Ngày 07/04: Thánh Gioan Bao-ti-xi-ta La san – linh mục (1651-1719)

514 lượt xem Hạnh Các Thánh
Listen to this article

Thánh Gioan Bao-ti-xi-ta La san – linh mục (1651-1719)

Lễ nhớ tùy chọn

St. Gioan Baotixita Lasan

 

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Jean-Baptiste de La Salle – được phong thánh năm 1900, trước đây mừng lễ vào ngày 15 tháng 5 – nay được mừng vào ngày 7 tháng 4, kỷ niệm ngày qua đời. Ngài được Đức Piô XII tôn phong làm “thánh Bảo trợ các nhà giáo dục Kitô giáo” (1950).

Thánh Jean Baptiste de La Salle sinh tại Reims năm 1651, là anh cả trong gia đình gồm mười một người con. Lúc mười sáu tuổi, ngài đã là Kinh sĩ, theo học nhiều năm tại thành phố quê nhà, sau đó tại đại học Sorbonne. Sau khi được thụ phong linh mục năm 1678, ngài dấn thân ngay vào việc giáo dục và giáo huấn các trẻ em nghèo theo gương chân phước Nicolas Roland (1642 – 1678) là người quan tâm đặc biệt đến các tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội. Vì mục đích này và trong khi thành lập các trường cho trẻ em nghèo, thánh nhân cùng lúc qui tụ các tình nguyện viên hiệp nhất trong một “gia đình” Dòng tu và được đào tạo để giảng dạy. Vì thế, một tu hội mới được khai sinh: Dòng sư huynh La Salle (1684). Để đào tạo các giáo viên, Đấng Thánh sáng lập đã mở các trường cao đẳng sư phạm nhằm gầy dựng các giáo viên đầy uy tín. Phương pháp giảng dạy được đổi mới hoàn toàn: không còn sử dụng tiếng La Tinh nữa, mà chỉ sử dụng tiếng địa phương. Trẻ em được chia thành nhiều lớp và các trường học được phân thành nhiều loại giáo dục khác nhau: nào trường tình thương, trường dạy nghề, trường cải huấn…

Dòng sư huynh La Salle cũng như số lượng trường học đều phát triển nhanh chóng tại Pháp cho đến Rôma. Các thử thách nặng nề đang chờ đợi cha De La Salle, đau đớn nhất lại do các tu sĩ của người – như lăng nhục, bác bỏ.v..v. Nhưng các thử thách này đều được vượt qua bởi lòng bác ái và khiêm tốn của thánh nhân. Ngài từ bỏ các chức vụ năm 1717 và hai năm sau qua đời ngày 7 tháng 4 năm 1719. Lúc ấy, người nói: “Tôi tôn kính thánh ý Thiên Chúa đối với tôi trong mọi sự việc”. Đó là ngày thứ sáu Tuần thánh.

Ngoài vài quyển sách giáo khoa dành cho học sinh và đôi ba sách khảo luận sư phạm (cách điều hành các học đường), Jean Baptiste de La Salle đã xuất bản cuốn Nghĩa vụ người Kitô hữu – đúng là cuốn sách ăn khách nhất trong các thế kỷ XVIII và XIX, cùng với tập khảo luận về phép xử thế: cuốn Phép lịch sự của người Kitô hữu (1695).

Số lượng sư huynh La Salle vào ngày qua đời của Đấng sáng lập lên tới ba trăm và ngày nay chừng tám ngàn sư huynh phân bổ trên khắp năm châu.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. “Chúa đã chọn thánh Jean Baptiste de La Salle để người rèn luyện đức tin cho giới trẻ” (lời nguyện riêng). Như thế, Phụng Vụ gợi lại mọi sinh hoạt giảng dạy của vị tiền phong cao cả trong ngành giáo dục này. Hội thánh hằng lo lắng cho các trẻ nhỏ (xem bài tin mừng Thánh lễ, Mt 18,1-10: Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy). Hội thánh cũng nhìn nhận thánh nhân có được trực giác của một ngôn sứ khi ngài thành lập một gia đình đông đảo các nhà giáo mới gồm: những giáo dân sống đời tận hiến, những nhà giáo giỏi giang, luôn sẵn sàng phục vụ và “tận tâm lo cho giói trẻ nên người và nên con cái Chúa” (lời nguyện).

b. Sau khi Jean Baptiste de La Salle, các môn đệ của ngài đã thu thập và xuất bản tuyển tập các suy niệm và kinh nguyện của ngài. Các Bài đọc – Kinh sách đưa ra cho chúng ta vài lời khuyên của ngài:

– “Anh em không được nghi ngờ gì về ân huệ cao cả Thiên Chúa đã ban cho anh em, đó là giáo dục các thiếu niên, rao giảng Tin Mừng và huấn luyện các em trong tinh thần đạo đức. Chính Thiên Chúa đã mời gọi anh em và giao cho anh em tác vụ thánh này”.

– “Với lòng nhiệt thành, anh em hãy cố gắng đưa ra những dấu chứng cụ thể cho thấy anh em yêu mến những kẻ Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, như Đức Giêsu Kitô đã yêu mến Hội thánh Người ...”

– Các nhà giáo dục Kitô giáo khi hành động như những “sứ giả của Đức Giêsu Kitô” bên cạnh giới trẻ, cũng trở nên “thừa tác viên của Giao Ước mới”. Họ khắc ghi Tin Mừng “không phải trên những tấm bia bằng đá, nhưng là trên những tấm bia bằng thịt tức là tâm hồn của các thiếu niên” (Bài đọc – Kinh sách)

Enzo Lodi

Trả lời