Ngày 21/06: Thánh Lu-i Gonzaga – Tu sĩ (1568-1591)

273 lượt xem Hạnh Các Thánh
Listen to this article

Thánh Lu-i Gonzaga – Tu sĩ (1568-1591)

Lễ nhớ

 

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Louis de Gonzague qua đời tại Rôma ngày 21 tháng 6 năm 1591 và được phong thánh năm 1726. Lễ nhớ của ngài gợi cho chúng ta những năm tháng đầu tiên sau Công đồng Triđentinô và hoàng triều của vị quân vương trong Đế quốc thần thánh.

Louis được sinh ra gần Mantove, miền Bắc nước Ý vào năm 1568, là người con thừa kế của vị hầu tước đầu tiên của thành Castiglione, ngài Ferrante, là đô đốc của vua Ferdinand I Dòng Habsbourg. Thân phụ mong người trở thành một chiến sĩ dũng cảm và một quân vương khôn ngoan cẩn trọng. Nên ông đã đưa người đi theo ông sang Casalmaggiore. Tại đây, người ta đang chuẩn bị xuất quân đánh bọn hải tặc. Louis đã trở thành một cận vệ danh dự tại Florence trong triều của đại công tước Francesco di Medicis. Vì kinh ngạc và ghê sợ trước cảnh sa đọa ở hoàng cung, Louis dâng mình cho Chúa và nguyện sống khiết tịnh: lúc ấy ngài mới mười tuổi.

Ở tuổi mười hai, ngài được xưng tội và rước lễ lần đầu qua bàn tay của Thánh Charles Borromée. Năm 1579, ngài vào triều đình Mantoue. Từ 1581 đến 1584, ngài lưu lại Tây Ban Nha. Nơi đây, ngài được làm cận vệ cho hoàng tử Don Diego, con của vua Philippe II. Năm 1583, trong khi cầu nguyện trước tượng Đức-Mẹ-chỉ-bảo-đàng-lành, ngài cảm thấy phát sinh trong lòng mình ước muốn trở thành tu sĩ Dòng Tên.

Cho dù gặp phải những kháng cự của thân phụ, ngài vẫn từ bỏ tước hiệu hầu tước cho người em Rudolphô, để gia nhập tập viện Dòng Tên tại Rôma. Ngài sống nơi đây sáu năm, dưới sự linh hướng của thánh Robert Bellarmin. Ngài lãnh các chức nhỏ tại nhà thờ thánh Gioan-Latêranô. Trong khi chuẩn bị chức linh mục, ngài chỉ mong được đi truyền giáo và được phúc tử đạo.

Khi xảy ra nạn dịch hạch năm 1591, thánh nhân là người đầu tiên tình nguyện chăm sóc các bệnh nhân, nhưng ngài đã bị lây nhiễm trong khi di chuyển một bệnh nhân dịch hạch. Ngài qua đời lúc chỉ mới 23 tuổi, tại bệnh xá của học viện Rôma.

2. Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện trong Thánh lễ làm nổi bật các nét đặc trưng nơi đời sống của vị hoàng tử này đồng thời là tập sinh của Dòng Tên, được Đức Piô XI phong làm thánh bảo trợ của giới trẻ, năm 1926.

Lời nguyện trong ngày như sau: “Lạy Chúa là Đấng ban phát mọi ơn riêng, Chúa đã cho thánh Louis de Gonzague vừa sống một cuộc đời trong trắng, lại vừa biết hy sinh hãm mình. Vì công đức và lời chuyển cầu của thánh nhân, xin dủ lòng thương nâng đỡ, để chúng con, dầu không được trong trắng như người, thì cũng biết noi gương người mà hãm mình đền tội.”

Chàng trai trẻ Louis thú nhận đã sống một cuộc đời tội lỗi trước khi được ơn trở lại. Nhưng trong thực tế, ngài luôn sống thánh thiện và không bao giờ ngừng hy sinh, hãm mình, đền tội, ngay cả tại các cung đình ở Madrid, ở Mantoue, Ferrare, Parma hoặc Turinô.

Trong Dòng Tên, ngài còn sống nghiệm nhặt hơn nữa. Không những ngài giao tiếp và giúp đỡ anh em trợ sĩ, mà còn muốn quên đi nguồn gốc quí tộc của mình, thích ra ngoài trong trang phục thô thiển, lưng đeo bị, đi ăn xin của bố thí.

Lời nguyện trên lễ vật mời gọi chúng ta tham dự vào bàn tiệc Nước trời, noi gương Louis de Gonzague. Người tập sinh này đã muốn khoác lên mình trang phục của người tải thương để chăm sóc bệnh nhân dịch hạch. Nên trang phục cưới của ngài chính là chiếc áo tình thương, đã biến ngài nên khó nghèo như Đức Kitô, song rất giàu ơn phúc bởi trời.

Lời nguyện hiệp lễ xin Chúa ban cho chúng ta sống một cuộc đời trong trắng, luôn trong tâm tình tri ân và cảm tạ.

Khi nhiễm bệnh dịch hạch, ngài tiên đoán mình sẽ phải từ trần vào ngày trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa. Khi ngày ấy đến, ngài yêu cầu các tu sĩ mang của ăn đàng đến cho mình, dù rằng không có dấu hiệu nào tỏ cho thấy ngài sắp qua đời. Bài đọc – Kinh sách trích dẫn cho chúng ta lá thư ngài viết cho thân mẫu ngày 10 tháng 6 năm 1591, để nói lên niềm vui được cảm nhận khi gần lìa đời: đó là chứng từ sau cùng của một vị thánh, không những gương mẫu về đời sống nghiệm nhặt, bỏ mình (đặc biệt từ bỏ công danh sự nghiệp), và bác ái (hiến thân cho bệnh nhân dịch hạch), mà còn gương mẫu cả về niềm trông cậy. Ngài đã viết cho thân mẫu: “Thưa mẹ khả kính, sở dĩ con nói những điều đó là vì lòng những ước mong mẹ và toàn thể gia đình coi cuộc ra đi của con như một ân huệ đáng mừng. Xin mẹ lấy tình mẫu tử mà chúc lành cho cuộc hành trình này của con cho đến khi đạt đến bến bờ con vẫn niềm hy vọng.”

Enzo Lodi

Trả lời