Xưa kia Đông Lâm là vùng đất bồi ven sông, dân làng Nho Lâm ra đây đơm tôm, đánh cá dựng chòi ở tạm. Dần dần họ chuyển gia đình đến đây sinh sống và tạo thành một khu dân cư đông đúc tại phía Đông làng Nho Lâm, nên được gọi là Đông Lâm.
LƯỢC SỬ GIÁO XỨ ĐÔNG LÂM
I – TÊN GỌI VÀ VỊ TRÍ
Tên gọi Đông Lâm được bắt nguồn từ Nho Lâm. Xưa kia Đông Lâm là vùng đất bồi ven sông, dân làng Nho Lâm ra đây đơm tôm, đánh cá dựng chòi ở tạm. Dần dần họ chuyển gia đình đến đây sinh sống và tạo thành một khu dân cư đông đúc tại phía Đông làng Nho Lâm, nên được gọi là Đông Lâm.
Giáo xứ Đông Lâm tọa lạc tại vùng đất trù phú, bởi sự đồi đắp phù sa của hai con sông Luộc và sông Thái Bình, cách Toà Giám mục Hải Phòng 36 km về phía Đông Bắc.
Năm thành lập: Năm 1863
Bổn mạng: Thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ
Số giáo dân: 450 nhân danh
Giáo họ trực thuộc: Thanh Kỳ, An Lao, Quý Cao, An Định, An Hộ và Đồng Lại
Linh mục chính xứ: Giuse Đoàn Văn Anh
Địa chỉ: Thôn Đông Lâm, xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
II – HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Trước đây, Đông Lâm thuộc giáo xứ Đại Lộ, bởi các nhà truyền giáo đi từ Đại Lộ qua con sông xuống vùng đất Đông Lâm truyền giáo. Cộng đoàn đức tin được thành lập khoảng năm 1863. Khi mới khai mở dựng xây vùng đất này, những người con của Chúa đã đồng lòng xây nên ngôi nhà thờ bằng tranh tre, mái lá, cách 200 mét so với vị trí nhà thờ hiện tại. Đây là vùng “đất lành chim đậu”, đã dung dưỡng nhiều người tứ xứ đến khai hoang lập ấp. Đông Lâm có nhiều dòng họ, như: họ Lê, họ Phạm, họ Chu (bên Nho Lâm). Tất cả các dòng họ quây quần sống bên nhau thuận hòa êm vui.
Khoảng năm 1905, cha Giuse Khổng Nhật Tân về coi sóc giáo xứ Đông Lâm, lúc này số giáo dân khoảng 400 nhân danh. Những năm 1932 đến 1949, dưới thời coi sóc của cha Tân rất nghiêm khắc, nhà thờ luôn vang lên tiếng kinh sớm chiều, còn nếu giáo dân đánh bạc cha phạt đánh đòn.
Sau biến cố 1954, hầu hết giáo dân di cư vào Nam, chỉ còn lại 6 gia đình. Đông Lâm trở nên hoang tàn, vắng tiếng trống, tiếng kèn, không còn những lời kinh ngân vang sớm chiều. Vẫn còn cho đến nay là mảnh đất 5,8 mẫu, với nhà thờ cổ kính và căn nhà 7 gian gỗ lim, để dạy giáo lý và chứa thóc, như dấu chứng cho một thời vàng son đã qua.
Năm 1968, với thời gian và qua những biến cố thăng trầm, thiên tai bão lụt, nhà thờ đã bị hư hại nặng nề. Khi được sai về coi sóc, cha Đaminh Cẩn cùng với bà con giáo dân đã nhiệt tình chung tay sửa chữa nhà thờ.
Năm 1971, sau trận lụt lịch sử và tiếp đó là việc bộ đội về đóng quân, nhà thờ lại bị xuống cấp. Cha Giuse Phạm Văn Dương, chính xứ Nam Am, cùng với nhóm thợ Vạn Hoạch, Nam Am cộng tác tu sửa. Giai đoạn này, mọi người đồng lao cộng khổ, phải vay gạo của giáo dân cùng với sự giúp đỡ của nhiều người. Đến năm 2001, cha Giuse Vũ Văn Hào, chính xứ Đại Lộ, cho sửa chữa lại phần mái ngói.
Từ khi thành lập, giáo xứ Đông Lâm các cha coi sóc: cha xứ Tân (1939-1949), cha xứ Kiên (1950-1954), cha quản nhiệm Cẩn, cha quản nhiệm Giuse Phạm Văn Dương, cha quản nhiệm Giuse Vũ Văn Hào, cha xứ Phêrô Hoàng Văn Thịnh (2004-2008), cha quản nhiệm Giuse Dương Hữu Tình, cha quản nhiệm Giuse Bùi Quang Cường, cha xứ Giuse Bùi Văn Hà (2012-2018) và cha xứ đương nhiệm Giuse Đoàn Văn Anh (từ ngày 30/11/2018).
Trong vườn hoa thiêng liêng của Giáo hội, giáo xứ Đông Lâm đóng góp nhiều linh mục trong cánh đồng truyền giáo: cha Phaolô Nguyễn Văn Khanh, cha Phaolô Nguyễn Văn Cần, cha Phaolô Huy, cha Phaolô Nguyễn Văn Nhân (Xuân Lộc), cha Phaolô Nguyễn Hồng Khánh (Cần Thơ), cha Phaolô Nguyễn Văn Trung (Phú Cường), cha Phaolô Lê Đức Hùng (Bà Rịa) và cha Phaolô Chu Đăng Khải (Bà Rịa).
III – TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Là con cháu của vị tử đạo, Đông Lâm vẫn luôn vươn mình đứng dậy, sau đầy rẫy những biến cố thăng trầm. Trong những năm gần đây, giáo xứ có nhiều đổi thay, về đời sống đức tin cũng như cơ sở vật chất, đặc biệt từ khi có các chủ chăn trực tiếp coi sóc. Hiện tại giáo xứ có các hội đoàn: Hội Lòng Chúa Thương Xót; Hội Dòng Ba; Hội Lêgiô; Ca đoàn. Các hội đoàn đang nhiệt tình hoạt động và tích cực cộng tác để cùng với cha xứ góp phần làm cho đời sống đức tin thêm sống động và thăng tiến mỗi ngày.
Hiện nay giáo xứ có sự hiện diện của Tu hội Em-ma-nu-en. Cùng với cha xứ, các sơ đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo đức tin cho thế hệ trẻ, qua việc việc dạy giáo lý cũng các sinh hoạt khác, cách riêng là trong việc truyền giáo nơi giáo xứ miền quê này.
Phụ lục
TRUYỆN ANH HÙNG TỬ ĐẠO: ÔNG HUYẾN
Giáo xứ Đông Lâm trước kia là họ Nho Lâm đã có một vị tử đạo, đó là ông Huyến. Ông được sinh ra trong một gia đình đạo đức. Ông bỏ học sớm, sau đó lập gia đình và sinh được 7 con. Ông Huyến là con một, cha mẹ lo lắng về đạo hạnh và học hành cho con sao nên người. Ông hiền lành và khiên tốn, không ai nghe ông to tiếng. Ông Huyến chịu khó giúp việc đạo lâu năm, rồi còn gánh việc chung làng xã 12 năm. Ông vào hội Mân Côi, siêng năng lần hạt, rồi khấn dòng Ba Đaminh. Ông hay ăn chay hãm mình đền tội, một năm xưng hai đến ba lần. Ông thường tự nhủ mình: “Nếu không nhiều thì hãy ca tụng Chúa ít”.
Năm 1859, khi bị quan bắt vì đạo, ông còn khuyên các con: “Cha không còn, các con hãy giữ đạo. Cha bị bắt, không biết có chịu nổi, các con hãy cầu nguyện cho cha”. Các con đến thăm ông thường xuyên và chứng thực ông không bao giờ chối bỏ đức tin. Dầu cao tuổi, ông vẫn thường xưng tội, rước lễ. Ở trong tù lâu ngày, ông bị tả lị. Ngày 09/5/1862, ông bị xử chém đầu, lúc đó ông 69 tuổi.
Ban Truyền thông Giáo phận
-
Ghi chú: Tài liệu lịch sử giáo xứ Đông Lâm đang được sưu tầm và hoàn thiện. Ban biên tập ước mong nhận được sự quan tâm và những góp ý quý báu của Quý Độc giả, để Lược sử Giáo xứ này được hoàn tất. Email liên hệ: bbtgphaiphong@gmail.com. Xin trân trọng cám ơn.
Nguồn: Gp. Hải Phòng
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận