Sau nhiều biến đổi của thời cuộc, làng Vạn Tuyển được đổi thành làng Vạn Hoạch. Giáo xứ Vạn Hoạch thuộc giáo hạt Nam Am, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 37 km về hướng Tây Nam.
LƯỢC SỬ GIÁO XỨ VẠN HOẠCH
I. VỊ TRÍ VÀ TÊN GỌI
Về phía Nam dòng sông Hóa, một con sông quanh năm mang phù sa cho mảnh đất này, có một làng tên là Vạn Tuyển. Sau nhiều biến đổi của thời cuộc, làng Vạn Tuyển được đổi thành làng Vạn Hoạch. Giáo xứ Vạn Hoạch thuộc giáo hạt Nam Am, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 37 km về hướng Tây Nam.
Năm thành lập: 1678
Bổn mạng: Thánh Isiđôrô
Số giáo dân: 1.200 nhân danh
Giáo họ trực thuộc: Vạn Chài
Linh mục chính xứ: Gioan Baotixita Đoàn Văn Phú
Địa chỉ: Xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
II. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Vào thế kỷ XV, vùng đất bên dòng sông Hoá xuất hiện cái tên Đoài Trang, nơi dân tứ phương tập họp làm nghề chài lưới, thấy đất thơm người lành, nên đã định cư và phát triển nghề lúa nước. Theo sử sách để lại, năm 1478 thời vua Lê Thánh Tông, tiến sĩ Nguyễn Duy Tiến gốc Đông Lại, sau khi làm quan, đã chia làng Đoài thành 3 làng: Vạn Tuyển, Đông Lại và Tây Am.
Làng Vạn Tuyển ban đầu chỉ có ba chi: Nguyễn, Phạm, Ngô. Đến cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 có thêm các dòng họ khác đến từ Thái Bình. Nằm bên dòng sông Hoá, làng Vạn Tuyển rất thuận lợi giao thương đường thuỷ. Cũng nhờ đó, năm 1678 hạt giống Tin Mừng được các nhà thừa sai Tây phương gieo vào mảnh đất màu mỡ này.
Các nhà thừa sai đặt trụ sở chính tại Nam Am. Tuy nhiên, Vạn Tuyển cũng là trụ sở để từ đây đạo thánh Chúa lan rộng khắp lục Tổng Vĩnh Lại, Phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Trong cuộc bách hại đạo của vua Trịnh Nguyễn cùng với tổng đốc Trịnh Quang Khanh, Vạn Tuyển có ba người con của cụ Tổng Vọng là Bùi Văn Ba, Bùi Văn Thế và Bùi Văn Pho đều bị bắt đưa đi mất tích, có lẽ đã chết vì đạo Chúa. Mảnh đất này cũng có nhiều nhân sĩ: Lương Y chánh tổng Vọng, Lương Y Tú Kép, tức cụ trùm Quế, chánh tổng Cảnh, chánh tổng Rục, Khoá Khắc nho sỹ, sau này có cụ Bùi Văn Khắc, nhà giáo dạy Pháp văn và Anh văn nổi tiếng cả vùng Đông Am.
Khoảng năm 1730, các chức sắc trong các dòng họ cùng nhau xây dựng nhà nguyện đầu tiên bằng tranh tre, vách đất, được đặt ở trung tâm của làng. Đến năm 1862, Giáo hội Công giáo Việt nam được bình an trở lại, với một lòng sắt son với Chúa, người Vạn Tuyển đã cùng nhau xây nhà thờ mới, với chiều dài 7 gian bằng gỗ xến.
Vào cuối thế kỷ 19, trước thời Đồng Khánh (1887), làng Vạn Tuyển được đổi thành làng Vạn Hoạch, lúc đó có 17 dòng họ với 200 nhân danh, diện tích đất nhà thờ là 44 mẫu. Cũng vào thời này, Vạn Hoạch đã xây nhà thờ mới với chiều dài 9 gian bằng gỗ lim theo kiểu Á Đông, chạm trổ hoa văn tinh tế, mang phong cách “nhà nhiều trụ cột”. Sau nhiều lần đại tu nâng chiều cao và mở chiều rộng, tổng số lượng cột cả âm tường lên đến 72 cột, con số này tượng trưng cho 72 môn đệ được Chúa sai đi rao giảng Tin mừng khi xưa. Vạn Hoạch qua các thời kỳ được đặt dưới sự chăm sóc của cha Hiền, cha Tràng An, sau 1945 là cha Đôminicô Nguyễn Ôn Lương, năm 1949 là cha Giuse Nguyễn Khắc Cẩn.
Trong biến cố 1954, Vạn Hoạch có 517 nhân danh đã di cư 196 người, đời sống đạo đang trên đà thăng tiến, bỗng trầm lại. Từ năm 1979 đến 1992, dưới thời coi sóc của cha Giuse Phạm Văn Dương, Vạn Hoạch có nhiều khởi sắc về đức tin. Từ năm 1992 đến 2004, thời cha quản nhiệm Antôn Nguyễn Văn Ninh, Vạn Hoạch tiếp tục được đổi mới: nhà thờ được mở rộng và nâng cao, xây các công trình chung quanh khuôn viên.
Dù trải qua nhiều thăng trầm, cộng đoàn Vạn Hoạch vẫn không ngừng phát triển. Dấu ấn sự trưởng thành được ghi khắc vào ngày 20 tháng 06 năm 2012 với Sắc phong thiết lập Giáo xứ Vạn Hoạch. Sau khi tách khỏi Hội Am, Vạn Hoạch được coi sóc bởi các cha quản nhiệm: cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Sách (2004 -2014), cha Gioakim Nguyễn Văn Thăng (2014 – 2018). Ngày 16 tháng 11 năm 2018, mảnh đất này tiếp tục ghi dấu son trong lịch sử khi đón nhận cha xứ tiên khởi Gioan Baotixita Đoàn Văn Phú.
Thừa hưởng truyền thống đạo đức của các bậc tiền nhân, Vạn Hoạch như cái nôi ươm mầm ơn gọi qua các thời kỳ: cha Phạm Văn Đoán (qua đời); cha Giuse Phạm Phú Đức (qua đời); cha Giuse Bùi Hiền Triết, OP; cha Isidoro Bùi Thái Học; cha Giuse Bùi Trọng Thu; cha Isidoro Bùi Văn Tăng; cha Giuse Bùi Văn Đang. Các cha thuộc Giáo phận: cha Giuse Nguyễn Văn Phong (qua đời); cha Giuse Phạm Văn Sửu; cha Isidoro Phạm Văn Toản; cha Giuse Nguyễn Văn Thạnh; cha Giuse Bùi Văn Đạo và cha Giuse Phạm Văn Công. Giáo xứ còn nhiều thầy đang học Đại chủng viện và nhiều nữ tu phục vụ ở các miền đất của tổ quốc.
III. TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Giáo xứ Vạn Hoạch có 1.200 nhân danh, chia làm 4 khu và một giáo họ Vạn Chài trực thuộc. Cho đến nay, Giáo xứ trải qua 21 ban hành giáo qua các thời kỳ. Đời sống đức tin của giáo dân vững mạnh, các sinh hoạt tôn giáo sầm uất và năng động.
Hiện Giáo xứ có các hội đoàn: 2 Ca đoàn, 2 Hội kim nhạc, 3 đội nam nhạc, Hội Lêgio-Maria, Hội dòng ba Đaminh, Hội khấn, Hội kính lòng thương xót Chúa, Hội chân kiệu, Phong trào thiếu nhi Thánh Thể, Hội học sinh sinh viên… Các hội đoàn sinh hoạt đều đặn hàng tuần và đang góp phần làm phong phú các sinh hoạt của giáo xứ.
Nhìn lại lịch sử người dân nơi đây không giấu được niềm tự hào về quê hương. Điều ấy thúc đẩy mỗi người nhiệt thành sống đức tin và tích cực cộng tác, để góp phần xây dựng Vạn Hoạch tươi sáng, xứng với truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh.
Phụ lục
TRUYỆN ANH HÙNG TỬ ĐẠO
Ông Phêrô Chuyển và con là Phanxicô Thế
Ông Phêrô Chuyển là người tín hữu sốt sắng, nhưng bị nghi a dua làm loạn, nên bị bắt đem lên tỉnh. Con ông là Phanxicô Thế, lúc đó 13 tuổi, cũng đi theo cha.
Bị nghi oan, ông Chuyển hết sức thanh minh vì mình vô tội, nhưng quan tỉnh lại xoay qua vấn đề theo đạo. Hai lần quan bắt ông quá khóa, nhưng ông không thực hiện. Quan hứa nếu bước qua Thánh giá thì tha cho cả hai cha con, nhưng cả hai đều kiên quyết không nghe theo. Do đó hai cha con bị đưa đi giam ngục tại tỉnh Hưng Yên.
Tại đây ông bị đưa ra tòa 3 lần, một lần thì tra hỏi về tội phiến loạn, hai lần sau tra khảo tội theo đạo, nhưng hai cha con vẫn một lòng giữ vững đức tin. Do ông Phêrô Chuyển tuổi cao sức yếu, lại bị đánh đập và giam cầm lâu ngày, đồng thời mắc nhiều chứng bệnh, ông chết rũ tù tháng 10 âm lịch năm 1858.
Biết anh Phanxicô Thế buồn phiền vì cha chết, nên quan dụ dỗ anh bước qua Thánh giá, sẽ tha cho về. Anh Thế không chịu bỏ đạo, nên quan truyền đánh một trận nhừ tử. Mười lăm ngày sau, anh Thế bị đày lên Thái Nguyên.
Năm tháng sau, anh được đưa đi giam tại Bình Định. Tại đây, anh gặp 2 thầy giảng Nghĩa và Đệ, với 3 thanh niên: Đaminh Hiến, Đaminh Kép, Đaminh Bền, cùng giam ở Khánh Hòa. Anh bị giam từ năm 1859 đến năm 1862. Hằng ngày, anh lần hạt 100 kinh, thứ bảy và Chúa nhật thì 150 kinh. Anh còn ăn chay các ngày chay cùng với 5 người kia. Bị tra khảo nhiều lần nhưng anh Phanxicô Thế bất khẳng, nên quan tỉnh làm sổ tâu vua xử tử tại Hưng Yên.
Ban Truyền thông Giáo phận
- Ghi chú: Tài liệu lịch sử giáo xứ Vạn Hoạch đang được sưu tầm và hoàn thiện. Ban biên tập mong nhận được sự quan tâm và những góp ý quý báu của Quý Độc giả, để Lược sử Giáo xứ này được hoàn tất. Email liên hệ: bbtgphaiphong@gmail.com. Xin trân trọng cám ơn.
Nguồn: Gp. Hải Phòng
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận