Nhưng trong bối cảnh đang phải vừa gồng mình chống chọi với khó khăn do đại dịch đưa lại, vừa gắng duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, nơi các hội viên Hội DNCG Hải Phòng vẫn sáng lên một nét đẹp “truyền thống” của mỗi Kitô hữu: nét đẹp của bác ái, nét đẹp của sẻ chia.
Đại dịch COVID-19 đã gây bao xáo trộn tai hại cho đời sống kinh tế – xã hội toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng dai dẳng trong suốt hơn một năm rưỡi qua. Những từ ngữ như “khó khăn”, “lao đao”, “xuống dốc” … xuất hiện hầu khắp trong các bản tin phản ánh về thực trạng sản xuất kinh doanh của các nhà doanh nghiệp. Các hội viên Hội DNCG Hải Phòng cũng không nằm ngoài bối cảnh chung đó.
Nhưng trong bối cảnh đang phải vừa gồng mình chống chọi với khó khăn do đại dịch đưa lại, vừa gắng duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, nơi các hội viên Hội DNCG Hải Phòng vẫn sáng lên một nét đẹp “truyền thống” của mỗi Kitô hữu: nét đẹp của bác ái, nét đẹp của sẻ chia.
Quả vậy, chương trình “Hạt gạo tình thương” cho những người có hoàn cảnh khó khăn được Caritas Giáo phận mời gọi từ đầu năm 2020 – nghĩa là khởi sự cùng với lúc đại dịch manh nha bùng phát, nhưng vẫn nhanh chóng được các hội viên quảng đại cộng tác, và duy trì liên tục một năm rưỡi qua. Từ đó đến nay, bất kể lúc dịch bệnh lắng dịu, hay cơn dịch tái diễn theo nhiều đợt, cứ định kỳ đều đặn, 260 suất gạo đong đầy tình thương lại được sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn toàn giáo phận, nơi 3 tỉnh thành Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh.
Gần đây nhất, khoảng giữa tháng Sáu vừa qua, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát trở lại, nhưng đến hẹn lại lên, các khẩu phần lương thực đượm ân tình vẫn được trao đến những mảnh đời nghèo khó theo định kỳ. Đó là những người già neo đơn, người đau yếu bệnh tật, người tâm thần, người khuyết tật, người bị tai nạn mất hoàn toàn khả năng lao động, các em nhỏ mồ côi… Cuộc sống của họ hầu như phải cậy dựa hoàn toàn vào sự chia sẻ của cộng đồng. Chính anh chị em đã thấu cảm những khó khăn cơ cực mà họ phải gánh chịu, khi trực tiếp đi thăm họ. Và cùng với bao cánh tay nhân ái khác, những cánh tay nhân ái của người doanh nhân đã quảng đại đưa ra, nắm lấy, nâng lên những số phận bi đát ấy.
Tiếp đó, một biến cố khác có ảnh hưởng trực tiếp đến chính hội viên DNCG vừa qua, đó là trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo lần đầu tiên phát sinh các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 24/6. Ngay lập tức, việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng trên địa bàn toàn huyện, và áp dụng cách nghiêm ngặt tại 3 xã có bệnh nhân F0: Cộng Hiền, Lý Học và Hòa Bình. Không may, Cty may Mạnh Cường do anh Gioakim Nguyễn Văn Tăng – Phó Chủ tịch thường trực của Hội, làm Giám đốc (Cty đóng trên địa bàn xã Lý Học) phải chịu thiệt hại rất nặng nề: 26 cán bộ công nhân viên Cty thuộc diện F1 phải đi cách ly tập trung 300 người thuộc diện F2 phải cách ly tại nhà; Cty phải đóng cửa dừng hoạt động, hơn 300 lao động bị nghỉ việc; tài sản Cty không có người bảo vệ; máy móc trang thiết bị ngành may không được tra dầu mỡ bảo trì, nên hỏng hóc, trục trặc; vật tư và phụ liệu may mặc bị ảnh hưởng của thuốc khử trùng nên hư hại nặng; ngay các công nhân bị cách ly tại nhà cũng chịu thiếu thốn lương thực thực phẩm và nhiều hàng hóa thiết yếu khác cho cuộc sống…
Ngay khi biến cố xảy ra, tình liên đới giữa các hội viên trong cùng một Gia đình DNCG càng được thể hiện rõ nét hơn. Lời kêu gọi cầu nguyện, chung tay chia sẻ với người anh em hội viên vừa lâm cảnh khó khăn được Quý cha Linh hướng và Ban điều hành đưa ra, đã ngay lập tức được sự hưởng ứng, cộng tác hết sức nhiệt tình của các hội viên khác. Bên cạnh những tin nhắn, lời động viên chân thành, tâm tình hiệp thông trong lời cầu nguyện của Quý cha và các hội viên, những sẻ chia cụ thể bằng kinh phí, đóng góp bằng vật chất thiết thực cũng được đông đảo anh chị em gửi giúp đỡ các cán bộ công nhân viên Cty may Mạnh Cường, cũng như những người dân trên địa bàn 10 xã trong toàn huyện Vĩnh Bảo.
Vượt lên trên những trở ngại, Ban lãnh đạo Cty may Mạnh Cường kết hợp với BĐH Hội, Ban bác ái Hội và các thành viên doanh nhân tại Vĩnh Bảo đã đến các gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch – không phân biệt tôn giáo, để động viên tinh thần và chia sẻ những món quà trợ giúp cho họ, với tổng số quà là 319 suất, mỗi suất trị giá 250.000đ. Việc làm ý nghĩa và kịp thời đó đã nhận được sự cảm kích của không những người trực tiếp nhận quà, mà còn cả của các cấp chính quyền, các cơ quan hữu trách.
Tiếp sau biến cố Vĩnh Bảo, hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh – Chủ tịch HĐGM Việt Nam, qua tâm tình “Thương quá Sài Gòn ơi !”, trong những ngày này Hội lại tiếp tục phát động chương trình bác ái mới hướng về những người đồng bào thân thương nơi mảnh đất phía Nam Tổ quốc. Tuy rằng mỗi hội viên đang gặp muôn vàn những khó khăn, song gió. Nhưng với lòng quảng đại, sự hi sinh đã quyên góp được số tiền 149 triệu để ủng hộ bà con trong tâm dịch Sài Gòn thân yêu.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước hãy thương nhau cùng”; “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13, 8). Có thể nói đạo lý dân tộc và lời Chúa được các tín hữu nói chung và các hội viên DNCG nói riêng thấm nhuần và thể hiện bằng những nghĩa cử liên đới, sẻ chia cách sáng ngời trong những ngày đại dịch này. Xin Chúa chúc lành cho lòng quảng đại của Quý cha và Quý hội viên, và xin Chúa dùng quyền năng mạnh mẽ của Ngài cứu thế giới và Việt Nam sớm thoát cơn đại dịch.
Ban TTSK
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận