Giọng hát của con người
81. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nên trong các âm thanh mà con người có khả năng lãnh hội, thì giọng người là căn bản và ưu tiên nhất. Các nhạc cụ khác dùng trong phụng vụ chỉ bổ túc và hỗ trợ cho giọng hát của con người.
Các nhạc cụ
82. Trong tất cả nhạc cụ khác thích hợp cho việc thờ phượng thánh thì đại quản cầm (cũng gọi là đàn ống) là “nhạc cụ chính yếu xứng hợp,” vì nhạc cụ này có khả năng nâng đỡ cộng đoàn đông đảo. Với tầm vóc to lớn, quản cầm đủ sức “làm vang lên trọn vẹn cảm xúc của con người, từ niềm vui cho đến nỗi buồn, từ lời ca ngợi cho đến lời than van.” Cũng thế, “một cách nào đó, khả năng nhiều mặt của đại quản cầm nhắc chúng ta nhớ đến vẻ uy hùng và tráng lệ của Thiên Chúa.”
83. Thêm vào khả năng lôi kéo và nâng đỡ cộng đoàn ca hát, âm thanh của tiếng đại quản cầm rất thích hợp để độc tấu thánh nhạc trong phụng vụ vào những thời điểm thuận tiện. Đại quản cầm cũng đóng một vai trò quan trọng xét về mặt loan báo Tin Mừng khi giúp Hội Thánh vươn tới cộng đoàn rộng lớn hơn ở những buổi hòa nhạc thánh, những sự kiện âm nhạc, những chương trình âm nhạc và văn hóa khác. Vì tất cả những lý do này, cũng như hướng đến tương lai phát triển, việc sắp đặt vị trí của đại quản cầm phải được tính đến ngay khi dự định xây dựng hoặc sửa chữa nhà thờ.
84. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đi cùng với Hòm Bia Giao Ước, người ta còn nhận thấy có não bạt, đàn hạc cầm, thập lục huyền cầm và kèn đồng kèm theo. Qua các thời kỳ, Dân Thiên Chúa đã sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau để ca hát ngợi khen Thiên Chúa. Các nhạc cụ này đều phát xuất từ truyền thống và văn hóa của một dân tộc nhất định, làm phong phú các thể loại và hình thức âm nhạc với những sắc thái âm thanh khác nhau. Qua đó, các tín hữu của Đức Kitô tiếp tục nối kết tiếng hát của mình với bài ngợi ca hoàn hảo của Người trên Thập giá.
85. Nhiều loại nhạc cụ khác cũng làm phong phú việc cử hành phụng vụ, như là khí nhạc (sáo trúc, kèn, …), đàn dây, các bộ gõ. Có thể dùng những nhạc cụ này “tùy theo sự xét định và phê chuẩn của thẩm quyền địa phương,… miễn là đã thích nghi hoặc có thể thích nghi để sử dụng trong các việc thánh thiêng, xứng đáng với vẻ tôn nghiêm của thánh đường và thực sự góp phần nâng cao tâm hồn các tín hữu.”
Nhạc đơn tấu/hòa tấu
86. Mặc dầu các nhạc cụ được dùng trong phụng vụ Kitô giáo trước tiên là để hướng dẫn và nâng đỡ tiếng hát của cộng đoàn, ca đoàn, người xướng thánh vịnh, và ca xướng viên, nhưng khi thuận tiện, người ta cũng có thể trình tấu chỉ bằng các nhạc cụ (nhạc đơn tấu/hòa tấu). Khi cộng đoàn quy tụ lại, nhạc hòa tấu, bằng hình thức khai tấu (prélude), có thể giúp họ chuẩn bị cử hành phụng vụ. Nhạc hòa tấu cũng giúp nâng cao cảm xúc trong tâm hồn con người qua những đoạn nhạc được trình tấu trong phụng vụ và những khúc dạo cuối sau khi cử hành phụng vụ. Các nhạc công phải luôn luôn nhớ rằng phụng vụ còn dành ra những thời khắc thinh lặng để suy tưởng. Có những thời khắc thinh lặng không cần có âm nhạc phủ lấp vào.
87. Các nhạc công được khuyến khích trình tấu những bài nhạc trong kho tàng thánh nhạc do các nhạc sĩ thuộc nhiều nền văn hóa và thời đại khác nhau sáng tác. Thêm vào đó, những ai có tài năng thiên phú và được học hành thì nên sáng tác ứng tấu, như đã được trình bày ở số 44-46.
Nhạc ghi âm
88. Nhạc ghi âm thiếu đi tính xác thực mà chỉ cộng đoàn phụng vụ sống động quy tụ lại để cử hành phụng vụ thánh mới có thể đem lại được. Nhạc ghi âm rất ích lợi khi được sử dụng ngoài phụng vụ để giúp học hỏi những bản nhạc mới, còn theo nguyên tắc chung, không được phép sử dụng nhạc ghi âm trong phụng vụ.
89. Cần ghi nhận một số trường hợp ngoại lệ về việc sử dụng nhạc ghi âm. Nhạc ghi âm có thể được phép sử dụng để đệm theo tiếng hát của cộng đoàn khi đang đi rước ngoài Thánh lễ, và được dùng một cách cẩn trọng khi cử hành Thánh lễ dành cho trẻ em. Đôi lúc, được dùng để giúp cầu nguyện, thí dụ: trong thời gian thinh lặng dài khi cử hành bí tích Hòa giải chung. Tuy nhiên, nhạc ghi âm không khi nào được thay thế việc ca hát của cộng đoàn.
90. Các cung kinh, cung sách, cung ca, ngắm nguyện, ca vãn, dâng hoa
Soạn cung điệu phụng vụ Việt Nam là một việc làm không mấy dễ dàng. Do đó, các cung SÁCH, cung KINH và cung CA sử dụng trong Thánh lễ sẽ do các Ban thánh nhạc và các nhạc sĩ áp dụng tùy theo mỗi địa phương. Phụng vụ Thánh lễ bao giờ cũng được cử hành một cách sống động, cụ thể, diễn tả qua động tác và âm thanh. Về động tác lễ nghi thì đã được ghi theo chữ đỏ. Về âm thanh thì có thể tóm lại trong ba từ: SÁCH, KINH và CA.
91. Cung sách: gồm các Bài đọc 1, 2 và Bài Tin Mừng; cung kinh gồm: Kinh Lạy Cha, các Kinh Nguyện, Lời nguyện tín hữu; các Kinh trong sách Kinh Bổn; cung ca gồm thi ca, bình ca, thánh ca và giáo ca. Mỗi loại cung có nét âm nhạc riêng đòi hỏi người soạn phải có kiến thức và có tài năng ngõ hầu cung điệu phụng vụ Thánh lễ đạt được tâm tình tôn giáo (đạo đức sốt sắng, bộc phát phấn khởi và đại chúng đơn sơ) và nghệ thuật (hình thức đẹp và nội dung tốt).
C. Vị trí nhạc công và các nhạc cụ
92. Các nhạc công và các nhạc cụ nên ở một vị trí thuận lợi để có thể tiến hành nhịp nhàng với tác động phụng vụ, với cộng đoàn và giữa các nhạc công với nhau. Lý tưởng là sắp xếp thế nào để các nhạc công có thể tham dự trọn vẹn phụng vụ. Trong mọi trường hợp, để đạt được hiệu quả tốt nhất, các nhạc công trình tấu nên ở gần với nhau, thí dụ, đặt đại quản cầm hay organ điện tử gần ca đoàn và chỗ đứng của ca xướng viên.
93. Cũng như các tác viên phụng vụ, khi không trực tiếp thi hành vai trò riêng của mình, các tác viên âm nhạc luôn ở trong tư thế chăm chú tham dự phụng vụ và không bao giờ gây chia trí cho người khác.
94. Thông thường ca xướng viên nên đứng trước cộng đoàn để hướng dẫn cộng đoàn ca hát, nhưng khi cộng đoàn có thể hát phần riêng của mình, như khi họ xướng đáp với linh mục, hoặc với các thừa tác viên, hoặc khi họ được nhạc cụ trợ giúp rồi, thì ca xướng viên không cần phải xuất hiện để người ta trông thấy. Thánh vịnh Đáp ca thường được hát hay đọc tại giảng đài hoặc một vị trí khác mà cộng đoàn có thể trông thấy được. Vì thế, người hát hay đọc Thánh vịnh nên ngồi ở vị trí dễ dàng di chuyển đến giảng đài.
95. Chỗ của ca đoàn phải nói lên được rằng ca đoàn hiện diện như là một thành phần của cộng đoàn, nhưng thi hành một phận vụ riêng. Các vị hữu trách nên quan tâm đến khía cạnh âm thanh học, vì yếu tố âm thanh học sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định vị trí tốt nhất cho ca đoàn.
96. Đàn organ điện tử và đại quản cầm, các loa dùng riêng cho nhạc cụ, các nhạc cụ như dương cầm (piano) cần được đặt ở những vị trí vừa hợp với thị giác, để không gây chia trí, vừa hợp âm lượng, để âm thanh có thể nâng đỡ cộng đoàn và để cho nhạc công có thể dễ dàng đệm nhạc cho ca xướng viên, người xướng thánh vịnh và ca đoàn.
97. Nếu ca đoàn và các nhạc cụ chiếm lĩnh một không gian mà cộng đoàn nhìn thấy, thì chỗ ấy phải toát lên được sự thánh thiện của tác vụ âm nhạc (nghiêm trang, trật tự, gọn gàng).
Còn tiếp…
Trích: Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc – Ủy ban Thánh nhạc HĐGMVN
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận