Ngày 12/8: Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ – Lý Trưởng (1804-1838)

357 lượt xem Hạnh Các Thánh
Listen to this article

Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ sinh năm 1804 tại làng  Đạt Đăng, giáp tỉnh Vạn Sang, nay là tỉnh Ninh Bình.

 

12157 St. MicaeNguyenHuyMy

Mồ côi cha lúc 10 tuổi và mấy năm sau lại mồ côi mẹ, nên cậu Mỹ và các em được dì, em của mẹ đón nhận về nuôi dưỡng rất chu đáo. Tuy nhà nghèo, rất khó khăn về vật chất nhưng bà dì luôn cố gắng nuôi dưỡng các con và các cháu đàng hoàng. Bà cho cháu Mỹ đi học chữ Nho cùng với con của bà. Nhờ trí thông minh và tính cần cù chăm chỉ, cậu Mỹ tiến bộ rất mau. Trong gia đình ai cũng nhìn nhận cậu Mỹ tính tình hiền hoà và rất tháo vát, nhanh nhẹn nhưng nghiêm nghị, đứng đắn. Sau gia đình di chuyển về lập nghiệp tại làng Kẻ Vĩnh, cậu Mỹ quen biết rồi kết duyên với cô Miện con gái ông trùm Đích. Ông trùm Đích biết cậu Mỹ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nhưng may mắn được bà dì nuôi dưỡng, có chữ nghĩa lại rất ngoan đạo, tính nết hiền lành nên ông bà trùm Đích thuận gả cô Miện cho cậu Mỹ ngay. Cậu Mỹ cũng học biết nghề thuốc và đã làm nghề thuốc ít nhiều. Khi lập gia đình với cô Miện, hai người rất hợp nhau về lòng đạo đức. Cả hai rất siêng năng lần hạt Mân Côi, năng xưng tội và rất sốt sắng năng chịu các phép bí tích, nhất là có lòng yêu mến Thánh Thể một cách đặc biệt. Khi nói về chồng của mình, bà Lý Mỹ ca ngợi:

– “Anh ấy rất siêng năng đọc kinh tối sáng. Dù trong nhà bận rộn nhiều công việc thì anh ấy cũng chẳng bao giờ bỏ đọc kinh. Tối nào vợ con hay đầy tớ bận bịu, có những việc bất thường, anh ấy cũng bắt mọi người đọc kinh chung với nhau và đọc sách cho nhau nghe nữa. Anh ấy rất chăm chỉ đi xưng tội và không bao giờ bỏ rước lễ.”

Trong gia đình, hai ông bà sống với nhau 18 năm trời mà không bao giờ to tiếng, lời ra tiếng vào. Vợ chồng, con cái trên thuận dưới hoà, thật là hạnh phúc vô cùng. Đối với gia đình thì tốt lành như thế, mà đối với người ngoài lại càng được tiếng là tốt lành, và rất có lòng thương những người nghèo khổ. Có năm vì bão lụt, dân làng mất mùa, đói khát. Ông Lý Mỹ bảo người làm trong nhà nấu cháo phát cho mọi người ăn. Nhờ vậy mà nhiều người được cứu sống qua trận đói lớn.

Đối với dân làng, ông Lý Mỹ rất được mọi người kính nể về tư cách và đức độ. Nhiều người khen ông là người sắc sảo, khôn ngoan, ăn nói lý sự, không ai có thể chê được điều gì. Người ta kể rằng tính tình ông rất ngay thẳng nên có lần trong làng khuyết một chân cai tổng, ông lý trưởng trong làng tới xin ông nhận, nhưng ông khiêm tốn từ chối. Cả làng ai cũng mến phục và mong ước ông ra làm việc để dân được nhờ. Thế rồi dân làng họp lại, đồng loạt bầu ông làm lý trưởng, ông cũng khiêm tốn từ chối. Ông trùm Đích là bố vợ khuyên, rồi Đức Cha Havard Du khuyên ông nhận để có cơ hội giúp dân làng, đồng thời giúp Nhà Chung nữa, nhất là trong thời đạo Chúa bị cấm cách khó khăn này. Được Đức Cha và bố vợ khuyến khích. Ông Nguyễn Huy Mỹ mới nhận chức lý trưởng làng Kẻ Vĩnh.

Nhận chức lý trưởng, ông tận tình giúp đỡ nhiều người, ông rất liêm khiết, ngay thẳng, không bao giờ lấy của dân mà nhiều khi còn bỏ của nhà ra bù đắp cho dân. Tuy ông rất thương người, hiền hoà với mọi người nhưng ông lại rất nghiêm minh và cứng rắn với những kẻ trộm cướp, gian giảo. Khi phải sửa trị, ông sửa trị tới nơi tới chốn. Nhờ vậy mà dưới thời ông làm lý trưởng, trong làng ngoài xóm, đâu đâu cũng rất bình an, không có trộm cướp, không cờ bạc, không rượu chè say sưa.

Vì sẵn lòng đạo đức ngay từ nhỏ nên ông rất quí trọng và kính yêu các linh mục, giám mục. Ông thường khuyên bảo vợ con và những người làm trong gia đình phải trọng kính những người tu trì, họ đã hy sinh dâng hiến cuộc đời mình làm việc cho Vườn Nho của Chúa. Trong suốt thời kỳ cấm đạo của các vua chúa, từ Nhà Chung cho tới Chủng viện đều phải đóng cửa, các linh mục phải ẩn trốn, các chủng sinh phải âm thầm lén lút trong làng Kẻ Vĩnh dưới sự bao che của ông lý trưởng Nguyễn Huy Mỹ. Chẳng những ông tìm mọi cách nâng đỡ, bao che mà còn khuyến khích các nữ tu, các chủng sinh hãy luôn vững lòng tin cậy ở Chúa. hãy sốt sắng đọc kinh cầu nguyện. Nếu Chúa muốn chúng ta phải lấy máu mình để làm chứng cho Chúa thì chúng ta hãy xin Chúa ban thêm sức mạnh để chúng ta can đảm chết cho Chúa.

Có lần quan quân kéo về làng Kẻ Vĩnh để bắt Đức Cha và một vài linh mục đang ẩn trốn tại đó thì ông lý Mỹ tỏ ra sốt sắng hợp tác với các quan, dẫn các quan quân đi khám xét từng nhà, bắt đầu từ những nhà không có ai ẩn trốn, ông cố ý kéo dài thời giờ như thế để Đức Giám mục và các linh mục có đủ thời giờ chạy trốn. Cuối cùng từ sáng tới tối, quan quân không bắt được vị đạo trưởng nào. Ông vui mừng tạ ơn Chúa. Có lần sau khi cầu nguyện chung cả gia đình rồi thì ông ngồi tâm sự với bà lý. Tự nhiên ông hỏi bà:

– “Này bà! Nếu tôi phải chết vì đạo Chúa thì bà có bằng lòng không?”

Bà lý Mỹ vui vẻ nói với chồng:

– “Trời ơi! Nếu ông mà được phúc tử vì đạo thì tôi vui mừng tạ ơn Chúa lắm lắm”

Ông lý nghe bà lý nói thế thì vui mừng và tiếp lời:

– “Tôi cũng cầu nguyện và mong ước được thế, nhưng mình yếu đuối, kém nhân đức đã chắc gì Chúa thương ban”.

Gia đình ông bà lý Mỹ thật là hạnh phúc. Tuy là một viên chức lớn trong làng, nhưng hai ông bà luôn nhã nhặn, khiêm tốn và nhất là rất chu toàn bổn phận của một Kitô hữu đối với Chúa. Cha mẹ đạo đức thánh thiện thì các con cũng được thừa hưởng một nền giáo dục rất tốt đẹp như thế. Các con từ trai tới gái, cô cậu nào cũng ngoan ngoãn, dễ thương và đạo đức.

Cuộc đời gia đình của ông bà lý Mỹ đang êm đềm, hạnh phúc tràn đầy thì sóng gió ập tới. Hai tên nằm vùng Tỷ và Xuân trong nhà ông trùm Đích bí mật dẫn quan quân từ tỉnh Nam Định đổ về vây làng Kẻ Vĩnh và tới thẳng nhà ông trùm Đích, hai tên nằm vùng chỉ thẳng mặt cha Đỗ Mai Năm để quan quân bắt, đồng thời bắt luôn cả ông trùm Đích giải ra đình làng nộp cho quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh rồi sau đó bắt luôn ông lý Mỹ, lấy lý do là ông lý Mỹ đã bao che các đạo trưởng, không chịu tố cáo các Ngài.

Cả ba vị đều bị đóng gông, xiềng xích chân tay rồi giải về tỉnh Nam Định, giam chung trong ngục tù.

Sáng hôm sau các quan cho gọi cả ba vị ra hầu tòa. Các quan hỏi cha Giacôbê Đỗ Mai Năm:

– “Ông già rồi, chúng tôi không muốn giết ông. Chúng tôi sẽ tha ngay. Vậy ông hãy bước qua Thánh Giá này trước mặt chúng tôi.”

Cha Mai Năm mạnh dạn trả lời:

 “Thưa các quan, nếu các quan tha thì tôi muôn vàn đội ơn các quan, còn sự bước qua Thánh Giá thì không bao giờ tôi làm. Xin các quan đừng ép tôi. Vô ích!

Các quan lại hỏi ông trùm Đích:

– “Còn tên già này. Già rồi, sức yếu không chiụ nổi các hình phạt đâu. Hãy nghe chúng tôi bỏ đạo rồi về với gia đình, yên phận tuổi già với làng xóm”.

Ông trùm Đích khẳng khái trả lời:

– “Tôi già thật, nhưng tôi không sợ chết vì đạo Chúa. Các quan tha cho về thì tôi đội ơn. Nhưng các quan khuyên bỏ đạo thì thật vô ích! Sẽ không bao giờ tôi bỏ đạo. Tôi đã sẵn sàng chết để làm chứng đạo Chúa là đạo thật”.

Sau cùng các quan hỏi ông lý Mỹ:

– “Tại sao mày dám khinh mạn phép vua như thế?”

Ông lý Mỹ nhãn nhặn đáp:

– “Bẩm quan lớn, tôi không khinh mạn phép vua như quan nói. Các đạo trưởng ẩn trốn thì ai biết được? Vậy nếu quan thương tha thì  tôi được nhờ, còn nếu quan kết tội thì tôi xin chịu”

Nghe ông lý Mỹ nói quan tổng đốc tức giận, ra lệnh bắt ông lý Mỹ nằm úp trên đất và cho lính đánh đủ 40 roi thật tàn ác. Bị đòn quá đau đớn nhưng ông chỉ cắn răng chịu đựng, máu me đầm đìa trên áo quần. Đánh đòn xong quan lại ra lệnh đống gông cùm, xiềng xích tay chân và tống giam vào ngục.

Một hôm có một viên chức lớn trong làng tới gặp ông lý Mỹ, lấy tình bạn đồng nghiệp bàn tính với ông là dân làng sẵn sàng bỏ tiền để đút lót cho quan lớn, xin tha cho ông. Nhưng ông không chịu, nói với bạn rằng:

– “Tôi xin cám ơn bạn và dân làng có lòng tốt với tôi. Nhưng xin đừng bỏ tiền ra chuộc tôi ra. Xin đừng hối lộ như vậy. Xin để tiền ấy giúp đỡ vợ con tôi và làm bữa mừng khi đưa xác tôi về với dân làng”.

Nghe ông lý Mỹ nói như vậy. Người bạn sửng sốt và xúc động:

– “Ông lý nói như thế. Tôi xin vái ông ba vái. Nếu ông phải chết thì xin ông nhớ đến chúng tôi. Chúng tôi xin theo gương tốt lành và khí phách anh hùng của ông”.

Trong nhà tù, vì ông lý Mỹ trẻ trung nhất nên quan truyền đánh đòn nhiều nhất. Nhiều lần ông còn xin chịu đòn thay cho bố vợ là ông trùm Đích, vì ông trùm Đích già yếu quá sợ không chịu nổi. Mỗi khi ông trùm Đích bị đòn đau đớn thì ông lý Mỹ thưa với các quan:

– “Bẩm các quan, bố tôi già và quá ốm yếu, bị đòn như thế này thì bố tôi chết mất. Tôi xin các quan cho tôi được chịu đòn thay cho bố tôi”.

Các quan thấy ông còn quá trẻ mà có lòng hiếu đễ với bố vợ như thế nên chấp nhận để ông chịu đòn thay cho bố vợ.

Chính vì vậy mà có lần ông phải chịu tới 500 roi, da thịt nát hết, máu me đầm đìa ướt hết cả quần lẫn áo. Tay chân sưng u lên, trông thật thê thảm, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, can đảm, không lùi bước trước mặt các quan. Thấy cha Mai Năm và ông trùm Đích tỏ lòng thương lo lắng cho ông thì ông vui vẻ khích lệ cha và bố vợ rằng:

– “Chúa Giêsu còn bị đánh đòn, đội mạo gai, chịu trăm ngàn khổ hình hơn chúng ta mà! Con luôn đội ơn Chúa và xin Chúa giúp sức để con có thể chịu đựng hơn nữa”.

Có lần bà Mến là người giúp việc trong gia đình ông lý, lén đưa cô con gái 12 tuổi tên là Anna Mỹ và cậu con trai 10 tuổi tên là Micae Tường vào thăm ông trong nhà tù. Cô Mỹ nói với bố  một cách hồn nhiên:

– “Bố ơi! Con cầu nguyện cho bố thêm can đảm chết vì Chúa”

Cậu Tường, con trai 10 tuổi nói:

– “Bố ơi con nhớ bố lắm! Sáng nào đọc kinh mẹ cũng nói với con là cầu nguyện cho bố vững lòng xưng đạo Chúa và chết cho Chúa”.

Ông lý Mỹ xúc động ôm hai con và nói:

– “Cho bố gửi lời thăm mẹ. Các con nói với mẹ là bố thương mẹ và các con lắm. Bố xin Chúa giúp mẹ và các con”.

Nói xong thì bà Mến vội vã ôm hai đứa nhỏ, bước nhanh ra khỏi cổng nhà giam. Cô Mỹ và cậu Tường còn nuối tiếc ngoái cổ nhìn lại nhưng không còn thấy bóng dáng người bố kính yêu nữa.

Lần khác, chính bà lý Mỹ đút tiền cho viên cai ngục để lén vào gặp ông lý Mỹ ngay trước cổng. Bà bồng con nhỏ mới sinh được mấy tháng trao cho chồng ẵm một lúc. Nhìn thấy chồng tiều tụy, máu me đầy áo quần thì quá xúc động, nước mắt đầm đìa. Bà nghẹn ngào nói:

– “Mình ạ! Vợ chồng ai mà chẳng thương, nhưng tất cả vì Chúa, mình hãy can đảm lên nhé. Em và các con hằng ngày cầu nguyện cho anh can đảm chịu mọi hình khổ vì Chúa. Anh đừng bận tâm về mẹ con em. Chúa quan phòng mọi sự. Em dâng phó anh và cả gia đình cho Chúa. Anh cho em gửi lời thăm bố và cha Năm. Họ không cho em vào trong ấy, chỉ gặp anh mấy phút ở ngoài cổng mà thôi. Em tạm biệt anh. Có lẽ đây là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau ở thế gian này. Chúng ta sẽ xum họp cả gia đình trên Thiên Đàng vậy”.

Nghe những lời vợ nói, lòng ông lý Mỹ đau đớn như cắt nhưng ông cũng cố bình tĩnh nói với vợ:

 “Những lời em khuyên như đốt thêm ngọn lửa mến Chúa trong lòng anh. Em hãy về dạy dỗ các con thay anh. Anh phó thác mọi sự của gia đình ta cho Chúa. Anh xin Chúa cho gia đình sẽ có ngày họp mặt đông đủ trên Thiên Đàng”.

Nói xong, hai người xiết chặt tay nhau. Ông lý Mỹ hôn nhẹ trên đứa con mới sinh được vài tháng. Hai người từ biệt nhau. Mỗi người ôm trong lòng những suy riêng tư của mình. Từ hôm đó cho tới ngày tử đạo, ông lý Mỹ luôn tỏ ra hân hoan và thêm can đảm chịu mọi khổ hình từ đòn vọt, đến tra tấn, nhịn đói, nhịn khát và trăm ngàn khổ cực khác, ông luôn trước sau như một, vẫn kiên vững xưng đạo Chúa và sẵn sàng chịu chết vì đạo thánh Chúa.

Thời gian kéo dài hơn một tháng mà không sao khuất phục được những chứng nhân của Chúa, các quan quyết định làm bản án gửi về kinh đô xin vua Minh Mạng châu phê. Ngày 11 tháng 8 năm 1838, án lệnh từ kinh đô gửi trở về tới Nam Định và sáng ngày 12 tháng 8 năm 1838 là ngày thi hành án lệnh.

Cả ba vị tông đồ trung kiên của Chúa biết tin, ngay sáng sớm cả ba thức dậy sớm dọc kinh và xưng tội rước lễ, trong lòng tràn ngập hân hoan sẵn sàng đón nhận cái chết vì đạo Chúa. Sau đó, giã từ bạn bè trong tù rồi theo lệnh ra đi theo các quan và 200 quân binh tiến ra pháp trường Bảy Mẫu. Miệng luôn ca hát, lòng vui mừng sung sướng, chân bước đều đều theo quân lính áp giải. Đang đi thì có tiếng ông Cai Tú, người anh thúc bá với ông lý Mỹ nói lớn:

– “Chú Lý! Hãy vững tâm và can đảm nhé!”.

Ông lý Mỹ nhận ra tiếng nói của người anh họ, tên Cai Tú, quay lại nói:

 “Anh cả đừng lo. Cứ an tâm, em không sợ chết đâu”.

Tới pháp trường, cả ba quì cầu nguyện, ông lý Mỹ xin các quan xử cha Năm trước rồi tới ông trùm Đích và cuối cùng tới ông. Khi tới lượt Ngài, lý hình nói với Ngài:

– “Bây giờ tới lượt ông, ông cho chúng tôi 5 quan tiền thì chúng tôi chỉ chém một nhát là đứt đầu, sẽ bớt phải đau đớn”

Ông lý Mỹ ôn tồn trả lời:

– “Năm quan tiền để giúp cho người nghèo khó. Không có tiền cho các anh đâu. Các anh muốn băm tôi thế nào, tùy ý của các anh”.

Bọn lý hình nghe nói thế, họ nổi sùng, bèn chém ông lý Mỹ bằng nhiều nhát, tới nhát chém thứ 5 đầu mới lìa cổ! Cả ba vị đều chung một bản án như nhau là trảm quyết, có nghĩa là bị chém đầu.

Như trên đã nói, ông Lý Thi là con trai ông trùm Đích, sau cũng được phúc tử vì đạo, đã chuẩn bị sẵn ba cỗ quan tài để sau khi bị xử thì xin thi hài của ba vị đặt trong quan tài rước về Kẻ Vĩnh ngay đêm hôm đó đế sáng hôm sau làm lễ an táng cho ba đấng rất long trọng tại nhà thờ Kẻ Vĩnh. Sau thánh lễ thì cha Giacôbê Đỗ Mai Năm an táng tại đầu nhà thờ Kẻ Vĩnh, còn ông trùm Antôn Nguyễn Đích và ông lý Micae Nguyễn Huy Mỹ thì an táng tại khu đất ngay trước nhà ông trùm Đích.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước cùng với cha Giacobê Đỗ Mai Năm và ông Antôn Nguyễn Đích ngày 27 tháng 5 năm 1900. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng các Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS

Trả lời