HÔN NHÂN GIA ĐÌNH – MỘT CẤU TRÚC IN ĐẬM DẤU VẾT THẦN LINH
Lm. Antôn Hà Văn Minh
WHĐ (12.8.2021) – Hơn bao giờ hết, cấu trúc gia đình đang đứng trước thách đố lớn lao trong một thời đại mà chủ nghĩa tục hóa như đang chi phối mọi lãnh vực của cuộc sống. Định chế hôn nhân đang từng bước đi đến chỗ hủy hoại trước cơn lốc xoáy của chủ nghĩa duy lợi, chủ trương tự do luyến ái, ủng hộ đồng tính luyến ái, làn sóng “phủ nhận những nguyên tắc luân lý đang soi sáng và nâng đỡ việc thực hành tính dục trong hôn nhân cách nhân bản và Ki-tô giáo”.[1] Khế ước hôn nhân không còn là giao ước kiến tạo một đời sống chung thân mật và cộng đoàn tình yêu vợ chồng, nhưng đã trở thành một bản hợp đồng với chủ đích làm sao đạt đến một lợi lộc mang tính cá nhân, hay như một phương thế giải quyết cho những rắc rối trong xã hội. Điều gì sẽ xảy đến cho con người khi gia đình như là tế bào đầu tiên của xã hội đang đối diện với khủng hoảng này? Hậu quả trước mắt mà chúng ta có thể nhận thấy được đó là hiện tượng ly dị trở thành sinh hoạt bình thường trong đời sống xã hội, nạn phá thai không còn được coi đó như là một tội ác, trẻ em phạm pháp ngày càng nhiều, và cuộc sống càng trở nên bất an hơn bao giờ hết.
Để tìm lại trật tự và an bình xã hội trước tiên cần phải tái khám phá giá trị cao quí của định chế hôn nhân gia đình, một định chế vượt trên mọi định chế của thế trần, bởi nó được in đậm dấu vết thần linh, bởi “Thiên Chúa là Tình yêu và nơi chính mình Ngài, Ngài đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như cả khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông. Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người.”[2]
1. Cấu trúc gia đình như là dấu chỉ mối tương quan ngôi vị trong nội tại Thiên Chúa Ba Ngôi
Ngay từ buổi ban đầu của công trình tạo dựng Thiên Chúa đã đặt để muôn loài sinh vật hiện hữu trong một cấu trúc in đậm mối tương giao cộng đoàn, và đặc biệt, khi tạo dựng con người Thiên Chúa đã tỏ bày ý định cách rõ ràng sự hiện hữu của thụ tạo này tỏ lộ hình ảnh của Thiên Chúa: Chúng ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh của chúng ta. Hình ảnh đó chính là khuôn mặt của một vị Thiên Chúa tình yêu, một Thiên Chúa không đơn độc trong một ngôi vị duy nhất nhưng là sống động phong nhiêu (fertility) trong ba ngôi vị. Thật vậy, khi nói đến tình yêu là nói đến ba hiện thực của mối tương quan, như thánh Augustinô đã trình bày : “Hãy coi, đó là ba : người đang yêu, kẻ được yêu và tình yêu”[3]. Thiên Chúa chính là Đấng mà nơi đó “một Ngôi vị nhiệm hiệp với một Ngôi vị hiện hữu khác phát xuất bởi mình bằng tình yêu ; một Ngôi vị, nhiệm hiệp với một Ngôi vị làm cho mình hiện hữu bằng tình yêu ; và một Ngôi vị là chính tình yêu”[4]. Vâng, Thiên Chúa đã tự tỏ bày như là “Cha”, “cội nguồn” của một Tình yêu vô bờ bến, một tình yêu mà Ngài đã tự do trao ban cách nhưng không; Thiên Chúa đó cũng tự tỏ bày như “người Con”, như “Lời” (Logos) của tình yêu này. Lời hiện hữu qua việc đón nhận tình yêu của Cha, đồng thời đáp trả tình yêu này với lòng biết ơn đối với Cha; Thiên Chúa như là Cha và Con cũng được tỏ bày trong Chúa Thánh Thần được hiểu là “không gian” của Tình yêu “cho” và “nhận” giữa các Ngôi vị tạo thành sự hợp nhất nên một. Trong Thánh Thần này, Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài và tỏ cho họ biết nguyên lý thâm sâu nhất của sự hợp nhất và của đời sống họ nhằm đưa họ bước vào biến cố cứu độ của Tình yêu Người. Như vậy con người được tạo dựng, được cứu chuộc theo cấu trúc tình yêu như chính Thiên Chúa là : trao ban, đón nhận và đáp trả với lòng biết ơn vô hạn.
Chỉ với cấu trúc tình yêu này, sự sống mới có thể tuôn trào, và công trình tạo dựng của Thiên Chúa mới được hình thành. Đức Bênêđictô XVI. đã quả quyết: “Mọi sự đều bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, mọi sự đều được định hình bởi tình yêu ấy, và mọi sự đều qui hướng về tình yêu ấy”[5]. Quả thật, nếu Thiên Chúa không là tình yêu, thì chẳng có chi được tạo thành, chẳng có gì được hiện hữu. Mọi hiện hữu đều phát sinh từ Thiên Chúa và đều in đậm ấn dấu tình yêu của Ngài. Dấu ấn này được tỏ lộ các rất đặc biệt nơi con người, một loài thụ tạo được tạo dựng “giống hình ảnh của Thiên Chúa”, hình ảnh của một tình yêu “trao ban – đón nhận – đáp trả với lòng biết ơn vô hạn” trong mối tương quan giữa các ngôi vị, được trình bày qua việc Thiên Chúa “đã tạo dựng có nam và có nữ” (Stk 1,2-7) ngay từ khởi thủy, và đã liên kết họ lại làm nên một cộng đoàn đầu tiên được gọi là gia đình. Chính nơi đây cấu trúc tình yêu của Thiên Chúa được tỏ bày trong mối tương giao giữa vợ chồng, và bằng một hành vi nhân linh họ tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa (x. GS số 48). Với hành vi tự hiến cho nhau vợ chồng cộng tác với Thiên Chúa Tạo dựng, và diễn đạt tình yêu của Ngài, để từ đó tiếp tục làm nảy sinh sự sống qua việc truyền sinh. Đây là ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại.
Ân huệ này làm cho con người trở nên “người chung phần với Đấng Tạo Dựng” (participes Creatoris), có nghĩa là được dự phần vào vào những ý định của Thiên Chúa và lề luật của Ngài đã ban cho thế giới khi Ngài tạo dựng nên nó vào lúc khởi đầu thời gian[6]. Chính điều đó làm cho con người là một thụ tạo có giá trị trổi vượt. Tuy nhiên không vì được gọi là participes Creatoris mà con người tự dành cho mình quyền quyết đoán giá trị về cuộc sống theo tiêu chuẩn mình đề ra, vì chỉ có Thiên Chúa mới là nguyên nhân tối hậu của mọi giá trị, con người không có thẩm quyền thay đổi những luật lệ và trật tự tự nhiên mà Thiên Chúa đã đặt để trong thế giới. Và ngay cả cấu trúc hôn nhân gia đình cũng không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa, bởi đó nó không là một sáng kiến của con người, cho nên con người không có quyền thay đổi nó. Mọi sự can thiệp hầu làm cho cấu trúc đó thay đổi tự bản chất theo khuôn mẫu do con người đề xướng đều là việc làm phát xuất từ sự dữ, cho dẫu con người hành động nhân danh bảo vệ và tôn trọng sự tự do cá nhân trong việc biểu lộ tình yêu. Mọi sự thay đổi về cấu trúc tự nhiên của hôn nhân gia đình chỉ là hành vi phá hoại hủy diệt vẻ đẹp, sự phong phú và giá trị cao trọng của nó, và hậu quả là xã hội sẽ phải đón nhận những bất ổn với những hậu quả khó lường. Thật ra, tự do chọn lựa đối tượng yêu thương chỉ mang lại giá trị đích thực khi tự do lệ thuộc vào ý chí luôn khao khát sự lành, và ý chí này được biểu tỏ qua tình yêu luôn hướng đến việc trao cho nhau những điều tốt lành hết sức có thể.[7]
Thiên Chúa hằng sống bởi Ngài là Thiên Chúa tình yêu, vì tình yêu là nguyên nhân của sự sống. Tình yêu này được hình thành trên nguyên lý: trao ban, đón nhận và đáp trả với lòng biết ơn vô hạn giữa các ngôi vị, từ đó kiến tạo sự hiệp thông để trở nên một. Cấu trúc hôn nhân gia đình được Thiết Chúa thiết lập trên nguyên lý này. Do đó, mọi tình yêu đi ra ngoài nguyên lý này thì không thể được gọi là tình yêu chân thật. Đó chỉ là tình yêu giả hiệu, biến thành những cảm tính chóng qua trống rỗng, và được lấp đầy bằng những gì mà mình yêu thích. “Tình yêu trở thành tế vật cho những xúc cảm và ý kiến chủ quan chóng qua, một từ ngữ bị lạm dụng và nát vụn đến độ mang ý nghĩa đối nghịch”[8], để rồi nó trở thành nguyên nhân của sự hủy diệt, bởi đó chỉ là một thứ tình yêu vị kỷ, đơn độc, không có trao ban và tận hiến nên một thì không thể nảy sinh sự sống.
Thiên Chúa không hiện hữu trong một ngôi vị đơn độc, vì Ngài là Thiên Chúa tình yêu. Ngài hiện hữu với ba ngôi vị trong tình yêu tương hỗ có một sự thúc đẩy mãnh liệt, và theo nhà thần học kinh viện Richard St Victor, sự thúc đẩy đó bắt nguồn từ sự khao khát, lòng ước muốn. Đó chính là nguồn mạch của tình yêu, nó thúc đẩy tình yêu của người yêu dành cho người được yêu, cũng như tình yêu của người được yêu dành cho người yêu bằng một hành vi yêu thương mãnh liệt vô song. Tình yêu tương hỗ không dừng lại ở hai vế, nhưng niềm vui và sự hoan lạc của tình yêu trọn hảo giữa người yêu và người được yêu tiếp tục trao ban và hướng tới một nhân vật thứ ba cùng bản tính trong mối dây liên kết tình yêu, được gọi là người cùng được yêu (condilectus). Yêu thương như thế mới là tình yêu hoàn hảo đích thực, một tình yêu chỉ có nơi Thiên Chúa[9]. Cấu trúc gia đình được hình thành từ suối nguồn tình yêu này, một cấu trúc mang lại sự sống phát xuất từ một tình yêu giao hỗ từ hai nhân vị không cùng một giới tính với những thuộc tính riêng biệt mang đặc tính bổ sung cho nhau, hướng về nhau. Những thuộc tính riêng biệt của giới này có một hấp lực lôi cuốn giới kia, để cả hai tìm đến nhau mà người ta gọi là tình yêu. Thật ra, đây chưa được gọi là tình yêu đúng nghĩa của nó, đó mới chỉ là tình ái (eros) được thôi thúc bởi tính dục. Và theo nhận định của Đức Bênêđictô XVI, do bởi tội lỗi, con người đã tôn vinh thân xác, đã biến động lực tình ái (eros) thành hành vi đơn thuần là tình dục (sex), nó trở thành hàng hóa người ta có thể mua bán[10]. Cấu trúc gia đình sẽ gặp khủng hoảng và đưa đến gãy đổ nếu tình yêu chỉ là tình dục. Thực ra, tình ái (eros) không chỉ là tình dục, tực bản chất nó “muốn đưa chúng ta đến bầu khí thần linh, vượt lên khỏi chúng ta, vì thế nó đòi buộc một con đường vươn lên, từ bỏ, thanh luyện và chữa trị”[11]. Con đường thanh luyện eros là tìm lại đúng ý muốn của Thiên Chúa khi thiết lập nên định chế hôn nhân gia đình như là dấu chỉ về mầu nhiệm Thiên Chúa Tình yêu. Con đường thanh luyện trước tiên phải là hành vi khước từ chiếm đoạt “động lực tính dục” như là cái gì thuộc tư hữu để rồi tìm mọi cách để thỏa mãn, trái lại ý thức rằng việc trao đổi “động lực tính dục” giữa hai người nam nữ là “góp phần mang một con người mới vào thế giới qua sinh sản, và đồng thời tham gia vào công cuộc tạo dựng theo ý mình. Vì thế, họ có thể coi mình như những người đồng tạo dựng có ý thức để sinh ra một sinh vật nhân tính mới, tức con người”[12]. Để được như vậy, hành vi yêu thương bắt đầu bằng eros sẽ phải được vươn lên thành agape, có nghĩa là yêu một ai không là chiếm đoạt người đó để thỏa mãn cho riêng mình, nhưng là ước muốn cho người mình yêu đạt được hạnh phúc, nỗ lực mang lại những điều thiện hảo, và sẵn tự hiến cho người mình yêu[13]. Đấy nguyên lý của tình yêu Thiên Chúa, và đó cũng là nền tảng cho định chế hôn nhân gia đình. Mối tương giao liên vị sâu xa giữa vợ chồng được khởi xướng bởi tình yêu kết hợp hoàn hảo giữa hai yếu tố eros và agape là nền tảng cho cấu trúc gia đình và được coi như dấu chỉ của mối tương quan ngôi vị của Thiên Chúa Ba Ngôi.
2. Đặc tính bất khả phân ly của cấu trúc gia đình là dấu chỉ duy nhất tính của Thiên Chúa Ba Ngôi
Tín biểu của Công đồng Nicêa – Constantinôpôli bắt đầu bằng lời tuyên tín: Credo in unum Deum. Việc tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất là nền tảng đức tin Kitô giáo. Thiên Chúa duy nhất xét theo bản thể, bản tính và yếu tính. Đặc tính duy nhất nầy được biểu tỏ trong Ba Ngôi phân biệt qua sự hiệp thông (oikonomia) được diễn tả theo ngôn ngữ của con người như sau: ý muốn của Chúa Cha, ý muốn đó được biểu lộ trong sứ mệnh và trong hành động của Con và của Thánh Thần, đó cũng là ý muốn của Con, của Thánh Thần. Đây là ý muốn duy nhất, nơi đây không có sự khuất phục của ngôi này đối với ngôi kia, không có việc ngôi kia lệ thuộc ngôi nọ. Sự thấm nhập giao hỗ ý muốn của các ngôi vị từ Cha, Con và Thánh Thần được thể hiện qua mối dây tương hỗ giữa Ba Ngôi (perichorese). Chính sự sự thấm nhập giao hỗ này kiến tạo nên duy nhất bản thể Thiên Chúa. Và có thể nói, gia đình, một định chế do Thiên Chúa thiết lập, cũng in đậm đặc tính duy nhất của Thiên Chúa theo mối tương quan giao hỗ này giữa hai vợ chồng – dĩ nhiên vì là thụ tạo, con người không thể thực hiện mối tương quan giống như Thiên Chúa, vì thế mối tương quan vợ chồng chỉ là phản ảnh một thực tại siêu nhiên – Sách Sáng Thế đã trình bày : từ chiếc xương sườn của người đàn ông Chúa đã dựng nên người phụ nữ (St 2, 22), như là căn nguyên của duy nhất tính trong cấu trúc hôn nhân gia đình. Chính Adam đã khẳng quyết: đây xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi (St 2, 23), và rồi ông đã kết hợp với Eva và cả hai trở nên một xác thịt (St 2, 24).
Một trong những đặc tính cốt yếu của tình yêu hiệp thông nên một chính là sự trung tín. Trong lịch sử cứu độ Thiên Chúa đã tỏ mình là một Thiên Chúa trung tín. Do đó, trung tín không là một yếu tố bên ngoài được thêm vào, nhưng nó thuộc về yếu tính của mối tương quan tình yêu giao hỗ (perichorese) nơi Thiên Chúa Ba Ngôi đến nỗi nếu thiếu nó thì yếu tố duy nhất của Thiên Chúa sẽ không thể có. Thiên Chúa không chỉ duy nhất trong đời sống nội tại của Ba Ngôi, nhưng còn duy nhất ngay cả khi Ngài biểu tỏ ra bên ngoài. Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta trong sự thông hiệp (oikonomia) của việc tự tỏ bày chính mình. Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta trong Nhiệm cục Cứu chuộc không chỉ được nhận biết như là Đấng Ba Ngôi, nhưng mỗi một Ngôi vị còn được nhận biết qua hành động nơi Lịch sử Cứu chuộc trong mối tương quan nguyên thủy Ba Ngôi nội tại, đó là mối tương quan bản thể duy nhất . Do đó : “Thiên Chúa quan hệ với chúng ta trong tính cách Ba Ngôi, và mối quan hệ Ba Ngôi đối với chúng ta này không chỉ là họa ảnh hay sự tương tự (analogie) về Ba Ngôi nội tại, nhưng đó chính là Ba Ngôi nội tại”[14] Đây chính là khuôn mẫu cho việc thiết lập định chế hôn nhân và gia đình trong công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa.
Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “ngay từ ban đầu, Ðấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Ngài đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 4 – 6). Thế giới hữu hình này có thể đọc được mối tương giao kiến tạo sự duy nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi ngay trong định chế hôn nhân gia đình mà Ngài đã thiết lập, và định chế đó được coi như dấu chỉ của tình yêu Ngài trong thế giới hữu hình. Có thể nói được rằng, Thiên Chúa đã đặt để trong định chế hôn nhân yếu tố trung tín làm cho định chế đó được bền vững nên một. Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định : “sự bất khả phân ly của hôn nhân dựa trên nền tảng là ý định Thiên Chúa đã bày tỏ trong mặc khải của Ngài: chính Ngài muốn hôn nhân phải bất khả phân ly và Ngài ban cho nó ơn này như kết quả, dấu chỉ và đòi hỏi của tình yêu tuyệt đối trung thành mà Thiên Chúa đã có đối với con người và là tình yêu mà Chúa Giê-su đã tỏ ra đối với Hội Thánh”[15]. Bởi đó, đặc tính trung tín trong định chế hôn nhân không là một nhân đức được hình thành do luyện tập bởi ý chí, nhưng nó thuộc yếu tính không thể thiếu của mối tương giao vợ chồng trong định chế này. Thật vậy, vì trở nên một xương một thịt, vợ chồng trong định chế hôn nhân tuy là hai hữu thể riêng biệt, nhưng đã trở nên một trong một mối tương giao tình yêu duy nhất : vợ – chồng. Trong mối tương giao này cả hai vợ chồng không những trao ban cho nhau một tình yêu hiến dâng để mong sao cho người mình yêu nhận được sự thiện hảo và hạnh phúc, nhưng mỗi người còn phải biết đón nhận tình yêu được trao ban với lòng biết ơn và hết lòng bảo vệ nó như quà tặng không gì so sánh được.
Quả thật, định chế hôn nhân gia đình được xây dựng trên nền tảng của một tình yêu trao ban và đón nhận, từ tình yêu này tuôn trào nguồn sống làm cho nhân loại càng ngày càng sinh động và phong phú. Tuy nhiên, định chế này chỉ có thể đạt tới mục đích của nó khi mối tương giao vợ chồng được thể hiện trong một tình yêu thấm được sự công bằng. Có nghĩa là tình yêu giữa vợ chồng là trao ban cho nhau điều thuộc về mình, nhưng sự trao ban thôi chưa đủ, vì chỉ trao ban sẽ dẫn đưa tới thái độ “bề trên” trong mối tương giao, và vợ chồng sẽ coi nhau như những người nhận ơn, và đòi hỏi mỗi người cần phải thi hành những yêu cầu của nhau như là hành vi đáp đền. Điều đó tạo ra những vết nứt làm cho sự tín trung bị sứt mẻ, và sự bền vững của gia đình bị chuyển lay. Bởi đó, để thực hiện tình yêu trao ban, trước tiên vợ chồng phải trả lại cho nhau điều thuộc về của vợ hay của chồng dựa vào sự công bằng[16]. Điều thuộc về của vợ hay của chồng chính là tình yêu của từng người dành cho nhau, là sự tự do và phẩm giá của nhau. Vì thế, mọi sự lừa dối, thái độ gia trưởng cưỡng bức, bạo lực, những đòi hỏi ích kỷ trong mối tương giao vợ chồng đều là hành vi bất công, nó sẽ loại trừ tình yêu và làm hoen mờ mục đích cao trọng của định chế hôn nhân gia đình là “khám phá ra ‘căn tính’ của nó, cái nó ‘là’, và khám phá ra ‘sứ mạng’ của nó, cái nó có thể và phải ‘làm’. Những bổn phận mà gia đình được Thiên Chúa mời gọi phải chu toàn trong lịch sử đều bắt nguồn từ hữu thể độc đáo của nó, và là cách diễn tả sự phát triển năng động và hiện sinh của nó. Mỗi gia đình khám phá và gặp được nơi chính mình lời mời gọi cấp bách ấy, cũng chính là lời mời gọi xác định đâu là phẩm giá và trách nhiệm của gia đình: Hỡi gia đình, ‘hãy trở nên’ cái mà ngươi ‘là’”[17]. Là “cộng đoàn sự sống và tình yêu” gia đình được Thiên Chúa giao sứ vụ “giữ gìn mặc khải và thông truyền tình yêu”, là dấu chỉ sống động cũng như dự phần thực sự vào tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, và vào tình yêu của Đức Ki-tô đối với hiền thê Người là Hội Thánh[18].
Đứng trước sự gia tăng con số ly dị, và những hậu quả tồi tệ đối với xã hội do sự gãy đổ của định chế gia đình mang lại, liên hiệp quốc vào ngày 9/1993 đã thông qua việc thành lập ngày quốc tế gia đình (15-5) nhằm cổ võ việc bảo tồn và phát huy những giá trị gia đình như là tế bào đầu tiên của xã hội. Để lành mạnh hóa xã hội không thể làm gì khác hơn là phải quay trở lại với những yếu tố cơ bản của xã hội, chính là định chế gia đình. Thế nhưng những nỗ lực của Liên Hiệp Quốc đã mang lại được kết quả gì? Đó là câu hỏi khó tìm được câu trả lời, bởi càng ngày xã hội càng bất an, bạo lực nơi giới trẻ càng ngày càng tăng, và nền tảng cốt lõi của định chế gia đình như hôn nhân là giao kết giữa hai người khác giới tính, tính bền vững bất khả phân ly của giao ước hôn nhân, việc truyền sinh, việc kết hôn với ý thức trách nhiệm về đời sống gia đình…vẫn bị chà đạp và coi thường.
Thật vậy, định chế gia đình không thể được củng cố, và xã hội không thể tìm thấy được sự an vui nếu con người không tìm lại gốc rễ của đời sống hôn nhân gia đình. Như đã trình bày, đây không là định chế do con người thiết lập, nhưng do bởi chính Thiên Chúa, cho nên vấn đề cốt lõi là phải tìm lại căn tính của gia đình ở nơi chính Thiên Chúa, chứ không thể nơi con người. Nhưng tiếc thay, con người quá cao ngạo, với những khả năng mà Thiên Chúa trao ban, con người cứ ngỡ mình là toàn năng, nỗ lực loại trừ Thiên Chúa, và cho mình có thể hành động thay Thiên Chúa, tự mình mang lại hạnh phúc cho chính mình. Nhưng, ở đâu vắng bóng Thiên Chúa, ở đấy chỉ có tối tăm, khổ đau. Chẳng ai có thể tự ban cho mình hạnh phúc đích thật, bởi tự nơi con người cũng chỉ là những thụ tạo bất toàn, hư vô như Gióp đã nói: “Thân trần truồng sinh ra từ thai mẫu, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng” (G 1, 20), vì chỉ có Thiên Chúa là nguồn phú túc và chỉ có Ngài mới làm cho mọi sự tồn tại mãi (Gv 3, 14). Cho nên, nhiệm vụ của người Kitô hữu là phải trình bày vả phải sống làm sao để giúp cho người ta nhận ra rằng: Thiên Chúa là yếu tố thiết yếu đầu tiên trong việc lành mạnh hóa xã hội. Do đó, tìm lại căn nguyên của gia đình, chính là khám phá định chế hôn nhân gia đình như là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, để qua đó con người biết canh tân đời sống gia đình, trả lại giá trị đích thật của nó và nhận ra rằng, “ở đâu hai người sống cho nhau và sinh con, ở đó cũng có giao tiếp với sự thánh và với mầu nhiệm làm người, là những thứ vượt lên những gì ta tự có. Tôi không đơn giản chỉ là tôi mà thôi. Trong mỗi con người có một bí ẩn thần thánh. Vì thế, việc sống chung giữa người nam và người nữ cũng đưa vào vòng tôn giáo, vào vòng thánh thiêng, vào trách nhiệm trước Thiên Chúa”[19]. Bao lâu còn khám phá định chế hôn nhân gia đình là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, bấy lâu nhân loại sẽ còn tìm thấy một xã hội phong phú, nhân cách và phẩm giá con người không bị tổn hại kiến tạo một xã hội bền vững.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 66 (Tháng 7 & 8 năm 2011)
[1] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, số 7
[2] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 11
[3] Augustinô, De Trinitate, VIII. 8
[4] Nt, VI. 5
[5] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in veritate, số 2.
[6] X. Karol Wojtyla (Đức Gioan- Phaolô II), Miłość Odpowiedzialność, được Bùi văn Long chuyển ngữ qua tác phẩm “Tình yêu và Trách nhiệm”, do nhà sách Kinh Đô Ấn Quán xuất bản tại Houston 1999, tr.262.
[7] X. nt , tr. 140.
[8] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in veritate, số 3.
[9] X. Richard St Victor, De Trin. III 2
[10] X. Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus caritas est, số 5.
[11] Nt.
[12] X. Karol Wojtyla (Đức Gioan- Phaolô II), Miłość Odpowiedzialność, được Bùi văn Long chuyển ngữ qua tác phẩm “Tình yêu và Trách nhiệm”, do nhà sách Kinh Đô Ấn Quán xuất bản tại Houston 1999, tr.53.
[13] X. Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus caritas est, số 6.
[14] K. Rahner, Der dreifaltige Gott als transzendenter Urgrund der Heilsgeschichte, trong: MySal 2 (1967), tr. 337.
[15] Đức Gioan – Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, số 20.
[16] X. Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in veritate, số 6.
[17] Đức Gioan – Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, số 17.
[18] X. nt.
[19] J. Ratzinger (Đức Bênêđictô XVI), Gott und die Welt, bản dịch việt ngữ do Phạm Hồng Lam, Thiên Chúa và Trần Thế, nhà xuất bản Tôn Giáo 2011, tr.431.
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận