Tương truyền, trước kia mảnh đất này có người học cao hiểu rộng, đó là cụ Phạm Văn Tài, được mệnh danh là thiên tài. Từ đó mới sinh ra chữ Kim và có tên là Kim Côn như ngày nay.
LƯỢC SỬ GIÁO XỨ KIM CÔN
I. VỊ TRÍ – TÊN GỌI
Giáo xứ Kim Côn tọa lạc bên bờ Sông Văn Úc về phía Đông, gần Cầu Khuể, cách Tòa Giám mục Hải Phòng 19 km về hướng Đông.
Tương truyền, trước kia mảnh đất này có người học cao hiểu rộng, đó là cụ Phạm Văn Tài, được mệnh danh là thiên tài. Từ đó mới sinh ra chữ Kim và có tên là Kim Côn như ngày nay.
Thành lập: 1810
Quan thầy: Giuse Thợ
Nhân danh: 90
Linh mục chính xứ: Giuse Nguyễn Văn Xứng
Giáo họ trực thuộc: Giáo họ Côn Lĩnh
Địa chỉ: Thôn Kim Côn, xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng
II. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Truy nguyên thủ bản Công Môn Vũ Gia Bạ do Thủy tổ cụ Vũ Đức Khuyên lưu truyền lại cho hậu thế Tử tôn dòng tộc và các di ngôn truyền khẩu, vào năm 1810, có hai gia đình anh em tên là Trương Công Trắc và Trương Công Đào, người làng Cao Thừa, thuộc tỉnh Nam Định tới lập cư về phía Bắc trại trên, tiếp theo các họ khác như: họ Vũ, họ Nguyễn, họ Phạm cũng tới lập cư. Tất cả theo đạo Gia-tô (Thiên Chúa Giáo) được gọi là trại dưới. Khi an cư lạc nghiệp, những người tin Chúa lập thành một họ đạo, có trụ sở, ruộng đất và trực thuộc xứ Văn Khê.
Theo tương truyền, thời ấy giáo họ có cụ Nguyễn Văn Tài cùng với 17 hộ gia đình làm nghề chài lưới, vùng đất chủ yếu là bờ sông bãi sú. Nhà thờ ban đầu chỉ là vách đất và lợp bằng rạ. Lúc này có thầy già Trần cùng với hai sơ (không nhớ tên tuổi) thường đọc kinh cầu nguyện cùng với bà con giáo dân.
Thời vua Tự Đức, Đạo Chúa bị bách hại khốc liệt, hầu hết các nhà thờ bị dỡ bỏ và Kim Côn lúc đó cũng không nằm ngoại lệ. Tuy vậy, dù khó khăn giáo dân nơi đây vẫn quyết tâm giữ đạo, đọc kinh sớm hôm. Trong giai đoạn này, Kim Côn có những gương chứng nhân hi sinh để bảo vệ niềm tin son sắt vào Đạo Chúa, đặc biệt với ba gia đình tiểu biểu: 1. Ông Gioan Tứ, bà Anna Chuông và con là Giuse; 2. Ông Gioan Vị và mẹ là Maria Vi; 3. Ông Giuse Nhiên, vợ là Maria Đĩnh và con.
Vào năm 1908, khi các cuộc bách hại đạo lắng xuống, giáo dân Kim Côn đồng lòng hợp lực xây dựng lại ngôi thánh đường. Trước sự lớn mạnh và kiên vững về đức tin, Bề trên quyết định nâng Kim Côn lên giáo xứ với ba giáo họ trực thuộc: Côn Lĩnh, Cao Thanh và Hầu. Từ khi được thành lập, giáo xứ được coi sóc bởi các cha: Cha Tự (tiên khởi), cha Thịnh, cha Phúc, cha Duy, cha Thiều, cha Mátthêu Đỗ Quang Cao.
Trước năm 1945, giáo xứ có khoảng 1.600 người cùng với 4 mẫu đất nhà thờ, 4 mẫu ruộng trồng cói và 7 mẫu ruộng trồng lúa. Đến năm 1954, giáo xứ Kim Côn cũng như nhiều nơi trong Giáo phận, tình trạng di cư đã làm cho giáo xứ tưởng chừng như không còn tồn tại. Số giáo dân chỉ còn lại 3 gia đình. Giáo họ Cao Thanh và giáo họ Hầu đã bị xóa sổ. Đất đai bị thu hồi, nhà thờ bị chiếm dụng.
Sau năm 1975, tuy hòa bình lập lại, nhưng tình hình ở đây vẫn chịu sự cấm cách của chính quyền, mọi sinh hoạt tôn giáo đều khó khăn (đánh trống cũng không được). Dầu không có nơi thờ tự, nhưng bà con giáo dân vẫn quyết tâm giữ vững đức tin.
Đến năm 1992, cha Antôn Nguyễn Văn Uy cùng với giáo dân đã mua được khoảng 10 thước đất để làm nhà thờ. Giáo xứ được phục hồi, lúc này có khoảng 15 hộ gia đình.
Năm 1998, cha Stêphanô Nguyễn Văn Hiển chính xứ Văn Khê, với vai trò quản nhiệm Kim Côn, đã tiếp tục xây dựng giáo xứ, mua đất mở rộng nhà xứ và khởi công xây nhà thờ vào ngày 1/5/2005, và khánh thành sau đúng một năm, vào ngày 01/5/2006.
Tiếp sau đó giáo xứ Kim Côn vẫn liên tục được chăm sóc mục vụ bởi các cha quản nhiệm: Cha Stêphanô Nguyễn Khương Duy (2012 – 2013); cha Giuse Nguyễn Văn Sáng và cha Đaminh Nguyễn Văn Phòng (2014-2015).
Ngày 5/8/2015, giáo xứ Kim Côn hân hoan đón cha xứ Giuse Nguyễn Văn Xứng, khép lại một giai đoạn trên 50 năm vắng bóng chủ chăn. Từ ngày có cha chính xứ, cở sở vật chất được đổi mới, đời sống đức tin cũng không ngừng được thăng tiến.
Dẫu trải qua nhiều biến cố thăng trầm, giáo xứ Kim Côn đã hiến dâng cho cánh đồng truyền giáo nhiều ơn gọi, trong đó 13 linh mục: Cha Giuse Nguyễn Hữu Huân (Giáo phận Phú Cường), Cha Giuse Phạm Thanh Minh (Địa phận Mỹ Tho), Cha Giuse Vũ Đức Hước (Giáo phận Long Xuyên), Cha Giuse Nguyễn Văn Trí (Dòng Ngôi Lời -Hoa Kỳ), Cha Giuse Vũ Đức Hiến (Giáo phận Melbourne – Úc Châu), Cha Giuse Phạm Văn Chế (Nhật Bản), Cha Giuse Vũ Duy Hùng (Giáo phận Bà Rịa), Cha Giuse Vũ Huy Hoàng (Giáo phận Bà Rịa), Cha Giuse Vũ Văn Trường (Giáo phận Xuân Lộc), Cha Giuse Maria Vũ Đức Tùng (Dòng Chúa Cứu Thế – Hoa Kỳ), Cha Giuse Vũ Anh (Giáo phận Bà Rịa), Cha Giuse Nguyễn Thanh Bình (Giáo phận Long Xuyên), Cha Luca Vũ Đình Lưu (Dòng Xi-tô, Giáo phận Bà Rịa).
III. TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Giáo xứ Kim Côn không còn được như trước kia nhưng đức tin của bà con vẫn được giữ vững cùng với ngôi thánh đường khang trang chắc chắn. Với số tín hữu chỉ khoảng 90 người, nhưng giáo xứ vẫn có Ban hành giáo và các hội đoàn như: hội bà Thánh Anna, Ca đoàn, Thiếu nhi Thánh Thể.
Tuy là một giáo xứ nhưng Kim Côn chỉ là một cộng đoàn nhỏ bé. Bởi vậy việc tổ chức bất kỳ hoạt động nào cũng luôn gặp trở ngại. Trong các dịp đại lễ, họ nhà xứ cần đến sự cộng tác đắc lực của Côn Lĩnh, dù là giáo họ nhưng số nhân danh lại đông gấp đôi nhà xứ. Trong bối cảnh ấy, bằng những việc làm thiết thực, cha xứ cùng những người tín hữu nơi đây đang nỗ lực mỗi ngày khôi phục lại sức sống Kim Côn như một thời đã qua.
Phụ lục
TRUYỆN ANH HÙNG TỬ ĐẠO
1. Ông Gioan Tứ, bà Anna Chuông và con là Giuse
Ông Tứ và bà Chuông là vợ chồng, cả hai đều có đạo thuộc họ Kim Côn, huyện An Lão, tỉnh Hải Dương. Hai ông bà chỉ sinh được một người con, tên thánh là Giuse.
Năm 1861, ông Tứ bị bắt lên huyện. Để phủ đầu, quan đánh 10 roi, làm ông kinh hoàng bước qua Thánh giá, rồi được cho về nhà. Về tới nhà, ông nghĩ đến tội thì buồn bực quyết định sẽ không bước lần thứ hai nữa.
Ngày 30/8/1861, ông lại bị bắt, quan khéo dụ dỗ và thúc giục: “Bỏ đạo đi, muốn thế nào? Tất cả bụng đói, áo quần rách, chịu bỏ đạo thì ta cho về”. Ông Tứ thưa: “Dầu phải chết, tôi cũng không bỏ. Thiên Chúa là Cha chúng tôi, lẽ nào chúng tôi bỏ Người”. Sau đó, quan đóng gông ông hai giờ, bỏ vào ngục 3 ngày, và cho đi lưu đày sang xã Sát Nghi, trấn Biên Đa. Sau 4 tháng phát lưu, quan lại gọi ông về bắt bỏ đạo, ông thưa không dám, nên quan truyền khắc vào má 2 chữ “Bất khẳng”.
Bà Anna Chuông, vợ ông cũng xuất giáo một lần, rồi bị lưu sang làng Lương Thượng. Sau 4 tháng, cả hai vợ chồng và con là Giuse được gọi về để xuất giáo, nhưng hai ông bà không nghe lời quan. Quan dọa nạt đưa đi lưu đày ở Kinh Môn và phải chết ở đó, nhưng ông Tứ trả lời: “Dù chết với nhau chứ không xuất giáo. Vì chúng tôi không làm loạn, không trộm cắp, chúng tôi chỉ có tội là có đạo. Nếu vua truyền giết, chúng tôi vui lòng chết, không bao giờ chúng tôi dám bỏ đạo”. Vợ ông cũng có mặt. Bấy giờ, quan cho giải sang Kinh Môn, ông quan hỏi: “Tụi bay có vào sổ những kẻ bất khẳng không”. Ông Tứ thưa: “Phải”. Quan cho một người dụ dỗ và hỏi lần nữa, ông Tứ cả quyết: “Thưa ông, phải”. Quan nói: “Thế thì tụi bay phải chết hết”. Ông Tứ thưa: “Nếu chúng tôi chết, chúng tôi vui lòng, còn phải làm gì nữa”!. Hai ông bà bị canh gác nghiêm ngặt hơn. Sau 6 ngày ở Kinh Môn, hai ông bà bị lưu vong 2 tháng. Vừa ở ngục, họ vừa đọc kinh lần hạt và khuyên bảo nhau vững tâm hơn, một chí một lòng vâng theo ý Chúa, không tỏ dấu sờn lòng.
Ngày 17/3/1862, quan ra lệnh cho lính đem đi xử cả ông Tứ và bà Anna Chuông. Người ngoại chứng kiến ở đó, nghe tiếng bà Chuông xin chém đầu em Giuse trước mẹ. Em Giuse trông lên thấy gương sáng chói, em cười vừa chào lá gươm, rồi chịu chết. Em mới 2 tuổi, còn đơn sơ thật thà. Sau là ông Tứ và bà Chuông cùng tử đạo. Ông được 34 tuổi và bà 38 tuổi.
2. Ông Gioan Vị và mẹ là Maria Vi
Bà Maria Vi và con là Gioan Vị là người họ Kim Côn, huyện An Lão, tỉnh Hải Dương. Hai mẹ con chuyên nghề nông. Bà Vi lấy chồng và sinh được 3 người con trai. Bà đã vào hội Mân Côi và dòng Ba Đaminh.
Khi vua Tự Đức cấm đạo, hai mẹ con bà bị điệu sang huyện Kim Thành. Quan bắt bỏ đạo, cả hai mẹ con đều sạch tội, không chối Chúa. Quan sai lính kéo lôi bà trên Thánh giá, bà kêu: “Lạy Chúa con, Chúa làm chứng cho con, con không dám làm thế”!. Quan đày hai mẹ con sang làng Cao Mật một tháng, rồi về xã Đồng Thông, qua Thiện Cầm 2 tháng, sau lại gọi về bắt đạp Thánh giá, nếu không nghe thì cho sang Kinh Môn cho chết. Cả hai mẹ con trả lời: “Trước đây, lính bắt chúng tôi đạp Thánh giá, mà quan không cho sống, nên lần này cũng truyền làm thế, chúng tôi đâu dám bỏ đạo!”. Sau cùng, hai mẹ con bị giải sang Kinh Môn lưu đày. Quan hỏi tên biên sổ nào, sổ bỏ đạo hay sổ chưa bỏ, cả hai thưa sổ không bỏ đạo. Họ hỏi: Thế sao tên lại biên sổ bỏ đạo? Bà Maria trả lời: “Chúng tôi không bỏ đạo, đó là sổ giả”!. Rồi cả hai bị đày sang xã Kinh Đạo, trại Vụ Nông. Tại đây người ngoại làm chứng: Cả hai đọc kinh lần hạt và ăn năn tội.
Ngày 23/3/1862, lính được lệnh đem hai mẹ con sang làng Bích Sơn, chém đầu ở đó. Lúc đó ông Gioan Vị 31 tuổi, còn mẹ là Maria Vi 58 tuổi.
3. Ông Giuse Nhiên, đánh cá, vợ là Maria Đĩnh và con
Ông bà Nhiên là người Kim Côn, huyện An Lão, tỉnh Hải Dương. Ông mới theo đạo và kết duyên với bà trước, bà này chết, nên ông ở với bà Đĩnh.
Lần đầu, ông Nhiên bị bắt, ông đã bước qua Thánh giá rồi được tha về. Sau đó ít lâu, ông lại bị bắt và lưu đày sang xã Văn Hòa, mang gông cùm 3 tháng. Ông lại bị ép bước qua Thánh giá. Ông trả lời: “Dù chết tôi cũng không bỏ đạo”, nên cả hai vợ chồng bị đày sang Kinh Môn. Tới đây, quan hỏi: “Cả hai đã ghi sổ nào? Sổ bỏ đạo hay không bỏ đạo?” Tất cả các người có đạo bị đày, đồng thanh thưa: “Chúng tôi thuộc sổ những người không bỏ đạo”. Quan hỏi: “Bay muốn chết?” Họ thưa: “Việc theo đạo là việc chúng tôi, quan muốn chúng tôi bỏ, dầu có chết, chúng tôi cũng không bỏ, vậy phải làm gì?”. Tất cả bị giam ở Kinh Đao mấy hôm rồi sang Vụ Nông, giam từ 6/01/1862 đến 23/03/1862.
Tất cả anh em tù đều khuyên bảo nhau giữ vững đức tin và cầu xin Chúa cho được phúc tử đạo. Họ ăn năn tội và sớm tối đọc kinh lần hạt chung với nhau. Khi đến ngày xử, tất cả những người giam ở Bích Sơn và ở Vụ Nông cũng được đưa đến Hạ Tràng để xử. Ông Nhiên 36 tuổi, bà Maria Đĩnh 36 tuổi, và đứa con một mới 3 tháng tuổi, đều được xử với nhau ở Hạ Tràng.
Ban TTGP biên soạn
Ghi chú: Tài liệu lịch sử Kim Côn đang được hoàn thiện. Ban biên tập mong nhận được sự quan tâm và những góp ý quý báu của quý Đấng bậc cùng quý Độc giả, để Lược sử Giáo xứ sớm hoàn thành. Email liên hệ: bbtgphaiphong@gmail.com. Xin trân trọng cám ơn!
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận