Thánh Bernadô Võ Văn Duệ – Linh mục (1755-1838)
Năm lên 14 tuổi, Ngài đã xin cha mẹ để theo các cha dòng Tên, nhờ vậy mà sau này Ngài đã đạt được ước nguyện. Tuy vậy, con đường đi tới lý tưởng linh mục của Ngài không dễ dàng xuôi thuận bởi vì trong thời gian học hành, Ngài gặp phải nhiều khó khăn bởi việc cấm đạo của vua Cảnh Thịnh và Chúa Trịnh. Chính vì khó khăn như thế cho nên mãi tới năm 1795 lúc Ngài đã 40 tuổi, thì Đức Cha Ingatiô Delgado Y mới phong chức linh mục cho Ngài. Sau khi lãnh chức linh mục, Đức Cha sai Ngài đi làm việc mục nhiều nơi. Vì trong suốt thời gian này đạo Chúa bị cấm cách khắp nơi nên theo lệnh bề trên, cha Bernadô Vũ Văn Duệ phải di chuyển đều đều, rất vất vả, không ở nơi nào lâu được vì sợ bị tiết lộ. Ngài lấy sự vâng lời bề trên là trên hết nên luôn tích cực phục vụ Chúa và các linh hồn trong suốt 37 năm trong thiên chức linh mục. Đến năm 1832 lúc ấy Ngài đã 77 tuổi, thấy sức khoẻ của Ngài bị xuống cấp quá thì Đức Cha cho Ngài về hưu tại họ Trung Lễ, thuộc giáo xứ Liên Thủy.
Một hôm Đức Cha nói với Ngài:
– “Cha già yếu lại hay bệnh tật nên tôi quyết định cho Cha về hưu dưỡng tuổi già. Cha có đồng ý không?”.
Ngài khiêm tốn trả lời:
– “Thưa Đức Cha, con coi quyết định của Đức Cha là thánh ý Chúa. Con sẵn sàng vâng lời Đức Cha”.
– “Vậy Cha muốn hưu dưỡng ở đâu”? Đức Cha hỏi:
Ngài lễ phép trả lời:
– “Con xin theo ý Đức Cha. Đức Cha cho con đi đâu thì con xin theo đi đấy”.
Đức Cha nói:
– “Tôi muốn Cha vể hưu tại Trung Lễ. Vì ở đấy tương đối yên tĩnh, có nhà dòng Mến Thánh Giá lại gần toà Giám mục”.
Cha già vâng lời và dọn về hưu dưỡng tại Trung Lễ cho tới ngày bị bắt vì đạo Chúa. Trong những ngày sống an vui với tuổi già, Ngài sống rất thanh bạch, chẳng có của cải gì. Suốt ngày đêm chỉ cầu nguyện, đọc kinh Mân Côi và đọc sách đạo đức. Hằng ngày Ngài dùng chút cơm với muối mè rau luộc, ăn uống rất khắc khổ, ăn chay đánh tội một tuần 3 lần, Ngài nằm ngủ trên tấm gỗ gồ nghề.
Lâu lâu có mấy bà trong hội dòng Ba tới thăm viếng sức khỏe Ngài, thấy Ngài sống khắc khổ quá thì thưa với Ngài:
– “Thưa cha già! Sức khoẻ cha già xuống quá rồi mà cha già lại ăn uống khem khổ, nằm ngủ trên tấm ván gồ ghề như thế thì khổ quá! Xin cha già nằm trên giường có màn mà nghỉ ngơi một chút”.
Ngài trả lời:
– “Cả đời tôi, tôi đã hy sinh và chiụ khổ rất ít. Bây giờ tôi muốn bù lại một chút có sao đâu?”
Một bà kêu lên:
– “Giêsu Maria lạy Chúa tôi. Cha già nói như thế thì chúng con chết sa hỏa ngục hết. Chúng con có bao giờ biết hy sinh là cái gì đâu!”.
Nghe nói thế cha già cười, đáp lại:
– “Các bà tốt quá, Chúa cho lên Thiên Đàng hết mà!
Nghe Ngài nói, mọi người cùng cười vui vẻ.
Lúc ra về, các bà bàn tán ồn ào trên đường. Khi nói về sự hy sinh hãm mình của cha già, bà trương Vân tỏ ra quen biết nhiều hơn nên chép miệng nói:
– “Giêsu Maria lạy Chúa tôi! Tôi nói thật với các bà, cha già mà chết thì lên Thiên Đàng ngay thôi. Ngài thánh thiện lắm. Suốt ngày Ngài chỉ đọc kinh cầu nguyện, thế mà khi ai cần đến Ngài, Ngài mau lẹ giúp đỡ ngay”
Bà Khánh, hội trưởng thêm vào:
– “Ối trời ơi! Công đức của Ngài chất tới trời cao rồi. Nhờ Ngài mà họ đạo chúng mình được nhiều ơn của Chúa lắm đấy”.
Một hôm có người mật báo cho biết là quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh sẽ đem quân về vây toà Giám mục bắt Đức Cha Delgado Y nên Ngài vội đi lánh nạn. Trên đường đi Kiên Lao, Đức Cha ghé thăm cha già Bernadô Duệ. Câu truyện cha con trao đổi vui vẻ, bỗng Đức Cha buột miệng nửa đùa nửa thật hỏi cha già:
– “Này cha già! Cha già còn đủ sức theo tôi đến thủ phủ Nam Định không?”
Cha già hiểu ý Đức Cha muốn nói gì nên Ngài đáp:
– “Khi nào Đức Cha bị bắt, xin cho phép con đi theo”.
Ngài rất quí trọng Đức Cha bởi chính Đức Cha đã truyền chức linh mục cho Ngài và đã làm việc dưới sự chỉ dẫn của Đức Cha trong suốt 37 năm trời. Bởi vậy khi đưọc tin Đức Cha bị bắt Ngài đã thương khóc suốt cả đêm ngày. Ngài cầu nguyện để có dịp đi thăm Đức Cha. Thấy quan quân xông xáo đi truy lùng bắt các linh mục khắp nơi, dân họ Trung Lễ bắt đầu lo sợ quân lính bắt được cha già khả kính và vì thế họ có thể bị liên lụy. Họ bàn tính rồi xin đưa cha già đến một nơi rất hẻo lánh ở vùng thôn quê. Nhà đó thuộc một gia đình cùi. Họ xin một bà đạo đức tình nguyện đi theo để săn sóc giúp đỡ Ngài. Họ dặn cha già:
– “Thưa cha già, nếu quân lính tới dò hỏi thì xin cha cứ nói cha là ông nội của chúng con”.
Cha thật thà trả lời:
– “Không được nói dối! Cha là linh mục của Chúa. Cha đã lãnh chức thánh. Vậy nếu lính hỏi, cha phải nói sự thật”.
Sau đó có lần lính đi qua, cha Duệ kêu lớn tiếng:
– “Anh em ơi! Tôi là đạo trưởng Võ Văn Duệ đây!
Quân lính nghe và biết Ngài là đạo trưởng thì mừng rỡ, bắt ngay và đem nộp cho quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh đang đóng đô tại đình làng
Khi quân lính dẫn nộp cha già Bernadô Võ Văn Duệ cho quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Quan thấy một cụ già gầy yếu lại bệnh tật, thất thểu bước từng bước không vững thì thương và muốn tha. Quan khuyên Ngài:
– “Ông đã có tuổi, lại bệnh tật như thế này. Ta sẽ để tấm ảnh dưới đất, chỉ cần ông bước qua thì ta tha cho ông ngay.”
Ngài mạnh mẽ nói ngay:
– “Xin quan đừng bắt tôi làm chuyện đó. Dù có phải chết tôi cũng không bao giờ làm như vậy”.
Nghe nói thế, quan rất bực mình, truyền cho lính xiềng xích tay chân và bắt đeo gông nặng tạm giam tại đình làng, suốt ngày hôm đó họ không cho Ngài ăn uống gì, ban đêm bọn lính chế nhạo Ngài, có người còn đấm đá Ngài, cốt ý làm xỉ nhục Ngài. Trước cảnh nhục nhã và đói khát ấy Ngài vẫn âm thầm chịu đựng và lặng lẽ cầu nguyện, xin Chúa ban thêm sức mạnh. Hôm đó là ngày 3 tháng 6 năm 1838 mở đầu những ngày tử đạo anh dũng của Ngài.
Ngày 4 tháng 6 năm 1838, họ giải Ngài về tống giam tại nhà tù Nam Định. Nhiều lần quan khuyên dụ Ngài bỏ đạo vì thấy Ngài già yếu quá sức, nên không nỡ đánh đập tra khảo Ngài. Nhưng bao nhiều lần khuyên dụ thì bấy nhiều lần Ngài mạnh mẽ từ chối. Quan ra lệnh giam trong nhà tù, bắt đeo gông nặng nề, xiềng xích tay chân, đêm ngủ thì hai chân phải cùm trong xà lim. Suốt ngày đêm phải đeo gông nặng nên Ngài chỉ nằm hay ngồi khom mình trên chiếc chiếu ẩm ướt., lai nóng nực, ruồi muỗi rúc rỉa. Thế mà Ngài vẫn yên lặng, suốt ngày đêm chỉ cầu nguyện.
Bà nhiêu Ruông là người đạo đức rất thương mến Cha, bà đã biếu xén tiền bạc cho viên cai ngục để thỉnh thoảng được vào thăm nuôi cha. Một hôm bà tới, mang theo một chiếc chiếu mới để thay chiếc chiếu cũ quá ẩm ướt. Bà nói:
– “Lạy Chúa tôi! Chiếc chiếu cha nằm ẩm ướt và hôi hám quá rồi. Con muốn thay chiếc chiếu này cho cha. Tội cha quá”
Cha tươi cười vui vẻ nói:
– “Này con ạ, Thánh Giá là giường Chúa nằm còn sần sù hơn chiếc chiếu của cha. Con hãy mang về và nghe ngóng xem ngày nào cha được diễm phúc tử vì đạo thì cho cha biết ngay nhé. Cha không sợ chết vì Chúa đâu”.
Bà nhiêu Rương cho tiền viên cai ngục và xin ông đổi chỗ khô ráo hơn cho Cha. Viên cai ngục đồng ý và vào định đổi chỗ cho cha thì cha nói:
– “Không sao cả. Tôi cứ nằm chỗ này cũng được. Tôi chỉ mong sao được sống đời đời với Chúa mà thôi”.
Một hôm ông Antôn Minh tới thăm và nói cho cha biết Đức Cha Delgado Y đã chết gục trong cũi mà xác còn bị đem đi chém nữa. Nghe tin sét đánh cha bồi hồi thổn thức khóc ướt lóc thảm thiết… Sau đó cha bỏ chiếu, chỉ nằm trên đất.
Khi bà quản Thắng vào thăm thấy Cha nằm trên đất, bà ngạc nhiên hỏi cha:
– “Chúa ơi! Sao cha lại nằm trên đất ẩm ướt như thế này?”
Ngài trả lời:
– “Đức Cha là cha của chúng mình đã chết mà người ta còn đem đi chém đầu thì cha đây là con, nằm trên chiếu làm sao được? Con hãy đi dò xét tin tức về cha. Biết khi nào cha được theo chân Đức Cha thì cho cha biết ngay nhé”.
Trong thời gian 2 tháng bị giam tù ở đây cũng có cha Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh, dòng Đa Minh cùng bị giam chung với cha già Bernadô Vũ Văn Duệ, Cha già đã 83 tuổi, cha Hạnh mới 66 tuổi, cho nên mỗi khi hai cha phải hầu toà thì cha Hạnh thường trả lời các quan thay cho cả cha già nữa.
Sau hơn 2 tháng giam giữ và khuyên dụ nhưng vô ích nên các quan bàn định làm án rồi gửi về kinh đô xin vua Minh Mạng châu phê.
Theo luật thời đó, cha già Bernadô Vũ Văn Duệ đã 83 tuổi thì không phải xử tử, nhưng vua Minh Mạng hăng máu, ghét đạo nên ký bản án tử hình luôn cả hai cha. Bản án vua ký ngày 28 tháng 6 nhưng mãi tới ngày 21 tháng 7 bản án mới về tới Nam Định. Sáng ngày 1 tháng 8 năm 1838, quan Giám sát cùng đội lính lý hình giải hai cha Duệ và Hạnh ra pháp trường Bảy Mẫu. Trên đường tiến ra pháp trường, cha già Duệ vì yếu sức quá đi không nổi nên lính phải cáng đi. Tới cửa thành vị quan chủ toạ cuộc xử án chưa tới nên các Ngài phải đứng ngoài trời nắng hơn 2 tiếng đồng hồ. Thấy nắng quá một bà đạo đức đưa cho Ngài một chiếc chiếu nhỏ. Bà nói nhỏ:
– “Xin cha cầm lấy để che nắng”.
Cha lắc đầu từ chối:
– “Cám ơn, cha không cần gì nữa!
Mấy bà thấy vậy, bị xúc động khóc và kêu lên:
– “Chúa ơi! Xin thương hai cha của chúng con!”.
Quan chủ tọa đã tới. Đoàn lính lý hình đưa hai cha tới chỗ xử. Hai vị quì cầu nguyện vài phút, rồi lý hình tháo gông, tháo xiềng xích, trói hai Ngài vào cột. Mấy bà từ xa xa kêu lên:
– “Giêsu Maria lạy Chúa tôi. Họ trói hai cha vào cột rồi, trông ghê sợ quá. Xin Chúa thương giúp các Ngài”.
Ba hồi chiêng trống vang lên, lý hình vung gươm lên cao, nghe tiếng chiêng thứ ba thì chém cổ thật mạnh một nhát. Đầu rơi xuống đất. Lý hình cầm tung đầu lên cao cho mọi người thấy. Những người tin hữu nức nở khóc, xông vào thấm máu hai vị tử đạo. Cuộc đời linh mục thánh thiện cha già Bernadô Vũ Văn Duệ kết thúc ngày hôm nay ở tuổi 83 của cuộc đời.
Theo lệnh quan chủ toạ, quân lính chôn cả đầu lẫn xác ngay tại pháp trường Bảy Mẫu. Sau giáo dân xứ Lục Thủy xin được cải táng rước thi hài về đặt tại nhà thờ xứ Lục Thủy, thuộc giáo phận Bùi Chu.
Ngày 27 tháng 5 năm 1900 Đức Giáo Hoàng Leô XIII đã tôn phong Ngài cùng với Đức Cha Delgado Y lên bậc Chân Phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng các Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận