Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Gần đây, con được một linh mục cựu sinh viên của chủng viện chúng con hỏi, liệu ngài có thể cử hành Bí tích Thêm sức, bằng cách sử dụng một cục bông gòn để xức dầu không, nhằm tránh Covid-19?. Suy nghĩ đầu tiên của con là được (khẳng định) vì chữ đỏ cho phép linh mục sử dụng một dụng cụ (thí dụ cục bông gòn, găng tay) để xức dầu bệnh nhân. Tuy nhiên, con đã nói chuyện với một chuyên viên phụng vụ và một nhà thần học bí tích, và cả hai đều nói rằng một dụng cụ là không được phép, và việc sử dụng một cục bông gòn (chẳng hạn) sẽ làm mất hiệu lực bí tích. Một giáo sư linh mục dòng Đaminh đã gửi cho con một lập luận dài về lý do tại sao điều này có thể sẽ xảy ra. Lập luận của ngài là khá thuyết phục. Bởi vì đây là mùa Thêm sức ở Hoa Kỳ, và với dịch Covid-19 vẫn còn, câu hỏi này sẽ còn được hỏi nhiều hơn. Con chỉ muốn gửi đến cha một bản tóm tắt về những gì đang được thảo luận xung quanh chủ đề này. – G. S., Denver, Colorado, Hoa Kỳ.

Đáp: Đây cũng là mùa Thêm sức và mùa rước lễ lần đầu ở Ý và nhiều nơi khác, mặc dù hầu hết các lễ cử hành này đã được hoãn lại cho đến tháng 9 là sớm nhất.

Câu hỏi về lý do, tại sao một dụng cụ để ban phép Thêm sức là không được coi là khả thi, liên quan đến các lập luận thần học và lịch sử phức tạp. Điều chắc chắn là rằng các tài liệu chính thức của Hội Thánh loại trừ rõ ràng khả năng này. Lý do cơ bản tại sao điều này là như vậy, theo tôi, là việc xức dầu Thêm sức gắn bó chặt chẽ với việc đặt tay dựa trên Kinh Thánh.

Chữ đỏ cho Sách Nghi thức Rôma của hình thức ngoại thường, được sử dụng ngay sau Công đồng Trentô nhưng phản ánh sự thực hành có lâu trước đó, loại trừ một cách tích cực một dụng cụ:

“3. Dầu Thánh được sử dụng trong việc ban bí tích Thêm sức, ngay cả khi thừa tác viên là một linh mục bình thường, phải được một Giám mục thánh hiến trong sự hiệp thông với Tòa Thánh vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh trước đó; và người ta không được sử dụng dầu cũ trừ trường hợp khẩn cấp. Ngay sau khi dầu thánh hiến đã giảm thành một lượng nhỏ, dầu ô liu chưa thánh hiến có thể được thêm vào nó, nhưng với số lượng ít hơn so với lượng dầu thánh hiến, mỗi khi điều này xảy ra. Không bao giờ được phép ban phép Thêm sức mà không có dầu thánh, cũng không tiếp nhận dầu này từ một giám mục lạc giáo hoặc ly giáo. Việc xức dầu không phải được thực hiện với một dụng cụ nào, nhưng phải bởi tay của thừa tác viên, được đặt đúng trên đầu của người lãnh bí tích.”

Nghi thức được mô tả như sau:

“6. Sau đó, vị chủ tế ban Thêm sức cho họ (một Giám mục đội mũ mitra vào lúc này, và một vị giám chức cao cấp hơn, chẳng hạn như một đệ nhất lục sự Toà Thánh (protonotary apostolic), khi họ quỳ thành hàng, nam trước và nữ sau. Khi một hàng kết thúc, tất cả đứng lên và các người khác quỳ tại chỗ, và cứ như vậy cho đến khi kết thúc. Vị chủ tế hỏi tên của mỗi người khi được cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu giới thiệu; và nhúng đầu ngón tay cái của ngài vào dầu thánh, ngài ban phép Thêm sức theo cách sau: đặt tay phải lên đầu người nhận, ngài dùng ngón tay cái vẽ dấu thánh giá trên trán của người đó, trong khi nói phần đầu tiên của công thức đến chữ thánh giá, và tiếp tục với phần còn lại của công thức, tạo một dấu thánh giá kép trên người ấy tại các chỗ được chỉ định:

“(Giuse..,) cha in trên con dấu Thánh gía + ; và cha thêm sức cho con với dầu thánh, nhân danh Cha và Con, + và Thánh Thần. Tất cả thưa: Amen.”

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã thực hiện các thay đổi sâu sắc trong nghi thức Thêm sức, bao gồm thay đổi công thức. Để giải thích và cung cấp đầy đủ sức mạnh tín lý cho quyết định của ngài, Đức Giáo Hoàng đã ban hành tông hiến ‘Divinae Consortium Naturae’, ngày 15-8-1971. Tài liệu ngắn gọn này tóm tắt các yếu tố thiết yếu của giáo lý trong Bí tích Thêm sức qua các thời đại. Về việc cử hành bí tích, Đức Thánh Cha tuyên bố:

“Trên thực tế, công việc học hỏi và nghiên cứu cẩn thận đã được dành cho các năm qua, cho nhiệm vụ sửa đổi cách thức cử hành Bí tích này. Mục đích của công việc này là rằng “mối liên hệ mật thiết mà Bí tích này có với toàn bộ Việc Khai tâm Kitô giáo có thể được đặt ra rõ ràng hơn.” Hơn nữa, mối liên hệ giữa phép Thêm sức và các Bí tích Khai tâm khác dễ dàng được nhận thấy hơn, không chỉ bởi vì các nghi thức đã được gắn kết chặt chẽ hơn, nhưng nó cũng đáng được chú ý từ cử chỉ và lời nói, mà qua đó chính phép Thêm sức được trao. Vì vậy, nghi thức và lời nói của Bí tích này ‘nên diễn tả rõ ràng hơn các điều thánh thiện, mà chúng biểu thị, và người Kitô hữu, càng nhiều càng tốt, cần được giúp hiểu chúng một cách dễ dàng, và tham gia vào chúng một cách đầy đủ, tích cực, và ích lợi với tư cách một cộng đoàn.’

“Vì mục đích này, mong muốn của chúng tôi cũng bao gồm sự duyệt lại những gì là thiết yếu nhất của Nghi thức Thêm sức, mà qua đó các tín hữu đó nhận Chúa Thánh Thần như là quà tặng.

“Tân Ước cho thấy Chúa Thánh Thần đã ở với Chúa Kitô như thế nào để thực hiện sứ mệnh Thiên Sai đến viên mãn. Đối với Chúa Giêsu, khi nhận phép rửa của ông Gioan, đã thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống trên chính mình (x. Mc 1, 10) và ở lại với mình (x. Ga 1, 32). Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn để thực hiện sứ vụ công khai của mình với tư cách là Đấng Thiên Sai, dựa vào sự hiện diện và trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Trong khi giảng dạy sự cứu rỗi cho người dân Nazareth, Ngài đã cho thấy qua những gì Ngài nói là sấm ngôn của Isaia “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi”, nhắc đến chính Ngài (x. Lc 4: 17-21).

“Sau đó, Ngài đã hứa với các môn đệ của mình rằng Chúa Thánh Thần sẽ giúp họ cũng làm chứng cho đức tin của họ mà không sợ hãi, ngay cả trước các kẻ bắt bớ họ (x. Lc 12,12). Vào ngày trước khi chịu khổ nạn, Ngài bảo đảm với các Tông đồ của mình rằng Ngài sẽ gửi Thần chân lý từ Chúa Cha đến (x. Ga 15,26) để ở lại với họ ‘mãi mãi’ (Ga 14,16), và giúp họ trở thành nhân chứng của Ngài (x. Ga 15:26). Cuối cùng, sau khi Ngài phục sinh, Chúa Kitô đã hứa ban Chúa Thánh Thần sớm đến với họ: ‘họ sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên họ. Bấy giờ họ sẽ là chứng nhân của Ngài” (Cv 1: 8; xem Lc 24:49.)

“Vào ngày lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần thực sự đã xuống một cách kỳ diệu trên các Tông đồ, khi họ quy tụ cùng với Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, và nhóm các môn đệ. Họ được ‘tràn đầy’ Chúa Thánh Thần (Cv 2: 4) đến nỗi nhờ linh hứng thiêng liêng, họ bắt đầu rao giảng ‘các công trình cao cả của Thiên Chúa.’ Hơn nữa, Thánh Phêrô xem Thần khí, Đấng đã xuống trên các Tông đồ, như một món quà của thời đại Thiên Sai (xem Cv 2: 17-18). Sau đó, những người tin vào lời rao giảng của Tông đồ đã được rửa tội, và họ cũng đã nhận được ‘ơn ban của Chúa Thánh Thần’ (Cv 2:38). Lúc đó, các Tông đồ, để hoàn thành ý muốn của Chúa Kitô, đã ban cho người mới được rửa tội bằng cách đặt tay, ơn ban của Chúa Thánh Thần để hoàn thành ân sủng của Bí tích Rửa tội. Đây là lý do tại sao Thư gửi tín hữu Hipri (Hr) đã liệt kê trong số các yếu tố đầu tiên của giáo lý Kitô giáo, việc giảng dạy về phép rửa tội và việc đặt tay (x. Hr.6: 2). Việc đặt tay này được truyền thống Công giáo công nhận là khởi đầu của Bí tích Thêm sức, vốn theo một cách nào đó duy trì ân sủng của Lễ Ngũ tuần trong Hội Thánh.

“Điều này cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của Phép Thêm sức cho việc khai tâm bí tích, mà nhờ đó các tín hữu ‘với tư cách là thành viên của Chúa Kitô sống được kết hợp với Ngài và nên giống như Ngài, qua Bí tích Rửa tội và qua Bí tích Thêm sức và Bí tích Thánh Thể.’ Trong Bí tích Rửa tội, các người mới được rửa tội tiếp nhận sự tha thứ tội lỗi, được Chúa nhận làm con cái, và tính cách của Chúa Kitô, mà qua đó họ được làm thành viên của Hội Thánh và lần đầu tiên trở thành người chia sẻ trong chức tư tế của Đấng Cứu Rỗi của họ (x. 1 Pt 2: 5,9). Nhờ Bí tích Thêm sức, những người được tái sinh trong Bí tích Rửa tội nhận được Món quà vô giá là chính Chúa Thánh Thần, nhờ Ngài ‘họ được ban cho sức mạnh đặc biệt.’ Hơn nữa, họ đã có ấn tín của Bí tích này, họ ‘được liên kết hoàn hảo hơn với Hội Thánh’, và ‘họ có nghĩa vụ nghiêm ngặt hơn trong việc truyền bá và bảo vệ đức tin, cả bằng lời nói và bằng hành động, như là các chứng nhân đích thực của Chúa Kitô.’

Cuối cùng, Bí tích Thêm sức được liên kết chặt chẽ với Bí tích Thánh Thể, đến nỗi các tín hữu, sau khi được ký kết bởi Bí tích Rửa tội và Thêm sức, được kết hợp hoàn toàn vào Thân thể Chúa Kitô, thông qua việc tham dự Bí tích Thánh Thể.

“Từ thời xa xưa, việc ban ân sủng của Chúa Thánh Thần đã được thực hiện trong Hội Thánh, qua nhiều nghi thức khác nhau. Các nghi thức này đã trải qua nhiều thay đổi ở phương Đông và phương Tây, nhưng ý nghĩa của sự trao ban Chúa Thánh Thần vẫn được giữ nguyên. Trong nhiều nghi lễ phương Đông, dường như từ thời kỳ đầu, một nghi thức xức dầu thánh, vốn chưa được phân biệt rõ ràng với Bí tích Rửa tội, đã thắng thế cho việc ban Chúa Thánh Thần. Nghi thức đó tiếp tục được sử dụng ngày nay trong phần lớn hơn của các Giáo hội phương Đông.

“Ở phương Tây, có các chứng tá rất cổ xưa liên quan đến phần Khai tâm Kitô giáo, mà sau đó được công nhận rõ ràng là Bí tích Thêm sức. Có các chỉ thị cho việc thực hiện nhiều nghi thức sau khi rửa tội và trước bữa ăn Thánh Thể – thí dụ, xức dầu, đặt tay, thêm sức – có cả trong các tài liệu phụng vụ và trong nhiều chứng tá của các Giáo phụ. Do đó, qua nhiều thế kỷ, các câu hỏi và nghi ngờ đã nảy sinh về những gì thuộc về sự chắc chắn đối với bản chất của Nghi thức Thêm sức. Tuy nhiên, đáng nói đến, ít nhất là một số yếu tố, từ thế kỷ XIII trở về sau, trong các Công đồng chung và các tài liệu của các Giáo hoàng, đã đưa ra ánh sáng tầm quan trọng của việc xức dầu với Dầu Thánh, nhưng đồng thời không cho phép việc đặt tay bị lãng quên.

“Vị tiền nhiệm của chúng tôi, Đức Innocent III đã viết: ‘Sự xức dầu trên trán với Dầu Thánh biểu thị cho việc đặt tay, mà tên gọi khác phép Thêm sức, bởi vì qua đó Chúa Thánh Thần được ban để được tăng trưởng và sức mạnh.’ Một vị tiền nhiệm khác là Đức Innocent IV nhắc lại rằng các Tông đồ đã ban Thánh Thần ‘thông qua việc đặt tay, mà phép Thêm sức hoặc việc xức dầu thánh lên trán là đại diện.’ Trong lời tuyên xưng đức tin của Hoàng đế Michael Palaeologus đọc tại Công đồng Lyons thứ hai, đề cập đến Bí tích Thêm sức, rằng ‘Các Giám mục ban bằng cách đặt tay, xức dầu với dầu thánh cho những người đã chịu phép rửa.’ Sắc lệnh cho người Armenia, do Công đồng Florence ban hành, tuyên bố rằng ‘chất thể’ của Bí tích Thêm sức là ‘Dầu thánh được làm từ dầu ô liu và balsam’ và, trích dẫn lời của sách Công vụ Tông đồ liên quan đến thánh Phêrô và thánh Gioan, là những vị đã ban Thánh Thần qua việc đặt tay (xem Cv 8:17), và nói thêm:

‘Trong Hội Thánh, khi đặt tay, Thêm sức được ban.’ Công đồng Trentô, mặc dù nó không có ý định định nghĩa Nghi thức chính yếu của phép Thêm sức, chỉ định nó cách đơn giản bởi thuật ngữ ‘Dầu thánh của phép Thêm sức.’ Giáo Hoàng Biển Đức XIV đã đưa ra tuyên bố này: ‘Vì vậy, hãy nói điều này, không có gì phải bàn cãi: trong Giáo hội Latinh, Bí tích Thêm sức được ban bằng cách sử dụng Dầu Thánh, hoặc dầu ô liu trộn lẫn với balsam, và được Đức Giám mục làm phép, và bởi thừa tác viên ban bí tích bằng cách vẽ hình Thánh giá lên trán của người nhận, trong khi thừa tác viên ấy đọc lời của công thức.

“Sau khi xem xét các tuyên bố và truyền thống này, nhiều tiến sĩ thần học cho rằng để cho việc ban phép Thêm sức hợp lệ, buộc phải xức dầu thánh bằng ngón tay xức lên trán. Tuy nhiên, trong các nghi thức của Hội Thánh Latinh, việc đặt tay lên người được Thêm sức trước khi xức dầu cho họ bằng dầu thánh là luôn được quy định.

“Hơn nữa, liên quan đến lời của nghi thức, mà qua đó Chúa Thánh Thần được ban xuống, cần lưu ý rằng, trong Hội Thánh thời non trẻ, thánh Phêrô và thánh Gioan, để hoàn thành việc khai tâm cho các người đã được rửa tội ở Samaria, đã cầu nguyện cho họ để họ có thể nhận được Chúa Thánh Thần, và sau đó đặt tay lên họ (xem Cv 8: 15-17). Ở phương Đông, các dấu vết đầu tiên của cụm từ ngữ “ấn tín ơn Chúa Thánh Thần’ xuất hiện trong thế kỷ IV và V. Cụm từ ngữ này nhanh chóng được Giáo hội Constantinople chấp nhận và vẫn được sử dụng trong các Giáo hội Nghi lễ Byzantine.

“Tuy nhiên, ở phương Tây, các lời của nghi thức hoàn thành Bí tích Rửa tội ít được giải quyết cho đến thế kỷ XII và XIII. Nhưng trong Sách Nghi thức Rôma ở thế kỷ XII, công thức mà sau này trở nên phổ biến lần đầu tiên xuất hiện: ‘Cha ghi dấu Thánh giá cho con và Thêm sức cho con với dầu thánh cứu độ. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.’

“Từ những gì chúng tôi đã nhắc lại, rõ ràng là trong việc ban phép Thêm sức ở phương Đông và phương Tây, mặc dù theo cách khác nhau, vị trí quan trọng nhất đã được chiếm giữ bởi sự xức dầu thánh, vốn theo một cách nào đó đại diện cho việc tông đồ đặt tay. Vì việc xức dầu thánh này biểu thị một cách hợp lý sự xức dầu thiêng liêng của Chúa Thánh Thần, Đấng được ban cho các tín hữu, Chúng tôi muốn khẳng định sự tồn tại và tầm quan trọng của nó.

“Về các từ được đọc khi xức dầu thánh, Chúng tôi đã xem xét là nó xứng đáng với phẩm giá của công thức đáng kính được sử dụng trong Hội Thánh Latinh, nhưng chúng tôi đánh giá cao cho công thức rất cổ xưa thuộc về Nghi lễ Byzantine, mà qua đó ân ban của chính Chúa Thánh Thần được bày tỏ, và sự tuôn tràn của Thánh Linh vào ngày Lễ Ngũ Tuần (xem Cv 2: 1-4, 38) được nhắc lại trong tâm trí. Do đó, chúng tôi chọn công thức này, lấy lại hầu như từng chữ một.

“Vì vậy, để cho việc sửa đổi Nghi thức Thêm sức, như là phù hợp, bao gồm cả bản chất của nghi thức bí tích, bởi Quyền Tông đồ Tối thượng của chúng tôi, Chúng tôi quyết định và đặt ra rằng trong Hội Thánh Latinh, các điều sau đây phải được tuân giữ cho tương lai:

“Bí tích Thêm sức được ban thông qua việc xức dầu với dầu thánh trên trán, vốn được thực hiện bằng cách đặt tay, và qua các từ ngữ: Accipe signaculum Doni Spiritus Sancti (Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần.)

“Tuy nhiên, việc đặt tay trên người lãnh bí tích, được thực hiện với lời nguyện quy định trước khi xức dầu thánh, ngay cả khi nó không phải là điều cốt yếu của nghi thức bí tích, vẫn được coi là rất quan trọng, vì nó góp phần vào sự hoàn thành nghi thức và vào sự hiểu biết kỹ hơn về Bí tích. Rõ ràng là việc đặt tay trước này khác với việc đặt tay sau trong việc xức dầu thánh lên trán.

“Sau khi thiết lập và tuyên bố tất cả các yếu tố này liên quan đến nghi thức thiết yếu của Bí tích Thêm sức, Chúng tôi cũng chấp thuận, bởi Quyền Tông đồ Tối thượng của chúng tôi, Sách Nghi Thức (Ordo) cho cùng Bí tích này, được sửa đổi bởi Thánh Bộ Phượng tự và Kỷ luật Bí Tích, sau khi tham khảo ý kiến của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và Thánh Bộ Phúc âm hoá cho các Dân tộc, về các vấn đề thuộc thẩm quyền của họ. Ấn bản Latinh của Sách Nghi thức này chứa hình thức bí tích mới sẽ có hiệu lực, ngay khi nó được xuất bản; các ấn bản bằng các ngôn ngữ địa phương, được soạn thảo bởi các Hội đồng Giám mục và được Tòa thánh phê chuẩn, sẽ có hiệu lực vào ngày mỗi Hội đồng Giám mục quyết định. Sách Nghi Thức cũ có thể được sử dụng cho đến cuối năm 1972. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-1973, chỉ có Sách Nghi Thức mới được sử dụng bởi các người hữu quan.”

Bí tích Thêm sức được cử hành theo cách như sau:

“26. Phó tế hoặc linh mục mang dầu thánh đến cho giám mục. Mỗi ứng viên tiến đến Giám mục, hoặc Giám mục có thể đi đến từng ứng viên. Người giới thiệu ứng viên đặt bàn tay phải của mình lên vai ứng viên và nói tên ứng viên cho Giám mục, hoặc ứng viên có thể nói tên của mình.

“27. Đức Giám mục nhúng ngón cái tay phải của mình vào dầu thánh, và làm dấu thánh giá trên trán của người được Thêm sức, và nói:

“Giuse…, con hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần.

Người mới được Thêm sức trả lời: Amen.

Giám mục nói: Bình an của Chúa ở cùng con.”

Cần lưu ý rằng nghi thức mới, trong khi hợp nhất việc xức dầu bằng việc đặt tay, không còn quy định rằng vị chủ lễ đặt tay phải lên đầu ứng viên như trong hình thức ngoại thường. Sự khác biệt này đã khiến một số nhà thần học bí tích đặt câu hỏi về sự rõ ràng của nghi thức hiện tại, liên quan đến việc đặt tay và đề nghị phục hồi việc này. Trong thực tế, nhiều Giám mục vẫn tiếp tục đặt tay theo cách trước đây. Tuy nhiên, nếu ngài chỉ sử dụng ngón tay cái lên trán, thì đây cũng sẽ là sự đặt tay.

Các điều này, tôi tin rằng, là các lý do thần học cơ bản cho việc tại sao một dụng cụ không thể được sử dụng trong phép Thêm sức.

Cũng có một số nhà thần học, khi sử dụng các lập luận lịch sử và phụng vụ, cho rằng, ít nhất là về lý thuyết, có thể sử dụng một dụng cụ. Tuy nhiên, vì chúng ta đụng đến các câu hỏi về tính hợp lệ của bí tích, nên câu hỏi này không thể được trả lời trên cơ sở mục vụ. Nó chỉ có thể được quyết định bởi Quyền Tối thượng của Hội Thánh, và có lẽ sẽ cần một tài liệu về mức độ của một tông hiến để làm ra sự thay đổi, và chỉ khi sự thay đổi này được coi là có thể và ở trong quyền của Hội Thánh đối với các bí tích mà thôi. (Zenit.org 21-4-2020)

Nguyễn Trọng Đa