giúp phổ biến sách thánh Do Thái giáo cho những người Do Thái không còn nói tiếng mẹ đẻ và cả thế giới nói tiếng Hy Lạp nữa. Bản Bảy Mươi sau này trở thành Kinh Thánh của Giáo Hội sơ thời nói tiếng Hy Lạp, và thường được trích dẫn trong Tân Ước.
Những dấu vết về nguồn gốc Ai Cập của bản Bảy Mươi
Chính trong bản dịch Bảy Mươi có để lộ ra những dấu vết nào về nguồn gốc Ai Cập của mình không? Trong sách Lêvi 11 và Đệ Nhị Luật 14 có một danh sách các loài thú và chim không thanh sạch, nghĩa là những loài vật mà người Do Thái không được ăn thịt. Việc xác định chính xác nhiều loài chim trong bản danh sách này vẫn còn không rõ ràng. Bản danh sách này thật thú vị đối với nhà điểu học nhưng là cơn ác mộng của nhà dịch thuật. Chính xác là loài chim nào thì cũng không liên quan gì đến chúng ta. Ngay cả bản Bảy Mươi dịch có chính xác hay không thì cũng không liên quan gì đến chúng ta.
Trong sách Lêvi 11,17 ta có loài chim gọi là yanshuph. Bản Bảy Mươi dịch là ibis, một loài chim mà người Ai Cập gọi là hbj. Bản CGKPV dịch là “cú mèo”. Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là “vó”. Bản Anh ngữ Revised Standard dịch theo bản dịch Bảy Mươi là “ibis”. Tuy nhiên phần lớn các bản dịch Anh ngữ đều dịch Yanshuph là một loài cú (a kind of owl).
Loài chim mà tiếng Hípri gọi là qa’a trong Lêvi 11,18 được dịch là “bồ nông” (pelican) theo bản Bảy Mươi là pelekan. Tuy nhiên, một số bản dịch Anh ngữ không theo bản Bảy Mươi mà chọn một loài cú khác.
Arnebet rõ ràng là “thỏ” hoặc “thỏ rừng”. Tuy nhiên, từ này không được dịch là lagos, một từ thông dụng trong tiếng Hy Lạp để chỉ “thỏ” hoặc “thỏ rừng”. Lêvi 11,6 trong bản Bảy Mươi đã chọn từ choirogryllion nghĩa là “con heo con”, và Đệ Nhị Luật 14,7 đã dùng một uyển ngữ là dasypous, nghĩa là “chân thô.” Một bản dịch tiếng Hy Lạp khác là bản Aquila đã dùng từ lagos mà không cần phải sử dụng một từ khác. Tại sao bản Bảy Mươi lại tránh né từ lagos? Lý do là vì ông nội của vua Ptolemy II có tên “nickname” là “Lagos,” bởi vì ông có đôi tai dài! Điều này cho thấy xuất xứ Ai Cập rõ ràng của bản dịch Bảy Mươi.
Một ví dụ thời danh và rất ý nghĩa có liên quan đến từ “Biển đỏ”. Yam suph trong tiếng Hípri có nghĩa là “Biển sậy” (reed sea), một từ thường hay được sử dụng để chỉ con nước mà người Do Thái băng qua khi họ đào thoát khỏi Ai Cập. Con nước này thường được cho là các sông hồ và đầm lầy nước mặn ở phía bắc Vịnh Aqaba. Tuy nhiên bản Bảy Mươi dịch là Erythra thalassa, nghĩa là “Biển đỏ”, và từ này được Tân Ước sử dụng trong Cv 7,36 và Dt 11,39.
Nhưng do đâu mà có từ “Biển đỏ”? Có thể là do từ Edom trong tiếng Hípri có nghĩa là “đỏ”, và người Edomites chiếm cứ vùng đất phía nam Israel cho đến Vịnh Aqaba. Biển này được biết dưới tên gọi là biển của người Edomite hoặc Biển đỏ. Một cách giải thích khác là nó được gọi là “đỏ” và đây là màu nổi bật của các ngọn núi vùng Arab và Edomite bao bọc Vịnh Aqaba.
Những đặc điểm của bản dịch Bảy Mươi (Septuaginta)
Bản dịch Bảy Mươi có một số đặc điểm nổi bật. Trong sách Châm Ngôn 6,8b, sau câu ngạn ngữ Do thái nói về con kiến (“nó tích lũy lương thực mùa hè, nó thu nhặt của ăn trong mùa gặt hái”), bản Bảy Mươi thêm câu ngạn ngữ Hy Lạp nói về con ong: “Hoặc đi đến tổ ong và học sự cần mẫn của nó và cách nó làm việc tận tình; thành quả lao nhọc của nó được các vua chúa và người dân dùng cho sức khỏe, nó được mọi người ước muốn và tôn trọng, dù thân xác yếu đuối nhưng tiến xa về sự khôn ngoan.”
Bản dịch gốc của sách Đanien trong bản Bảy Mươi được cho là quá rườm rà. Nó được thay thế bằng một bản dịch khác dường như có nguồn gốc từ Tiểu Á, được gán cho Theodotion vào cuối thế kỷ thứ II AD. Thật vậy, hiện nay chỉ còn sót lại một bản thảo sách Đanien của bản dịch Bảy Mươi – một bản thảo ở thế kỷ thứ X trong bộ sưu tập Chigi ở Vatican.
Một đoạn văn dài trong chương 11 sách Đanien nói về các vua miền Bắc và miền Nam, bản Bảy Mươi nguyên thủy dịch “vua miền Nam” là “vua Ai Cập”. Bản dịch Theodotion đã thay thế lại bằng “vua miền Nam”.
Đặc biệt hơn cả là bốn mẫu tự YHWH là tên gọi của Thiên Chúa trong bản văn Hípri đã được chuyển thành ho Kyrios trong bản dịch Bảy Mươi. Các bản Anh ngữ dịch là “the LORD”. Bản CGKPV dịch là “ĐỨC CHÚA”.
Nhiều ví dụ cho thấy các tác giả Tân Ước theo bản dịch Bảy Mươi hơn là văn bản gốc tiếng Hípri. Ta có 4 ví dụ sau đây:
1) Trong Sáng Thế Ký 47,31, bản Hípri viết: “Ông Israel sụp xuống lạy ở đầu giường”, còn bản Bảy Mươi và thư Do Thái 11,21 thì viết: “trên đầu gậy”.
2) Trong Thánh Vịnh 8,6, bản Hípri viết: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên”, còn bản Bảy Mươi và thư Do Thái 2,7 viết: “Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên.”
3) Trong Thánh Vịnh 16,10, bản Hípri viết: “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty (Sheol), không để Vị Thánh của Ngài nhìn thấy phần mộ”, còn bản Bảy Mươi và sách Tông Đồ Công Vụ viết: “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty (Hades), cũng không để Vị Thánh của Ngài thấy sự hư nát”.
4) Trong Thánh Vịnh 40,(6)7, bản Hípri viết: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con”, còn bản Bảy Mươi và thư Do Thái 10,5 viết: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Ở đây các dịch giả đã giải thích ý nghĩa ẩn dụ, người tôi tớ của ĐỨC CHÚA không chỉ lắng nghe và vâng lời giới răn của ĐỨC CHÚA ở tai mà thôi nhưng toàn thân thể.
Những hạn chế của bản Bảy Mươi
Giáo Hội Chính Thống cho rằng bản dịch Bảy Mươi chính xác hơn bản Hípri và nên sử dụng bản Bảy Mươi để dịch Kinh Thánh sang các thứ tiếng khác. Tuy nhiên cũng nên biết rằng bản Bảy Mươi có những hạn chế.
Sách Gióp trong bản Bảy Mươi ngắn hơn 1/6 so với bản Hípri truyền thống được gọi là bản Masoretic. Những phần bỏ sót đã được bản dịch Hy Lạp Theodotion lấy lại. Sách Giêrêmia trong bản Bảy Mươi ngắn hơn 1/8 so với bản Masoretic, những đoạn lập lại bị cắt bỏ và thứ tự bị thay đổi. Hơn nữa, bản Bảy Mươi thường ghi lại những con số khác, chẳng hạn như số tuổi của vài vị tổ phụ trong sách Sáng Thế Ký:
Stk | Nhân vật | Bản Masoretic | Bản Bảy Mươi |
5,3 | Tuổi của Ađam khi sinh Sết | 130 | 230 |
5,6 | Tuổi của Sết khi sinh Ênốt | 105 | 205 |
5,28 | Tuổi của Laméc khi sinh Nôê | 182 | 188 |
5,31 | Tuổi thọ của Laméc | 777 | 753 |
Như vậy, có lẽ vì bản Bảy Mươi được vua Ptolemy II hoan hỉ đón nhận nên chẳng mấy ngạc nhiên khi nó không được người Do Thái chấp nhận cách rộng rãi: “Có lẽ đó là ngày báo gỡ cho dân Israel như ngày tạc tượng con bò vàng, bởi vì Lề Luật không được dịch cách chính xác” (Mesechet Sopherim [Luận văn dành cho các Ký lục] 1.7).
Ý nghĩa cuối cùng của bản Bảy Mươi
Chính vì giáo hội sơ thời chấp nhận bản Bảy Mươi nên đó là lý do mà người Do Thái đã bỏ nó đi. Cách dùng từ parthenos nghĩa là “trinh nữ” trong Isaia 7,14 để nói đến mẹ của người con trai được hứa tên là Emmanuel, đã được Matthêô 1,23 sử dụng như là bằng chứng cho sự ra đời trinh thai của Đức Giêsu.
Giống như bất kỳ bản dịch nào, bản Bảy Mươi cũng có những hạn chế của mình, nhưng đây là bản dịch đầu tiên Sách Thánh của Do Thái giáo sang một thứ tiếng khác, do đó vị trí của nó trong lịch sử thế giới đã được bảo đảm. Hơn nữa, các tác giả Tân Ước thường sử dụng nó như là bản văn Cựu Ước, điều này càng làm tăng thêm tầm quan trọng của nó.
Nguồn: gpquinhon.org
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận