Thánh Phêrô Đoàn Công Quý, sinh năm 1826 con thứ sáu, là út của ông bà Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anê Nguyễn Thị Thường. Nguyên quán của ông bà ở miền Bắc Việt Nam. Năm 1820 vì sinh kế nên gia đình đã di chuyển vào miền Nam, tới lập nghiệp ở Búng, làng Hưng Thịnh, tổng Bình Thạnh, hạt Thủ Dầu Một, nay là tỉnh Bình Dương.
Vào miền Nam được 6 năm, tức năm 1826 thì ông bà sinh được cậu con trai thứ sáu, cũng là cậu con út, ông bà đặt tên cho cậu là Phêrô Đoàn Công Quý. Cậu Quý dần dần lớn lên trong sự chăm sóc của ông bà, nhất là của bà mẹ, rất yêu thương và luôn ở sát bên mẹ. Bà Maria Thu nhà bên cạnh thấy bà Thường chiều chuộng cậu con út quá, có lần bà nói:
– “Bà chiều cậu con quá như thế, lớn lên nó hư thì sao”?
Bà Thường hãnh diện trả lời:
– “Gớm bà nói. Hư làm sao được. Lớn lên cháu nó đi tu làm linh mục. Nó về làm lễ và giải tội cho bà đấy”.
Bà hàng xóm vui miệng:
– “Thế khi ấy tôi phải gọi cậu ấy là cha à? Sướng nhỉ”.
Quả thật như vậy, điều mơ ước lớn lao nhất của ông bà Antôn Miêng là có một người con dâng cho Chúa, để làm linh mục. Hằng ngày ông bà vẫn cầu xin với Chúa như vậy.
Ông bà rất vui và hy vọng nơi cậu con út này. Cậu học hành khá thông minh, ngoan ngoãn và siêng năng đọc kinh tối sáng, thích đi lễ và xin vào ban giúp lễ. Được giúp lễ, cậu có dịp được gần cha Tam, cha xứ nhà thờ họ Búng để xin cha hướng dẫn về đàng đạo đức và ơn gọi làm linh mục. Cha Tam thấy cậu thông minh, lại ngoan nên giới thiệu cậu với cha Gioan Miche Mịch để học kinh sách và tiếng La tinh.
Sau môt thời gian thử thách và học tập tốt, cha Gioan Miche Mich gửi cậu về đại chủng viện thánh Giuse ở Thị Nghè, lúc ấy cha Borelle đang làm giám đốc chủng viện. Tới năm 1848, thầy Quý được gửi đi du học tại Pénăng, Mã Lai, tại trường đại chủng viện của các cha Hội Thừa Sai Paris đảm trách. Tại đại chủng viện này, thầy Quý học triết, thần học, văn chương, ngôn ngữ v.v.
Năm 1855 thầy Đoàn Công Quý trở về nước giữa thời kỳ vua Tự Đức ra sắc chỉ cấm đạo rất gay gắt. Thầy trở về thăm gia đình tại Búng. Người trong họ đạo thấy thầy về, nhiều người tò mò, nhất là mấy cô trong Ca Đoàn, cứ to nhỏ thì thầm với nhau:
– “Công tử Quý con ông Miêng đi học lâu ngày, nay đã về. Chắc là hết tu rồi. anh chàng đẹp trai đáo để”.
Cô Mai con ông quản Tuấn nhà ở đầu nhà thờ, xem ra bận tâm đến chàng lắm. Cô cố ý tò mò hỏi xem thầy còn tu nữa hay thôi rồi. Trong lòng, cô ước mong là thôi rồi, vì thời thế đạo Chúa bị cấm cách, đạo trưởng bị bắt bớ nên cô tin thầy Quý sợ hãi đã thôi tu. Cô mong như thế, cô nói với mấy cô bạn trong Ca Đoàn:
-“Anh chàng đẹp trai như thế mà đi tu thì uổng quá chúng mày ạ. Tao cầu xin cho anh ấy đừng tu nữa. Tu thời nay khó lắm”.
Cô bạn khác biết Mai thích thầy Quý nên hóm hỉnh nhạo lại:
– “Con quỉ này! Mày mê người ta rồi hay sao mà lo cho người ta thế? Ừ, mà chàng đẹp trai thật. Đi tu uổng quá!”
Cô Mai nghe bạn nói, đỏ mặt đáp lại:
– “Thì tao cũng nói thế thôi. Tu hay không tu, đã chắc gì người ta để ý đến tao”.
Nói xong cô nàng lấy tay che mặt, vì mắc cỡ.
Nhưng thật là “bé cái lầm”. Chỉ sau ít ngày các cô đều thất vọng. Nhất là cô Mai con ông quản Tuấn.
Thầy Đoàn Công Quý sau ít ngày âm thầm về thăm gia đình, thầy lại trở về nhà trường chờ lệnh Đức Cha chỉ định.
Tình thế mỗi ngày một căng thẳng hơn. Vua Tự Đức lại ra sắc chỉ thứ ba, ra lệnh truy nã bắt hết các đạo trưởng, tín hữu phải xuất giáo, các nhà thờ và chủng viện phải phá hủy. Trước tình thế quá nguy hiểm, Đức Cha Lefèbre Nghĩa trao phó cho thầy Phêrô Đoàn Công Quý việc dạy giáo lý, tổ chức các sinh hoạt trong các xứ đạo. Thầy đã rất thành công trong những công tác được trao phó. Đức Cha rất hài lòng về thầy nên năm 1858 Đức Cha truyền chức linh mục cho thầy. Lễ truyền chức được cử hành tại nhà thờ Thủ Dầu Một. Sau đó Đức Cha bổ nhiệm ngài đi coi xứ Lái Thiêu, Gia Định rồi Kiến Hoà. Một thời gian sau thì Đức Cha lại đổi ngài về làm Phó xứ Cái Mơn thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Khi cha Phêrô Đoàn Công Quý về Cái Mơn thì cũng chính là thời điểm tháng 9 năm 1858 quân đội Pháp và Tây Ban Nha kéo nhau đưa tàu vào cửa Hàn, Đà Nẵng. Trước tình thế đó, vua Tự Đức lại càng hoảng hốt, căm thù các giáo sĩ ngoại quốc và đạo Công Giáo. Vì vậy, những cuộc truy nã các vị Thừa Sai cũng như các tin hữu rất ồn ào náo nhiệt. Khắp các nơi quan quân đều xông xáo đi tìm Thừa Sai Tây Âu. Cha Quý mới chỉ về Cái Mơn được 3 tháng thì lâm nạn. Vì có người mật báo cho quan đầu tỉnh biết là tại nhà dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn có đạo trưởng tây dương ẩn trốn. Các quan cho quân kéo nhau về vây kín tu viện.
Quan bước vào nhà gặp hỏi nữ tu Bề trên:
– Tại đây các bà giấu các đạo trưởng tây dương phải không”
Nữ tu bề trên lễ phép thưa:
– “Bẩm lạy các quan, ở đây chúng tôi là nhà tu, không có đạo trưởng tây dương nào. Chúng tôi xin các quan soi xét để chúng tôi được sống yên ổn”.
Quan nói:
– “Các người mà nói dối thì ta sẽ chém đầu các người hết”.
Bà bề trên thưa:
-“Bẩm quan, chúng tôi không dám nói dối đâu ạ”.
Thế rồi quan hạ lệnh cho lục soát khắp nhà trên nhà dưới, lính không bắt được đạo trưởng tây dương nào. Quan hạ lệnh bắt trói mấy nữ tu để điều tra về chỗ ấn trú của các đạo trưởng. Các nữ tu đều trả lời là không biết. Ở đây không có đạo trưởng tây dương nào. Sau cùng thì quan cho lệnh giải vây. Vì quan tin là các nữ tu nói thật.
Đức Cha biết nhà dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn bị các quan theo dõi, nên Đức Cha lại đổi cha Phêrô Quý về họ đạo Đầu Nước ở Cù Lao Giêng, quận Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cha về họ Đầu Nước ngày 27 tháng 12 năm 1858. Về Đầu Nước, cha Phêrô Đoàn Công Quý bắt tay ngay vào công việc dạy giáo lý và đi thăm viếng các gia đình. Nhưng mới chỉ được mười ngày thì biến cố lớn xẩy đến làm thay đổi mọi sự!
Trong dân làng có một kẻ xấu bụng, ham tiền thưởng nên lén lút lên gặp quan Tổng đốc tỉnh An Giang báo cáo là tại nhà ông Lê Văn Phụng có đạo trưởng đang trú ẩn tại đó. Quan Tổng đốc liền cho lệnh đưa 100 lính tới bao vây chung quanh nhà ông Lê Văn Phụng ở Đầu Nước. Thấy lính kéo về quá đông, người ta vội báo cho ông Lê Văn Phụng. Được tin này cha Pernot vội nói với cha Quý:
– “Tôi và cha phải đi trốn ngay”
Cha Quý trả lời:
– “Tôi là người bản xứ, quan quân khó nhận ra. Cha phải đi trước đi. Tôi ở lại dọn đồ lễ để khỏi phiền lụy cho chủ nhà này. Nếu cần tôi sẽ đi sau”
Sau khi cha Pernot trốn ra khỏi nhà thì quan quân đổ xô vào. Cha Quý chạy ẩn trên sàn nhà. Quan ra lệnh ông Phụng phải nộp đạo trưởng tây dương vì quan đã được mật báo, biết chắc có đạo trưởng tây dương đang ở đây. Ông Lê Văn Phụng cương quyết trả lời:
‘Thưa quan, tôi thưa thật là không có đạo trưởng tây dương ở đây”
Quan quát lớn tiếng:
– “Không nói thật ta cho đánh nát xác bây giờ”
Cha Qúy Quý nghe quan nói sẽ đánh ông Phụng nát xác thì bị xúc động quá, bèn quyết định ra đầu thú. Từ trên sàn nhà nhảy ra, cha Quý nói:
– ‘Chính tôi đây là đạo trưởng. Không có đạo trưởng tây dương nào ở đây. Ai muốn theo đạo, tôi sẵn sàng chỉ cho”.
Quan ngỡ ngàng nhìn cha Quý:
-“Anh nói láo! Anh còn trẻ như thế này mà là đạo trưởng sao được”.
Cha Quý cương quyết nhận:
– “Vâng, thưa quan lớn! Tôi là đạo trưởng thật mà!”
Thấy cha Quý nói với vẻ xác tín như thế. Quan vẫn chưa tin, quan quay lại hỏi một em bé 10 tuổi, cháu nội ông Phụng:
– “Ở đây ai là đạo trưởng”
Cháu nhỏ chỉ cha Phêrô Quý:
– “Cha Quý đấy!”
Lúc ấy quan mới tin rồi ra lệnh bắt trói cha Quý, ông Lê Văn Phụng và 32 tín hữu khác, xiềng xích lại rồi giải về Châu Đốc. Khi tới Châu Đốc thì lính áp giải cha Quý tới nộp cho quan Tổng đốc tỉnh. Quan Tổng đốc nhìn thấy cha Quý còn trẻ, đẹp trai thì có cảm tình ngay. Quan thẩm vấn cha:
– “Anh là đạo trưởng thật à? Anh còn trẻ quá! Thôi, hãy bước qua Thánh Giá để ta tha cho mà về lấy vợ”.
Cha Phêrô Quý khiêm tốn đáp lại:
– “Tôi là đạo trưởng. Tôi khuyên dạy người ta theo đạo. Bây giờ quan lớn lại khuyên tôi bỏ đạo, làm sao có thể được? Tôi đã dâng mình làm tôi Chúa, tôi không lấy vợ”
Quan lại nói:
– “Bây giờ anh đừng nhận mình là đạo trưởng nữa, chỉ nhận là người giúp các đạo trưởng thôi thì tội anh sẽ nhẹ hơn. Ta có thể tha cho dễ hơn”.
Ngài mỉn cười nói:
– “Thưa quan lớn! Tôi không thể nói dối được. Tôi là đạo trưởng thì nói là đạo trưởng. Nếu vì thế mà phải chết thì tôi xin sẵn sàng chết”
Quan nghe Ngài đối đáp như thế thì buồn lòng và truyền đóng gông, xiềng xích tay chân rồi tống giam vào ngục. Ngài vui vẻ chấp nhận hình khổ và hăng hái khuyến khích các bạn đồng đạo hãy can đảm lên. Hãy cầu nguyện và tin cậy vào sức mạnh của Chúa.
Sau ít ngày, quan tổng đốc lại cho gọi cha Quý ra tòa. Quan nói một cách thân thiện với Ngài:
– “Thầy là người thanh liêm, nhân từ, đức hạnh, tại sao lại mê theo tà đạo? Hãy nghe ta mà bỏ đạo ấy đi!”
Cha Quý vui vẻ trả lời:
– “Thưa quan lớn, Tôi là người giảng dạy đạo này, sao lại có thể bỏ đạo được. Đàng khác, đây chinh là đạo thật, vì chỉ dạy những điều tốt lành, không phải là tà đạo như quan lớn nói”.
Quan lại cho lệnh giam và dùng nhiều mưu kế dụ dỗ, dọa nạt, tra tấn, đánh đập v.v. nhiều khổ nhục kế khác nữa. Nhưng Ngài vẫn kiên trì chịu đựng, nhất quyết không bao giờ chối Chúa. Trong hơn 7 tháng bị giam trong ngục, trải qua bao hình khổ và đòn vọt, cha Quý vẫn luôn kiên trung. Cha luôn khuyến khích các bạn tù, thúc giục đọc kinh Mân Côi, cầu nguyện chung với họ. Một số người lén lút tới thăm ngài, trong đó có cả các linh mục cải trang vào thăm để giải tội và cho Ngài rước Mình Thánh Chúa, ngài rất vui và xin mọi người cầu nguyện cho ngài can đảm theo Chúa tới cùng.
Dù trong ngục, ngài vẫn cầu nguyện cho người cha của ngài đã qua đời và nhớ tới người mẹ thân yêu của ngài. Có lần ngài biên thư thăm mẹ như sau:
Ký vụ thân mẫu đôi chữ trưởng tri
Kể từ ngày con vâng lệnh ra đi
Lòng lã chã lụy rơi luồng lụy
Ngỡ tới đây hành công biện sự
Một hai tháng về viếng từ thân
Ai ngờ rầy sớm tách lìa phân
Thời cùng nước không hề vầy hiệp.
Hễ đạo làm tôi đưa giữ lời răn dạy
Cho nên con vâng lệnh chỉ sai
Đàng xa xôi cách trở lại chi nài
Miễn đặng tiếng vâng lời chịu lụy
Khi con tới An Giang tạm nghỉ
Gặp chân trời mở hội khoa thi
Nên con phải liều công ứng cử
Ấy là Thiên Chúa nhi sổ nhiên
Nhơn tất tùng chi, nhi dĩ hỉ
Dầu trăng trói, gông cùm tù rạc
Chén ngục hình xiềng toả chi nề
Cho trọn đạo trung thần hiếu tử
Chí con dốc đền công ơn Chúa
Dạ con làm chớ chút phiền hà
Một cam chịu cho danh Cha cả sáng.
Nay thơ,
Thần Tử Bá Đa Lộc Đoàn Công Quý
Linh mục Bản quốc.
Thấy không còn cách nào thuyết phục ngài bỏ đạo. Quan Tổng đốc làm bản án trảm quyết gửi về kinh, xin vua châu phê. Ngày 30 tháng 7 năm 1859 bản án trảm quyết cha Phêrô Đoàn Công Quý từ kinh gửi về, kèm với bản án ông Emmanuel Lê Văn Phụng. Thế là sáng ngày 31 tháng 7 năm 1859, hai chiến sĩ kiên trung của Chúa hân hoan cùng với quan Giám sát và đội quân lý hình tiến ra pháp trường ở xóm Chà Và. Hai ngài vừa đi miệng vừa đọc kinh. Tên lính đi trước giơ cao tấm thẻ của cha Quý vừa đi vừa đọc lớn tiếng:
=Tự Đức thập tam, An Giang tỉnh kỳ vị niên, thất nguyệt, sơ nhị nhật.
Thẻ: Đạo trưởng Đoàn Công Quý, từng gian đạo, tụ tập đạo đồ, đạo chủng đạo thư: Bất khẳng quá khoá, vi phạm quốc pháp. Luật hình trảm quyết”.( Niên hiệu Tự Đức thứ 13, tỉnh An Giang, năm Kỷ vị, tháng 7 ngày 2 – Thẻ: linh mục Đoàn Công Quý theo đạo rốI, tụ họp tín hữu, chủng sinh, sách đạo, không chịu bước qua ảnh tượng, phạm luật nước, luật hình phải chém).
Tới nơi, hai ngài quì cầu nguyện sốt sắng. Cha Quý giơ tay giải tội và ban phép lành cho ông Emmanuel Lê Văn Phụng. Hiệu lệnh đã tới giờ hành quyết, ba hồi chiêng trống vang lên. Mấy người đứng xa xa rưng rưng nước mắt. Hai cô con gái ông Lê Văn Phụng từ xa xa kêu lớn tiếng:
– “Ba ơi! Ba về Trời nhớ cầu nguyện cho mẹ con chúng con nhé. Chúng con vĩnh biệt ba của chúng con”.
Mấy tên lính tới ngăn cấm không cho dân chúng được la lối.
Tiếng trống vừa dứt thì tên lý hình vung gươm chém 3 nhát đầu cha Quý mới lìa cổ, chấm dứt cuộc đời của ngưòi chiến sĩ kiên cường của Chúa mới 33 tuổi và mới thi hành chức vụ linh mục được vừa một năm tròn.
Giáo dân xin thi hài Ngài về an táng tại nhà thờ Năng Gù. Tới năm 1959 đã cải táng đưa về chủng viện Cù Lao Giêng. Đức Giáo Hoàng Piô X đã suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước ngày 2 tháng 5 năm 1909, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng ngài lên hàng Hiển Thánh ngày19 tháng 6 năm 1988.
Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận