Hướng đến tiến trình hiệp hành Đức Thánh Cha đề xướng

Listen to this article

HƯỚNG ĐẾN TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH ĐỨC THÁNH CHA ĐỀ XƯỚNG

Sinodo – Thượng HĐGM

Vatican News (26.9.2021) – Chỉ còn 2 tuần nữa, Chúa nhật 10/10, tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc với thánh lễ tại Vatican theo chủ đề: “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham dự và sứ vụ”. Tiến trình này sẽ được khai mạc ở các giáo phận vào Chúa nhật 17/10 sau đó, và chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới sẽ nhóm tại Roma vào tháng 10 năm 2023.

Quan tâm lớn của Đức Thánh Cha

Một trong những mối quan tâm lớn của Đức Thánh Cha Phanxicô hiện nay là làm sao đưa Giáo hội hoàn vũ đi vào tiến trình hiệp hành vì ngài xác tín tính hiệp hành (sinodalità) thuộc về bản chất của Giáo hội và tiến trình này có thể giúp Giáo hội ra khỏi khủng hoảng và hăng say chu toàn sứ mạng Chúa Kitô đã trao phó.

Với các Hồng Y cố vấn

Mối quan tâm này ngày càng được Đức Thánh Cha biểu lộ trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, chiều thứ ba 21/9 vừa qua, ngài đã họp trực tuyến với Hội đồng 7 vị Hồng Y cố vấn trong vòng 2 giờ: Trong lời dẫn nhập ngắn, Đức Thánh Cha đã nói về Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 về tính hiệp hành. Ngài cũng nhắc đến hai diễn văn chính được coi là chủ yếu trong tư tưởng của ngài về Thượng Hội đồng Giám mục: trước tiên hồi năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập cơ chế Thượng Hội đồng Giám mục, và gần đây, hôm thứ Bảy 18/9 vừa qua, khi nói với giáo phận Roma. Sau đó, các Hồng Y cố vấn đã góp ý về một số khía cạnh nói lên sự cần thiết của sự đồng hành, đối thoại và lắng nghe, đặc biệt tại đất nước của các vị, để vượt thắng thái độ phe phái và việc tìm kiếm những lợi lộc riêng.

Trước đó, ngày 24/6 năm nay, trong cuộc họp trực tuyến với các Hồng Y Cố vấn, Đức Thánh Cha tái khẳng định tầm quan trọng của tiến trình hiệp hành ở cấp giáo phận và quốc gia, làm sao để tiến trình này phản ảnh trong một tiến trình rộng lớn hơn mà Văn phòng Thượng Hội đồng Giám mục đã khởi xướng trong những tuần lễ trước đó.

Giải thích tính hiệp hành

Nhưng sinodo và sinodalità là gì? Cho đến nay, đối với nhiều người, từ Sinodo được hiểu là hội nghị các đại diện Linh mục, các tu sĩ và giáo dân do Đức Giám mục giáo phận triệu tập để bàn luận về những vấn đề của Giáo hội địa phương. Lên đến cấp cao hơn là Thượng Hội đồng Giám mục là khóa họp các đại biểu của các Hội đồng Giám mục, các cơ quan Trung ương Tòa thánh và một số đại diện khác của các thành phần Dân Chúa để bàn về các vấn đề của Giáo hội hoàn vũ.

Trong khi đó, nơi các Giáo hội Chính thống hoặc Công giáo Đông phương, “Santo Sinodo”, Thánh Hội đồng, là cơ quan cai quản Giáo hội, gồm vị Thượng phụ hoặc tương đương, cùng với các Giám mục thành viên được bầu lên. Trong Hội đồng này, Đức Thượng phụ cũng chỉ có 1 phiếu như các giám mục thành viên khác.

Đối với nhiều Giáo hội Tin Lành khác, như Giáo Hội Valdese ở Ý, Sinodo là khóa họp lập pháp thường niên của tất cả các mục sư với các thành viên giáo dân được bầu, để ban hành các qui luật, cũng như điều hành Giáo hội.

Từ Sinodo theo Đức Thánh Cha Phanxicô

Nguyên ngữ Hy lạp của từ Sinodo có nghĩa là “đồng hành”, cùng đi, và ý nghĩa này thường được Đức Thánh Cha sử dụng, đặc biệt ngài nhấn đến từ Sinodalità, tính hiệp hành.

Chẳng hạn trong diễn văn dài 40 phút với 4.000 đại biểu của Giáo phận Roma hôm 18/9/2021, Đức Thánh Cha giải thích “sinodalità”, sự đồng hành, như một lối sống và hành động của Giáo hội: lắng nghe nhau và có thái độ mục vụ, đặc biệt đứng trước cám dỗ của chủ nghĩa duy giáo sĩ và thái độ cứng nhắc.

Đức Thánh Cha nói: “đề tài hiệp hành, sinodalità hay đồng hành, không phải là một chương trong khảo luận Giáo hội học, và càng không phải là một kiểu thời trang, một khẩu hiệu hay một từ ngữ mới cần sử dụng hoặc lèo lái trong các cuộc gặp gỡ của chúng ta. Không phải vậy, sinodalità biểu lộ bản chất của Giáo hội, hình thể, kiểu sống và sứ mạng của Giáo hội.” Và Đức Thánh Cha dựa vào sách Tông Đồ công vụ, với nhiều giai thoại để chứng tỏ Giáo hội là đồng hành.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Trong tiến trình hiệp hành, giai đoạn giáo phận rất quan trọng, vì thực hiện sự lắng nghe toàn thể các tín hữu đã chịu phép rửa […].”

Ngài nhận xét: có nhiều đối kháng chống lại việc vượt qua hình ảnh một Giáo hội được phân biệt cứng nhắc giữa các thủ lãnh và những người bề dưới, giữa người giảng dạy và người phải học hỏi, mà quên rằng, Thiên Chúa muốn đảo lộn các vị trí: “Ngài lật đổ những người cường quyền khỏi tòa cao, và nâng cao những người hèn mọn” (Lc 1,52). Việc đồng hành khám phá chiều ngang của Giáo hội hơn là chiều dọc. Giáo hội đồng hành tái lập chân trời, từ đó mặt trời của Chúa Kitô mọc lên: dựng lên những đền đài phẩm trật có nghĩa là che phủ mặt trời Chúa Kitô. Các mục tử bước đi với dân, khi thì đi trước, khi thì đi giữa, lúc thì đi sau. Đi trước để hướng dẫn, đi giữa để khuyến khích và không quên mùi của đoàn chiên, đi sau vì dân có “mũi”, có khứu giác trong việc tìm ra những con đường mới để đi, hoặc để tìm lại con đường đã lạc mất”.

Những hiểu lầm

Sự kiện Đức Thánh Cha nói đến sự can dự của toàn thể Dân Chúa vào tiến trình hiệp hành khiến cho một số người cho rằng đây là một chủ trương “dân chủ hóa Giáo hội”, và họ quan niệm hiệp hành hay Thượng Hội đồng Giám mục là một thứ “nghị viện” của Giáo hội. Đức Thánh Cha đã hơn 1 lần bác bỏ quan niệm này.

Mới đây, Đức Cha Maurice Muhatia, Giám mục giáo phận Nakuru kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Kenya, cũng ghi nhận có sự hiểu lầm ngày càng nhiều về việc đưa giáo dân tham gia vào tiến trình quyết định trong Giáo hội. Trong cuộc hội luận trực tuyến hôm 18/9, Đức Cha nói: “Sự can dự của giáo dân vào việc đưa ra quyết định không có nghĩa là chúng ta đang cổ võ một Giáo hội dân chủ. Tiến trình hiệp hành cho một Giáo hội đồng hành đòi phải diễn ra trong cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội. Ý thức rõ về điều ấy rất quan trọng để tránh những hiểu lầm.”

Đức cha Muhatia giải thích rằng: Chúng tôi đã nghe vài người nói về một Giáo hội dân chủ; một số người khác nói về một chế độ nghị viện được du nhập vào Giáo hội. Tất cả những điều này là điều xa lạ, và Đức Thánh Cha không hiểu như vậy.” Chủ ý của Đức Thánh Cha là muốn có sự can dự nhiều hơn của dân chúng vào những gì đang diễn ra trong Giáo hội. Cần tránh hiểu lầm về vấn đề này.

Một giải thích đơn sơ

Hôm 16/9 vừa qua, Phó Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, nữ tu Nathalie Becquart, giải thích một cách đơn sơ cho các phụ nữ Công giáo và tín hữu Ba Lan về từ “tính hiệp hành”, Sinodalità, là chuyển tiếp từ chữ “tôi” đến chữ “chúng ta”.

Nữ tu Becquart đưa ra một thí dụ cụ thể để hiểu tính hiệp hành mà Đức Thánh Cha muốn Giáo hội thi hành: ví dụ trong một giáo phận, tính hiệp hành hệ tại luôn đồng hành với nhau, và một người không thể tự mình quyết định mà không tham khảo ý kiến người khác, các linh mục phải tham khảo ý kiến giáo dân. Hiệp hành là đi từ chữ “tôi” đến chữ “chúng ta”. “Chúng ta” ở đây là mọi tín hữu đã chịu phép Rửa. Đây là định nghĩa ngắn nhất về “Tính hiệp hành”.

Trong cuộc hội luận, nữ tu Becquart trả lời câu hỏi: làm sao để các giáo phận nghe tiếng nói của giáo dân, và sơ nói rằng. quan tâm và lắng nghe tiếng nói của giáo dân là điều rất quan trọng, nhưng đây vẫn còn là con đường mở ngỏ trong Giáo hội. Đối với thành phần giáo phẩm của Giáo hội, đây là điều mới mẻ và ta không lạ gì khi có những người tỏ ra lo sợ về điều này. Trong thực tế, cần tìm ra một phương thế, một con đường để chia sẻ kinh nghiệm như vậy. Điều này đòi phải có một kinh nghiệm chung cho cả giáo dân và giáo sĩ, một kinh nghiệm đối thoại và cởi mở. Hàng giáo sĩ phải tiến đến con đường đối thoại và cảm nghiệm nó. Vai trò của linh mục và giáo sĩ sẽ không thay đổi xét về cơ cấu của Giáo hội, nhưng nó phải thay đổi khi họ bắt đầu lắng nghe dân chúng trong Giáo hội. Thách đố mới ngày nay là tái khám phá sự phong phú trọn vẹn của những người họp thành Giáo hội, điều này chỉ có thể qua sự lắng nghe nhau và để cho mọi người khác được lắng nghe, cố gắng để được lắng nghe”. (Kai 15/9/2021)

 Nguồn: vaticannews.va/vi/

Trả lời