Hans Urs von Balthasar (1905-1988) – Một tinh thần chiêm niệm

Listen to this article

HANS URS VON BALTHASAR (1905-1988)
– MỘT TINH THẦN CHIÊM NIỆM

Cao Viết Tuấn dịch

WHĐ (27.03.2021) – “Đối tượng của việc chiêm niệm là Thiên Chúa, và Thiên Chúa là sự sống nhất thể tam vị. Nhưng trong khả năng chúng ta có thể nhận thức được, chúng ta chỉ biết sự sống tam vị nhất thể ấy từ mầu nhiệm nhập thể của Người Con. Kết quả là, trong đời sống chiêm niệm của mình, chúng ta không được rút ra khỏi mầu nhiệm nhập thể ấy.” (Prayer)

“Hơn nữa, trong mỗi giây phút chiêm niệm, tình yêu của Thiên Chúa … tấu lên một giai điệu tươi mới, độc đáo và không thể bắt chước được, với nhạc cụ là cuộc đời của Đức Kitô.” (Prayer)

“Như là một điều không thể nào tránh được, đời sống chiêm niệm chính là một đời sống thường ngày, một đời sống trung thành trong những điều nhỏ bé, những việc phục vụ đơn sơ, nhưng được thực hiện trong tinh thần nhiệt thành của tình yêu, và điều đó sẽ làm nhẹ vơi đi mọi gánh nặng.” (Prayer)

“Hoàn cảnh của chúng ta hiện nay cho thấy rằng cái đẹp tự nó luôn đòi hỏi sự can đảm và kiên quyết tương tự như chân lý và sự thiện, và nó sẽ không để mình bị tách rời và cấm cản với hai người chị em kia của nó trong mọi hành động.” (The Glory of the Lord)

Thế giới hiện đại đã và đang đặt ra những thách đố ngày càng nghiêm trọng đối với những ai đang nỗ lực hết sức nhằm duy trì một tinh thần chiêm niệm toàn nhập (integrated) và thanh thoát. Giữa vòng xoáy cuộc đời, với những nhu cầu – thực sự cũng như giả tạo – của cuộc sống thường ngày, con người hiện đại không còn dành nhiều thời gian cho việc lắng đọng, trầm tư và suy nghĩ. Xã hội công nghệ của chúng ta, với khuynh hướng chuyên biệt hóa, đã làm suy yếu khả năng của chúng ta trong việc nhìn cuộc sống này như một tổng thể. Nền luân lý thực dụng, với những mục tiêu rất thiết thực của nó, có chiều hướng làm giảm bớt nhận thức sâu xa của chúng ta đối với cái đẹp.

Trong Giáo Hội, những khuynh hướng tương tự như thế đã hạ giá chiều kích chiêm niệm nơi đời sống người Kitô hữu. Nhiều lúc, phụng vụ phải chịu trách nhiệm với việc đã không tạo ra được một hình thức chiêm niệm cho cộng đoàn trong các cử hành tôn thờ Thiên Chúa. Những tín hữu hăng say trong việc kiến tạo công lý và hòa bình dễ bị cám dỗ sao lãng việc suy niệm và cầu nguyện cá nhân. Những nỗ lực giải thích và minh chứng đức tin đôi khi cũng rơi vào duy lý, do đó, không còn đánh giá cao vẻ đẹp và tính toàn vẹn của thông điệp Kitô giáo. Nói tóm lại, trong thế giới hiện đại hôm nay, thật khó để có thể trở thành một Kitô hữu chiêm niệm đúng nghĩa.

Toàn bộ dự phóng cuộc đời của thần học gia Công giáo người Thụy Sĩ, Hans Urs von Balthasar, một tác giả sung mãn, đã hình thành nên một lời đáp trả toàn diện và sâu sắc đối với việc đánh mất tinh thần chiêm niệm trong thế giới hiện đại. Với một tri thức sâu rộng về truyền thống Kitô – Do Thái, cũng như nền văn hóa Tây phương, Balthasar đã trình bày một tổng hợp vĩ đại và đầy đủ về đức tin Kitô giáo, nhờ đó điều hướng sự chú ý của chúng ta vào vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô và được phản chiếu trong vẻ đẹp của thế giới.

Hơn nữa, thần học gia xuất chúng này, qua đời sống thiêng liêng đặc biệt sâu sắc của ngài, khuyến khích chúng ta chiêm niệm về Thiên Chúa được tỏ lộ trong cái nhìn rộng lớn, cũng như khuyến khích chúng ta gắn kết với Đức Giêsu Kitô – Ngôi Lời Thiên Chúa – trong đời sống cầu nguyện, và luôn sẵn sàng lắng nghe những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần đang sống động trong mỗi con người chúng ta.

1. Cuộc đời

Trước khi phân tích tư tưởng thần học vĩ đại của Balthasar, chúng ta hãy nhìn lại một cách khái quát cuộc đời của ngài, đặc biệt là những lần ngài gặp gỡ các nhà tư tưởng tôn giáo vĩ đại, của quá khứ cũng như hiện tại, những người đã góp phần xây dựng nên tư tưởng của ngài.

Hans Urs von Balthasar chào đời ngày 12 tháng 8 năm 1905, tại Lucerne, Thụy Sĩ. Trong nhiều thế hệ, truyền thống gia đình ngài rất lưu tâm đến đời sống văn hóa và chính trị của đất nước. Ngài đã được thừa hưởng từ cha mẹ ngài lòng yêu thích nghiên cứu và sự đánh giá cao văn hóa, cùng một niềm đam mê âm nhạc, và kết quả là ngài đã trở thành một tay đàn piano đầy tài năng.

Sau khi theo học với các tu sĩ dòng Biển Đức tại Engelburg, Thụy Sĩ, ngài đăng kí vào học tại trường Stella Matutina của dòng Tên ở Feldkirch, Áo. Sau đó, ngài theo học văn chương và triết học Đức tại Đại học Zurich vào năm 1923. Trong khi học chương trình tiến sĩ, ngài tham gia một đợt tĩnh tâm theo chương trình Linh Thao của thánh Inhaxiô. Trong thời gian này, ngài cảm thấy có một tiếng gọi mãnh liệt, thúc đẩy ngài theo đuổi lý tưởng làm linh mục. Để đáp lại lời kêu gọi ấy, ngài đã gia nhập dòng Tên sau khi hoàn tất văn bằng tiến sĩ vào năm 1928.

Trong suốt đợt tĩnh tâm ba mươi ngày theo truyền thống dòng Tên, ngài cảm thấy mình bị “bàn tay nhân lành của Thiên Chúa” tóm lấy – như ngài kể lại sau này – khiến ngài không còn nghĩ tới việc theo đuổi lý tưởng thăng tiến cá nhân theo ý riêng mình, để rồi – bằng sự huấn luyện trí tuệ – đi theo một quan điểm khách quan hơn dựa trên niềm tin Kitô giáo Thiên Chúa đã thiết lập khi kêu gọi dân của Ngài trở thành môn đệ. Chính cảm nghiệm tôn giáo sâu sắc này đã là một nhân tố quyết định trong việc xây dựng nền tảng và định hình dự án thần học của ngài.

Sau hai năm tập viện, Balthasar học ba năm triết học tại Berchman Kollege, một học viện của dòng Tên ở bên ngoài thủ đô Munich, sau đó, là bốn năm thần học tại Lyon (Pháp), ở đây, ngài đã gặp được một nhà Giáo phụ học vĩ đại là Henri de Lubac. Chính de Lubac đã truyền đạt cho Balthasar niềm đam mê nghiên cứu về các Giáo phụ. Và cũng chính các tác phẩm suy niệm Thánh Kinh của các nhà tư tưởng vĩ đại này, cụ thể là Origen và Augustinô, đã mang lại một cách hiểu toàn diện về niềm tin Kitô giáo, tập trung vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho toàn thế giới, được cụ thể hóa qua trung gian của Ngôi Lời đã trở thành xác phàm. Baltharsar đã luôn trung thành với cái nhìn vĩ đại của các Giáo phụ trong suốt sự nghiệp thần học lâu dài của mình.

Balthasar thụ phong linh mục năm 1936, và sau đó, làm việc tại Munich trong ban biên tập một tạp chí có nhiều uy thế của dòng Tên lúc bấy giờ. Từ năm 1940, ngài làm việc ở Basel, Thụy Sĩ, trong cương vị tuyên úy sinh viên. Công việc này đã khiến ngài có dịp gặp Adrienne von Speyr, một nữ bác sĩ người Thụy Sĩ, và dưới sự hướng dẫn của Balthasar, Adrienne von Speyr đã trở lại Công giáo. Sau khi trở lại Công giáo, Adrienne, vốn là một nhà huyền bí đích thực, đã chia sẻ những cảm nghiệm thiêng liêng của bà với Balthasar, đặc biệt về cuộc thương khó, cái chết và việc xuống ngục tổ tông (descent into hell) của Đức Kitô. Thông qua những trao đổi như vậy, bà đã gây được một ảnh hưởng mạnh mẽ trên những tác phẩm sau này của Balthasar, điều này đã khiến cho Balthasar nhận định rằng công việc của bà Adrienne và của chính ngài là “hai nửa của một toàn thể có chung một nền tảng”.

Cả hai đều xác tín rằng mình được Thiên Chúa kêu gọi thành lập một Tu hội Đời (Secular Institute), dành cho những người giáo dân muốn sống cuộc đời theo các lời khấn truyền thống ngay giữa các hoạt động trần thế. Nhưng các bề trên của dòng Tên lại nhận thấy rằng việc điều hành một Tu hội Đời như vậy là không phù hợp với đường hướng của dòng, nên đã không đồng ý với việc làm của Balthasar. Do đó, Balthasar đã phải miễn cưỡng rời khỏi dòng Tên vào năm 1950 để tiếp tục công việc thành lập một kiểu dòng tu mới – the Community of St John – tại Basel, do chính Balthasar hướng dẫn.

Trong những năm ở Basel, Balthasar thường xuyên tiếp xúc với Karl Barth, một thần học gia tân-Chính Thống Tin Lành (Protestant neo-Orthodox), vĩ đại, người đã gây được ảnh hưởng to lớn trên các triển khai thần học của Balthasar. Cùng với Karl Barth, Balthasar nhấn mạnh đến sự siêu việt của Thiên Chúa, Đấng luôn đi bước trước trong mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người, đồng thời, Balthasar còn tập trung vào Đức Kitô chịu đóng đinh – là Đấng cứu độ và là gương mẫu của chúng ta. Cuốn sách Balthasar viết về Karl Barth có tựa đề The Theology of Karl Barth: Exposition and Interpretation (1951) được xem là một tác phẩm kinh điển về sự tinh tế và sâu sắc; chính Karl Barth cũng đã đồng ý với những phân tích của Balthasar, và gọi đó là một trong những cuốn sách viết về thần học của ông tốt nhất.

Quan điểm thần học của Balthasar cũng được hình thành bởi những đối thoại đầy sáng tạo của ngài với các nhà tư tưởng khác trong quá khứ, như các Giáo phụ Đông phương, đặc biệt là Origen, thời Trung cổ như Thomas Aquinas và Bonaventura, với các nhà sáng lập các dòng tu, trước tiên là Inhaxiô, với những nhân vật nổi bật trong giới văn học từ Dante cho đến Hopkins.

Để ghi nhận những công lao đóng góp của Balthasar dành cho Giáo Hội, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, năm 1988, đã muốn phong ngài làm Hồng y, nhưng ngài đã qua đời hai ngày trước khi quyết định này được công bố chính thức trong Hội nghị Hồng y, tức vào ngày 26 tháng 6 năm 1988, tại Basel.[2] Hiện nay, ngài an nghỉ tại nghĩa trang Hofkirche ở Lucern.

2. Quan điểm thẩm mỹ

Được trang bị thêm với những kết quả thu thập được từ các cuộc đối thoại này, Balthasar bắt đầu thực hiện dự án của mình là “diễn tả thông điệp Kitô giáo trong sự vĩ đại không thể vượt qua của thông điệp này”. Trong khi thực hiện nhiệm vụ đề ra, Balthasar đã dứt khoát tách mình khỏi người cộng tác trước đó là Karl Rahner bị Balthasar đánh giá là đã mắc sai lầm trong việc tìm cách “chứng tỏ sự tương hợp mật thiết giữa chân lý Kitô giáo với những hy vọng và mong đợi sâu xa và táo bạo nhất của nhân loại.” Balthasar đã không còn mấy hứng thú với những nỗ lực trình bày thông điệp Kitô giáo trong sự liên hệ với thế giới đương đại, một trong những nỗ lực ấy là tác phẩm The God Question and Modern Man của ngài được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1956. Và ngài đã tìm đến với Louis Bouyer[3] và với những người cảm thấy bị “tràn ngập bởi Lời Chúa”, coi đây như là “điều độc nhất đáng tin cậy”, giống như một công trình nghệ thuật vĩ đại của Bach hay Mozart. Từ quan điểm này, ngài thấy cần phải trình bày đức tin Kitô giáo như một tổng thể khiến con người ngày nay có thể chiêm nghiệm được vẻ đẹp và huy hoàng của nó.

Do đó, vào những năm cuối thập niên 1950, kế hoạch thực hiện một công trình thần học đồ sộ gồm ba tập (theological trilogy) đã được hình thành trong đầu của ngài. Nhưng mãi tới năm 1961, nghĩa là lúc ngài đã năm mươi sáu tuổi, mà cuốn đầu tiên trong bộ ba này vẫn chưa được xuất bản, nên Balthasar không còn hy vọng có thể hoàn tất dự án này. Tuy nhiên, nhờ Ơn Chúa, ngài đã có được một sức khỏe tốt và sống lâu, nên đã có thể hoàn tất cuốn thứ mười bốn, rồi cuốn thứ mười lăm và cũng là cuốn cuối cùng của bộ sách bằng tiếng Đức của ngài, không bao lâu trước khi ngài qua đời ở tuổi tám mươi hai.

Bộ tổng hợp xuất sắc này được phân chia thành ba phần chính, theo học thuyết truyền thống kinh viện, và được xem như một tổng thể chứa đựng toàn bộ tính chất siêu việt của cái đẹp, sự thiện và chân lý (beauty, goodness, truth). Phần đầu tiên – bản dịch tiếng Anh bao gồm bảy cuốn[4] – dưới tựa đề chung là The Glory of the Lord: A Theological Aesthetics, đã triển khai thần học Kitô giáo từ một quan điểm về cái đẹp đã bị lãng quên. Balthasar mạnh mẽ khẳng định rằng quan điểm thẩm mĩ này là điểm khởi đầu đúng đắn, bởi vì nó mang lại sự cân bằng kinh điển cho thần học, bằng cách khuyến khích con người chiêm niệm vinh quang của Thiên Chúa, được thể hiện một cách rõ ràng trọn vẹn nơi Đức Kitô, trước khi bắt đầu thảo luận những ý nghĩa luân lý và những khẳng định chân lý của đức tin Kitô giáo. Phần đầu tiên trong bộ ba này là  đóng góp đặc nét nhất của Balthasar, một hướng dẫn rõ ràng nhất của ngài trong việc tái khám phá tinh thần chiêm niệm lành mạnh trong thế giới hiện đại.

Trong phần hai có tựa đề Theo-Drama: Theological Dramatic Theory, gồm năm cuốn[5], Balthasar đề xuất một kiểu kịch thần học (theological dramatics), nhằm nghiên cứu Kitô giáo từ quan điểm luân lý của sự thiện, và cho thấy chúng ta như là những người tham gia vào một vở kịch vĩ đại về ơn cứu độ, được tình yêu Thiên Chúa điều khiển.

Cuối cùng, trong phần ba của bộ ba này, gồm ba cuốn[6], với tựa đề Theo-Logic, Balthasar giới thiệu một chuỗi lý luận thần học, chuỗi lý luận này phân tích – từ khía cạnh logic– những khẳng định chân lý xung quanh dung mạo và hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử.

Ngay cả khi không thể đọc hết toàn bộ các cuốn sách trong công trình đồ sộ này, chúng ta vẫn có thể nắm được ý nghĩa của cái nhìn thẩm mỹ đặc nét của Balthasar về mạc khải Kitô giáo, điều này có thể khuyến khích chúng ta bước vào đời sống chiêm niệm. Ngài không ngừng khẳng định rằng chúng ta cần phải nhận thấy và đánh giá cao đức tin Kitô giáo như là một tổng thể, trước khi bắt đầu phân tích nó. Tất cả mọi khía cạnh của đời sống Kitô hữu – đọc Thánh Kinh, tham gia vào các cử hành phụng vụ, thể hiện tình yêu thương giữa thế giới, và suy tư thần học – nên cùng hợp tác với nhau làm cho cái nhìn của chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi nhân lành được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô – Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, ngày càng sâu sắc hơn.

3. Vinh quang Thiên Chúa

Đối với Balthasar, Thiên Chúa đến với chúng ta chủ yếu không phải như là một bậc thầy về chân lý hay một vị cứu tinh đem lại tất cả những tặng phẩm tốt lành, nhưng đúng hơn, Ngài đến như là Đấng vinh quang, thể hiện và tỏa lan vẻ huy hoàng của tình yêu Thiên Chúa. Vinh quang là điều thiêng liêng nhất trong số những thuộc tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa huy hoàng đã có sáng kiến tạo dựng và cứu độ thế giới để bày tỏ vinh quang của Ngài. Trong Thánh Kinh, chủ đề vinh quang Thiên Chúa đóng một vai trò trọng yếu, hình thành nên một hậu cảnh để các giáo huấn của Thánh Kinh, như việc tạo dựng và cứu độ, có thể được nhận thấy một cách rõ ràng hơn. Thánh Kinh Do Thái nhận thức vinh quang của Giavê, trong hiện tượng đặc biệt như là cột lửa dẫn đưa dân Israel trong cuộc xuất hành và đám mây sáng chói được ngôn sứ Êzêkien (1, 28)  mô tả. Vinh quang này của Thiên Chúa được thể hiện một cách rõ nét trong thế giới, đồng thời, kêu gọi mọi người đi vào một đời sống ca ngợi và tôn thờ Thiên Chúa.

Trong khi cách hiểu của người Do Thái về vinh quang Thiên Chúa đã trở nên mơ hồ trong suốt dòng lịch sử của họ, thì theo Balthasar, Thánh Kinh Kitô giáo nhận thức vinh quang Thiên Chúa như được thể hiện cách dứt khoát và cụ thể trong hình thức nhân loại nơi Đức Giêsu Kitô. Hình thức của Đức Kitô thu hút một cách độc đáo, bởi vì nơi Người, có một sự quân bình và hòa hợp hoàn hảo giữa sự huy hoàng của Thiên Chúa vô biên và hình thức nhân loại đang thể hiện sự huy hoàng đó. Đức Giêsu hội nhập toàn thể nhân loại, bởi vì, toàn bộ hữu thể và mục đích của Người là một phương tiện chuyên chở ân sủng thần thiêng và sự hiển linh của tình yêu Chúa Cha. Thông qua đời sống và cái chết của Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, “Thiên Chúa chân thực được lắng nghe, được nhìn thấy và được đụng chạm”. Là người thật, Đức Kitô là “thụ tạo hoàn hảo” và là “khuôn mẫu” của nhân tính viên mãn. Là Ngôi Lời Nhập Thể, Người diễn tả vinh quang Chúa Cha và ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Là người – Thiên Chúa, Người là quy luật nội tại của lịch sử và là nguồn duy nhất của ý nghĩa tối hậu.

Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thần học Tân Ước của thánh Phaolô và thánh Gioan, Balthasar nhấn mạnh đến cái chết vâng phục của Đức Giêsu Kitô như là mạc khải quyết định của vinh quang Thiên Chúa. Đức Giêsu như là con người của đức tin hoàn toàn vâng phục ý muốn của Chúa Cha, và Người hoàn toàn sống theo chương trình của Thiên Chúa cũng như tuyệt đối dành ưu tiên cho việc đi theo đường lối và kế hoạch của Chúa Cha hơn là những mong muốn và kế hoạch của cá nhân Người. Do đó, sự vâng phục trung thành của Người đã đưa Người đến thời khắc quyết định của cuộc thương khó, trong đó “toàn bộ sức nặng của cơn thịnh nộ do tội lỗi đổ lên Người”. Việc Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế gian trở thành con người đã đưa Ngôi Lời Nhập Thể đi đến đích điểm của cái chết. Đức Giêsu Kitô – “bị lột trần khỏi mọi quyền năng và sáng kiến riêng của Người bởi cây thập giá” – đã đi đến tận âm phủ trong sự liên kết với những ai đã bị đẩy xa Thiên Chúa. Cách đối xử cao thượng của Thiên Chúa được hoàn tất như là “tình yêu vĩnh cửu đi vào nơi tăm tối tột cùng”.

Chiêm niệm toàn bộ mầu nhiệm Ngôi Lời trở thành xác phàm là nhận thức vẻ đẹp nơi kế hoạch của Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô chính là một “phổ quát cụ thể” – một con người lịch sử cụ thể, nơi  Người, toàn bộ ý nghĩa của lịch sử nhân loại được thâu tóm và hoàn tất. Ngôi Lời đã hiện diện từ buổi bình minh của công trình tạo dựng, trao ban cơ cấu khả tri cho vũ trụ và quy tụ toàn bộ thực tại xung quanh tình yêu cứu độ của Chúa Cha. Ngôi Lời Nhập Thể, Đức Giêsu Kitô, “là con đường, là sự thật và là sự sống”. Người là Đấng cứu thế độc nhất tuyệt đối, là Đấng có thể bảo tồn, toàn nhập và hoàn thành chân lý, sự thiện và cái đẹp trong công trình tạo dựng đã được cứu độ. Suy gẫm về tính chất cụ thể và phổ quát của Ngôi Lời Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta rằng, toàn bộ thế giới đã được tạo dựng và cứu độ để biểu lộ vinh quang của Chúa Cha và phản chiếu ánh vinh quang rạng ngời của Thần Khí.

Thần Khí đã thiết lập một mối dây ràng buộc nội tại giữa Đức Kitô với Giáo Hội. Giáo Hội là một cộng đoàn, hay một mạng lưới các cá nhân, nhờ Thần Khí Thiên Chúa, được đặt vào trong tâm trí Đức Kitô bằng cuộc sống làm môn đệ của Người. Thông qua hoạt động của Chúa Thần Khí, nhiều mối tương quan khác nhau giữa Đức Giêsu với các môn đệ của Người trong lịch sử được tiếp nối và mở rộng thành Giáo Hội, xây dựng nên đời sống và cơ cấu của Giáo Hội. Mối tương quan môn đệ quan trọng nhất được thể hiện nơi Đức Maria, Mẹ của Đức Giêsu. Trong sự cởi mở và đón nhận hoàn toàn của Mẹ, Mẹ đã là “người đi đầu và là mẫu gương cho việc đáp trả của toàn thể Giáo Hội”. Nói cách khác, Giáo Hội nhất thiết phải có một “cơ cấu Maria”, điều đó có nghĩa là tất cả các thành viên đều được kêu gọi và thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần để sống mối tương quan tình yêu và biết đón nhận với Chúa Kitô, như Đức Maria đã nêu gương. Giáo Hội cũng phản chiếu và hiện thực hóa các tính chất đặc biệt của các môn đệ khác, ví dụ như là việc lãnh đạo-tôi tớ (servant leadership) của thánh Phêrô hay tình yêu dịu dàng nơi thánh Gioan.

Cách hiểu của Balthasar về mối tương quan giữa Đức Kitô và Giáo Hội được phản ánh trong hai hình ảnh thánh kinh mà ngài yêu thích, đó là Thân Thể Đức Kitô, điều này cho thấy rằng Giáo Hội được đồng nhất với Chúa như là sự mở rộng và biểu lộ; và Hiền Thê của Đức Kitô, điều này cho thấy rằng nơi đây được đón nhận tình yêu thương và sự chăm sóc của Chúa. Được liên kết với Đầu, và được quý trọng bởi Phu Quân, Giáo Hội có nhiệm vụ chiếu tỏa vinh quang huy hoàng của Thiên Chúa trong thế giới.

Trong việc chia sẻ tiệc Thánh Thể, các Kitô hữu cử hành sự hiệp thông đích thực giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, điều này được gọi là biểu lộ vẻ đẹp của hình thức của Người. Là tiệc tưởng niệm, Thánh Thể gợi lại cuộc tự hiến tế của Đức Giêsu tại Bữa Tiệc Ly, hành động này đã khai sinh Giáo Hội và tiếp tục xây dựng cộng đoàn đức tin. Hơn nữa, trong Thánh Thể, Đức Kitô Phục sinh thực sự hiện diện như lời hứa về bữa tiệc hân hoan vĩnh cửu và mạc khải cuối cùng về ánh vinh quang rạng ngời của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Như vậy, chúng ta thấy rằng cái đẹp trong thần học của Balthasar – trong việc nghiên cứu hình thức của dung nhan Thiên Chúa – đồng thời là sự toàn diện, toàn nhập, phổ quát và cụ thể, quy về Ba Ngôi và quy về Đức Kitô. Ngài đã tạo ra một ý nghĩa về sự tổng hợp bằng cách làm cân bằng giữa việc đi xuống của Ngôi Lời Nhập Thể vào trong bóng tối của ngục tổ tông với việc đi lên của toàn thể công trình tạo dựng vào trong ánh sáng thiên đàng. Trong cái nhìn đẹp đẽ và rộng lớn này, vinh quang Thiên Chúa được bày tỏ cho chúng ta trong Ngôi Lời Nhập Thể, được tỏa chiếu cho thế giới nhờ Giáo Hội, và được cử hành trong Thánh Thể nhờ các Kitô hữu. Bằng việc xem xét mạc khải Kitô giáo từ cái nhìn thẩm mĩ, Balthasar hy vọng có thể thu hút cái nhìn của chúng ta, kích thích trí tưởng tượng của chúng ta, và mời gọi chúng ta đi vào đời sống chiêm niệm.

4. Tinh thần chiêm niệm

Trong việc theo đuổi mục đích này, Balthasar trình bày với chúng ta những hướng dẫn hữu ích trong việc phát triển tinh thần chiêm niệm. Ngài nhấn mạnh vào bản chất và nền tảng của tinh thần chiêm niệm, cũng như những thái độ cần thiết cho việc phát triển tinh thần này.

Những cá nhân có sẵn một tinh thần chiêm niệm có thể duy trì sự mở ra với thực tại và chiều sâu huyền nhiệm mà không cần cố gắng nhiều. Tinh thần chiêm niệm của họ có thể làm cho họ nhận thức được vẻ đẹp và chìm đắm trong đó mà không cần duy trì những kinh nghiệm thẩm mĩ. Cậy dựa vào các nguồn nội tại của chúng, những kinh nghiệm thẩm mĩ thể hiện một quan điểm về đời sống rộng lớn nhưng toàn nhập trong khi vẫn duy trì được một sự bình an nội tâm và một cái nhìn chuyên chú (attentive gaze).

Tinh thần chiêm niệm mang một hình thức đặc nét được định hình bởi niềm tin Kitô giáo. Thông qua sức mạnh khai tâm của ân sủng, người chiêm niệm Kitô giáo được thu hút về cái nhìn chuyên chú vào vinh quang Chúa Cha, đặt trên tâm trí và hình thức của Chúa Kitô, và phản chiếu ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Quan điểm Ba Ngôi rộng lớn giúp các Kitô hữu đặt mình vào trong vở kịch vĩ đại của ơn cứu độ. Được khai sáng bởi việc suy niệm về Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, các tín hữu có thể nhận thức Thiên Chúa được tỏ lộ nơi con người, cũng như nhận thức mầu nhiệm được mạc khải qua những điều bình thường, mà không xóa mờ hay nghi ngờ những giá trị của thế giới hữu hạn. Được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, các Kitô hữu được điều chỉnh cho phù hợp với sự huy hoàng của mạc khải thần thiêng và vẻ đẹp của thế giới. Khi những người chiêm niệm thăng tiến trong đời sống thiêng liêng, họ đạt tới sự hiểu biết sâu xa về những gì được dành cho việc nhận thức vẻ đẹp thần thiêng trong khi trải nghiệm sức mạnh lôi cuốn của vinh quang Chúa. Diễn tả của Balthasar về đời sống chiêm niệm không nhắm tới một số người đặc biệt, nhưng đúng hơn, muốn nhắc nhở rằng: phát triển một tinh thần chiêm niệm là nhiệm vụ của tất cả mọi Kitô hữu.

Niềm tin vững chắc chuyên chú nhìn về Đức Kitô một cách kiên định là nền tảng thiết yếu cho một tinh thần chiêm niệm đích thực. Được dìu dắt bởi ân sủng đức tin, các tín hữu tín thác vào Thiên Chúa, nhờ đó đạt được sự hiểu biết sâu sắc về chính bản thân mình, cũng như về sự thiện hảo, vẻ đẹp và chân lý thần thiêng. Nhân loại có thể được hiểu cách đúng đắn từ quan điểm đức tin, bởi vì bản chất của chúng ta giống như đất sét trong tay người thợ gốm thiêng liêng. Do đó, chúng ta được làm nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, và chỉ có thể đạt tới sự toàn thiện của chúng ta bằng việc chiêm niệm vẻ huy hoàng thần thiêng được chiếu tỏa trong tâm trí và tâm hồn chúng ta. Vì Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta như là những đối tác trong một cuộc đối thoại, chúng ta có thể hoàn thành mục đích của chúng ta bằng cách hợp tác với ân sủng Thiên Chúa trong việc xây dựng và mở rộng vương quốc Thiên Chúa trong thế giới.

Quan điểm của đức tin cũng mạc khải một Thiên Chúa nhân lành đã có sáng kiến đến với chúng ta, trong khi vẫn luôn là một Đấng Siêu Việt. Các tín hữu không đòi hỏi bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa, cũng không mong muốn có những biện giải về kế hoạch của Ngài. Nhưng trái lại, sự huy hoàng thần thiêng, qua trung gian của Đức Kitô, đã cung cấp những bằng chứng và biện giải này. Giống như một công trình nghệ thuật vĩ đại, vinh quang của Thiên Chúa không thể bị kiểm soát hay bị phân loại, nhưng phải được đón nhận trong những khuôn khổ của riêng nó. Đức Giêsu Kitô, “công trình nghệ thuật vĩ đại nhất của Thiên Chúa”, là cách thể hiện chính yếu của vẻ huy hoàng thần thiêng nhiệm mầu mãi mãi. Do đó, nếu chúng ta muốn phát triển hơn nữa tinh thần chiêm niệm, chúng ta phải được điều chỉnh thông qua đức tin để đến với vẻ đẹp nơi hình thức của Đức Kitô, được thể hiện trong đời sống, giáo huấn và đặc biệt là cái chết và sự phục sinh của Người.

Như Balthasar đã làm rõ trong tác phẩm kinh điển Prayer[7] của mình, lời cầu nguyện chiêm niệm là phương tiện chính yếu đối với mọi Kitô hữu để được điều chỉnh cách đúng đắn để đạt tới vẻ huy hoàng của Chúa. Trong kinh nguyện, trước hết, người Kitô hữu nên lắng nghe Lời Chúa nói thông qua Đức Kitô và được trình bày trong Thánh Kinh, và sau đó đáp trả như một người đang ở trong một cuộc trao đổi đơn sơ. Chịu ảnh hưởng bởi phương pháp của thánh Ignatius, Balthasar đề nghị chúng ta tưởng tượng đặt mình vào trong các bối cảnh thánh kinh cụ thể. Theo cách này, chúng ta có thể có được một loại “giao tiếp gần gũi” với Đức Kitô như các môn đệ xưa kia. Chiêm niệm không chỉ là lắng nghe Lời, nhưng còn là chuyên chú nhìn vào vẻ huy hoàng của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô. Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, là mẫu gương cho tất cả những người chiêm niệm Kitô giáo, bởi vì Mẹ luôn chuyên chú hướng về Lời, không phải như là một điều gì đó bên ngoài, nhưng như là mầu nhiệm sâu thẳm nhất trong cuộc đời của Mẹ. Mẹ lắng nghe Lời và đáp trả lại bằng sự vâng phục hoàn toàn. Đối với chúng ta cũng vậy, Ngôi Lời đã trở thành xác phàm là con đường đến với Chúa Cha, và do đó, cũng là chìa khóa của tinh thần chiêm niệm.

5. Yêu thương thế gian

Đức Giêsu Kitô mang sự giàu có của thiên đàng xuống thế gian để chúng ta có thể đến được với Thiên Chúa, không phải bằng cách hạ giá thế gian, nhưng là bằng cách yêu thương thế gian một cách đúng đắn. Balthasar vẫn luôn cho rằng: các phương pháp suy niệm của Đông Phương về cơ bản là đang từ khước thế gian, bởi vì người ta nỗ lực vượt lên trên tất cả hình ảnh và khái niệm trong một cuộc tìm kiếm sự vô biên. Việc suy niệm Kitô giáo thì trái lại, không trừu tượng nhưng cụ thể. Nó tiếp cận cái vô hạn thông qua cái hữu hạn. Việc suy niệm này tập trung vào hình thức chắc chắn của Đức Kitô, là Đấng đã mạc khải sự sung mãn khôn dò khôn thấu nơi Thiên Chúa diệu huyền. Mục đích của chiêm niệm Kitô giáo không chỉ là sự hoàn thiện cá nhân, nhưng còn là một ảnh hưởng rộng lớn hơn lên việc mở rộng vương quốc trong thế gian. Cuối cùng, việc chiêm niệm Kitô giáo đích thực không bao giờ đơn thuần là một hoạt động riêng biệt, nhưng luôn luôn là một sự thông dự vào trong kinh nguyện của toàn thể Giáo Hội, trong việc lắng nghe và đáp trả Lời.

Đối với Balthasar, chiêm niệm là sự kết nối giữa việc thờ phượng Thiên Chúa trong Giáo Hội và công việc của nhân loại để hiện thực hóa vương quốc trên trần gian. Chúng ta cần một đời sống cầu nguyện cá nhân phong phú nhằm điều hướng chúng ta đến vinh quang của Chúa, để đem lòng sùng kính đúng đắn vào trong phụng vụ. Balthasar nhấn mạnh rằng mục đích đầu tiên của phụng vụ không phải là xây dựng cộng đoàn hay để có được những ơn ích cá nhân, nhưng đúng hơn là để chiêm niệm và tôn thờ Thiên Chúa Siêu Việt. Nếu chúng ta học biết cầu nguyện liên lĩ, bằng cách nuôi dưỡng một tinh thần đón nhận, thì việc tham dự phụng vụ của chúng ta sẽ mang tính cách chiêm niệm hơn. Những khoảng thời gian dành cho cầu nguyện chiêm niệm cũng là lúc chuẩn bị cho việc chúng ta tham gia vào sứ mạng cứu độ thế giới của Đức Kitô. Khi chúng ta thực sự nhận thức vinh quang của Thiên Chúa, thì đồng thời, chúng ta cũng nhận ra rằng chúng ta được kêu gọi để tham dự vào mục đích của Thiên Chúa. Khi nhận định từ một quan điểm khác, Balthasar khẳng định rằng: “Bất cứ ai muốn hoạt động nhiều hơn, thì họ cần phải có một đời sống chiêm niệm tốt hơn”. Người Kitô hữu cần phải thấm nhuần tinh thần chiêm niệm với những gì đang có trong thế giới, chứ không phải bị thấm nhiễm bởi những gì đang có trong thế giới. Họ không từ bỏ những gì thuộc về trái đất này, nhưng đúng hơn, phải chiến đấu để yêu thương chúng cách đúng đắn, bởi vì thông qua chúng và nhờ chúng, mà Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang của Ngài.

Đối với Balthasar, tình yêu thương thế giới và việc tìm kiếm chân lý của nó phải được tìm thấy trong một nhận thức rõ ràng về vẻ đẹp của nó. Những người chiêm niệm có thể nhận thấy sự huy hoàng thần thiêng chiếu tỏa trong sự hài hòa và cân đối nơi bản chất và các sản phẩm của tinh thần con người. Được hình thành bởi chiêm niệm và cầu nguyện, chúng được điều hướng nhắm đến mầu nhiệm vĩnh cửu, được thể hiện trong sức căng và sức mạnh của các thực tại trần thế. Tinh thần chiêm niệm của chúng ta được nuôi dưỡng bằng những tiếp xúc với cái đẹp, điều đó lôi kéo chúng ta ra khỏi bản thân chúng ta và làm cho chúng ta có thể nhận thấy thực tại, toàn thể, và toàn nhập. Vẻ đẹp của thụ tạo nuôi dưỡng tinh thần của chúng ta, bởi vì nó luôn phản ánh vinh quang của Thiên Chúa.

6. Những gợi ý cho việc chiêm niệm

Trong nỗ lực đạt tới một tinh thần chiêm niệm ngày càng lớn hơn, Balthasar trình bày cho chúng ta một vài gợi ý có tính thực tế và sâu sắc. Nuôi dưỡng nghệ thuật lắng nghe Thiên Chúa, Đấng nói với chúng ta thông qua Lời vang vọng trong Giáo Hội và trong thế giới. Sử dụng những kỹ thuật chiêm niệm tưởng tượng để đạt tới sự tiếp xúc với Đức Kitô Nhập Thể như những gì Người đã thể hiện trong trần gian này. Thúc đẩy tinh thần chiêm niệm trong những cử hành phụng vụ. Xác tín rằng Thiên Chúa chú ý đến lời cầu nguyện của chúng ta và đáp lại trong những lúc cần thiết thực sự. Đừng sa lầy trong các hệ thống và kỹ thuật, nhưng phải duy trì ánh mắt chuyên chú về vinh quang Thiên Chúa. Noi gương tinh thần chiêm niệm của Đức Maria. Đừng chỉ chiêm niệm về chân lý thần thiêng mà thôi, nhưng còn phải sống những chân lý ấy. Nuôi dưỡng một thái độ cầu nguyện thường xuyên với một tâm trí và tâm hồn tỉnh thức trước sự hiện diện của Chúa. Đọc Thánh Kinh với trái tim rộng mở chứ không phải với đầu óc chỉ trích. Hãy mềm dẻo và dễ uốn nắn trong bàn tay của Thiên Chúa giống như đất sét trong tay người thợ gốm. Xem việc chiêm niệm, tự nó, là một cùng đích chứ không phải là một phương tiện cho những mục đích khác cho dù đáng ca ngợi hơn.

Cần nhớ rằng Thiên Chúa đã đặt để chúng ta trong sự hiện diện của Ngài ngay cả trước khi chúng ta tìm ra Ngài. Đừng tìm kiếm những tư tưởng mới hay những kinh nghiệm cảm xúc mới trong cầu nguyện, nhưng đơn thuần ở lại trong sự hiện diện của Chúa. Đừng bao giờ tiến hành một chương trình cầu nguyện gò bó bắt buộc, cũng đừng quá gắn chặt vào một mẫu thức cụ thể một cách quá cứng ngắc. Tin rằng sẽ có những khoảnh khắc khô khan nguội lạnh, và tiếp tục theo đuổi đời sống cầu nguyện với lòng hân hoan và thanh thản. Cuối cùng duy trì một cảm thức tôn sùng và ngạc nhiên trước vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi, được mạc khải thông qua Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời đã trở thành xác phàm.

7. Những phê bình

Các tác phẩm vĩ đại và độc đáo của Balthasar, tuy nhiên, cũng đã gây ra nhiều chống đối đáng kể. Các học giả Thánh Kinh khiển trách ngài vì cách sử dụng Thánh Kinh không có tính phê bình, nghĩa là không quan tâm đến những kết quả của khoa phê bình thánh kinh hiện đại. Một số thần học gia tấn công thần học về ân sủng của ngài, họ cho rằng thần học ấy vẫn còn mang tính nhị phân (dichotomy) giữa các phẩm trật tự nhiên và siêu nhiên. Có người chỉ trích ngài vì đã không nhận thức được giá trị nội tại và ý nghĩa trường tồn của các truyền thống tôn giáo Đông phương. Người theo chủ nghĩa tự do bày tỏ sự không hài lòng về việc ngài chống lại sự độc thân tùy ý (optional celibacy) và truyền chức linh mục cho phụ nữ, cũng như khó chịu trước những ảnh hưởng mà ngài đã tạo nên nơi người bạn của ngài là Hồng y Ratzinger. Cuối cùng, những người phê bình còn chỉ ra rằng, những tiền giả định (presupposition) của ngài đã giúp ngài tránh đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng, nhưng chúng lại khiến ngài không nhận ra những quan điểm có giá trị được tìm thấy trong các trường phái tư tưởng đương thời, cả trong tôn giáo lẫn thế tục.

8. Tóm lại

Nhưng rõ ràng, công trình tổng hợp vĩ đại và độc đáo của Balthasar  về mạc khải Kitô giáo chứa chất một di sản bền vững. Những quan điểm thần học của ngài, tập trung vào vinh quang của Thiên Chúa và tầm quan trọng của cầu nguyện chiêm niệm, có tác dụng của một sự điều chỉnh vĩ đại đối với tính chất phân mảnh và thác loạn của con người trong cuộc sống đương thời. Những tác phẩm lớn của ngài là một nguồn phong phú cho những ai mong muốn thăng tiến trong một tinh thần chiêm niệm lớn hơn. Khi công trình của ngài được tiếp cận nhiều hơn, người ta sẽ dễ dàng công nhận rằng: Balthasar là một nhân vật vĩ đại trong nền thần học của thế kỉ hai mươi.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 79 (Tháng 11 & 12 năm 2013)

[1] Dịch theo James J. Bacik, Contemporary Theologians, The Mercier Press, 1992, trang 45 – 56. (Tất cả chú thích ở đây đều của người dịch).

[2] Vào ngày 29 tháng 5 năm 1988, Đức Giáo hoàng  Gioan Phaolô II thông báo rằng ngài sẽ vinh thăng Hồng y cho von Balthasar, trong Hội nghị Hồng y sẽ được diễn ra vào ngày 28 tháng 6 năm 1988. Nhưng vì ngài đã qua đời ngày 26 tháng 6, trước khi Hội nghị nhóm họp, nên ngài chưa được xem là Hồng y. Bởi vì, một người chỉ được xem là Hồng y khi nào Đức Giáo hoàng chính thức công bố trong một Hội nghị Hồng y với các thành viên trong Hồng y đoàn đang có mặt (x. Giáo Luật 1983, c.351).

[3] Louis Bouyer (1913 – 2004) là một tín hữu Tin Lành người Pháp theo phái Luther, trở thành Mục sư vào năm 1936, nhưng đã trở lại Công giáo vào năm 1939 sau khi nghiên cứu về thánh Athanasius. Ngài gia nhập dòng Oratoire vào năm 1944. Ngài là giáo sư tại Học viện Công giáo Paris và tham gia giảng dạy tại nhiều Đại học ở các nước khác. Ngài là một trong những thành viên đầu tiên của Ủy ban Thần học Quốc tế khi mới thành lập.

[4] Bảy cuốn đó là: Volume I: Seeing the Form; Volume II: Clerical Styles ;  Volume III: Lay Styles, Volume IV: The Realm of Metaphysics in Antiquity ; Volume V: The Realm of Metaphysics in the Modern Age ; Volume VI: Theology: The Old Covenant ; Volume VII: Theology: The New Covenant.

[5] Năm cuốn đó là: Volume I: Prolegomena ; Volume II: Dramatis Personae ; Volume III: Dramatis Personae ; Volume IV: The Action ; Volume V: The Last Act.

[6] Ba cuốn đó là:  Volume I: The Truth of the World ; Volume II: Truth of God ; Volume III: The Spirit of the Truth.

[7] Một bản dịch mới đã được Ignatius Press ấn hành vào năm 1986.

Trả lời