Giáo xứ Đồng Giá được hình thành từ trại Đồng Giá, một vùng đất hoang vu giữa đồng với bầu khí lạnh lẽo giá buốt. Tên gọi Đồng Giá khởi nguồn từ bối cảnh như vậy.
LƯỢC SỬ GIÁO XỨ ĐỒNG GIÁ
I. TÊN GỌI VÀ VỊ TRÍ
Giáo xứ Đồng Giá được hình thành từ trại Đồng Giá, một vùng đất hoang vu giữa đồng với bầu khí lạnh lẽo giá buốt. Tên gọi Đồng Giá khởi nguồn từ bối cảnh như vậy.
Đồng Giá tọa lạc giữa cách đồng, bên con sông Giá, phía Đông giáp xã Thủy Sơn, phía Tây và Nam giáp xã Trinh Hưởng, phía Bắc giáp xã Trịnh Xá.
– Năm thành lập: 1870
– Thánh quan thầy: Thánh Đaminh
– Số giáo dân: 1.600
– Linh mục chính xứ: Giuse Nguyễn Văn Chiến
– Giáo họ trực thuộc: Tam Sơn, Thủy Tú và Nhân Lý
– Địa chỉ: xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng
II. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Theo truyền ngôn của các cụ bô lão trong làng kể lại, làng Đồng Giá đã được manh nha vào khoảng năm 1865, nhưng khởi đầu mầm đức tin không phải bắt nguồn ngay từ những người ở làng Đồng Giá mà là bên làng Trịnh Xá.
Hai nhân chứng đầu tiên được các cụ kể lại là ông Lê Văn Khang và bà Nguyễn Thị Nhụi ở khu vực An Hải, thuộc Hội truyền giáo Hải Phòng. Hai ông bà là người buôn cá từ chợ Xâm Bồ về chợ Trịnh Xá bán. Chỉ trong khoảng thời gian ba tháng, bằng gương sáng đời sống, ông bà đã cảm hóa được bảy người làng Trịnh Xá đón nhận đức tin Công giáo. Với ơn Chúa hoạt động và nâng đỡ, bảy người này đã cảm hóa những người sống xung quanh, nhất là bà con họ hàng. Vì thế, chỉ trong chín tháng, số người đón nhận Đạo Chúa đã lên đến 21 gia đình và như vậy đã hình thành một cộng đoàn đức tin lớn mạnh nơi đây.
Nhận thấy cộng đoàn này cần được nâng đỡ đức tin, Toà Giám mục đã cử cha Nicasiô Arellano Huy, OP. – người Tây Ban Nha (sau này được bổ nhiệm làm Giám mục) và cha Mẫn – người Việt Nam, sang xem tình hình để giảng dạy đạo Chúa và xúc tiến việc xây dựng nhà nguyện. Nhờ hồng ân Chúa, công việc xây dựng tiến triển rất tốt đẹp, ngôi nhà nguyện ba gian lợp lá đã được hình thành, tuy đơn sơ, nhưng lúc nào cũng vang vọng tiếng kinh cầu sớm hôm.
Giữa lúc đời sống đức tin đang phát triển mạnh mẽ, thì xảy ra sự hiểu lầm đáng tiếc giữa những người Công giáo và bà con lương dân. Hơn nữa, lúc bấy giờ trung tâm huyện Thủy Nguyên lại chuyển từ Thủy Đường về Trịnh Xá, ngay bên cạnh nhà nguyện. Đứng trước tình hình đó, các cha phụ trách đã quyết định chuyển nhà nguyện sang trại Đồng Giá, vùng hoang vu với đồng chua nước mặn, sú vẹt và sông ngòi bao quanh. Từ một vùng tưởng chừng như không có sự sống, nhưng với sự cố gắng không biết mệt mỏi của các cha và các bậc tiền nhân, mảnh đất này đã trở nên trù phú nổi tiếng trong vùng.
Theo gia phả các dòng tộc, Đồng Giá được thành lập từ 7 cụ tiên khởi chuyển từ Trịnh Xá sang, đó là: Đaminh Hoàng Phú Gia, Đaminh Hoàng Phú Thêm, Đaminh Nguyễn Thế Loan, Đaminh Nguyễn Thế Sách, Đaminh Bùi Văn Trà, Đaminh Nguyễn Văn Kế và Đaminh Hoàng Hữu Viên. Bảy cụ đã mở đường, lập lối đi, làm nhà, sau đó lần lượt 32 gia đình chuyển sang, đồng thời có 6 gia đình lương dân cũng sang theo và xin gia nhập đạo. Trinh Hưởng có gia đình ông Hoàng Văn Nhắc, Lâm Động có một gia đình cũng chuyển sang và xin được nhập làng Công giáo. Sau khi có đất, có ruộng, Tòa Giám mục Hải Phòng cử các cha về coi sóc, dâng thánh lễ, giảng dạy giáo lý, tổ chức các hội đoàn, đồng thời xúc tiến việc xây dựng ngôi thánh đường mới. Làng Đồng Giá nhanh chóng hình thành và đã có đến 54 gia đình Công Giáo trên mảnh đất này.
Năm 1904, Đức cha Giuse Terrés Hiến, OP. bổ nhiệm cha Phêrô Hòa về làm cha xứ tiên khởi. Với trách nhiệm của một cha xứ, ngài về nhận xứ được một thời gian thì bắt tay vào làm nhà thờ gỗ lim to cao và chắc chắn với những đường nét chạm trổ rất tinh tế.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ngôi thánh đường gỗ không còn nữa, thay vào đó là ngôi thành đường mới, do cha Vinhsơn Nguyễn Hòa Định khởi công xây dựng vào năm 1953-1954.
Trong biến cố 1954, cùng chung số phận như nhiều cộng đoàn khác trong Giáo phận, những người con Đồng Giá đã phải ngậm ngùi bỏ lại mồ mả tổ tiên, nơi chôn nhau cắt rốn ra đi. Những người di cư tập trung ở Long Kiên (thuộc giáo phận Bà Rịa Vũng Tàu) và lấy tên là Đồng Giá 2, trong số này có nhiều người sau này sang Hải ngoại. Chỉ còn một số ít gia đình ở lại bám trụ giữ phần đất mà tổ tiên đã dày công gầy dựng, trông coi gìn giữ nhà Chúa.
Tiếp theo đó là những năm tháng đầy rẫy khó khăn do bối cảnh xã hội và việc thiếu vắng các linh mục. Tuy nhiên, bà con Đồng Giá vẫn luôn trung thành với Chúa và nhiệt thành sống đức tin, nhờ vậy mà đời sống đạo cũng dần dần được phục hồi, nhất là khi có các cha về coi sóc. Vào năm 1998, cha xứ Gioakim Nguyễn Đức Báu đã cho trùng tu lại ngôi thánh đường mà cha Vinhsơn Nguyễn Hòa Định xây dựng vào thời điểm trước di cư.
Từ khi thành lập, giáo xứ có các cha coi sóc: Cha xứ Phêrô Hòa (1904 – 1936), cha phó Giuse Tín (1922-1925), cha phó Phêrô Thư (1925-1926), cha phó Đaminh Hiếu (1927-1929), cha xứ Micae Trác (1937-1945), cha xứ Phêrô Nguyễn Hữu Độ (1945-1946), cha Vinhsơn Nguyễn Hòa Định (1946-1954), cha Giuse Nguyễn Khắc Hiệp (1954-1974), cha Gioakim Nguyễn Đức Báu về nhận xứ ngày 22/12/1993, cha Nguyễn Thanh Phong về làm cha phó ngày 18/4/2005 và đến ngày 22/4/2009 thì làm cha xứ, cha Phêrô Đoàn Văn Khải (2011-2017) và cha xứ đương nhiệm Giuse Nguyễn Văn Chiến, từ năm 2017. Ngoài ra, giáo xứ Đồng Giá còn có các cha quản nhiệm: Cha Phanxicô Nguyễn Trường Triều, cha Gioan Baotixita Nguyễn Duy Nhật, cha Giuse Nguyễn Văn Thịnh, cha Đaminh Nguyễn Chấn Hưng, Cha Antôn Khổng Minh Số, cha Giuse Phạm Văn Dương, cha Antôn Nguyễn Văn Ninh.
Cùng với truyền thống đạo đức sốt sắng, quê hương Đồng Giá cũng tự hào đã đóng góp những thợ gặt cho cách đồng truyền giáo, như cha Đaminh Nguyễn Thế Hưng, cha Đaminh Nguyễn Văn Thuần (miền Nam), cha Đaminh Bùi Văn Án (Xuân Lộc), và các nữ tu: Maria Nguyễn Thị An, Maria Nguyễn Thị Ơn, Maria Hoàng Thị Hương, Maria Nguyễn Thị Thanh…
III. TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Ngay từ những ngày đầu hình thành cộng đoàn đức tin, Đồng Giá đã hình thành nên truyền thống đạo đức bình dân với các buổi cầu nguyện chung. Từ đó, các hội đoàn được thành lập và biểu trưng lòng sùng kính qua các hoạt động của mình. Hiện nay, trong Giáo xứ có: Hội đồng mục vụ, hội Dòng Ba, hội Legiô, hội Con Đức Mẹ, hội Khấn, hội Kiệu, hội Kim Nhac, Nam nhạc, hội Thánh Giuse, Giới trẻ, Ca đoàn, Giáo lý viên… Các hội đoàn đang có những sinh hoạt tích cực và góp phần làm cho đời sống đức tin Giáo xứ phong phú. Hiện nay, Giáo xứ Đồng Giá được chia thành 4 khu: Thánh Gioan, Mátthêu, Luca, Máccô, và có các giáo họ trực thuộc: Tam Sơn, Thủy Tú và Nhân Lý.
Những năm gần đây, giáo xứ Đồng Giá có nhiều đổi mới, về đời sống đức tin cũng như cơ sở vật chất. Sức sống và sự đổi mới thể hiện qua công trình nhà Chúa đang được xây cất. Ngôi nhà thờ này sau khi được hoàn thành sẽ lọt vào tốp những nhà thờ lớn nhất trong Giáo phận. Công trình đang thi công và cũng gặp phải không ít khó khăn do quy mô lớn và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với ơn Chúa và lòng nhiệt thành với Nhà Chúa của người Đồng Giá được thể hiện trong chặng đường lịch sử đã qua, ngôi thánh đường khang trang sẽ sớm thành hiện thực như lòng khát mong của người dân nơi đây.
Nguồn dữ liệu: Gx. Đồng Giá
Biên soạn: BTT Giáo phận
Ghi chú: Tài liệu lịch sử Đồng Giá đang được hoàn thiện. Ban biên tập mong nhận được sự quan tâm và những góp ý quý báu của quý Đấng bậc cùng quý Độc giả, để Lược sử Giáo xứ sớm hoàn thành. Email liên hệ: bbtgphaiphong@gmail.com. Xin trân trọng cám ơn!
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận