Giuđa Phản Bội, Phêrô Chối Thầy và Người Trộm Lành dạy cho chúng ta những bài học gì?
Hỏi: Nhân Mùa Chay, xin cha giải thích ý nghĩa việc Giuđa phản bội, người trộm lành sám hối và Phêrô chối Chúa như được ghi lại trong trong các Tin Mừng.
Trả lời: Mùa chay là thời điểm thuận lợi nhất để Giáo Hội mời gọi con cái mình suy niệm sâu xa hơn nữa về tình thương bao la của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô, Đấng đã vui lòng chịu mọi đau khổ, sỉ nhục và chết trên thập giá để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tội và có hy vọng được sống hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa trên Nước Trời .
Mùa chay cũng là mùa sám hối, thúc dục mọi tín hữu nhìn nhận tội lỗi đã phạm để xin Chúa nhân lành khoan dung thứ tha vì Người “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”. ( 1Tm 2:4)
Thiên Chúa là Cha rất nhân lành..Người “chậm giận và giầu tình thương”. Vì thế, ai có lòng trông cậy và kêu xin thì dù cho tội lỗi đến đâu cũng sẽ được tha thứ.Chỉ có sự tuyệt vọng, không còn muốn xin Chúa thương xót tha thứ nữa mới làm bế tắc tình thương bao la của Thiên Chúa cho con người mà thôi
Sau đây là nhũng bài học ta có thể rút ra từ việc Phêrô chối Thầy, Giuđa bán Chúa và người trộm lành sám hối.
Tin Mừng Matthêu, Marcô, Luca và Gioan đều ghi lai sự kiên Phêrô chối Thầy, Giuđa Ít-ca-ri-ốt , một trong 12 môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu đã phản bội Thầy, bán Thầy và tuyệt vọng đến mức treo cổ tự tử sau đó. (Mt 27: 5)
Riêng Tin Mừng Luca ghi lại sự kiên “Người gian phi sám hối và được vào Thiên Đàng với Chúa Giêsu”.
1- Trường hợp của Giuda
Giuđa tượng trưng cho lớp người quá say mê của cải vật chất ở đời này đến mức quên tình quên nghĩa để phản bội người khác, kể cả ân nhân. Giuđa là một trong Nhóm 12 Tông Đồ nòng cốt mà Chúa Giêsu đã chọn lựa cho tham gia vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa từ lúc ban đầu. Giuđa đã được diễm phúc sống bên Chúa suốt 3 năm, đã được trực tiếp nghe lời giảng dạy của Chúa về Nước Trời, về tinh thần khó nghèo cũng như chứng kiến tận mắt đời sống khó nghèo của Chúa ở mức “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8: 20). Vậy mà Giuđa đã không được cảm hóa theo gương khó nghèo của Chúa. Vì thế Giuda đã cam tâm bán Chúa lấy 30 đồng bạc. Nhưng khi chứng kiến cảnh Thầy mình bị bắt và bị đánh đập tàn nhẫn, Giuđa đã hối hận đem tiền trả lại bọn thượng tế và kỳ mục Do Thái rồi đi thắt cổ chết. Hắn tự tử vì quá tuyệt vọng, không còn tin tưởng gì vào lòng xót thương, tha thứ của Chúa nữa. Đây là điều rất đáng buồn cho anh ta và là gương xấu cho người khác.
Thật vậy, Giuđa đã trở thành gương xấu không những vì tham mê tiền của, phản bội mà nhất là tuyệt vọng về lòng xót thương của Chúa. Đây là điều đáng nói nhất về người môn đệ phản bội này, vì y đã mất hết niềm tin vào Thiên Chúa nhân lành, sẵn lòng tha thứ hết mọi tội lỗi của con người trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức tội tuyệt vọng không còn tin tưởng gì vào lòng xót thương tha thứ của Chúa nữa.Giuđa đã phạm tội này khi tự tử chết.
Chúa Giêsu đã than thở như sau về sự phản bội của Giuđa: “…Con đã canh giữ và không một ai trong họ phải hư mất trừ đứa con hư hỏng để ứng nghiệm lời Kinh Thánh” ( Ga 17: 12)
lại nữa: “…đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26: 24; Mc 14: 21)
Dầu vậy, Giáo Hội cũng không dám kết luận chắc chắn về số phận đời đời của Giuđa. Việc này chỉ có một mình Thiên Chúa biết vì Người đã phán đoán Giuđa theo lượng từ bi và công bằng của Người.
Ngược lại , Giáo Hội chỉ lưu ý con cái mình về gương xấu của Giuđa mà thôi. Gương xấu vì Giuđa đã mê tiền của hơn yêu mến Thầy, nên đã phản bội Thầy khi bán Người lấy 30 đồng bạc của các Thượng Tế và kỳ mục Do Thái. Nhưng điều đáng nói nhất về Giuđa là sự tuyệt vọng của anh, khi không còn muốn sám hối để xin Chúa tha thứ nữa, để rồi đi treo cổ tự tử (cf. Mt 27:5). Đây là gương xấu mà mọi tín hữu phải xa tránh vì thực chất của nó là mất hết hy vọng vào lòng thương xót của Chúa, là Cha nhân từ luôn sẵn lòng tha thứ cho kẻ có tội biết sám hối và xin tha thứ.
2- Phêrô chối Chúa
Ngược lại với Giuđa là kẻ nêu gương xấu về tham tiền và tuyệt vọng, Phêrô lại dạy cho chúng ta bài học quý giá về lòng ăn năn sám hối.
Phêrô cũng có khuyết điểm là quá tự tin nơi mình khi tuyên bố lúc ban chiều trước khi Chúa Giêsu bị bắt: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” ( Mt 26:35)
Nhưng đúng như lời Chúa đã nói trước là đêm đó gà chưa gáy sáng thì Phêrô đã chối Chúa ba lần. Nhưng chối xong và nhớ lại lời Chúa đã nói trước, Phêrô “ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (cf. Mt 26: 75, ; Lc 22: 62). Ông khóc vì ăn năn hối hận đã hèn nhát chối Thầy trước những kẻ bắt bớ và hành hạ Người cách tàn nhẫn. Chính vì thật sự thống hối ăn năn mà Chúa đã tha cho Phêrô tội công khai chối Chúa và còn tín nhiệm trao phó cho Phêrô sứ mệnh “chăn dắt chiên con và chiên mẹ của Thầy” ( Ga 21: 15-16).
Như thế đủ cho ta thấy là dù tội lỗi con người có nặng đến đâu, nhưng nếu biết sám hối và chạy đến với lòng thương xót vô biên của Chúa thì chắc chắn sẽ được tha thứ và nối lại tình thân với Người, sau khi đã lỡ sa ngã vì yêu đuối của nhân tính do hậu quả của tội nguyên tổ còn để lại.
3- Người gian phi sám hối (Lc 23 : 40-42)
Tin Mừng Luca kể rõ hai tên gian phi cùng chịu đóng đanh với Chúa Giêsu, một đứa bên phải, một đứa bên trái, trong khi Matthêu nói đó là hai tên cướp ( Mt 27: 38). Chúng bị đóng đinh vì tội trôm cướp, và một trong hai tên gian phi này đã nhận biết tội của mình nên xin cùng Chúa Giêsu rằng: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của Ông xin nhớ đên tôi. Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 42-43)
Như thế, chỉ có lòng ăn năn sám hội thực sự là đáng kể vì là điều đẹp lòng Chúa, và Người sẽ tha hết mọi tội lỗi cho những ai nhận biết mình có tội và xin Chúa thứ tha. Người gian phi sám hối hay còn được gọi là “kẻ trộm lành” đã vào Thiên Đàng bằng đường tắt nhanh chóng chỉ vì biết ăn năn sám hối và chạy đến với lòng thương xót vô biên của Chúa để xin tha thứ.
Người trộm lành này đã từng đi đàng tội lỗi không biết là bao nhiêu năm, nên bị đóng đanh vì những trọng tội mà xã hội Do Thái phải trừng phạt bằng cực hình đóng đanh. Nhưng Chúa đã tha thứ cho anh mọi tội, từ tội nguyên tổ cho đến mọi tội cá nhân anh đã phạm cho đến ngày bị đóng đanh chung với Chúa, là Người lành vô tội, nhưng đã cam lòng chiu khổ hình thập giá để đền thay cho nhân loại đáng phải phạt vì tội.
Dĩ nhiên chúng ta không thể bắt chước “người trộm lành” bằng cách cứ sống tội lỗi rồi cuối cùng sám hối xin Chúa tha thứ để được vào Nước Trời. Ta chỉ có thể noi gương tốt của anh về lòng sám hối và tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa để xin Người tha thứ mọi tội cho ta đã lỡ sa phạm vì yếu đuối của bản chất và vì ma quỉ cám dỗ. Nhưng ta không thể bắt chước anh ta làm những việc sai trái hay đối nghịch với tình thương, sự thánh thiện và công bằng của Chúa để chờ xin tha thứ vào phút chót. Không ai có thể biết ngày giờ nào mình phải ra đi, nên không thể liều mình sống trong tội chờ ngày sám hối được. Cố ý sống như vậy là lợi dụng lòng thương xót, tha thứ của Chúa. Và nếu ai cố ý liều lĩnh như vậy thì hãy nghe lời Chúa cảnh cáo nghiêm khắc sau đây:
“Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn đi, nhưng vì người hâm hâm, chẳng nóng chẳng lạnh nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3: 15-16)
Tóm lại, điều thiết yếu là ta phải cố gắng xa tránh mọi tội lỗi vì chỉ có tội là cản trở duy nhất cho ta sống đẹp lòng Chúa mỗi giây phút của đời mình trên trần thế này. Tuy nhiên, vì bản chất yếu đuối do hậu quả của tội Nguyên tổ, nhất là vì ma quỉ luôn rình rập để lôi kéo ta vào vòng tội lỗi, nên cần thiết cho ta phải xin ơn Chúa giúp sức để có thể đứng vững, sống theo đường lỗi của Chúa để được an vui ngay trên đời này trước khi được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên Nước Trời mai sau.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận