Ngày 12/11: Thánh Giô-sa-phát – Giám mục, tử đạo (khoảng 1580-1623)

Listen to this article

Thánh Giô-sa-phát – Giám mục, tử đạo (khoảng 1580-1623)

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Josaphat chịu tử đạo tại Vitebsk (Biélorussie) ngày 12 tháng 11 năm 1623, được phong thánh năm 1867 và được ghi vào niên lịch năm 1882. Lễ nhớ ngài làm chúng ta sống lại một trong những trang sử bi hùng nhất của lịch sử đại kết.

Thánh Josaphat tên thật là Jean Kuncewycz, sinh khoảng năm 1580 ở Wolodymyr (Ucraina) trong một gia đình quí tộc theo chính thống giáo, từ tuổi trẻ đã gắn bó với Giáo Hội Ucraina hiệp nhất với Rôma, sau khi ngài bỏ nghề buôn bán tại Vilna (Lituanie), trung tâm văn hóa và tôn giáo của dân tộc Ruthènes. Dân tộc này đã được rao giảng Tin Mừng bởi người Hi Lạp, nhưng sau cuộc ly khai của Photius (thế kỷ X) và của Michel Cérulaire (1054), họ bỏ Giáo Hội Rôma để theo phái ly khai phương Đông.

Jean Kuncewycz tin rằng chỉ có các tu sĩ khổ hạnh và những người thấm nhuần phụng vụ mới có thể đưa các anh em Ruthènes ly khai trở về hiệp nhất với người công giáo. Từ thế kỷ XIV, người công giáo đã thiết lập những giáo phận la-tinh ở Ruthènes.

Năm 1595, một thượng hội đồng miền đã diễn ra tại Brest-Litovsk (Biélorussie) và quyết định sự hiệp nhất của Giáo Hội Ruthènes với Rôma, với sự phê chuẩn của Đức giáo hoàng Clément VIII. Năm 1604, Jean gia nhập dòng thánh Basilius, tại tu viện Chúa Ba Ngôi ở Vilna, tại đây ngài lấy tên là Josaphat. Từ lúc đó, ngài hoàn toàn dấn thân vào việc dẫn đưa các anh em ly khai trở về hiệp nhất; ngài viết một khảo luận hộ giáo (1617), trong đó ngài thu thập những bản văn hoàn toàn bằng tiếng Slavơ có nội dung bênh vực sự hiệp nhất Hội Thánh. Đây là thời kỳ vùng đất Ruthènes bị phân chia thành ba Giáo Hội: Giáo Hội công giáo theo nghi lễ la-tinh, Giáo Hội ly khai Hy lạp với các thế lực liên minh được Constantinople và Mascơva ủng hộ, và sau cùng là Giáo Hội công giáo theo nghi lễ Hy lạp. Thánh Josaphat là tập sinh đầu tiên của tu viện Chúa Ba Ngôi, là tu viện đầu tiên của dòng thánh Basilius gắn bó với sự tái thống nhất với Giáo Hội Rôma. Sau đó ngài trở thành tu viện trưởng của tu viện này. Được phong giám mục của Polotz (1617), ngài sống trong một xứ sở có rất đông người ly giáo. Vì thế trong nhiều năm, ngài dấn thân không mỏi mệt cho việc rao giảng, cải cách, tổ chức các thượng hội đồng và cũng ra những hình phạt chống lại những giáo sĩ bất xứng.

Nhưng tất cả những hoạt động này đã khơi dậy những phản ứng quyết liệt của giới quí tộc Ruthènes, vì họ thấy bị đe doạ mất hết những đặc quyền của giới quí tộc nhờ gắn liền với nghi lễ quốc gia, và họ chống đối việc du nhập các tập tục la-tinh; ngài cũng còn bị dân chúng chống đối, vì không thích có những thay đổi.

Cuộc tấn công chống lại thánh Josaphat khởi sự từ giáo chủ của Giêrusalem, người Byzantin, Théophane III; vị này đã đến Ucraina năm 1621 và đã truyền chức các giám mục ly giáo cho mọi giáo phận của Ruthènes. Tại Léon Sapieha, ông đã liên kết với thủ tướng của Lituanie chống lại thánh Josaphat. Thế là thánh nhân bị tố cáo là phá hoại hoà bình xã hội, bị sát hại một cách rất dã man đang khi ngài trở về nhà, sau khi tham dự phụng vụ ở nhà thờ lớn Vitebsk trong một cuộc kinh lý mục vụ. Thi thể ngài bị ném xuống sông Dvina.

II. Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ ca mừng đời sống và cuộc tử đạo của thánh Josaphat, người đã hi sinh mạng sống mình vì sự hiệp nhất của Hội Thánh.

Lời Nguyện của ngày nhấn mạnh việc thánh giám mục Polotz đã hiến mạng sống mình vì dân. Sự dâng hiến này là tột đỉnh của mọi hoạt động tông đồ của ngài, được thánh hiến trên hết cho sự hiệp nhất của Hội Thánh qua lời rao giảng và việc viết lách của ngài. Ngài cũng quan tâm tới việc cải cách hàng giáo sĩ, phần lớn thường dốt nát và hư hỏng. Ngài nói với họ những lời van nài khẩn thiết: “Vì Thiên Chúa vĩnh cửu, chúng tôi nài xin các linh mục của chúng tôi.” Để dạy dỗ dân chúng, ngài soạn cuốn Giáo Lý Cơ Bản và theo đuổi việc cải cách của mình bằng cách công bố những sắc lệnh của các Thượng hội đồng, phục hồi các tu viện và hăng say bảo vệ sự chính thống và các quyền lợi của người Ruthènes hiệp nhất với Giáo Hội công giáo. Khi những gia nô xông vào nơi ở của ngài, ngài nói với họ những lời sau đây để bảo vệ những người trong nhà đang bị họ đe dọa và đánh đập: “Xin Thiên Chúa ở với các con; nhưng tại sao các con lại hành hạ các tôi tớ của cha? Nếu có điều gì chống lại cha, thì này cha đây.” Và ngay trước khi chết, lúc sắp sửa ngã gục dưới lưỡi đao và búa, ngài còn nói với các kẻ thù: “Các anh ghét tôi đến chết được, nhưng tôi luôn ôm ấp anh em trong lòng tôi, và tôi vui lòng chết vì anh em.”

Lời Nguyện trên lễ vật, chúng ta cầu xin Chúa “kiên cường nơi chúng ta đức tin mà thánh Josaphat đã anh dũng bảo vệ bằng chính máu của ngài.”

Thông điệp Hội Thánh Thiên Chúa của Đức Giáo Hoàng Piô XI, được đọc vào dịp mừng 300 năm ngày thánh Josaphat tử đạo (1923), mô tả thánh nhân là “người bảo trợ lỗi lạc nhất và cao quí nhất cho dân tộc Slavơ phương Đông”, người có ơn gọi “tái lập sự hiệp nhất Kitô giáo trên toàn thế giới.” Đức Piô XI cũng nhắc nhớ rằng thánh Josaphat đã lo lắng trên hết cho sự hiệp nhất của đồng bào của ngài với tòa thánh Phêrô…sau khi đã chuẩn bị hết sức chu đáo, ngài thực hiện việc tái lập sự hiệp nhất, và đã lao mình vào công việc này với tất cả sức lực và sự dịu dàng, đồng thời với thành công to lớn, khiến chính kẻ thù của ngài đã mệnh danh ngài là ‘kẻ ăn cắp các linh hồn’” (Giờ Kinh Sách).

Enzo Lodi

Trả lời