Ngày 1/11: Các thánh nam nữ

340 lượt xem Hạnh Các Thánh
Listen to this article
 Ngày 1/11: Các thánh nam nữ

Lễ trọng

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ Các Thánh Nam Nữ có lẽ bắt nguồn ở vùng Celtique; trong thực tế, lễ này đã được Tổng giám mục Salzbourg là Đức cha Arnon tại công đồng Riesbach năm 798 chứng thực là mừng vào ngày 1 tháng 11. Đức cha Arnon, vốn là học trò của tu sĩ Alcuin († Tours năm 804), được thầy mình khen ngợi năm 800 vì đã ấn định lễ này vào ngày đầu tháng 11. Các sách Tử đạo và các sách Bí tích của người Pháp và Anh – tu sĩ Alcuin là người gốc Anh – cho thấy lễ này đã có từ cuối thế kỷ VIII; sau đó, vào thế kỷ IX, qua sắc lệnh của vua Louis Sùng Đạo năm 833, lễ này được mở rộng sang lãnh thổ của người Francs.

Tại Rôma, ngày 13 tháng 5 năm 610, Đức Giáo Hoàng Boniface IV được phép hoàng đế Phocas đổi đền thờ Pantheon thành một thánh đường dâng kính Đức Mẹ Thiên Chúa và toàn thể các thánh tử đạo. Từ đó, cứ ngày 13 tháng 5 hằng năm, theo một truyền thống Syria, người ta mừng lễ tất cả các thánh tử đạo. Ngày lễ này trùng với mùa phục sinh không chỉ nhắc nhớ đến tục lệ Syria, mà còn nhắc đến ý nghĩa vượt qua trong chiến thắng của các thánh tử đạo. Tuy nhiên, đến thời Đức Giáo Hoàng Grégoire IV (827-844) lễ này được dời vào ngày 1 tháng 11 và mừng kính tất cả các thánh nam nữ, được phong thánh hay không. Vào thế kỷ X, hôm trước ngày lễ này là một ngày ăn chay và canh thức, và ở thế kỷ XV, lễ này còn có một tuần bát nhật.

II. Thông điệp và tính thời sự

Có thể tìm thấy nhiều chủ đề trong các bản văn phụng vụ lễ trọng mừng các thánh, không chỉ mừng các thánh đã được tôn phong, mà tất cả mọi người đã được cứu rỗi.

Lời Nguyện của ngày, khi ca mừng sự thánh thiện của tất cả những người được chọn, nhắc chúng ta nhớ rằng “có vô số vị thánh đang chuyển cầu cho chúng ta”. Về điều này, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo trích dẫn Lumen Gentium (số 50): “Vì thực sự đang được kết hợp mật thiết hơn với Đức Kitô, các công dân trên trời góp phần làm cho Hội Thánh được thêm kiên vững trong sự thánh thiện . . . Các ngài không ngừng cầu xin với Chúa Cha cho chúng ta, bằng cách dâng hiến những công đức các ngài đã lập được khi còn ở trần gian, nhờ Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, là Đức Giêsu Kitô . . . Vì thế sự săn sóc ân cần của các ngài là trợ giúp lớn lao nhất cho tính yếu hèn của chúng ta.” (Sách Giáo Lý . . . số 956). Chúng ta cũng có những lời thánh Đaminh khuyên nhủ các tu sĩ của ngài: “Đừng thương khóc cha; cha sẽ làm ích nhiều hơn cho các con sau khi cha chết, và sẽ giúp các con hiệu quả hơn là lúc cha còn sống”, và lời của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: “Con sẽ ở trên trời để mưu ích cho trần gian.” Các thánh được ở gần Thiên Chúa (Lời Nguyện trên lễ vật), các ngài sung sướng dự vào “bàn tiệc” dọn sẵn cho các ngài trong nhà Chúa (Lời Nguyện sau hiệp lễ). “Đoàn người đông không thể đếm hết này” tạo nên “thành đô thiên quốc, thành Giêrusalem Mẹ chúng ta trên trời” không ngừng hát bài ca chúc tụng Thiên Chúa (Kinh Tiền tụng). Các thánh tạo thành “bức phù điêu khổng lồ của niềm vui / tình yêu rạng rỡ ngàn khuôn mặt / các ngài vẽ lên, trong ánh sáng / một hình ảnh vinh quang duy nhất: Chúa Giêsu Kitô.” Các ngài hát mừng Đấng Cứu Thế đã chia sẻ thử thách với các ngài và các ngài tạ ơn Người vì đã lấy máu mình mà thanh tẩy các ngài, và nuôi dưỡng các ngài bằng bánh sự sống (Giờ Kinh Sách, Đáp ca sau bài đọc 1). Trong Thánh Thể, Chúa đã thánh hóa những kẻ Người chọn “trong tình yêu viên mãn của Người”. Và bí tích này là nơi để chúng ta hiệp thông với các thánh, là bàn tiệc mà chúng ta được “tiếp nhận khi còn đang lữ hành” trước khi được nhận vào bàn tiệc trên trời (Lời Nguyện sau hiệp lễ). Các thánh “đã noi gương Chúa Giêsu trong đời sống các ngài” trước khi được nhận triều thiên vinh quang (Kinh Nguyện Thánh Thể riêng). Chúa Giêsu đã công bố hiến chương của sự thánh thiện là Các Mối Phúc thật được đọc trong Tin Mừng thánh lễ. Cũng vậy, bài thánh thi của Kinh Chiều 1 công bố người hạnh phúc là “người tay sạch lòng thanh… người hiền lành…người cảm nghiệm ân huệ của nước mắt…người đói khát công chính…người chịu đổ máu mình và tha thứ…người không một vết nhơ … người rắc gieo hoà thuận…và tất cả những ai được xét là xứng đáng chịu sỉ nhục vì thập giá”.

Thánh Polycarpe viết: “Chúng ta thờ lạy Chúa Kitô, vì Người là Con Thiên Chúa; còn đối với các thánh tử đạo, chúng ta yêu mến các ngài vì các ngài là môn đệ và người noi gương Chúa Ki-tô… , ước chi chúng ta được làm bạn với các ngài” (Sách Giáo lý, số 957). Thật vậy, vì được sống gần Thiên Chúa, các thánh tử đạo và mọi người Chúa chọn đều cầu nguyện cho chúng ta: “Các ngài rất có thế lực trong cuộc đời chúng ta” (Sách Lễ Rôma).

Enzo Lodi

Trả lời