Giờ Chầu Thánh Thể: 24 giờ cho Chúa
GIỜ CHẦU THÁNH THỂ: 24 GIỜ CHO CHÚA
(Từ tối ngày 12 đến ngày 13 tháng 3 năm 2021)
Chủ đề: “Chúa tha thứ cho ngươi muôn vàn tội lỗi ” (Tv 103)
I. KHAI MẠC:
Lời dẫn nhập (Người dẫn đọc)
Kính thưa cộng đoàn,
Trong cuộc sống có rất nhiều những chuẩn mực đạo đức đáng quý mà con người chúng ta luôn theo đuổi, trong đó có sự tha thứ. Tha thứ là một phẩm chất vô cùng đáng trân trọng của con người. Tha thứ là tỏ lòng khoan dung, giúp ta bỏ qua cho người khác những sai lầm mà họ đã gây ra và giúp họ sửa chữa hoạc đứng lên sau lần vấp ngã. Điều này cũng có nghĩa là tự tha thứ cho chính mình… Tha thứ là món quà quý giá mà con người dành tặng nhau, làm cho người có tâm hồn rộng mở, nhân hậu nồng cháy, sẽ mở rộng và nồng cháy hơn.
Trong cuộc sống, không ai là hoàn hảo. Ai cũng mang trong mình những yếu đuối. Vì thế, ai cũng cần lòng khoan dung, tha thứ của người khác, và nhất là cần được Thiên Chúa khoan hồng thứ tha tội lỗi.
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi” (Tv 103,1-3).
Mặc lấy tâm tình của tác giả, đọc những lời trên chúng ta cảm thấy thật là vui. Đây là bài tụng ca tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa của Giao Ước. Một tội nhân được tha thứ, lên đền thờ dâng lễ tạ ơn, kể ra các ơn mình lãnh nhận. Các bạn hữu và thân nhân cùng đi với anh và cùng dự tiệc để hòa niềm tri ân. Qua người tội nhân này, chính toàn dân Israel đang thưa với Thiên Chúa. Bởi tội không chỉ là hành vi cá nhân nhưng còn có tính cộng đoàn, “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Nay Thiên Chúa tha thứ cho anh là tha cả cho toàn dân muôn vàn tội lỗi.
Bài ca bừng lên niềm vui: “Hồn tôi hỡi! Hãy chúc tụng Chúa”. Tội lỗi, yếu đuối của con người thu hút được tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu vĩnh cửu thiên thu vạn đại: nền tảng cho niềm tin vào sự phục sinh. Tình yêu uy quyền, mạnh hơn sự chết, không những tạo dựng ta mà còn tái tạo ta. Tình yêu gợi mở cho một lời đáp trả hân hoan và tự do. Tình yêu nhân hậu không ngừng tha thứ và trao ban nguồn sống mới. Ngài chờ đợi sự tuân phục không phải của một tên nô lệ run sợ nhưng là của một đứa con đầy niềm vui.
Chúa là Đấng nhân hậu từ bị, Ngài luôn nói lời tha thứ. Chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Có thể nói rằng, sự tha thứ của Thiên Chúa luôn gắn liền với sự tha thứ của con người.
Chủ đề của 24 giờ cho Chúa năm 2021 này là: “Chúa tha thứ cho người muôn vàn tội lỗi” (Tv 103). Nói về lòng khoan dung và sự tha thứ thì dễ, nhưng thực hành không phải là chuyện giản đơn. Con người chúng ta ai cũng có tự ái và không dễ thứ tha một cách vô điều kiện như Chúa đã tha thư cho chúng ta. Trong giờ chầu này chúng ta hãy cầu xin Chúa thương xót và thứ tha muôn vàn tội lỗi của mỗi chúng ta nói riêng, cũng như toàn thế giới nói chung vì đã xúc phạm tới Thiên Chúa và với nhau. Đồng thời xin Chúa giúp chúng ta biết cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, để chúng ta cũng biết quảng đại tha thứ cho nhau.
Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần
Đặt Mình Thánh Chúa
Hát: Thờ Lạy Chúa Giêsu
(Vị Chủ sự quì trước Thánh Thể xông hương)
1. Con thờ lạy hết tình, Chúa ngự trong phép thánh, yêu quý nhân loại hiến thân trong hình bánh, nuôi hồn con tháng ngày, cho lòng con vui say, dâng hiến Vua Trời khúc hoan ca tràn đầy.
ÐK: Lòng con hân hoan mến tin nở hoa, trần gian bao nhiêu khó nguy lệ sa, trông cậy ơn Chúa giúp con mau vượt qua. Ðời con tin yêu bước đi gần xa, ngày đêm vang lên biết bao lời ca, dẫu ngàn sầu thương vững tin thiết tha.
2. Chúa ngự trong phép mầu, chỉ vì ơn thương mến, ban xuống nhân loại chúng con không bờ bến. Con nguyện xin tháng ngày, thương đoàn con yếu đuối, tha thứ muôn tội lỗi xưa nay tràn đầy.
Vị chủ sự xướng:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện trên bàn thờ này, chúng con quỳ gối trước nhan Chúa. Con tin thật Chúa là Chúa của chúng con, chúng con là tạo vật của Chúa. Trước nhan Chúa, chúng con ý thức về thân phận tội lỗi của chúng con, vậy mà Chúa không kết án, lại ban ơn tha thứ cho chúng con. Chúng con thờ lạy Chúa.
Cộng đoàn đáp: Chúng con thờ lạy Chúa.
Lạy Thiên Chúa là Cha, vì tình yêu vấn vương đối với tạo vật con người chúng con, Chúa đã sai Con Một là Đức Giêsu Kitô đến thế gian không phải để luận phạt, nhưng để thế gian tin vào Người mà được cứu độ.
Đáp: Chúng con thờ lạy Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con kính thờ lạy Chúa, xin Chúa khấn thương ban cho gia đình, giáo xứ và cho toàn thể nước Việt Nam được bình an, thịnh vượng. Xin Chúa gìn giữ Ðức Giáo Hoàng, Ðức Giám Mục Giáo phận và Cha xứ chúng con. Chúng con lại xin Chúa đoái thương tha thứ cho các linh hồn nơi luyện ngục nhất là những linh hồn khi còn sống đã có lòng tôn kính Phép Thánh Thể.
Đáp: Chúng con thờ lạy Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã chịu chết vì chúng con, nhưng Chúa chưa lấy làm đủ, Chúa còn lập phép Mình Thánh rất đáng kính này để ban trót mình cho chúng con là loài thụ tạo đáng ghét và tệ bạc. Ôi lòng Chúa thương yêu chúng con vô cùng! Chúng con không tài nào suy thấu được.
Đáp: Chúng con thờ lạy Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, là Chúa Tình Yêu, xin giúp chúng con yêu thương nhau. Bởi vì chỉ có tình yêu chân thành, chúng con mới có thể hy sinh cho nhau, cảm thông, tha thứ cho nhau.
Đáp: Chúng con thờ lạy Chúa.
(Vị Chủ sự cùng giúp lễ đi vào)
II. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM:
Hát: Xin cho con biết lắng nghe
Công bố lời Chúa – (Người dẫn mời mọi người đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Mt 1,18-21)
Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, bà đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo:
“Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.
Đó là Lời Chúa
Gợi ý suy niệm 1 (Mọi người ngồi)
Chủ đề: Chúa giáng sinh để tha thứ
“Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi mọi tội lỗi” (Mt 1,21). Nghe lại những lời trên của Thiên Thần báo cho các mục đồng tuy xa xưa những vẫn luôn mới mẻ trong hôm nay. Con Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại đã thân hành xuống thế, giáng sinh làm người, gần gũi với con người, trở nên trẻ thơ nằm trong máng cỏ là Thiên Chúa thật và là người thật, cư ngụ giữa chúng ta, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Đây là cuộc hòa mình của Thiên Chúa vào trong lịch sử nhân loại. Chúa Kitô đã từ trời cao sinh xuống giữa chúng ta. Ngôi Lời nằm khóc trong máng cỏ, được gọi là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ “bởi vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi mọi tội lỗi” (Mt 1,21).
Tình yêu tha thứ và nhập thể cứu chuộc của Thiên Chúa là chung kết và tối thượng, nghĩa là ở ngay từ một Hài Nhi bé bỏng đã mang đến cho chúng ta một tình yêu không bao giờ vơi cạn, tình yêu đó chấp nhận bước vào trái đất này trong một thân phận không thể thấp hèn hơn được nữa, để những ai dù tội lỗi, vẫn cảm thấy trong cuộc đời này có ai đó đồng cảm, yêu thương, và nhất là được tha thứ. Tội lỗi làm cho con người mất đi tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa. Con Thiên Chúa giáng trần, đúng là: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống từ trời cao” (Tv 84, 11-12). Chúa Giêsu là món quà Chúa Cha trao ban cho toàn thể nhân loại. Là của lễ hòa giải tội nhân với Chúa Cha và quốc gia hòa giải quốc gia, người hòa giải người người.
Thật là một hình ảnh đẹp, một nghĩa cử yêu thương và tha thứ, làm cho đất với trời, Thiên Chúa và con người trần thế hòa giải với nhau. Cuộc sinh hạ của Chúa Giêsu chẳng phải là sự tha thứ tuyệt hảo của Thiên Chúa đó sao.
(Mọi người thinh lặng trong giây phút chiêm ngắm Chúa)
Hát: THÁNH VỊNH 50 – Lm. Kim Long
1. Xin thương con lạy Chúa theo lượng từ bi Chúa xóa tội con theo lượng hải hà. Rửa con sạch muôn vàn lầm lỗi, tội tình con xin Ngài tẩy luyện.
(Đáp) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.
2. Vâng con nay đã biết bao tội tình vương mắc suốt ngày đêm luôn ở trước mặt. Dám sai phạm với một mình Chúa, từng tà gian ngay ở trước Ngài.
(Đáp) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.
3. Ban cho con, lạy Chúa cõi lòng thực trong trắng, phú vào con tinh thần vững mạnh. Chớ xua từ con khỏi mặt Chúa, đừng biệt con khỏi Thần Trí Ngài.
(Đá ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.
4. Cho con vui được thấy ơn Ngài thương cứu rỗi, đỡ vực con theo lòng quảng đại. Cúi xin Ngài thương mở miệng lưỡi, để hồn con dâng lời tán tụng.
(Đáp) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.
Công bố lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 8, 1-11).
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Đó là lời Chúa.
Gợi ý suy niệm 2 (Mọi người ngồi)
Chủ đề: Chúa làm người để tha thứ
Đoạn Tin Mừng (Ga, 8, 1-11) với câu kết thật là đẹp “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” ( Ga 8,11). Qua lời tuyên bố ấy, Chúa Giêsu đã làm nổi bật tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống. Tha thứ là bản chất của Thiên Chúa, Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa, Đấng hay tha thứ. Khi mạc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Xót Thương, chậm bất bình và rất mực thứ tha. Chân lý về Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi Chúa Giêsu Kitô “Đấng đầy tình thương xót” (2Cr 1,3), Đấng ghét tội và yêu thương kẻ có tội, không dung túng tội lỗi, nhưng khoan nhân với tội nhân (x. Ez 33,11).
Thánh Gioan kể lại việc người ta đem đến cho Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Các kinh sư và người Pha-ri-sêu để chị ta đứng ở giữa Chúa Giêsu và dân chúng (x. Ga 8, 3), nghĩa là đứng giữa tình thương tha thứ của Con Thiên Chúa và sự kết án của con người. Chúa Giêsu không kết án chị, nhưng cứu chị khỏi bị ném đá. Thật là bằng chứng hùng hồn về tình tha thứ của Thiên Chúa đối với tội nhân.
Con người thường lên án nhau, nhưng trước mặt Thiên Chúa thì tất cả chúng ta là những kẻ tội lỗi bị án phải chết, bằng chứng khi Chúa Giêsu hỏi: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”( Ga 8,7), chẳng ai dám cầm đá ném mà lần lượt bỏ đi chỉ còn lại người phụ nữ và Ðức Giêsu: sự khốn khổ và lòng thương xót đối diện với nhau. Chúa không nói với người phụ nữ: chị không có tội, nhưng nói: “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Thật vậy, chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể cứu rỗi con người, vì chính Người mang lấy tội lỗi thế nhân và cho con người cơ hội để thay đổi đời sống.
Ðoạn Tin Mừng cho thấy, sự tha thứ của Thiên Chúa không đồng nghĩa với sự dung túng thường tình, tha thứ có kèm theo điều kiện. Không có nghĩa là bỏ qua sự dữ, hay tệ hơn nữa là chối bỏ sự dữ. Thiên Chúa không tha thứ sự dữ, nhưng tha thứ cho người tội lỗi biết ăn năn, và dạy người ta biết phân biệt giữa một bên là hành động xấu đáng bị kết án, và bên kia là con người cụ thể phạm lấy lỗi lầm đó, và là người mà Chúa muốn ban cho cơ may để thay đổi đời sống, làm lại cuộc đời. Trong lúc con người có khuynh hướng đồng nhất hóa người phạm tội với tội lỗi, và như thế là đẩy người có tội vào ngõ cụt, không có lối thoát. Lòng Chúa cao cả hơn lòng chúng ta, Thiên Chúa Cha lại hành động cách khác, Ngài đã sai Con Một mình xuống trần gian, để mở ra cho cả và nhân loại con đường cứu thoát. Chúa Giêsu chính là con đường này: khi chết trên thập giá, Người đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Chúa Giêsu lặp lại với con người ở mọi nơi, mọi thời đại rằng: “Ta cũng thế, Ta không kết tội. Vậy hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa“.
Khi nghe những lời trên trong đoạn Tin Mừng hôm nay, làm sao chúng ta không cảm nghiệm được một niềm tín thác trào dâng trong tâm hồn chúng ta? Sao không nhìn thấy nơi đó một “Tin Vui” cho cả và nhân loại ở thời đại chúng ta, những con người đang mong ước khám phá lại ý nghĩa đích thật của lòng nhân từ và sự tha thứ.
Thời đại chúng ta đang cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa, một sự tha thứ làm phát sinh niềm hy vọng và phó thác, mà không làm yếu đi cuộc chiến chống lại sự dữ. Cần trao ban và lãnh nhận sự tha thứ. Nhưng chúng ta không trở nên có khả năng tha thứ, nếu trước đó chúng ta không để cho mình được Thiên Chúa thứ tha, vừa nhìn nhận mình là đối tượng của lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chúng ta cũng sẽ trở nên kẻ sẵn sàng tha nợ cho người khác, chỉ khi nào chúng ta ý thức về món nợ to lớn mà chúng ta đã được tha cho. Chúng ta hãy cố khám phá ra tình thương của Thiên Chúa qua bí tích Hòa Giải, và hãy tỏ ra nghiêm khắc đối với tội lỗi nhưng khoan nhượng đối với con người tội lỗi.
Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đại diện cho tất cả chúng ta, những tội nhân. Cách nào đó, chúng ta cũng là những người ngoại tình trước mặt Thiên Chúa, là những kẻ phản bội lòng trung tín của Ngài. Kinh nghiệm của chị cũng tượng trưng cho ý định của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta: Thiên Chúa không kết án chúng ta nhưng cứu độ chúng ta nhờ Ðức Giêsu. Ðức Giêsu chính là ân sủng, cứu vớt chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Ngài đã lấy ngón tay viết trên đất, trên cái bụi mà từ đó con người được tạo dựng nên (x. St 2,7). Phán quyết của Thiên Chúa là: ‘Ta không muốn con phải chết, nhưng muốn con được sống.’ Chúa không cứ tội ta mà trách phạt, cũng chẳng đồng nhất ta với những lỗi lầm trót phạm. Chúa muốn giải thoát chúng ta. Chúa muốn ở với ta và muốn chúng ta cũng ở lại với Ngài. Chúa mong ước chúng ta đừng sử dụng tự do để làm điều xấu nhưng biết làm điều thiện. Và chúng ta có thể làm được điều ấy với ân sủng Chúa ban.
Chúng ta hãy nhìn lên Ðức Trinh Nữ Maria và khẩn cầu Mẹ là Mẹ từ bi để đến nép thân nơi lòng từ mẫu của Mẹ. Nơi Mẹ, tình thương nhân từ của Thiên Chúa được nhập thể, và tâm hồn vô nhiễm của Mẹ là nơi trú ẩn an toàn cho người tội lỗi. Ðược Mẹ dẫn lối chỉ đường, chúng ta hăng hái tiến bước, và nhớ lại lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ ngoại tình, nay Người nói với mỗi người chúng ta rằng: “Hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là đấng chỉ bảo đàng lành, xin giúp chúng ta biết cậy trong vào lòng từ bi của Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ được thứ tha.
(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)
Hát: Chúa Luôn Tha Thứ – V.A
ĐK: Chúa luôn tha thứ cho con, không hề kết án tội con bao giờ. Mong con quay gót trở về, trong tình yêu Chúa chẳng hề nhạt phai.
1. Ôi tình yêu Chúa, Ngài thương con khi đời con đã mất, hết hy vọng giữa cõi đời. Khi Chúa đến với con rồi con vẫn ngỡ là mơ. Bao người lên án cười chê con khi đời con lỡ bước, muốn tiêu diệt tấm thân này.
2. Đang trong khi lúc cơ cùng Chúa đã cứu đời con. Khi kề bên Chúa Ngài nhìn con ôi tình yêu chan chứa, nói sao vừa, nói sao vừa. Hoen mi lệ ứa dâng trào ôi ngọt ngào tình Chúa.
(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)
Công bố lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20, 19-23)
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.
Đó là lời Chúa.
Gợi ý suy niệm 3 (Mọi người ngồi)
Chủ đề: Chúa phục sinh để tha thứ
Cử chỉ trao ban bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ phản Thầy, bán đứng Thầy, bỏ Thầy, không tin Lời Thầy, nhất là vì yếu đuối tội, trở nên những người được hưởng lòng tha thứ của Thiên Chúa, nhất là trở nên thừa tác viên của Lòng Chúa Thương Xót Chúa. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: ‘Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân “tha thứ các tội lỗi” diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.
Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng. Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay đầy những thương tích về thể lý, tâm lý và luân lý, nhất là tội lỗi, cần thiết biết bao ơn tha thứ của Thiên Chúa!
Công bố lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 6, 27 – 38)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.
Đó là lời Chúa.
Gợi ý suy niệm 4 (Mọi người ngồi)
Chủ đề: Hãy tha thứ
Lời Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ, những người đang nghe Chúa nói, cũng là lời dành cho mỗi chúng ta đang nghe chính Lời Chúa qua thừa tác viên của Giáo hội giờ này: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây” (Lc 6, 27). Chúa bảo chúng ta điều gì? Thưa, Chúa bảo: “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình” (Lc 6, 27-28). Yêu kẻ thù ư, làm điều tốt cho kẻ không thích ta ư, chúc phúc cho ai nói xấu ta, và cầu nguyện cho ai đối xử tệ với ta ư? Thật không dễ dàng chút nào hết. Nhưng đây là bốn chi tiết để sống đời Kitô hữu của chúng ta.
Ghét kẻ thù là lẽ thường tình, làm ơn hay chúc phúc cho kẻ thù và những người thuộc phe đối lập là chuyện ngược đời, nhưng Chúa Giêsu khuyên chúng phải lội ngược dòng và hành xử với tư cách là con cái Chúa, giống Cha trên Trời. Ý thức mình là con phải nên giống Cha, và học sống sao cho có lòng nhân từ như Chúa Cha: “Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Đây không phải là một câu khẩu hiệu, mà là một sự dấn thân của đời sống người Kitô hữu. Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, là Đấng toàn năng, toàn thiện. Sự hoàn hảo của Thiên Chúa khích lệ chúng ta trở nên giống như Ngài, đầy tràn tình yêu và lòng trắc ẩn. Trở nên giống Thiên Chúa là trở nên hoàn hảo, nghĩa là hãy ở nhận từ và biết xót thương anh em.
Có người hỏi: Liệu những lời của Chúa Giêsu có thực tế không? Chúng ta là những con người sống trong thế gian làm sao có thể yêu thương người khác như Thiên Chúa yêu và sống nhân từ như Chúa sống?
Nhìn vào lịch sử cứu độ, chúng ta khám phá ra rằng toàn bộ mạc khải của Thiên Chúa là một lịch sử tình yêu đối với con người. Thiên Chúa giống như một người cha hay người mẹ yêu thương hết mọi đứa con, không đành lòng kết tội đứa con nào. Thiên Chúa không nói suông, mà Ngài đã làm trước, bằng chứng là “không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4,10). Thánh Gioan còn viện lý: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11). Cái chết của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa trên thập giá là đỉnh cao của lịch sử của tình yêu ấy. Thiên Chúa là Tình Yêu, còn chúng ta là kẻ có tình yêu, nên chúng ta có lúc yêu lúc ghét, nghĩa tình yêu của chúng ta sẽ luôn có khiếm khuyết. Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ở nhân từ như Chúa Cha, Chúa muốn chúng ta hãy trở thành dấu chỉ, và chứng nhân của lòng từ tâm Chúa giữa thế gian.
Lòng từ tâm ấy được thể hiện bằng hai động từ: “Tha thứ” và “Cho đi” như Chúa bảo: “Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ” ( Lc 6, 37).
“Đứng xét đoán” (Lc 6,37) ở đây không phải là không phê phán ai cho dù người ấy gây gương mù gương xấu. Nếu hiểu chữ xét đoán như thế thì tại sao Chúa Giêsu lại lên án những kẻ gây gương mù.
Chữ “xét đoán” ở đây được hiểu là chỉ trích, phê bình, lên án người khác cách vô trách nhiệm. Chúng ta thường hay xét đoán không tốt cho người khác là điều mà Chúa cấm. Tại sao Chúa dạy người con Chúa không được xét đoán và lên án? Thưa là vì con người nhân vô thập toàn không có quyền lên án, cũng không thể xét đoán đúng và công bằng được, chỉ có Chúa là Đấng công mình, cầm quyền sinh tử mới có quyền lên án, kết án con người. Ngài là Đấng nhân từ đã không lên án, vậy cớ sao ta lại lên án nhau. Tuy nhiên, Chúa cho phép con người nhận định về nhau, phê bình nhau với tình yêu thương xây dựng, và giúp nhau thăng tiến.
Còn câu Chúa nói: “Đừng lên án các người sẽ không bị lên án” (Lc 6, 37). Câu này không có nghĩa là nếu chúng ta không bao giờ lên án ai thì Chúa không lên án chúng ta dù chúng ta tội lỗi. Thưa không phải thế. Câu này chỉ muốn nói với chúng ta rằng, nếu chúng ta không muốn người khác khắt khe với mình thì trước hết chúng ta đừng đối xứ với họ như vậy, đó là cách xử từ tâm.
“Hãy tha thứ” Chúa bảo chúng ta phải tha thứ. Đơn giản vì chúng ta đã được Thiên Chúa thứ tha.
“Hãy cho…Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Thiên Chúa đã cho chúng ta quá nhiều, vượt xa công trạng của chúng ta. Chúa Giêsu không nói điều gì sẽ xảy ra nếu người ta không cho đi, nhưng nếu chúng ta thấy rõ có một luận lý chắc chắn: theo cách mà người ta nhận lãnh từ Thiên Chúa, thì người ta hãy cho anh em mình như thế, và theo đúng cách mà người ta cho một người anh em, thì người ta sẽ nhận lãnh từ Thiên Chúa!
Lạy Thiên Chúa là Đấng Xót Thương và hay tha thứ, xin dạy con bài học nhân ái, độ lượng và thứ tha, để con không giữ lòng hiềm thù, oán hờn và ghen ghét bất cứ ai đã xúc phạm, gây ra đau khổ cho con, xin giúp con luôn tha thứ cho mọi người vô tình hay hữu ý xúc phạm tới con. Amen.
(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)
III. CẦU NGUYỆN TRƯỚC THÁNH THỂ
(Mời cộng đoàn quì)
Chủ sự:
Anh chị em thân mến,
Hiệp cùng Đức giáo hoàng Phanxicô và với tất cả anh chị em tín hữu trên toàn thế giới, trong giờ phút linh thiêng này, trước Đức Giêsu Thánh Thể, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin.
Ý cầu nguyện
(Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn đáp: Chúng con cảm tạ Chúa, vì Chúa luôn tha thứ tội lỗi cho chúng con)
Vị chủ sự xướng:
1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện trên bàn thờ này, chúng con quỳ gối trước nhan Chúa. Con tin thật Chúa là Chúa của chúng con, chúng con là tạo vật của Chúa. Trước nhan Chúa, chúng con ý thức về thân phận tội lỗi của chúng con. Chúng con muốn được Chúa thứ tha cho mỗi người chúng con và cho toàn thế giới vì những xúc phạm đến Chúa.
Đáp: Chúng con cảm tạ Chúa, vì Chúa luôn tha thứ tội lỗi cho chúng con.
2. Lạy Thiên Chúa là Cha, vì tình thương vô lượng hải hà, Cha đã sai Con Một mình là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người, đi rao giảng Tin Mừng, chết và sống lại để cứu chuộc chúng con, thế mà chúng con vô ơn bội nghĩa với Chúa.
Đáp: Chúng con cảm tạ Chúa, vì Chúa luôn tha thứ tội lỗi cho chúng con.
3. Lạy Chúa, đôi khi chúng con không nhận ra tình yêu Chúa do ham mê của cải phù phiếm che lấp con mắt tâm hồn chúng con, hoặc có khi chúng con đã nhận ra công trình kỳ diệu quan phòng của Chúa nhưng vì tính kiêu căng, ích kỷ, muốn làm chủ đời mình, nên chúng con đã lái đi hướng khác mà không quy thuận đường lối Chúa. Xin tha thứ cho chúng con.
Đáp: Chúng con cảm tạ Chúa, vì Chúa luôn tha thứ tội lỗi cho chúng con.
4. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, điều đang hủy diệt lòng bác ái của chúng con là lòng tham lam tiền tài, một trái tim lạnh lùng và sự từ chối Thiên Chúa, thỏa thích trong hoang tưởng của chính mình hơn là đi tìm sự an ủi trong lời Chúa và trong các Bí tích.
Đáp: Chúng con cảm tạ Chúa, vì Chú luôn tha thứ tội lỗi cho chúng con.
5. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi” (Mt 24, 12). Xin Chúa tha thứ cho những gì chúng con xúc phạm đến Mình Thánh Chúa và tha nhân, khi chúng con dửng dưng với đồng loại và với Thiên Chúa.
Đáp: Chúng con cảm tạ Chúa, vì Chúa luôn tha thứ tội lỗi cho chúng con.
6. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, nhân loại hôm nay luôn chìm đắm trong biển máu của hận thù, chia rẽ. Bản thân chúng con cũng khó lòng tha thứ cho những người có lỗi với chúng con. Chúa muốn chúng con đến với nhau bằng bằng ánh mắt, bằng con tim, bằng lời nói yêu thương và không được tự cho phép có bất cứ suy nghĩ, lời nói, cử chỉ nào thiếu bác ái bao dung.
Đáp: Chúng con cảm tạ Chúa, vì Chúa luôn tha thứ tội lỗi cho chúng con.
Chủ sự:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con hiệp cùng Đức Giáo hoàng Phanxicô dâng lên Chúa những ý nguyện của người, cùng với ý của chúng con vừa nói lên, với bao ý nguyện của anh chị em chúng con trên toàn thế giới, và của nhiều người chưa thể nói ra, Chúa đều biết cả, Chúa thấu hiểu lòng chúng con, xin Chúa thương đón nhận, thánh hóa và ban ơn tha thứ theo thánh ý Chúa. Amen.
IV. PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH CHÚA
Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng.
Hát: Ca Thánh Thể.
Lời nguyện.
Phép Lành Mình Thánh Chúa.
V. BẾ MẠC
Hát kết thúc
Nguồn: Tgp. Hà Nội
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận