Lược sử giáo xứ Liêm Khê

Listen to this article

Liêm Khê là giáo xứ mới được thành lập song đang dần khẳng định sự lớn mạnh của mình trong Giáo hạt và Giáo phận, xứng với truyền thống đức tin hào hùng của các bậc tiền nhân để lại.

01

I. VỊ TRÍ VÀ TÊN GỌI
Liêm Khê là một giáo xứ mới thành lập, được tách ra từ giáo xứ Nam Am, thuộc giáo hạt Nam Am.
Giáo xứ Liêm Khê thuộc xã Liên Am, phía Đông Bắc giáp làng Trung Am – xã Lý Học nơi có di tích lịch sử nổi tiếng cấp quốc gia là Đền trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm, phía Đông Nam giáp xã Tam Cường, phía Nam giáp xã Cao Minh, phía Tây giáp xã Vinh Quang.
     Năm thành lập: 2012
     Số giáo dân: 347 người
     Quan thầy: Thánh Giuse (01/5)
     Linh mục quản nhiệm: Cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Sách
     Giáo họ trực thuộc: Lạng Am và Cựu Điện
     Địa chỉ: thôn Liêm Khê, xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng
II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Theo truyền ngôn các cụ kể lại từ thời sơ khai, nơi đây là một vùng đất sình lầy bên bờ sông Hàn, các cụ đã rủ nhau về để khai hoang lập ấp, đó là các cụ của dòng họ Bùi, họ Đỗ, họ Lã. Đặc điểm của vùng đất này là chiêm khô, mùa úng nhưng lại rất thuận lợi cho việc cấy lúa và đơm bắt tôm cá.
Vào đầu thế kỷ XVI, đạo công giáo được truyền nhập vào Việt Nam. Nhưng mãi đến đầu thế kỷ XVII, Tin Mừng mới được gieo vãi trên mảnh đất Vĩnh Bảo trong đó có quê hương Liêm Khê. Tuy không có dữ liệu chính thức, nhưng theo sử liệu của giáo xứ mẹ Nam Am, có lẽ khoảng từ năm 1632 đến 1640, các cụ dòng họ Bùi, họ Đỗ đã được lãnh nhận hồng ân Thiên Chúa, nhập đạo Công công giáo. Trong thời kỳ này, vì tôn giáo bất đồng nên các cụ đã chia làng: dòng họ Bùi, họ Đỗ ở lại đặt tên làng là Liêm Khê. Còn dòng họ Lã chuyển sang làng bên cạnh và lấy tên làng là Bái Khê. Cả hai làng đều giữ lại tên Khê vì đó là đặc điểm của vùng đất này.
Từ đây, làng đã có tên riêng và là làng công giáo toàn tòng. Sau đó, các cụ đã cùng nhau dựng nhà nguyện đầu tiên bằng tre hóa lợp rạ nơi phía Bắc của làng. Dần dần, mọi người làm ăn ổn định, con cháu đông dần nên các cụ lại cùng nhau làm lại nhà thờ lần hai to đẹp hơn. Ngôi nhà thờ lần hai này được làm với cột kèo bằng gỗ lim, tường đất lợp gianh.
Trong thời kỳ vua Tự Đức cấm đạo, các cụ dỡ mái nhà thờ để chôn giấu và cả làng di tản. Trên đường đi gặp tai nạn đắm thuyền nơi đò Bến sông Hàn khiến 1/3 số giáo dân bị chết. Giai đoạn lịch sử này, giáo họ Liêm Khê đã có nhiều giáo dân sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho đạo Chúa. Cụ thể, ngày 22 tháng 11 năm 1862, 10 người con của mảnh đất Liêm Khê đã bị xử trảm tại pháp trường Năm Mẫu – Hải Dương. Sau khi chịu phúc tử vì đạo, xác các ngài được đưa về an táng ở quê hương tại phần đất của hai ngôi nhà nguyện đầu tiên. Khu đất ấy được dân họ gọi là nơi đất thánh.

03

Hết thời kỳ cấm đạo, các cụ đưa con cháu hồi hương. Với lòng nhiệt huyết, mọi người trong giáo họ lại đồng tâm hiệp lực xây dựng nhà thờ lần thứ ba ở trung tâm của làng. Đây là ngôi nhà thờ gỗ lim to đẹp, chắc chắn, có tháp cao 27m. Năm 1875, hoàn thành ngôi nhà thờ và cũng từ đây đời sống đạo càng ngày được nâng cao. Trong suốt quãng thời gian từ cuối thế kỉ XIX đến trước biến cố năm 1954, cộng đoàn họ đạo Liêm Khê luôn được các cha xứ tại Nam Am chăm lo mục vụ.
Ngày 9/4/1954, một sự kiện đau thương đối với giáo họ đó là nhà thờ bị bom Pháp phá hủy hoàn toàn. Cùng năm này, quá nửa giáo dân lại di tản vào miền Nam. Dù trong hoàn cảnh nào, người dân Liêm Khê vẫn một lòng tín thác vào Chúa. Tuy số người còn ở lại làng ít ỏi, song đã bầu ra được Ban hành giáo để tiếp tục điều hành mọi công việc giáo họ. Dưới sự điều hành của Ban hành giáo bà con giáo dân nơi đây chung sức chung lòng dần khắc phục những hậu quả của cuộc di cư, và từng bước gầy dựng lại nếp sống đạo. Quyết tâm ấy được thể hiện bằng sự kiện xây dựng ngôi thánh đường mới vào năm 1955, dù diện tích sử dụng nhỏ hơn trước, nhưng chắc chắn và có đường nét hoa văn đẹp đẽ.
Trong giai đoạn đầy biến động của đất nước từ sau năm 1954 đến 1975, bà con giáo dân họ đạo Liêm Khê cũng gặp không ít khó khăn về đời sống vật chất cũng như sinh hoạt tôn giáo. Tuy nhiên, lòng đạo đức nơi đây không hề sụt giảm, ngôi nhà Chúa luôn có người chăm sóc bảo quản, các giờ kinh sớm tối được duy trì, các thánh lễ dù không diễn ra đều đặn song vào các dịp lễ thánh quan thầy vẫn tổ chức mừng kính trọng thể.
Sau khi đất nước thống nhất, do hoàn cảnh của thời cuộc, các sinh hoạt đạo đức ít nhiều bị hạn chế hay bị kiểm duyệt từ phía chính quyền. Dầu vậy, người dân Liêm Khê luôn một lòng tín thác vào Chúa và hằng chạy đến thánh Cả Giuse quan thầy, nhờ vậy mà đức tin không bị suy giảm, trái lại, ngày một tăng triển.

04

Do nhu cầu mục vụ và nguyện vọng của bà con, năm 1989, giáo họ đã cho xây lại ngôi thánh đường trên nền móng của nhà thờ cũ do bom đạn chiến tranh làm cho hư hại. Sau hơn một năm xây dựng ngôi thánh đường được hoàn thành và đã được Đức Cha Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương về dâng thánh lễ tạ ơn và làm phép. Có được ngôi thánh đường mới bà con nơi đây thêm phấn khởi, lòng đạo đức thêm sốt sắng. Vì vậy, năm 1991, Bề trên giáo phận đã cho phép giáo họ Liêm Khê được chầu Mình Thánh Chúa thay giáo phận.
Ngày 08/8/2012 đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử Liêm Khê, khi giáo họ được Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên ban sắc nâng lên hàng giáo xứ, tách ra từ xứ mẹ Nam Am, và có các giáo họ trực thuộc là Lạng Am và Cựu Điện. Đây là sự ghi nhận của Bề trên Giáo phận về tầm quan trọng và sự trưởng thành của cộng đoàn đức tin Liêm Khê trong khu vực huyện Vĩnh Bảo, cũng như trong Giáo phận Hải Phòng.
Sau khi được nâng lên giáo xứ, người nơi đây tiếp tục mang nỗi thao thức mong ước xây ngôi thánh đường mới khang trang, xứng hợp với vị thế một giáo xứ. Ước mơ ấy, nhờ ơn Chúa và phúc ấm của tổ tiên, cùng sự giúp đỡ của quý ân nhân và sự gắng sức của mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ, cách riêng là cha quản nhiệm Gioan Baotixita Nguyễn Quang Sách, công trình nhà Chúa đã thành hiện thực. Ngày 10 tháng 8 năm 2018, Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên đã về chủ sự thánh lễ cắt băng khánh thành nhà thờ và đền thánh kính các Đấng tử đạo Liêm Khê.
Tuy mới được nâng lên hàng giáo xứ, song Liêm Khê có một lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Giáo dân nơi đây một lòng mến Chúa yêu người, nhiệt tâm phục vụ nhà Chúa với một niềm tim sắt son. Mảnh đất này cùng là nơi trổ sinh nhiều hoa trái ơn gọi dâng hiến phục vụ cho cánh đồng truyền giáo. Đến nay giáo xứ đã có 13 người con được chọn  làm linh mục, đó là: Cha Giuse Đỗ Minh Uy (qua đời), cha Giuse Đỗ Minh Chỉnh (qua đời), cha Giuse Bùi Đức Nhã (qua đời năm 1927, an táng tại Đồng Xá), cha Giuse Đỗ Minh Chất (qua đời năm 1950, an táng tại Kẻ Sặt), cha Giuse Đỗ Như Hoan (qua đời 09/8/1966, an táng tại thánh đường quê nhà), cha Giuse Bùi Đức Thiệu (qua đời 23/10/1966, an táng tại Bắc Hải – Xuân Lộc), cha Giuse Bùi Quang Đông (qua đời 01/3/1969, an táng tại Bắc Hải – Xuân Lộc), cha Giuse Đỗ Thôn Nhu (Dòng Thánh Thể), cha Giuse Đỗ Xuân Ngọc (giáo phận Long Xuyên), cha Giuse Bùi Đức Tịnh, cha Phanxicô Bùi Văn Tịnh (Dòng Bênêđictô), cha Giuse Bùi Văn Hà và cha Giuse Bùi Văn Dương. Ngoài ra, giáo xứ hiện có thầy Giuse Bùi Văn Du đang học tại Đại Chủng viện Hà Nội và nữ tu Rôsa Đỗ Hương Duyên thuộc Hiệp hội Đa Minh Mẫu Tâm Hải Phòng. 

05

III. TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Về cơ cấu tổ chức được sắp xếp theo Lề Luật họ đạo của Giáo phận. Giáo xứ có Ban Chánh trương, Ban hành giáo và các hội đoàn đạo đức như: Hội thánh Giuse, Hội Mân Côi, Dòng Ba Đaminh, Hội Mẫu Tâm, Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm, Thiếu nhi Thánh Thể, Hội Lòng thương xót Chúa, Nam Nhạc, Kim Nhạc, Giáo lý viên, các ca đoàn… Các hội đoàn đã góp phần làm cho sinh hoạt của giáo xứ thêm sinh động hơn.
Kể từ khi thiết lập hàng giáo xứ, cộng đoàn đức tin Liêm Khê đã có không ít những đổi thay đổi tích cực: Lòng đạo đức được gia tăng, các hoạt động tông đồ cũng không ngừng phát triển, cơ cấu tổ chức giáo xứ ngày một hoàn thiện và các hội đoàn được củng cố hoặc lập mới. Tuy là giáo xứ non trẻ, nhưng Liêm Khê đang khẳng định sự lớn mạnh của mình trong Giáo hạt và Giáo phận, xứng với truyền thống đức tin hào hùng và lâu đời của các bậc tiền nhân để lại.

TRUYỆN CÁC ANH HÙNG TỬ ĐẠO GIÁO XỨ LIÊM KHÊ

Năm 1862, có một việc bất ngờ xảy ra tại làng Liêm Khê, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Ông Miễn vừa thức dậy sửa soạn đi làm đồng, thì thấy biến động. Trên huyện nghe có loạn nổi lên, nên quan quân trên huyện về bủa vây làng Liêm Khê, một xã có đạo, để bắt những tên làm loạn. Dân làng lớn bé đổ ra đường, không biết có chuyện gì, đàn ông đàn bà nhớn nhác chạy trốn vì sợ vạ lây. Cả những người có đạo ở các làng lân cận nữa, nhiều người lội ruộng chạy, có người bơi qua sông, hay qua những con đò, có đò nhỏ chở đông người đã bị lật.
Các quan quân đi kiểm soát khắp làng mà không bắt được tên làm loạn nào, nên họ bắt những người vô tội đứng xem ngoài đường. Có 27 người bị bắt và đem về đình làng kiểm soát. Quan quân tra hỏi tất cả mà chẳng có dấu gì là tạo loạn, bởi tất cả đều là dân thường tò mò đứng xem. Sau cùng, họ bắt 12 người đàn ông và 10 người đàn bà đến hỏi. Sau khi tra xét, họ chỉ cho về 2 người đàn ông: Một người già 70 tuổi và một người què là những người không có sức làm loạn. Còn tất cả những người kia, sau khi tra hỏi là có đạo, thì họ không nói gì đến việc làm loạn nữa, mà bắt tất cả bước qua Thánh giá, nếu bỏ đạo thì tha về.
Trong số đó, ông Miễn thay mặt anh em lên tiếng: “Nếu quan tha về thì chúng tôi được sống. Còn đánh chết thì chúng tôi xin chịu chết. Việc bước qua Thánh giá và bỏ đạo, chúng tôi không dám làm”. Ông bị lôi ra đánh đòn ba lần, mỗi lần 30 roi. Sau cùng, tất cả đều được giải lên Ninh Giang. Sự việc này là do hai người được thả, đã chứng kiến và thuật lại.
Ngày 22-11-1862, tất cả bị đưa ra pháp trường chém đầu. Danh sách các người đó là:

  • Ông Phêrô Tứ, 64 tuổi, lý trưởng Liêm Khê.
  • Ông Phêrô Thứ, 60 tuổi, em ông Tứ, dòng Ba Đaminh, thứ mục trong họ đạo.
  • Ông Đaminh Ren, 40 tuổi, cùng xã với ông Thứ và Hội viên Hội Mân Côi.
  • Ông Giuse Đoán, 39 tuổi, cùng xã Liêm Khê, Hội viên Hội Mân Côi.
  • Ông Giuse Miễn, 30 tuổi, làm ruộng, Hội viên Hội Mân Côi.
  • Ông Giuse Đản, 32 tuổi, em ông Ren, Hội viên Hội Mân Côi.
  • Ông Phêrô Sùng, 30 Tuổi, làm ruộng, Hội viên Hội Mân Côi.
  • Ông Phêrô Tăng, 27 tuổi, Hội viên Hội Mân Côi.
  • Anh Giuse Kiến, 20 tuổi, Hội viên Hội Mân Côi.
  • Anh Giuse Bảo, 15 tuổi, Hội viên Hội Mân Côi, chưa có gia đình.

Mười xác ấy do dân làng Liêm Khê đem về chôn cất ở đất làng. Những người ngoại có mặt đều nói: Mười người vừa đi xử vừa kêu tên Chúa Giêsu.

Cung cấp thông tin: Giáo xứ Liêm Khê; Biên soạn: BTT GP

(Ghi chú: Tài liệu lịch sử giáo xứ Liêm Khê đang được hoàn thiện. Ban biên tập mong nhận được sự quan tâm qua những góp ý quý báu của quý Đấng bậc và quý Độc giả, để Lược sử Giáo xứ sớm hoàn thành. Email liên hệ: bbtgphaiphong@gmail.com. Xin trân trọng cám ơn!)

Trả lời