Ngày 20 tháng 7: Thánh Giuse Diaz Sanjurjo An – Giám mục (1818-1857)

332 lượt xem Hạnh Các Thánh
Listen to this article

Thánh Giuse Diaz Sanjurjo An – Giám mục (1818-1857)

Thánh Giuse Diaz Sanjurjo An sinh ngày 26 tháng 10 năm 1818 tại Santa Eulatia de Suegos, tỉnh Lugo, nước Tây Ban Nha, trong một gia đình được tiếng là đạo đức và hiền hoà. Cậu Giuse Diaz-Sanjurjo An là con cả của gia đình có năm người con. Ngoài Diaz-Sanjurjo dâng mình cho Chúa, còn có cô con gái dễ thương cũng đi tu, mang tên là nữ tu Antonia.

12140 Maria Diaz Sanjurjo An

Ngay từ nhỏ, cậu đã quyết chí dâng mình cho Chúa và nuôi mộng ước sẽ trở thành linh mục để đi truyền giáo. Vì thế cậu đã xin cha mẹ để vào Tiểu Chủng viện Lugo. Nhưng khi cậu vừa mãn Tiểu Chủng viện thì cuộc nội chiến xẩy ra nên việc học bị gián đoạn trong 3 năm trời. Cậu về sống trong bầu khí gia đình ấm cúng và tiếp tục cầu nguyện để ước nguyện được thành đạt. Sau đó, cậu vào đại học Compostello học tốt nghiệp đại học thì cậu xin gia nhập dòng Đa Minh với ước nguyện sau này sẽ được đi truyền giáo tại vùng Á Châu. Ngày 23 tháng 9 năm 1842 thầy nhận áo dòng tại Ocana để chính thức trở thành phần tử của con cái cha thánh Đa Minh trong dòng Thuyết giáo. Ngày 23 tháng 3 năm 1844 Ngài thụ phong linh mục rồi ngày 14 tháng 9 cùng năm Ngài cùng với 5 tu sĩ khác vâng lời Bề trên xuống tầu đi Manila, Phi Luật Tân để thì hành sứ vụ truyền giáo cho vùng Á Châu. Sống tại Manila một thời gian để.học tiếng Việt và tìm hiểu văn hoá Việt Nam để ngày 12 tháng 9 năm 1845 Ngài lại xuống tầu đi qua Macao để tới Việt Nam, với một tên Việt Nam rất dễ thương là An, Giuse Diaz Sanjurjo An.

Tới Việt Nam, Ngài được bề trên tín nhiệm trao cho việc đào tạo các Chủng sinh lên chức linh mục. ở Chủng viện Lục Thủy. Ngài tận tình dồn hết khả năng vào việc giảng dậy, đào tạo các linh mục tương lai. Công việc đang tiến triển tốt đẹp thì năm 1847, việc cấm đạo lại trở nên mạnh mẽ. Làng Lục Thủy bị lương dân bao vây tìm kiếm các đạo trưởng Âu Châu nộp cho các quan để lĩnh phần thưởng. Chủng viện bị đóng cửa, Ngài phải lẩn trốn sang Ngọc Cục, xuống Ninh Cường nhưng vẫn thấy tình hình quá căng thẳng nên lại tìm đường sang Cao Xá và rồi lại tìm cách qui tụ các Chủng sinh và tiếp tục dạy chui và âm thầm soạn cuốn Văn phạm Latinh bằng tiếng Việt để giúp cho các chủng sinh Việt Nam.

Năm 1848, mặc dầu tình thế cấm đạo chưa chấm dứt, thế mà số người xin trở lại đạo mỗi ngày tăng thêm nhiều. Đức cha Jêrônimô Hermosilla Liêm xin Toà Thánh phân chia lãnh thổ thuộc các cha dòng Đa Minh thành hai giáo phận. Toà Thánh chấp thuận và qua văn thư ngày 5 tháng 9 Đức Giáo Hoàng Piô IX đã thiết lập hai giáo phận, gọi là giáo phận Đông Đàng Ngoài và giáo phận Trung. Điạ phận Trung hiện nay là giáo phận Bùi Chu và giáo phận Thái Bình với khoảng 140 ngàn giáo hữu với 624 giáo xứ. Trong dịp này Toà Thánh bổ nhiệm Cha Giuse Diaz Sanjurjo An làm Giám mục Phó với quyền kế vị Đức cha Marti Gia. Ngài được tấn phong Giám mục với hiệu toà Latca cùng với Đức cha Alcazar Hy, Giám mục phó của Đức cha Hermosilla Liêm, ngày 5 tháng 4 năm 1849,

Sau khi lãnh nhận chức Giám mục, Ngài trở lại tiếp tục coi sóc Chủng viện Cao Xá một thời gian nữa rồi tới năm 1850

Ngài trao chủng viện lại cho cha San Pedro để tiếp tục lo việc huấn luyện và giảng dạy các chủng sinh, còn Ngài thì bắt đầu thi hành chức vụ bằng việc đi thăm mục vụ, bắt đầu từ Hưng Yên, Thái Bình rồi Bùi Chu. Tới năm 1852, Ngài chính thức lên kế vị Đức cha Marti Gia lâm bệnh và qua đời ngày 26 tháng 4 năm 1852 tại Hồng Kông.

Đức cha Giuse Diaz Sanjurjo An kế vị Đức Cha Marti Gia cai quản điạ phận Trung, Ngài chính thức về Bùi Chu và đặt Toà Giám mục tại Bùi Chu. Ngài sốt sắng dấn thân vào công cuộc truyền giáo trong toàn điạ phận Trung. Ngài ra chỉ thị nghiêm cấm giáo dân tham dự vào những cuộc nổi loạn, kể cả những nhóm nổi loạn hứa hẹn sẽ cho tự do tôn giáo. Chính vì lý do đó mà quan tổng đốc tỉnh Nam Định lúc ấy là Nguyễn Đình Tân trước kia đã được cha Phaolô Lê Bảo Tịnh chữa khỏi đau mắt nên ông rất biết ơn cha và có cảm tình với đạo Công giáo, bây giờ lại thấy Đức cha Giuse Sanjurjo An nghiêm cấm giáo dân như thế thì quan lại càng kính nể. Tỉnh Nam Định lúc ấy rất bình an, đạo Chúa lúc ấy được khá dễ dàng trong việc truyền giáo. Đàng khác, trong thời gian này vì thiên tai, lụt lội mất mùa, dân tình đói khổ và nạn dịch tễ lan tràn khắp nơi cho nên vua Tự Đức phải tạm ngưng việc cấm đạo ở miền Bắc Việt.

Nhưng rồi tới năm 1856, tàu chiến của Pháp lại tới cửa biển Hội An, khiến triều đình hồi hộp lo sợ và vua lại ra những sắc dụ kiểm soát khắt khe đạo Công giáo và đặc biệt là các đạo trưởng Thừa Sai người ngoại quốc. Tỉnh Nam Định có nhiều cơ sở và đông đảo sự hiện diện của các Thừa Sai ngoại quốc là dòng Đa Minh và các cha thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) nên lại càng bị vua quan theo dõi cẩn thận. Nhân việc quan Khâm Sai từ triều đình xuống khám xét vì có người tố cáo là có nhiều Thừa Sai ngoại quốc đang ở Kẻ Vĩnh, trong dịp này cha Phaolô Lê Bảo Tịnh bị bắt và bị triều đình kết án tử hình nên đã gây xáo động trong giáo hội địa phương, nhiều linh mục và giáo dân sợ hãi trốn lánh. Thế rồi tới ngày 15 tháng 5 năm 1857, thình lình quan quân ào ào kéo nhau về vây kín làng Bùi Chu, họ xông vào bắt Đức Cha Giuse Diaz Sanjurjo An khi ấy đang ẩn lánh trong một nhà người lính Công giáo. Họ tịch thu các giấy tờ và đồ đạc của Ngài trong Tòa Giám mục, đồng thời họ cũng bắt thêm một số viên chức nữa. Họ đóng gông, xiềng xích tay chân rồi giải về tạm giam ở phủ Xuân Trường một đêm. Ngày hôm sau họ mới áp giải các Ngài về tỉnh Nam Định.

Đưa về nộp cho quan đầu tỉnh Nam Định rồi bị tống giam tại đây. Quan tổng đốc Nguyễn Đình Tân khi trông thấy Đức Cha bị bắt thì thương, muốn tha ngay nhưng vì sợ quan Thượng Thư báo cáo về triều đình nên buộc lòng ông phải xử với Đức Cha như một tù nhân.

Trong hai tháng tù Đức Cha bị biệt giam, không được tiếp xúc với bất cứ người nào. Nhưng một linh mục trong giáo phận đã lén lút vào ban Bí Tích cho Ngài và một lần khác người của Đức Cha Retord Liêu vào thăm. Gặp được những người này, Đức Cha tỏ ra rất vui bẻ, bình an và Ngài xin mọi người cầu nguyện cho Ngài được ơn chết vì Chúa. Ngài rất sẵn sàng đổ máu mình ra vì Chúa vì địa phận. Ngài hoàn toàn trao phó vận mệnh cuộc đời Ngài cho Chúa.

Tuy bị biệt giam nhưng nhiều lần Đức Cha đã bị tra tấn rất tàn nhẫn, họ cố ý dùng khổ nhục kế để bắt Đức Cha khai báo các linh mục Thừa Sai đang làm việc trong điạ phận nhưng nhất quyết  Ngài chỉ xưng Đức Tin và nhận mình là Giám mục mà thôi. Chính vì sự kiên dũng này mà các quan ra lệnh ban ngày thì phải xiềng xích, ban đêm chân phải cùm trong xà lim và cấm không cho ai tới thăm nuôi, để Ngài phải nhịn đói nhịn khát, bị nóng nực và bọ rệp hành hạ thân xác Ngài. Rất nhiều lần quan tổng đốc tỉnh khuyên Ngài bước qua Thánh Giá để quan cho Ngài về nhưng trước sau như một, Ngài cương quyết không bao giờ bước lên Thánh Giá, dù phải chết.

Sau nhiều tháng không thuyết phục được Ngài bỏ đạo nên vua Tự Đức đã phê chuẩn bản án như sau:

Mặc dù luật pháp ta đã nghiêm cấm Tà Đạo, gọi là Gia Tô. Người Âu Châu tên là Giuse An, đạo trưởng chính của đạo vừa nói, đã cả gan xâm nhập vào nước ta  và dụ dỗ người dân tin theo việc thờ kính của hắn. Hắn đã nhận lỗi lầm mà cương quyết không chịu bỏ. Vậy ta truyền lệnh hắn phải chém đầu ngay, tung đầu lên cao cho mọi người khiếp sợ, sau đó vất xuống biển. Như thế sẽ chặt được gốc rẽ của sự sai lầm”.

Để thi hành án lệnh, ngày 20 tháng 7 năm 1857, quan Giám Sát cùng đội binh lý hình dần Ngài ra pháp trường Bảy Mẫu. Trên đường tiến ra pháp trường Ngài vẫn còn phải mang gông, tay chân bị xiềng xích cho nên Ngài không thể đi nhanh được. Người ta thấy Ngài rất bình tĩnh, miệng luôn cầu nguyện, một tay nâng chiếc gông nặng nề, một tay ôm chặt cuốn sách kinh mép vàng. Tới nơi, Ngài xin mấy phút quì cầu nguyện tạ ơn Chúa. Ngài xin hoãn một lát rồi lớn tiếng nói đôi lời với những người hiện diện. Sau đó Ngài quay lại nói với viên chỉ huy rằng:

 “Tôi xin gửi quan 30 đồng tiền để xin quan một ân huệ: Xin quan đừng cho chém tôi một nhát. Nhưng tôi xin chém tôi 3 nhát: Nhát thứ nhất tôi tạ ơn Chúa đã dựng nên tôi, và đưa tôi đến Việt Nam giảng đạo. Nhát thứ hai để nhớ ơn cha mẹ đã sinh thành ra tôi. Còn nhát thứ ba như lời di chúc cho các bổn đạo của tôi, để họ bền chí dù có phải chết cho đức tin, theo gương vị chủ chăn của mình. Và như thế họ đáng lãnh phần hạnh phúc cùng các thánh trên Trời”.

Đức Cha vừa dứt lời thì quân lính trói Ngài vào cây cọc hình thập tự, dân chúng òa lên nức nở khóc. Chiêng trống vang lên, lý hình vung gươm lên cao chém 3 nhát như lời Ngài xin. Dân chúng xông vào đua nhau thấm máu, trong đó cũng có hai ngưòi lính ngoại đạo cũng chen chúc thấm máu Ngài nên bị tống giam. Đồ đạc, sách vở của Ngài đều bị đốt hết, Áo lễ, chén lễ, và các đồ thờ thì đoàn văn nghệ xin để sử dụng.

Thủ cấp và thi hài Ngài, theo lệnh nhà vua  quân lính phải đem đi buông xuống biển. Sau đó mặc dầu những người làm nghề biển đã lặn xuống nước sâu tìm mà cũng không thấy xác, chỉ vớt được thủ cấp của Ngài. Bổn đạo vui mừng rước về và Đức Cha Garcia San Pedro Xuyên đã cử hành lễ an táng thủ cấp này tại Bùi Chu. Sau này Chủng viện Santo Domingo ở Ocana,Tây Ban Nha đã xin rước thủ cấp của Đức Cha Giuse Sanjurjo An về tôn kính, vì Đức Cha là vị thánh tử đạo đầu tiên của Chủng viện này.

Ngày 29 tháng 4 năm 1951, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước cùng với 24 bạn tử đạo cũng thuộc điạ phận Trung, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS

Trả lời