A. Hát những phần nào?
Nguyên tắc hát các bậc lễ
98. Âm nhạc phải được xem là phần thông thường và bình thường trong đời sống phụng vụ của Hội Thánh. Tuy nhiên, việc ca hát trong phụng vụ luôn được tuân theo nguyên tắc về bậc lễ.
99. Chúng ta có thể hiểu Bậc lễ như sau “có hình thức phụng vụ hết sức long trọng trong đó tất cả những gì phải hát đều được hát, lại có hình thức phụng vụ hết sức đơn giản không có ca hát; giữa hai hình thức này có thể có nhiều bậc khác nhau, tùy theo mức độ cần phải hát nhiều hay ít.”
100. Bậc lễ không chỉ bao gồm tính chất và phong cách âm nhạc, mà còn có nghĩa là phải hát bao nhiêu phần và những phần nào của Thánh lễ. Thí dụ, trong những lễ trọng hàng đầu như Chúa Nhật Phục sinh hoặc Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống có thể hát bài Tin Mừng, còn trong Mùa Thường niên, bài Tin Mừng chỉ cần đọc thì thích hợp hơn. Việc chọn bài hát và nhạc cụ đệm theo tiếng hát phải phù hợp với mùa phụng vụ hoặc Thánh lễ đang được cử hành.
101. Các lễ trọng và lễ kính được ca hát long trọng hơn. Có những tác phẩm âm nhạc cao cấp hơn, diễn tả được sự long trọng này, đồng thời làm cho những cử hành đặc biệt này được phong phú hơn. Tuy vậy, không bao giờ được dựa vào lễ trọng mà làm cho nghi lễ chuyển thành một thứ phô trương sáo rỗng bên ngoài. Âm nhạc long trọng nhất vẫn phải duy trì trách nhiệm trước hết là thu hút tâm hồn con người vào mầu nhiệm Đức Kitô đang được Hội Thánh cử hành.
102. Có những mùa phụng vụ đòi hỏi chúng ta phải biết kiềm chế sử dụng âm nhạc. Thí dụ, trong Mùa Vọng, chỉ sử dụng nhạc cụ cách vừa phải, phù hợp với đặc tính của mùa này, nhưng đừng đi trước niềm vui trọn vẹn của lễ Chúa Giáng Sinh. Trong Mùa Chay các nhạc cụ chỉ để giúp hát mà thôi, trừ Chúa Nhật Laetare (IV Mùa Chay), lễ Trọng và lễ Kính.
Những phần được hát
103. Việc ca hát của cộng đoàn phụng vụ và của các tác viên phải là điều quan trọng trong cử hành phụng vụ. Tuy nhiên không nhất thiết phải hát tất cả; nhưng khi chọn lựa những phần để hát thực sự thì hãy dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn.71
a. Đối đáp và tung hô
Trong những phần để hát, hãy dành ưu tiên cho “những phần do vị tư tế, hoặc phó tế hay độc viên hát, có cộng đoàn đáp; hoặc những phần mà cả vị tư tế và cộng đoàn cùng hát.” Điều này bao gồm cả những lời đối đáp như Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, hoặc Chúa ở cùng anh chị em, Và ở cùng cha trong Thánh lễ. Đối đáp trong phụng vụ có tầm quan trọng vì “đó không phải chỉ là những dấu bề ngoài của một việc cử hành chung, mà còn giúp và tạo nên sự hiệp thông giữa vị tư tế và cộng đoàn.” Tự bản chất, những lời đối đáp này rất ngắn, không phức tạp và dễ mời gọi toàn thể cộng đoàn tham gia. Vì thế, cần phải hết sức nỗ lực khởi xướng hoặc củng cố việc tư tế, phó tế hoặc độc viên ca hát đối đáp với cộng đoàn vì việc ca hát đối đáp này là nhiêm vụ bắt buộc. Ngay cả những linh mục với khả năng ca hát rất hạn chế cũng có thể hát Chúa ở cùng anh chị em ở một cao độ đơn giản. Những câu tung hô trong Thánh Lễ và những nghi lễ khác được toàn thể cộng đoàn vang lên như những lời tán thành việc làm và lời của Thiên Chúa. Những câu tung hô trong Thánh lễ bao gồm Tung hô Tin Mừng, Kinh Thánh Thánh Thánh, Tung hô Tưởng Niệm và Tung hô Amen long trọng. Những câu Tung hô này thật thích hợp khi được hát lên trong bất cứ Thánh lễ nào, cả trong lễ ngày thường hoặc Thánh lễ dành cho những cộng đoàn nhỏ hơn. Thật lý tưởng khi cộng đoàn thuộc lòng những câu tung hô này và sẵn sàng hát ngay cả khi không có nhạc cụ đệm theo.
b. Thánh vịnh Đáp ca
Thánh vịnh là những vần thơ ca ngợi, nghĩa là phải được hát lên bất cứ khi nào có thể. Tập Thánh vịnh là sách hát căn bản của phụng vụ. Giáo phụ Tertullianô chứng thực điều này khi ngài nói rằng trong các cộng đoàn phụng vụ Kitô giáo “Kinh Thánh phải được đọc lên, Thánh vịnh phải được hát lên và bài giảng phải được giảng lên.” Thánh vịnh có một vai trò nổi bật trong mọi Giờ Kinh Phụng Vụ.
Thánh vịnh Đáp ca trong phần Phụng vụ Lời Chúa của Thánh lễ và trong các nghi thức khác có vai trò “rất quan trọng về phụng vụ và mục vụ, vì giúp suy niệm Lời Chúa”. Bài ca Nhập lễ và Hiệp lễ với những câu Thánh vịnh kèm theo hai cuộc rước quan trọng nhất của Thánh lễ: cuộc rước đầu lễ khi Thánh lễ khởi sự và cuộc rước khi giáo dân tiến lên bàn thờ để rước Mình Máu Thánh Chúa. Cả hai cuộc rước này đòi hỏi cộng đoàn tham gia ca hát, vì họ là Dân được Thiên Chúa quy tụ lúc bắt đầu Thánh lễ và là những tín hữu tiến lên bàn thánh rước Mình và Máu Chúa.
c. Điệp khúc và những câu Đáp được lặp lại
Phụng vụ cũng có những bản văn mang tính chất kinh cầu đối đáp có thể được hát khi thích hợp. Loại này bao gồm kinh Kyrie (Xin Chúa thương xót) và Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa trong Thánh Lễ, câu thưa trong Lời nguyện Tín hữu hoặc Lời cầu trong giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều, và Kinh Cầu các Thánh trong các nghi lễ khác.
d. Thánh ca – thánh thi
Thánh thi được hát trong giờ Kinh Sách của Giờ Kinh Phụng Vụ, giờ kinh này là thời điểm rất độc đáo để hát Thánh thi theo từng khổ thơ trong phụng vụ. Trong Thánh lễ, ngoài Kinh Gloria và một số ít những bài thánh ca viết theo từng khổ thơ đã có sẵn trong Sách Lễ Rôma và sách hát Graduale Romanum, thì những bài thánh ca cộng đồng của các nhóm hay các nước cần phải được nhà thẩm quyền thông thạo chuyên môn thẩm định theo Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma các số 48, 74 và 87 thì mới được phép dùng trong phụng vụ thánh. Luật Hội Thánh hiện nay cho phép chọn các bài thánh ca bằng tiếng bản xứ làm bài ca Nhập lễ, Tiến lễ, Hiệp lễ và Kết lễ. Vì những bài thánh ca cộng đồng này tuân theo vai trò phụng vụ chính thức, nên cần phải phù hợp với tác động phụng vụ. Theo truyền thống liên tục của năm thế kỷ gần đây, có thể sử dụng một số bài thánh ca cộng đồng đến từ các truyền thống Kitô giáo khác, miễn là có bản văn phù hợp với giáo huấn Công giáo và thích hợp với phụng vụ Công giáo.
104. Trong Thánh lễ mỗi ngày, nên tuân theo thứ tự ưu tiên bao nhiêu có thể: các câu đối đáp và tung hô (Tung hô Tin Mừng, Thánh, Tung hô Tưởng niệm, Amen); các kinh mang tính đối đáp (Kyrie, Agnus Dei); Thánh vịnh đáp ca, phần nhạc nên ở mức đơn giản. Ngay cả khi không có người đệm đàn, hãy cố gắng hát những câu đối đáp và tung hô.
105. Phải coi trọng và sử dụng những đối ca chính thức trích từ các sách phụng vụ vì những đối ca này chính là lời Thiên Chúa nói với chúng ta trong Kinh Thánh. Ở đây, “Cha trên trời âu yếm đến gặp gỡ con cái mình và trò chuyện với con cái của Ngài, vì trong Lời Thiên Chúa có uy lực và quyền năng lớn lao để mang lại sự nâng đỡ và sức sống cho Giáo Hội, đồng thời đem đến cho đoàn con của Giáo Hội sức mạnh của đức tin, lương thực của linh hồn, nguồn mạch tinh tuyền và trường tồn của đời sống thiêng liêng.” Phải giúp người tín hữu biết đánh giá sâu sắc các Thánh vịnh là tiếng nói của Đức Kitô và tiếng nói của Giáo Hội cầu nguyện. “Nhất là các Thánh vịnh, một lối cầu nguyện vừa theo sát vừa rao giảng những kỳ công Chúa làm trong lịch sử cứu độ, thì dân Chúa lại càng đem lòng mộ mến một cách đặc biệt hơn. Điều này sẽ càng được dễ dàng thực hiện nếu chúng ta quan tâm lo cho hàng giáo sĩ am hiểu các Thánh vịnh một cách sâu sắc hơn, theo đúng ý nghĩa dùng trong phụng vụ, và nếu mọi tín hữu cũng được huấn luyện thích đáng về vấn đề này” (Đức Phaolô VI, Tông hiến Laudis Canticum, số 8).
Thinh lặng thánh
106. Âm nhạc phát sinh từ thinh lặng và rồi trở về thinh lặng. Thiên Chúa được biểu lộ vừa trong vẻ đẹp của âm nhạc vừa trong sức mạnh của thinh lặng. Phụng vụ thánh là sự hòa điệu nhịp nhàng giữa các bản văn, những hành động, những bài ca và thinh lặng. Thinh lặng trong phụng vụ cho phép cộng đoàn suy tư về những gì họ được nghe và cảm nghiệm, và mở lòng ra trước mầu nhiệm được cử hành. Các tác viên và những người phụ trách âm nhạc nên chăm lo cho các nghi lễ được tỏ hiện bằng cách để âm thanh và thinh lặng lên xuống đúng lúc. Nhưng không quá nhấn mạnh tầm quan trọng của thinh lặng trong phụng vụ. Cũng cần thông báo và giải thích cho cộng đoàn phụng vụ biết ý nghĩa và những lúc thinh lặng thánh.
Những lúc thinh lặng thánh trong Thánh lễ: Trong nghi thức thống hối và sau lời mời cầu nguyện, mỗi người hồi tâm lại; sau bài đọc, bài diễn giảng, mỗi người suy gẫm vắn tắt về những gì đã nghe; còn sau khi hiệp lễ, thì ca ngợi và cầu xin Thiên Chúa trong lòng. Ngoài ra trước khi cử hành Thánh lễ, rất nên giữ thinh lặng trong nhà thờ, trong phòng thánh, và trong những nơi gần cận, để mọi người dọn lòng cử hành Thánh lễ cho sốt sắng và đạo đức.
Còn tiếp…
Trích: Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc – Ủy ban Thánh nhạc HĐGMVN
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận