Ngày 1/8: Thánh An-phong-sô Ma-ri-a Li-gô-ri – Giám mục – Tiến sĩ Hội Thánh (Lễ Nhớ))

434 lượt xem Hạnh Các Thánh
Listen to this article

Thánh An-phong-sô Ma-ri-a Li-gô-ri – Giám mục – Tiến sĩ Hội Thánh

Lễ nhớ 

12146 St. Anphongso

 

1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Alphonse (An-phong) là Đấng sáng lập hội dòng Chúa Cứu Thế vào một giai đoạn chủ nghĩa duy lý thống trị. Qua đời ngày 1 tháng tám năm 1787 tại Campanie (nước Italie), Ngài được phong thánh năm 1839 và năm 1871, Giáo hội tuyên bố Ngài là tiến sỹ Hội thánh.

Alphonse-Marie de Liguori sinh năm 1696 gần Naples, trong một gia đình quí tộc. Đỗ tiến sĩ luật đời và cả luật đạo năm mười bảy tuổi, nhưng năm 1723, Alphonse rời bỏ tòa án để đi làm linh mục (năm 1726). Trước tiên Ngài lo đào tạo các thừa sai sang Trung quốc tại một chủng viện ở Naples, nhằm phục vụ các bệnh nhân và giảng dạy giới bình dân. Về sau, Ngài giảng dạy trong các vùng quê miền Naples, nơi đây Ngài khám phá thấy sự thiếu thốn lớn trong vấn đề đạo đức. Điều này đưa Ngài tới việc thành lập một hội dòng mới (Dòng Chúa Cứu Thế) vào năm 1732 nhằm mục đích truyền giáo cho các miền quê, đặc biệt là cho giới bình dân và dạy dỗ về bí tích hòa giải. Năm 1749, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV sẽ phê chuẩn luật dòng mới này. Mặc dầu có các khó khăn buổi đầu, hội dòng đã nhanh chóng phát triển, đặc biệt nhờ công của thánh Clément Hofbauer phổ biến sang Ba Lan và trong các xứ thuộc Đức.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày cầu khẩn Chúa là Đấng không ngừng thúc đẩy phát sinh trong Hội Thánh “nhưng gương mẫu nhân đức mới”. Quả thế, vào thời đó giữa hai chủ trương lạc quan tôn giáo và nhặt nhiệm do Janséniste chủ xướng, thánh Alphonse đã xây dựng một hệ thống thần học luân lý được mệnh danh là “thuyết trung dung”, dựa trên nguyên tắc lòng nhân từ vô biên của Chúa, và đứng giữa hai thái cực nhặt nhiệm và thả lỏng của những người chủ trương “có thể”. Qua công trình của nhà luân lý quân bình, thánh Alphonse đã đặc biệt có công trong việc giải phóng các giáo hữu đương thời khỏi chủ trương quá nhiệm nhặt của phái Jansenius. Là nhà giảng thuyết và nhà luân lý lớn, thánh nhân cũng biết khai thác các tài năng thơ – nhạc của mình phục vụ cho nhiệt tình truyền giáo. Ngài là một trong những tác giả thánh ca Noel nổi tiếng. Người ta gán cho thánh Alphonse một trăm sáu mươi tác phẩm thần học hoặc đạo đức, trong đó phải kể Viếng Mình Thánh Chúa (1745), Vinh quang của Đức Maria (1750), Phương pháp lớn là cầu nguyện (1759), Luận về tình yêu của Đức Giêsu Kitô và Thần học luân lý (1753 – 1755). Tác phẩm trọn bộ của Người đã được dịch sang tiếng Pháp (1834 – 1842).

Phụng vụ bài đọc trích dẫn từ bộ Luận về tình yêu của Đức Giêsu Kitô cho ta thấy linh đạo của thánh An-phong là dựa trên tình yêu:“Vì Chúa biết rằng con người thường bị các ân huệ chinh phục, Chúa đã muốn buộc nó yêu Chúa vì các ơn của Người. Chúa nói, Ta muốn lôi kéo chúng bằng những thứ lưới mà loài người mắc phải, để chúng yêu Ta, vì đó là những sợi dây yêu thương”.

Lời nguyện trên lễ vật nhắc lại rằng thánh Alphonse đã tự dâng hiến chính mình “như một hy lễ thánh”. Đặc biệt là khi đã lớn tuổi, vị sáng lập dòng Chúa Cứu Thế đã gặp phải bao thử thách do những đau khổ lớn lao, nhưng ngài đã đón nhận tất cả với sự kiên nhẫn anh hùng: bệnh tật, ngờ vực, thậm chí cả sự xa lánh của chính gia đình dòng tu của mình, những cuộc tranh giành gây đối chọi giữa các thành viên hội dòng, kết cuộc đi đến chia rẽ, và sau hết nổi lo bị kết án, đã hằn sâu những năm cuối đời thánh nhân.

Lời nguyện tạ lễ gọi thánh An-phong là “nhà giảng thuyết và tư tế trung thành của Thánh Thể”. Ngài luôn tận tâm với việc canh tân lòng tôn sùng Thánh thể, – cách riêng, việc thực hiện các cuộc Viếng Mình Thánh Chúa, và Ngài đòi hỏi phải tôn kính Thánh Thể cách xứng đáng. Vị chủ chăn lớn thường nói: “Chính nhờ việc cầu nguyện mà các thánh nên thánh”; chính vì ý thức rõ tính cách quan trọng của cầu nguyện mà bản thân Ngài luôn thực hành và rao giảng, thánh nhân cũng đã thành lập một ngành nữ của hội dòng Chúa Cứu Thế với hoạt động chủ yếu là thần vụ, suy gẫm và đọc sách thiêng liêng. Thánh nhân đặt “tình yêu vô biên” của Cha vĩnh cửu đối với nhân loại làm nền tảng cho toàn bộ giáo lý của Người, bởi vì “Đấng đã không từ chối giao phó chính Con Một mình vì tất cả chúng ta, làm sao Chúa lại không ban tất cả cho chúng ta, cùng với Con của Người?” (Luận về tình yêu Đức Giêsu Kitô).

Enzo Lodi

Trả lời