TÌNH HUYNH ĐỆ CỦA TÍN NGƯỠNG
FRATELLI TUTTI – MỘT SỨ ĐIỆP LIÊN TÔN
Tác giả: Lm. Paulus Ý
- Gặp gỡ và đối thoại liên tôn cho một thế giới đại đồng
Đức Thánh Cha đã mở đầu thông điệp của ngài với thánh Phanxicô thành Assisi. Chính vị thánh của tình huynh đệ, của sự giản dị và niềm vui này đã từng truyền cảm hứng cho Đức Thánh Cha viết thông điệp Laudato Si’, nay lại thúc đẩy ngài viết Fratelli Tutti, thông điệp của “tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội” (FT 2)[1]. Rồi để kết thúc thông điệp Đức Thánh Cha đã đề cao nền tu đức và cuộc đời của Á Thánh Charles de Foucauld, người đã sống lý tưởng tận hiến cho Thiên Chúa bằng việc chấp nhận đến sống giữa những người nghèo khổ bị bỏ rơi trong lòng sa mạc Phi Châu. Chính khi “đồng hoá với anh chị em đồng loại bé nhỏ nhất này, cuối cùng ngài đã trở thành anh em của tất cả mọi người” (FT 287). Câu cuối của Fratelli Tutti là một lời nguyện diễn tả ao ước của Đức Thánh Cha để lý tưởng biến thành người anh em đại đồng của Charles de Foucauld trở nên con đường nên thánh cho tất cả các Kitô hữu – “Xin Thiên Chúa khơi dậy ước nguyện này nơi mỗi người chúng ta. Amen” (FT 287).
Tuy nhiên, nếu để ý và quan sát kỹ, người đọc sẽ nhận ra có một tên tuổi, một nhân vật, đóng một vai trò khá quan trọng trong thông điệp này, như chính Đức Thánh Cha đã thổ lộ ngay từ đầu thông điệp, “nếu khi soạn thảo Laudato Si’ tôi đã tìm được nguồn cảm hứng từ người anh em của tôi là Đức Bartôlômêô, Thượng phụ Chính Thống giáo, người đã mạnh mẽ cổ võ cho việc bảo vệ thế giới tạo thành, thì lần này, tôi cảm thấy được khích lệ bởi vị Đại giáo trưởng Ahmad Al-Tayyeb mà tôi đã gặp tại Abu Dhabi…” (FT 5).
Thật vậy để quảng diễn chủ đề chính và lớn, là tình huynh đệ phổ quát của toàn thể nhân loại, Fratelli Tutti tương đối đã trải rất dài và rộng trên nhiều lãnh vực và đề tài nhỏ khác nhau liên quan đến cuộc sống và định mệnh chung của con người trong thế giới hôm nay. Trong suốt chiều dài của thông điệp, rất nhiều lần đã xuất hiện các suy tư và tuyên bố chung của Đức Thánh Cha với Đại Giáo Trưởng Ahmad Al-Tayyeb. Nói cách khác Đức Thánh Cha đã để cho vị Đại Giáo Trưởng đồng hành với ngài trong những trăn trở lo âu cũng như trong các viễn cảnh hy vọng tương lai hướng đến một tình huynh đệ có tính cách đại đồng cho toàn thể nhân loại.
Ngay từ đầu thông điệp, khi dẫn nhập lý tưởng của tình huynh đệ không biên giới giữa con người, Đức Thánh Cha đã đề cập đến Tài Liệu về Tình Huynh Đệ Nhân Loại cho việc Chung Sống và Hoà Bình Thế Giới mà ngài đã ký chung với Đại Giáo Trưởng Ahmad Al-Tayyeb tại Abu Dhabi ngày 4 tháng 2 năm 2019.[2] Đức Thánh Cha cũng đã định hướng rõ ràng rằng Fratelli Tutti là sự khai triển những chủ đề quan trọng được đề cập trong văn kiện mà hai vị lãnh đạo tôn giáo đã cùng nhau ký kết (x. FT 5). Khi khẳng định tuyên bố chung này không đơn thuần là một văn bản ngoại giao nhưng là một suy tư phát sinh từ cuộc đối thoại và dựa trên một cam kết chung, Đức Thánh Cha dùng chính ngôn ngữ của tài liệu để nhắc lại rằng Thiên Chúa “đã tạo dựng nhân loại, tất cả đều bình đẳng với nhau về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, đồng thời đã kêu gọi họ cùng chung sống với nhau như anh em” (FT 5).
Cùng với Đại Giáo Trưởng Ahmad Al-Tayyeb, Đức Thánh Cha cũng đã quan sát và diễn tả trong Fratelli Tutti về sự phát triển không quân bình của nhân loại trong hệ thống toàn cầu hoá hôm nay. Sự bất quân bình này dường như đang dẫn thế giới về một tương lai yếu kém nhân bản và thiếu vắng tình người (x. FT 29). Hai ngài đã trân trọng những phát triển tích cực trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, y tế, công nghiệp và phúc lợi, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên hai ngài đã nhấn mạnh rằng, song song với các tiến bộ lớn lao, xuất hiện tình trạng suy thoái đạo đức, ảnh hưởng đến các hoạt động quốc tế và làm cho những giá trị tinh thần cùng ý thức trách nhiệm bị suy yếu. Hai ngài đã đề cập đến sự bùng phát của các căng thẳng quốc tế, sự tăng cường chế tạo vũ khí đạn dược, trong bối cảnh thế giới đầy tràn những bất ổn, thất vọng, lo sợ cho tương lai, hơn nữa còn bị điều khiển bởi những lợi ích kinh tế thiển cận. Hai ngài đã nhận diện những cuộc khủng hoảng chính trị nổi bật, những bất công và tình trạng thiếu công bằng trong việc phân phối nguồn tài nguyên thiên nhiên. Những khủng hoảng này đã khiến hàng triệu trẻ em chết vì suy dinh duỡng và nghèo đói. Theo hai ngài, sự thụ động quốc tế trước tình trạng này là “một sự im lặng không thể chấp nhận được” (FT 29).
Là đại diện cho Kitô giáo, một tôn giáo cho dầu có nguồn gốc từ phương Đông,[3] đã đâm rễ sâu và ảnh hưởng rõ nét trên đời sống và văn hoá của phương Tây, Đức Phanxicô muốn sự gặp gỡ của ngài với Đại giáo trưởng Ahmad Al- Tayyeb một cách nào đó xác nhận mối quan hệ không thể chia lìa giữa hai nền văn hoá Đông và Tây. Đang lúc có nhiều khai thác những khác biệt vì lợi ích chính trị hay thương mại, hai ngài cổ võ việc trao đổi và đối thoại giữa Đông và Tây, hướng đến sự phong phú cho văn hoá và cuộc sống chung. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại giáo trưởng Ahmad Al- Tayyeb,
“phương Tây có thể khám phá nơi văn minh phương Đông những phương dược cho một số căn bệnh tâm linh và tôn giáo gây ra bởi sự thống trị của chủ nghĩa duy vật. Và phương Đông có thể tìm thấy nơi phương Tây nhiều yếu tố có thể giúp giải thoát khỏi sự yếu nhược, chia rẽ, xung đột cùng với sự yếu kém về khoa học, kỹ thuật và văn hóa. Cần phải quan tâm đến các khác biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử, vốn là thành tố cốt yếu trong việc định hình nhân cách, văn hóa, và văn minh của phương Đông. Cũng cần phải củng cố các quyền căn bản của con người, nhằm góp phần bảo đảm một đời sống có phẩm giá cho mọi người ở phương Đông và phương Tây, tránh những chính sách với chuẩn mực nước đôi” (FT 136).
Trong khi quan sát và suy tư về cuộc sống chung trong khung cảnh của một nhân loại càng lúc càng tiến lại gần nhau, Fratelli Tutti đã cảnh báo các hình thức bất khoan dung cực đoan đang tác hại các mối tương quan giữa các cá nhân, các nhóm và các dân tộc. Thực vậy, sự cuồng tín phát xuất từ não trạng hẹp hòi cùng sự phân hóa xã hội và văn hóa đã là nguyên nhân cho những xung đột dẫn đến chiến tranh cho thế giới hôm nay. Trong bối cảnh này, Fratelli Tutti đã đề cao “lòng bác ái chính trị”[4]. Đây là một từ ngữ và ý niệm tương đối mới và độc sáng xuất hiện trong thông điệp, được dùng để chuyển tải một phương dược chữa lành các xung đột chính trị và giúp định hướng cho các chính sách chung. Lòng bác ái chính trị đòi hỏi chính trị gia đi bước trước để các tiếng nói khác nhau được lắng nghe. Lòng bác ái chính trị cũng giúp mọi người dấn thân sống và quảng bá giá trị của việc tôn trọng người khác, chấp nhận sự khác biệt và đặt phẩm giá con người vượt trên tất cả, ngay cả lỗi lầm và tội phạm (x. FT 191). Đây cũng là quan điểm chung của Đức Thánh Cha và Đại giáo trưởng Ahmad Al- Tayyeb. Hai ngài đã đồng thanh kêu gọi “các nhà hoạch định chính sách quốc tế và kinh tế thế giới, hãy tích cực truyền bá văn hóa khoan dung và chung sống hòa bình; hãy can thiệp sớm nhất có thể để ngăn chặn việc đổ máu người vô tội”.[5]
Các suy tư chung của hai vị lãnh đạo tôn giáo có thể nói được là đã bàng bạc trong khắp thông điệp, nhưng đặc biệt cô đọng lại để đi đến kết luận trong một lời kêu gọi chung khẩn khoản gởi đến toàn thế giới, nơi chương cuối cùng của thông điệp với chủ đề Các Tôn Giáo Phục Vụ Tình Huynh Đệ trong Thế Giới Chúng Ta. Nói cách khác chương tám của Fratelli Tutti được xem như phần chính cho nỗ lực gặp gỡ và đối thoại tôn giáo hướng đến viễn cảnh huynh đệ đại đồng của nhân loại trong một nền hoà bình đích thực. Nền tảng chính cho cuộc đối thoại này là niềm xác tín rằng các tôn giáo đích thực đều muốn góp phần xây dựng tình huynh đệ và bảo vệ công lý xã hội, khởi đi từ sự tôn trọng mỗi con người như một thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi làm con của Ngài. Trong nhãn quan này, những con người của lòng tín ngưỡng đối thoại với nhau không chỉ để tỏ ra biết ngoại giao, hòa nhã hay khoan dung, nhưng họ tìm đến với nhau trong sự hài hoà gắn bó của niềm tin, để chia sẻ các giá trị và kinh nghiệm tâm linh và đạo đức trong tinh thần mến yêu và tôn trọng sự thật (x. FT 271).
Để làm nổi bật nền tảng tối hậu của tín ngưỡng trong việc kiến tạo hoà bình và tình huynh đệ đại đồng, Fratelli Tutti đã khẳng quyết rằng “chỉ với ý thức chúng ta là con chứ không phải là những trẻ mồ côi, thì chúng ta mới có thể sống hòa thuận với nhau” (FT 272). Tín ngưỡng giúp con người nhìn nhận nhau là anh chị em vì cùng một người cha là Đấng Tạo Thành. Niềm xác tín này hết sức quan trọng vì nó quy tụ tất cả mọi người của lòng tín ngưỡng bằng giây liên kết của căn tính bất khả xâm phạm là phẩm giá siêu việt của con người trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. Một khi con người chối bỏ hay muốn thay thế địa vị của Thiên Chúa thì điều đương nhiên là họ cũng phủ nhận giá trị siêu việt nơi chính mình và đồng loại. Sự bất khoan dung của chủ trương vô thần dưới bất cứ hình thức nào, khi từ chối Thiên Chúa là cha chung, đều là sự khởi đầu cho bạo quyền thống trị bởi vì nó đặt lợi ích của giai cấp, đảng phái, tập thể hay quốc gia vào thế chống đối lẫn nhau. Trước vấn nạn này cùng với Đại giáo trưởng Ahmad Al- Tayyeb, Đức Thánh Cha quan sát
“… trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến thế giới ngày nay khủng hoảng là chuyện lương tâm con người trở nên chai cứng, là việc xa rời các giá trị tôn giáo và sự thắng thế của chủ nghĩa cá nhân cùng các triết lý duy vật, chủ trương thần thánh hóa con người, cũng như đưa những giá trị thế trần và vật chất lên vị trí những nguyên lý tối cao siêu việt”.[6]
Thật vậy, khi các kinh nghiệm và suy tư khôn ngoan của tín ngưỡng phát sinh từ các truyền thống tôn giáo lâu đời bị xem thường và gạt ra ngoài lề xã hội, phẩm giá và quyền lợi đích thực của mỗi nhân vị cũng sẽ không được tôn trọng. Thông điệp xác định rằng con người là chủ thể của các quyền lợi không ai được phép xâm phạm, thậm chí cả khi người ta nhân danh đa số hay nhân danh các ý thức hệ. Lòng tín ngưỡng chân thật và nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa mang lại lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên lịch sử và thực tế cho thấy tín ngưỡng nhiều lần đã bị các ý thức hệ lợi dụng hoặc thậm chí niềm tin tôn giáo biến thành một công cụ của ý thức hệ để đối đầu với nhau trong lòng tôn giáo hay đối đầu với các tôn giáo khác dưới hình thức các cuộc “thánh chiến”.[7] Theo Fratelli Tutti điều xảy ra bởi vì
“khi nhân danh một ý thức hệ, là người ta có ý loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi xã hội, rốt cuộc người ta sẽ đi đến chỗ tôn thờ ngẫu tượng, và chẳng bao lâu sẽ lạc đường, đồng thời phẩm giá của họ sẽ bị chà đạp và quyền lợi của họ sẽ bị xâm phạm. Quý vị đã quá rõ sự phủ nhận tự do của lương tâm và tự do tôn giáo đã gây ra biết bao đau khổ, và những vết thương này khiến cho nhân loại trở nên cùng khốn vì thiếu niềm hy vọng và những lý tưởng dẫn đường” (FT 274).
Đại giáo trưởng Ahmad Al- Tayyeb và Đức Thánh Cha đã đạt đến sự đồng thuận rằng việc thờ phượng Thiên Chúa trong chân thành và khiêm nhu nơi các tôn giáo không chấp nhận kỳ thị, hận thù và bạo lực, nhưng đem lại sự tôn trọng tính thánh thiêng của sự sống, sự tôn trọng phẩm giá và tự do của tha nhân, và sự dấn thân hết tình lo cho hạnh phúc của mọi người. Đáng buồn là lịch sử của nhân loại không thiếu những lần tín ngưỡng biến thành sự cuồng tín bị lợi dụng cho các mục đích bất nhân và bạo lực. Trong thế giới hiện đại, hiện Hồi Giáo đang bị lạm dụng bởi các thế lực khủng bố tạo nên sự chết chóc và tàn phá nhiều nơi trên thế giới. Đứng trước nạn khủng bố mỗi lúc một gia tăng, hai nhà lãnh đạo tôn giáo đã đồng thanh tuyên bố hết sức mạnh mẽ rằng:
“chủ nghĩa khủng bố là đáng bị ghét bỏ, vì nó đe dọa sự an toàn của con người – dù ở Đông hay Tây, Nam hay Bắc – và gieo rắc kinh hoàng, sợ hãi và bi quan, nhưng những điều này không phát xuất từ tôn giáo, ngay cả khi các kẻ khủng bố có lợi dụng danh nghĩa tôn giáo. Đúng hơn, chính do việc tích tụ dần những diễn giải sai lạc về các bản văn tôn giáo, và do hậu quả của những chính sách gây ra đói nghèo, bất công, áp bức và ngạo mạn. Bởi đó cần phải ngăn chặn sự hậu thuẫn của những phong trào khủng bố, bằng cách cắt nguồn cung cấp tài chánh, vũ khí, kế hoạch hoặc sự tuyên truyền biện minh và che đậy của truyền thông, đồng thời phải coi tất cả những điều này như những tội ác quốc tế đe dọa an ninh và hòa bình thế giới. Cần phải lên án nạn khủng bố như thế dưới mọi hình thái và cách thức biểu lộ của nó…”[8]
Đối diện với một khung cảnh nhiều khi rất ảm đạm của một thế giới đang bị tàn phá vì bạo lực khủng bố nhân danh sự cuồng tín, hai nhà lãnh đạo tôn giáo đã tự nhận trách nhiệm, khi công nhận nhiều lúc “bạo lực mang tính bảo thủ cực đoan được dung dưỡng trong ít nhiều nhóm, thuộc bất cứ tôn giáo nào, bởi sự bất cẩn của những người lãnh đạo” (FT 284). Tuy nhiên, với niềm xác tín rằng huấn lệnh hòa bình được khắc sâu trong các truyền thống tôn giáo, Fratelli Tutti đã trở thành một lời kêu gọi được gởi đến các vị lãnh đạo tôn giáo trên toàn thế giới:
“Trên cương vị những nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng ta được mời gọi trở thành ‘những người đối thoại’ thực sự, để hợp tác trong việc kiến tạo hòa bình, không phải như những kẻ môi giới, nhưng như những người hòa giải đích thực. Những kẻ môi giới tìm cách cho mọi người được hưởng phần giảm giá, nhưng rốt cuộc chính những kẻ môi giới thu được những món lợi lớn hơn nhiều. Trái lại, các nhà hòa giải là những người không mưu cầu cho mình bất cứ điều gì, nhưng quảng đại bỏ công sức ra vận động và chỉ biết tìm mối lợi duy nhất là hòa bình. Mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên nghệ nhân kiến tạo hòa bình, bằng cách hợp nhất chứ không chia rẽ, dập tắt hận thù chứ không nuôi dưỡng, mở ra những nẻo đường đối thoại chứ không xây thêm những bức tường ngăn cách…” (FT 284).
- Tinh thần đối thoại của Vatican II trong Fratelli Tutti
Có lẽ sẽ rất thú vị và đồng thời cũng giúp mở rộng những chiều kích khác cho dòng suy tư, nếu người đọc nhận ra sự hòa điệu tuy kín đáo nhưng thật khắng khít giữa chương tám của Fratelli Tutti và giáo huấn mà các văn kiện quan trọng của Công Đồng Vatican II đã gởi đến con người và thế giới hiện đại liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo. Khi nhìn thấy Giáo Hội cũng như tôn giáo nhiều lúc bị bỏ sang một bên, khi “trong những cuộc tranh luận công khai, chỉ những người quyền thế và các nhà khoa học mới được lên tiếng” (FT 275), Fratelli Tutti đã dùng giáo huấn và lập trường của Gaudium et Spes, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, để lập lại thế quân bình trong quan hệ giữa Giáo Hội nói riêng và tôn giáo nói chung với xã hội chính trị.
Lấy kinh nghiệm từ chính lịch sử của Giáo Hội, các nghị phụ của Công Đồng Vatican II đã xác nhận sự quan trọng của mối tương quan giữa cộng đoàn chính trị và tôn giáo. Sự trộn lẫn giữa thần quyền và thế quyền trong lịch sử cũng như trong hiện tại nhiều khi đã gây ra những lạm dụng và xâm phạm không cần thiết và nguy hiểm. Ngược lại sự chia cách và đối nghịch của hai thực tại này trong nhiều trường hợp đã đem đến những mất mát đáng tiếc cho xã hội và thế giới. Điều cần thiết là phải có sự phân biệt minh bạch giữa bổn phận trần thế trong tư cách là công dân và những hành động của lòng tín ngưỡng nơi một con người. Cũng vậy, cộng đoàn tôn giáo không được để bị đồng hoá với một cộng đoàn chính trị hay cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào, để tôn giáo nói chung và Giáo Hội nói riêng, luôn là dấu chỉ vừa là đảm bảo cho tính cách siêu việt của con người.
Cộng đoàn chính trị và cộng đoàn tín ngưỡng đều có lãnh vực riêng của mình, độc lập và tự trị. Cho dầu dưới danh hiệu khác nhau, cả hai cùng có chung một mục đích là phục vụ cho con người trong sứ mệnh cá nhân và xã hội. Nếu hai cộng đoàn tự trị này duy trì được sự cộng tác lành mạnh, việc phục vụ lợi ích của con người càng trở nên hữu hiệu hơn. Bởi vì con người là một hữu thể vượt ra khỏi nhãn giới trần gian. Tuy sống trong lịch sử chóng qua, con người vẫn mang một sứ mệnh trường cửu. Với mầu nhiệm Nhập Thể, Kitô giáo luôn nhìn nhận các thực tại trần thế và những thực tại siêu phàm nơi con người liên kết mật thiết với nhau.
Trong chiều kích của một cộng đoàn đức tin, Giáo Hội cũng xử dụng các thực tại trần thế tùy mức độ mà sứ mệnh riêng của mình đòi hỏi, nhưng không bao giờ cậy nhờ vào những đặc ân của thế quyền. Trung thành theo sát Phúc Âm và thi hành sứ mệnh của mình trong thế giới, Giáo Hội phải cổ võ và nâng cao bất cứ điều gì là chân, thiện, mỹ trong cộng đoàn nhân loại. Để chu toàn sứ mệnh của mình giữa và cho nhân loại, bất cứ ở đâu và bất cứ thời nào Giáo Hội cũng phải được tự do rao giảng đức tin, truyền bá học thuyết xã hội của mình. Giáo Hội cũng phải được quyền nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề liên quan đến lãnh vực chính trị khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi. Nhằm mục đích trên, Giáo Hội xử dụng mọi phương tiện và chỉ những phương tiện nào phù hợp với Phúc Âm và lợi ích của mọi người tùy theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau. Làm như thế tức là Giáo Hội xây dựng hòa bình cho con người để làm vinh danh Thiên Chúa (x. GS 76).
Lập trường và giáo huấn của Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spes) được xác định và cập nhật hoá cho hoàn cảnh hiện tại của Giáo Hội nói riêng cũng như các cộng đoàn tín ngưỡng khác nói chung, khi thông điệp Fratelli Tutti một lần nữa khẳng quyết:
“… trong khi tôn trọng sự tự trị của sinh hoạt chính trị, Hội Thánh không giới hạn sứ mạng của mình chỉ ở lĩnh vực riêng tư. Ngược lại, Hội Thánh không thể và không được đứng bên lề trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, cũng không được sao nhãng việc khơi dậy năng lực tâm linh có thể góp phần tô điểm làm xã hội thêm xinh tươi… (C)ác giáo sĩ không nên tham gia vào chính trị đảng phái vốn là lĩnh vực riêng của hàng giáo dân, nhưng các giáo sĩ cũng không thể khước từ chiều kích chính trị của cuộc hiện sinh, vốn bao hàm việc không ngừng chú ý đến thiện ích chung và quan tâm đến việc phát triển con người toàn diện. Hội Thánh có vai trò xã hội vượt khỏi các hoạt động bác ái và giáo dục của mình, nhằm thúc đẩy sự thăng tiến của con người và của tình huynh đệ phổ quát… Hội Thánh không có ý tranh giành quyền lực trần thế, nhưng tự cống hiến như một gia đình giữa các gia đình, ấy là gia đình Hội Thánh, sẵn sàng làm chứng cho thế giới hôm nay về lòng tin, về niềm hy vọng và về tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với những ai được Người yêu thương cách riêng…” (FT 276)
Trong nhãn quan này, người đọc có thể nhận thấy một ý nguyện rất rõ của Đức Thánh Cha Phanxicô khi thi hành quyền giáo huấn, đặc biệt trong Fratelli Tutti, là làm nỗi bật lại vai trò của Công Đồng Vatican II như một Lễ Hiện Xuống Mới, theo cách nói của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII,[9] cho đời sống Giáo Hội. Thật vậy, trước Công Đồng Vatican II, Giáo Hội được hiểu là một societas perfecta – một xã hội hoàn hảo với mọi vẻ hào nhoáng trỗi vượt.[10] Để bảo vệ cho vẻ huy hoàng và sự ưu việt này cần có một cơ chế và cấu trúc đóng kín ngăn không cho bất cứ điều gì bên ngoài có thể ảnh hưởng hay xâm phạm tới. Với tâm thức phòng thủ tự vệ này,[11] thế giới được nhìn, hay nói đúng hơn bị kết án, là một nơi của bóng tối và đầy dẫy sự dữ. Cơ cấu đóng kín này nói lên hình ảnh của cộng đoàn các môn đệ trước khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Theo Phúc Âm thánh Gioan, vào buổi sáng Phục Sinh “nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì… sợ người Do-thái”. Trong bối cảnh trốn lánh sợ hãi này, Đức Kitô Phục Sinh đã vượt qua các bức tường và cánh cửa đóng kín để đến ban bình an và ơn Thánh Thần cho các môn đệ (x. Ga 20,19-22). Và rồi đến ngày lễ Ngũ Tuần với biến cố Hiện Xuống, căn nhà Giáo Hội đã bắt đầu mở tung mọi cửa để lời rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô vang ra cho toàn thế giới, để cho mọi nước mọi dân “đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv 2,11). Fratelli Tutti lập lại ước muốn mở cửa đối thoại với thế giới của Thánh Công Đồng Vatican II khi Đức Thánh Cha khẳng định Giáo Hội của Đức Kitô phải tiếp tục “là một ngôi nhà luôn mở rộng cửa… chúng ta muốn là một Hội Thánh phục vụ, biết ra khỏi nhà và ra khỏi nơi phụng tự của mình, ra khỏi phòng thánh của mình, hầu có thể đồng hành với đời, nâng đỡ niềm hy vọng, làm dấu chỉ cho sự hiệp nhất, xây dựng những cây cầu, phá đổ các bức tường, gieo những hạt giống hòa giải” (FT 276)
Khi mở rộng cửa bước ra khỏi nhà, những người tin vào Đức Kitô sẽ gặp đủ mọi hạng người với những xác tín về giá trị linh thánh khác nhau, cũng như họ phải giao tiếp với anh chị em đồng loại đang thực hành tín ngưỡng nơi các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Fratelli Tutti xác định lại ơn gọi của Giáo Hội là “thâm nhập mọi thực tại và đã hiện diện suốt bao thế kỷ ở khắp nơi trên thế giới, đó chính là ý nghĩa của từ “công giáo”. Thế nên, từ kinh nghiệm tự thân về ân sủng và tội lỗi, Hội thánh có thể thấu hiểu vẻ đẹp của lời mời gọi sống tình yêu phổ quát. Thực vậy, tất cả những gì thuộc về con người đều có liên quan đến chúng ta… Ở bất cứ nơi đâu, khi hội đồng các dân các nước họp nhau lại, để xác lập về quyền lợi và nghĩa vụ của con người, thì chúng ta luôn lấy làm vinh dự được phép cùng tham gia với họ” (FT 278).
Nhưng để hiểu được chiều kích của việc gặp gỡ của những người có tín ngưỡng khác nhau trong việc đối thoại và hợp tác tôn giáo, trước hết phải đề cập đến quyền tự do tôn giáo. Trong cái nhìn này, chương tám của Fratelli Tutti có thể được xem như một giải thích và nhấn mạnh cho giáo huấn của Công Đồng Vatican II về “quyền tự do của cá nhân và đoàn thể trong lãnh vực tôn giáo là một quyền tự do xã hội và dân sự”[12] và về “liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo”.[13]
Khi đề cập đến quyền tự do tôn giáo, Fratelli Tutti lập luận rằng “là Kitô hữu, chúng ta đòi hỏi cho mình phải được hưởng tự do trong những quốc gia ở đó Kitô hữu là thiểu số, như chính chúng ta tạo thuận lợi cho những người ngoài Kitô giáo tại những nơi họ là thiểu số cũng được hưởng tự do” (FT 279). Có thể nói được, đại diện cho Huấn Quyền của Giáo Hội Đức Thánh Cha đã chọn cách tiếp cận và đặt vấn đề tự do tôn giáo một cách tương đối mới và độc sáng theo đúng theo tinh thần của Dignitatis Humanae, Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo của Vatican II.
Thực ra, cách đặt vấn đề và lời kêu gọi tự do tôn giáo của Fratelli Tutti, cũng như giáo huấn của Dignitatis Humanae, có lẽ đã không tạo sự suy nghĩ nào, nói cách khác đã không gây phản cảm nơi các Kitô hữu đang thực hành đức tin tại Việt Nam. Giống như các cộng đoàn Kitô thiểu số khác, đối với người Kitô hữu Việt, khi nói đến quyền tự do tôn giáo là chúng ta đòi hỏi chính quyền (vô thần) và xã hội (đa tôn giáo) phải cho phép Kitô giáo (thiểu số) được hưởng các quyền thực hành và quảng bá tôn giáo của mình cách tự do và công bình. Tuy nhiên ở các xã hội mà đa số công dân là Kitô hữu hay Kitô giáo đã là quốc giáo thì tự do tôn giáo có nghĩa rằng người Kitô hữu trong tinh thần công bình và bác ái phải tôn trọng quyền tự do lương tâm của tất cả mọi con người, kể cả những kẻ vô thần, và phải để các tín đồ các tôn giáo ngoài Kitô hưởng đầy đủ quyền lợi và tự do để tin và sống tín ngưỡng của mình.
Nguyên tắc và những đòi hỏi này đã là nguyên nhân và bối cảnh cho các cuộc tranh luận rất dài và căng thẳng trước khi Dignitatis Humanae được công nhận là văn bản của Huấn Quyền tại Công Đồng Vatican II.[14] Bản văn của Dignitatis Humanae nguyên thuỷ là chương cuối (chương 5) của Ut Sint Unum, văn kiện về Hiệp Nhất Kitô Giáo, và lược đồ của văn kiện đã được đưa ra để các Nghị Phụ thảo luận ngay trong kỳ họp đầu tiên của Công Đồng, từ ngày 26 tháng 11năm 1962. Tuy nhiên, sau đó chương 5 của Ut Sint Unum đã được tách ra thành một lược đồ độc lập cho chủ đề tự do tôn giáo và đã được các nghị phụ thảo luận riêng biệt từ ngày 23 tháng 09 năm 1964 trong kỳ họp thứ 4. Cho mãi đến ngày 07 tháng 12 năm 1965, tức một ngày trước khi Công Đồng bế mạc, Dignitatis Humanae mới được bỏ phiếu chấp nhận với 2308 phiếu thuận và 70 phiếu chống.[15]
Thật sự Công Đồng Vatican II đã được triệu tập trong bối cảnh toàn thể nhân loại, cho dầu đã gần 20 năm sau ngày chiến tranh chấm dứt, vẫn chưa hết bàng hoàng về cơn ác mộng vừa trải qua trong Đệ Nhị Thế Chiến. Lo lắng cho sự tồn vong của nhân loại và để chắc chắn con người trên trái đất không còn phải chứng kiến sự chết chóc và tàn phá khủng khiếp của một thế chiến mới, Liên Hiệp Quốc đã được thành hình ngay sau các hiệp ước kết thúc chiến tranh được ký kết. Để bảo đảm cho nhân phẩm và sự sống của con người không còn bị khinh thường chà đạp, và để cho “mọi con người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi” (Điều 1), bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đã được ký kết và ban hành ngày 10 tháng 12 năm 1948, trong đó quyền tự do lượng tâm và tôn giáo được qui định:
“Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng” (Đ.16).
Nhắc lại điều 16 của bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc để thấy rằng Dignitatis Humanae thực ra đã không là một văn kiện quá mới mẻ hay có tính cách mạng về quyền tự do của con người trong bối cảnh của lịch sử và thế giới. Các nghị phụ của Vatican II đã không tuyên bố điều gì mới hơn là xác định quyền tự do tôn giáo đã được Liên Hiệp Quốc công bố và bảo vệ. Thực vậy, sau khi quan sát rằng con người thời đại càng lúc càng ý thức mãnh liệt và đòi hỏi được hưởng quyền tự quyết và tự do chọn trách nhiệm, không bị chi phối bởi một áp lực nào, Dignitatis Humanae nhìn nhận:
“con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này hệ tại con người không bị chi phối vì sự cưỡng bách của cá nhân, đoàn thể xã hội hay bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý nghĩa đó, trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng. Hơn nữa, Thánh Công Ðồng còn tuyên bố rằng tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên phẩm giá con người, một phẩm giá đúng như lời Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết được. Quyền tự do tôn giáo của con người trong cơ cấu pháp lý của xã hội phải được chấp nhận là một quyền lợi dân sự” (DH 2).
Đối với người tín hữu Việt, giáo huấn này của Dignitatis Humanae xem ra rất đơn thuần và minh bạch. Tại sao cần thời gian và những cuộc tranh luận lâu dài trước khi văn kiện được chấp thuận để trở thành giáo huấn chính thức của Giáo Hội? Và tại sao mãi cho đến hôm nay, gần 60 năm kể từ khi văn kiện được ban hành, cũng vẫn có một số người tự nhận mình là Kitô hữu, nhân danh những giá trị bảo thủ và truyền thống không chấp nhận giáo huấn của Vatican II và một trong những lý do chính là tuyên bố của Giáo Hội về quyền tự do căn bản này của con người?[16] Để có thể lý giải một phần cho tính cách phức tạp của vấn đề, trước hết phải đề cập đến tâm thức làm chủ và điều khiển cuộc tranh luận của văn kiện đến từ những miền đất mà người tín hữu gần như không có kinh nghiệm về một tín ngưỡng ngoài Kitô giáo. Cổ động và bênh vực cho quyền tự do tôn giáo đã không là chuyện đương nhiên cho nhiều quốc gia đã có nền văn hoá Kitô giáo lâu đời, bởi vì điều này bó buộc người Kitô hữu phải chấp nhận cho các quan điểm về tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau, nhiều lúc đối nghịch lại với Kitô giáo, có quyền hiện hữu và phát triển trong xã hội mang bản sắc Kitô giáo. Thêm vào đó là các tiếng nói của các thừa sai truyền giáo đến từ các giáo hội địa phương đang còn là thuộc địa hoặc là cựu thuộc địa của các nước Âu Châu, lo lắng quan ngại cho công cuộc truyền giáo nếu Giáo Hội công nhận tự do tôn giáo và sự bình đẳng cho các tín ngưỡng.[17]
Đang khi các nghị phụ tại Công Đồng, ngay giữa lòng Giáo Hội, còn đang phải đối mặt với nhiều khúc mắc và đang cố gắng tìm ra câu trả lời cho những vấn nạn này thì cả thế giới, hay nói chính xác, một nửa thế giới ngoài Kitô giáo đang chờ đợi và quan sát xem người Kitô hữu có minh bạch và thành thật trong vấn đề này không. Có phải người Kitô chỉ đòi hỏi quyền tự do tôn giáo nơi các xã hội vô thần hay nơi nào người Kitô hữu là thiểu số, ngược lại xem thường hay từ chối khi người Kitô hữu ở thế mạnh hay đa số. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần các nghị phụ cuối cùng đã đạt sự đồng thuận và hoàn tất Dignitatis Humanae, Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo, được xem là một văn kiện độc sáng của lịch sử Giáo Hội trong thể loại này.[18] Tuyên ngôn này trước hết nói lên việc chọn lựa tinh thần mục vụ và đối thoại của Công Đồng Vatican II.[19] Công Đồng không đi ngược lại hay bỏ quên nhiệm vụ chính được giao phó cho Giáo Hội là bảo vệ và rao giảng chân lý về Đức Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất của nhân loại, nhưng Giáo Hội đồng thời cũng bảo vệ quyền tự do lương tâm của mỗi con người trong cách thế họ chọn lựa chân lý và phương thế đạt đến chân lý đó. Thật vậy, trong niềm tin Kitô giáo, lương tâm chính là cung thánh bất khả xâm phạm của mỗi con người.[20] Khi các ý thực hệ vô thần và độc tài luôn tìm cách xâm phạm hay cấm cách ngăn trở lương tâm con người trong ao ước và nỗ lực tìm kiếm chân lý, Giáo Hội đã thẳng thắn và can đảm bảo vệ để con người “có quyền tìm kiếm chân lý trong lãnh vực tôn giáo, để họ dùng những phương tiện thích đáng mà phán đoán đúng đắn và chân thật theo lương tâm một cách khôn ngoan” (DH 3). Trong ý hướng này, Dignitatis Humanae đã kêu gọi mọi người
“phải trung thành tuân theo lương tâm ấy trong mọi hoạt động của mình hầu tiến tới Thiên Chúa là cùng đích. Vì vậy, không ai bị cưỡng bách hành động trái với lương tâm, cũng như không ai bị ngăn cấm hành động theo tiếng lương tâm nhất là trong lãnh vực tôn giáo. Vì việc hành đạo, tự bản chất, trước hết ở tại những hành vi ý chí và tự do bên trong, hướng con người thẳng tới Thiên Chúa. Những hành vi này không thể bị một quyền bính thuần nhân loại nào ép buộc hay ngăn cản…” (DH 3)
Với lập trường trong sáng và vững chắc này, Dignatis Humanae đã đánh tan mọi nghi ngờ của thế giới ngoài Kitô giáo cho rằng cộng đoàn Kitô chỉ cổ động đòi hỏi tự do nơi nào Kitô giáo là thiểu sổ, và thường dững dưng im lặng khi nơi đó Kitô giáo là đa số. Tuy nhiên, hoàn cảnh thực tế hôm nay nhiều lúc xem ra đã đặt người Kitô hữu, đặc biệt tại các xã hội Tây Phương, ở một vị trí và cách suy nghĩ khác. Trong khi các tín đồ thuộc các tôn giáo khác được bảo đảm mọi quyền tự do cũng như được nâng đỡ để thực hành đức tin tại các nước có nền văn minh Kitô giáo, thì ngược lại người Kitô hữu bị cấm cách hay thậm chí bị bách hại tại các nước và các xã hội nơi các tôn giáo khác ảnh hưởng hoặc lãnh đạo. Cho dầu bất cứ điều gì đã và đang xảy ra, Fratelli Tutti vẫn đứng vững với lập trường và giáo huấn của Vatican II về quyền tự do tôn giáo như nền tảng cho một tình huynh đệ đại đồng và một nền hoà bình đích thực:
“Trên hành trình tiến tới tình huynh đệ và hòa bình, không được phép bỏ quên một quyền căn bản của con người. Đó là quyền tự do tôn giáo cho các tín đồ của mọi tôn giáo. Quyền tự do này cho thấy chúng ta có thể xây dựng một sự hòa thuận tốt đẹp giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Nó cũng chứng thực rằng những gì chúng ta có chung với nhau thì rất nhiều và quan trọng đến nỗi chúng ta có thể tìm ra phương cách chung sống yên hàn, trật tự và hòa bình, qua việc chấp nhận những khác biệt của nhau và vui mừng được là anh chị em với nhau, vì chúng ta đều là con của một Thiên Chúa duy nhất” (FT 279).
Thật vậy, người tín hữu Kitô phải tin tưởng tuyết đối và luôn lấy sức mạnh từ Tin Mừng để tiếp cận với anh chị em đồng loại trong các tín ngưỡng và tôn giáo khác với tinh thần cởi mở và đối thoại. Theo Fratelli Tutti, trong lịch sử cũng như hiện tại, các mâu thuẫn khác biệt tôn giáo không bao giờ tạo nên bế tắc nơi tâm trí các Kitô hữu, bởi vì luôn luôn có thể
“tạo nên một tiến trình hòa bình giữa các tôn giáo. Xuất phát điểm của tiến trình đó phải là cách nhìn của Thiên Chúa. Thiên Chúa không thấy bằng đôi mắt nhưng bằng trái tim của Ngài. Và Thiên Chúa yêu hết mọi người, bằng một tình yêu duy nhất, bất kể họ thuộc tôn giáo nào. Dẫu họ có là vô thần, thì Ngài cũng vẫn yêu như vậy. Đến ngày tận thế, khi có đủ ánh sáng để nhìn xem mọi sự trên trần thế này đúng như chúng là, ta sẽ vô cùng ngạc nhiên…” (FT 281)
Điểm độc sáng nỗi bật của Fratelli Tutti chính là việc hai lãnh đạo của hai tôn giáo lớn, Kitô Giáo và Hồi Giáo, trong lịch sử cũng như trong hiện tại có nhiều khác biệt và bất đồng, đã gặp gỡ, đối thoại và làm việc chung trên nền tảng của niềm xác tín mà Công Đồng Vatican II khởi xướng và đề cao:
“Mặc dầu trong quá khứ, giữa Kitô hữu và Tín Ðồ Hồi Giáo có những mối bất hòa và hiềm thù nhau không ít, Thánh Công Ðồng kêu gọi mọi người nên quên đi những chuyện đã qua để cố gắng thành thật tìm hiểu nhau, cùng nhau bảo vệ và cổ võ công bình xã hội, thuần phong mỹ tục cũng như hòa bình tự do cho hết mọi người” (Nostra Aetate 3).
Nói cách khác niềm ao ước cũng như giấc mơ của các nghị phụ Công đồng về tình huynh đệ của tín ngưỡng là nền tảng cho hoà bình của thế giới, đã trở thành hiện thực khi Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại giáo trưởng Ahmad Al- Tayyeb cùng nhau
“kiên quyết tuyên bố rằng: các tôn giáo không bao giờ cổ võ chiến tranh, không kích động lòng hờn căm, sự thù địch và chủ nghĩa cực đoan, cũng không xúi giục bạo lực hoặc đổ máu. Những tai ách này là hậu quả của sự sai trệch khỏi giáo huấn tôn giáo. Chúng phát xuất từ sự thao túng chính trị của các tôn giáo và từ những diễn giải của các nhóm người trong tôn giáo, mà đôi lúc trong lịch sử, họ đã lợi dụng ảnh hưởng của tình cảm tôn giáo trong lòng các thiện nam tín nữ… Thực ra, Thiên Chúa là Đấng Toàn năng, không cần bất cứ ai bảo vệ, và cũng không muốn ai nhân danh Ngài mà khủng bố thiên hạ…”[21]
- Những cuộc thánh chiến trong lịch sử và hiện tại
Khi bài này đang được viết thì chính phủ Mỹ bắt đầu chính thức rút quân ra khỏi Afghanistan, chấm dứt cho cuộc chiến tranh chống quân khủng bố khởi đi từ biến cố 9/11 tàn phá trung tâm kinh tế của Mỹ và thế giới tự do tại New York. Đài báo thế giới so sánh cuộc rút quân của Mỹ lần này với cuộc tháo chạy của Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam vào những ngày tháng 4 năm 1975. Cuộc chiến tranh Việt Nam (Vietnam War) là một cuộc đối đầu giữa hai ý thức hệ Tự Do Tư Bản và Cộng Sản. Quân đội Mỹ và đồng minh của thế giới tự do chống lại quân đội từ miền Bắc Việt Nam và những nhóm kháng chiến quân tại miền Nam. Chống lại Mỹ và quân đội đồng minh lần này trong cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm tại Afghanistan là nhóm Taliban, tên tự gọi của Nhóm Kháng Chiến Quân Hồi Giáo Afghanistan.[22] Về phía Mỹ và quân đội đồng minh thì cuộc chiến Afghanistan là một cuộc chiến chống quân khủng bố, nhưng đối với quân Taliban thì đây là một Jihad[23] – một cuộc thánh chiến được điều khiển bởi luật Hồi Giáo.
Taliban không phải là nhóm duy nhất hay lớn nhất đang chiến đấu nhân danh lý tưởng Jihad của Kinh Koran Hồi Giáo.[24] Phong trào thánh chiến Hồi Giáo đã nở rộ từ đầu thế kỷ 21 và hiện nay các nhóm thánh chiến gần như có thành viên ở khắp thế giới. Theo danh sách từ trang mạng chính thức của Chính Phủ Canada,[25] các nhóm bị lên án là quá khích và khủng bố trên toàn thế giới hiện nay, đại đa số có nguồn gốc hay nhân danh lý tưởng Jihad thánh chiến Hồi Giáo. Dĩ nhiên trong bối cảnh văn minh hiện đại, không ai với môt trí óc và lương tâm quân bình có thể chấp nhận những hành động khủng bố dã man và giết người vô tội của những nhóm khủng bố cuồng tín. Tuy nhiên không thể bỏ qua hay chối cải chiều kích “thánh chiến” của các cuộc khủng bố nhân danh niềm tin Hồi Giáo này.
Từ ngữ Jihad – thánh chiến – xuất hiện khoảng 40 lần trong kinh Koran. Chỉ cần trích Surah 9:5, “…khi những tháng cấm đã chấm dứt, hãy đánh và giết những kẻ thờ đa thần ở nơi nào các ngươi tìm thấy chúng…”,[26] cũng đủ thấy căn nguyên của bạo lực và chiến tranh thế giới đang chứng kiến, một cách nào đó, phát xuất từ cách thế đọc và chú giải kinh Koran. Nói đến điều này không có ý kết luận hay lên án các tín đồ Hồi Giáo hay Kinh Koran. Như đã đề cập, Fratelli Tutti xác nhận, “bạo lực mang tính bảo thủ cực đoan được dung dưỡng trong ít nhiều nhóm, thuộc bất cứ tôn giáo nào, bởi sự bất cẩn của những người lãnh đạo” (FT 284).
Thực ra xử dụng bạo lực và khủng bố nhân danh tôn giáo không phải chỉ có nơi thế giới Hồi Giáo với Kinh Koran. Khi Kinh Thánh Cựu Ước được đọc riêng rẽ (không quy chiếu với Tân Ước và không có sự hướng dẫn) sẽ rất dễ trở thành một cuốn sách cổ võ cho tâm thức thánh chiến. Gần như trong suốt dòng lịch sử của Israel, kể từ cuối hành trình sa mạc, giai đoạn bắt đầu vào đất Canaan lập quốc dưới quyền thủ lãnh của Joshua và các Quan Án, cho đến cuộc chiến đấu chống lại văn hoá và tín ngưỡng Hy Lạp của anh em nhà Maccabê, lịch sử của Israel là một cuộc chiến đấu liên lỉ để bảo vệ căn tính độc thần nơi dân tộc được chọn giữa các thế lực chính trị và tôn giáo của các cường quốc, chủ trương và quảng bá đa thần giáo. Trong thực tế, nơi thế giới Tây Phương vẫn còn những người hoặc một số nhóm vẫn tự xem là Kitô hữu nhưng đã đọc và chú giải Kinh Thánh (Cựu Ước) để gây thù hận giữa các tôn giáo, chống lại người ngoại kiều và các sắc dân.[27]
Hiện nay cũng đang xuất hiện một số nhóm dùng và giải nghĩa sai lệch quan niệm giáo lý về “Giáo Hội Chiến Đấu” (Ecclesia Militans) để âm mưu tạo “tâm thức chiến đấu”, đề cao và bảo vệ “đức tin chính thống”.[28] Những nhóm này cũng có mặt ngay trong lòng giáo hội Công Giáo, nhân danh những giá trị “bảo thủ” hay “truyền thống”, gieo sự thù hận đối với các tôn giáo khác, hay tạo sự chia rẽ nghi kỵ giữa các khuynh hướng tu đức khác nhau trong lòng Giáo Hội, vì những lợi ích phe nhóm hay chính trị, không loại trừ ủng hộ hay nuôi dưỡng ý đồ kỳ thị phân biệt chủng tộc. Đối diện với nguy hiểm của các khuynh hướng và hiện tượng này, Fratelli Tutti cảnh báo và mời gọi các Kitô hữu
“trở về nguồn, ngõ hầu tập trung vào những gì là thiết yếu, đó là kính thờ Thiên Chúa và yêu thương người thân cận, không để cho có điều nào đó trong giáo huấn của chúng ta, vì tách rời khỏi bối cảnh cội nguồn, dẫn đến các hình thức khinh miệt, hận thù, bài ngoại hay chối từ tha nhân. Sự thật là bạo lực chẳng có nền tảng nào trong các xác tín tôn giáo căn bản của chúng ta, mà chỉ có trong việc giải thích cách lệch lạc các niềm xác tín ấy” (FT 282).
Dầu sao chúng ta cũng có thể nói được mãi cho đến những năm cuối thế kỷ 20, nhất là trước khi bức tường Bá Linh sụp đỗ, thế giới chỉ lo sợ cuộc chiến tranh lạnh có thể đưa đến sự đối đầu nguyên tử giữa các cường quốc mang ý thức hệ khác nhau. Không ai nghĩ đến thế giới văn minh và đầy đủ thông tin ngày hôm nay có thể trở lại vết xe cũ của những cuộc thánh chiến dai dẳng của thời Trung Cổ. Khi nói đến các cuộc thánh chiến thời Trung Cổ là chúng ta nói đến một giai đoạn lịch sử rất dài từ năm 1095 đến năm 1291với những cuộc viễn chinh của thế giới Tây Phương dưới bóng cờ Thập Tự Chinh để lấy lại Đất Thánh và bảo vệ những vùng đất trước đó đã thấm nhuần văn hoá Kitô giáo đang bị quân Hồi Giáo chiếm đóng hay đe doạ.[29]
Tuy nhiên, các cuộc thánh chiến trong lịch sử đã không được đề cập đến trong Fratelli Tutti. Trong chiều kích của bài viết, chúng ta không có ý phân tích lịch sử, cũng không phê phán những gì đã xảy ra trong bối cảnh của thế giới và của Giáo Hội trong giai đoạn mà thần quyền và thế quyền là một. Chiến tranh có thể đã mang tên tôn giáo nhưng trong thực chất là sự đối đầu giữa các nền văn hoá và chính trị khác nhau. Fratelli Tutti một cách nào có thể được xem là một nỗ lực để lấy quá khứ làm bài học cho hiện tại và tương lai, trong đó lịch sử tôn giáo được xem xét để tìm hướng đi chung sống hoà bình cho toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, các cuộc thánh chiến trong lịch sử đã không được chính thức đề cập đến. Thay vào đó, thông điệp chỉ nhắc đến câu chuyện về thánh Phanxicô Assisi, ngay giữa thời đại Thập Tự Chinh, đã đi viếng thăm một thủ lãnh tôn giáo tại Ai Cập. Bằng một giọng văn kể chuyện thật êm nhẹ, Đức Thánh Cha gợi lại cuộc thăm viếng và giao lưu lịch sử được thực hiện bởi vị thánh của hoà bình và nhân ái:
“Trong cuộc đời thánh Phanxicô, có một tình tiết cho chúng ta thấy tấm lòng rộng mở không biên giới của ngài, một tấm lòng có khả năng vượt khỏi những cách biệt về xuất xứ, quốc tịch, màu da hay tôn giáo. Đó là câu chuyện ngài viếng thăm vị Sultan Malik-el-Kamil tại Ai Cập. Cuộc viếng thăm vô cùng gian nan, đòi hỏi phải cố gắng rất nhiều vì ngài thì nghèo khó, phương tiện thì ít ỏi, mà đường xá lại cách trở xa xôi, ngôn ngữ bất đồng, văn hóa và tôn giáo khác biệt… Cuộc hành trình này, vào thời điểm của cuộc Thập tự chinh lúc đó, càng cho thấy thánh Phanxicô muốn biểu lộ hơn nữa tình yêu vĩ đại, ước ao ôm trọn tất cả mọi người. Lòng trung thành của ngài với Chúa cũng ngang bằng với tình yêu mà ngài dành cho anh chị em mình. Bất chấp những khó khăn hiểm nguy chực chờ, thánh Phanxicô đã đến gặp vị Sultan với cùng một tâm thế ngài đã truyền đạt cho các môn đệ của mình là: đừng chối bỏ căn tính của mình khi “đang sống giữa những người Xaraxen và những người không tin khác. đừng tranh luận cũng đừng cãi cọ, nhưng vì Chúa hãy chịu đựng mọi người”… Trong bối cảnh lúc đó, đây quả là lời khuyên bảo phi thường. Chúng ta có ấn tượng rằng tám trăm năm trước đây, thánh Phanxicô đã biết kêu mời hãy tránh mọi hình thức thù địch hoặc xung đột, cũng như hãy sống “nhẫn nhịn” cách khiêm tốn và huynh đệ với những người không cùng chia sẻ niềm tin với mình” (FT 3).
Nhìn một góc cạnh nào đó, chúng ta có thể nói được Đức Thánh Cha ngay từ những dòng đầu của sứ điệp Fratelli Tutti với câu chuyện có sức thuyết phục mang tính tiên tri vượt thời gian của thánh Phanxicô, đã vô hiệu hoá các lý lẽ bênh vực cho các xung đột và tranh chấp tôn giáo xưa và nay. Hậu cảnh cho những cuộc viễn chinh của Thập Tự Quân theo Fratelli Tutti là một xã hội Trung Cổ “với những tháp canh và thành lũy…, các đô thị bị chia năm xẻ bảy bởi các cuộc chiến đẫm máu giữa các dòng tộc quyền thế, và cảnh nghèo đói lan tràn khắp các vùng nông thôn” (FT 4). Những cuộc khủng bố đẫm máu mang màu sắc thánh chiến hôm nay một cách nào đó cũng nhắc nhở và đòi hỏi con người thời đại để tâm đến những tình trạng và hệ thống bất công của xã hội và thế giới hiện tại.[30] Thánh Phanxicô đã trở nên mẫu mực kiến tạo hoà bình khi ngài không gây ra những cuộc chiến lý lẽ nhằm áp đặt các luận thuyết nhưng ngài thông truyền tình yêu Thiên Chúa. Ngài đã trở thành sứ giả của hoà bình khi để cho sự bình an nội tâm đích thực giải thoát ngài khỏi mọi ước muốn thống trị người khác, trở thành một trong những người rốt hết và tìm cách sống hòa hợp với tất cả (x. FT 4).
Thực vậy, xác tín về ý nghĩa thánh thiêng của sự sống con người đưa người Kitô hữu đến với anh chị đồng loại sống trong các tín ngưỡng khác để thừa nhận những giá trị nền tảng của nhân tính chung, những giá trị mà nhân danh chúng, con người có thể và phải cộng tác, xây dựng và đối thoại, tha thứ và phát triển. Trên nền tảng của niềm xác tín này, Đức Thánh Cha đã cùng với Đại Giáo Trưởng đồng thanh bênh vực “những sinh mạng vô tội mà Thiên Chúa đã cấm sát hại, khi khẳng định rằng ai giết hại một người thì giống như giết hại cả nhân loại, còn ai cứu sống một người thì giống như cứu sống cả nhân loại” (FT 285). Với lời tuyên bố này hai ngài đã phá đỗ mọi lý do và nền tảng của những nguỵ biện cho các cuộc thánh chiến, nơi đó danh Thiên Chúa bị lạm dụng để tiêu diệt và hãm hại con người được dựng nên trong hình ảnh Ngài. Thực vậy, những con người của lòng tín ngưỡng cùng “thừa nhận những giá trị nền tảng của nhân tính chung, những giá trị mà nhân danh chúng, người ta có thể và phải cộng tác, xây dựng và đối thoại, tha thứ và phát triển; và như thế cũng cho phép quy tụ các giọng ca khác nhau để cùng hát lên một bài ca tuyệt mỹ và hòa hợp, thay vì những tiếng kêu cuồng tín của hận thù…” (FT 283).
“Dưới ánh sáng của giáo huấn Công Đồng Vatican II, người Kitô hữu trong thế giới hôm nay có đủ lý do để cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Giáo Trưởng Ahmad Al-Tayyeb nói với toàn thế giới: “Nhân danh Thiên Chúa, chúng tôi tuyên bố lấy văn hóa đối thoại làm đường lối, sự hợp tác hỗ tương làm quy tắc ứng xử, sự hiểu biết lẫn nhau làm phương pháp và chuẩn mực” (FT 285).
- Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh…(1Cor 1:23)
Đi sâu vào dòng suy tư và giáo huấn của Fratelli Tutti, chúng ta có thể nói rằng, môn đệ của Đấng đã chấp nhận để cho con người nhân danh lề luật tôn giáo (qua áp lực của các thủ lãnh Do Thái Giáo) và quyền lực chính trị (qua quyết định nhu nhược vụ lợi của Tổng Trấn Philatô) lên án tử hình, luôn phải xác tín rằng tất cả những ai nhân danh tôn giáo hay biến tôn giáo thành khí cụ cho tham vọng chính trị quân sự, dùng gươm giáo để giết hại anh em đồng loại, bất kể vì lý do “thánh thiện” nào, đều là kẻ sát nhân, và “không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1Ga 3,15). Nói cách khác, kể từ khi Con Thiên Chúa Nhập Thể chấp nhận chịu treo lên Thập Giá không còn một cuộc chiến nào là thánh! Kitô hữu là nguời tin và bước theo Đức Kitô, Đấng “đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình… để làm trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa…” (Dt 9,12.15).
Xác tín vào cái chết mang ơn cứu độ của Con Thiên Chúa, ngay từ ban đầu lời rao giảng của Kitô Giáo rất minh bạch:
“Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,22-23).
Nơi đây thánh Phaolô có ý nhấn mạnh đến việc ngài rao giảng cái chết cứu độ của Đức Kitô cả cho những người đang thực hành tín ngưỡng trong Do Thái Giáo cũng như cho những người đang sống trong tín ngưỡng của các tôn giáo Hy Lạp, mà người Do Thái (được cắt bì) gọi là lương dân (không cắt bì). Trong thư gởi giáo đoàn Ephesô, Phaolô tiếp tục dòng suy tư về ơn cứu độ của Thập Giá Đức Kitô để quảng diễn và đưa ra một lập luận xem ra rất quan trọng cho đức tin Kitô và đặc biệt mang tính hiện thực cho Kitô hữu đang sống trong một thời đại mà con người đang dùng tín ngưỡng của các tôn giáo để chia rẽ và tàn sát lẫn nhau: Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người (Ep 2,14-16 – Nhấn mạnh của người viết).
Để hiểu được giáo huấn và lập luận của Phaolô chúng ta cần phải trở lại với giờ phút Đức Kitô hoàn tất công trình cứu chuộc trên Thập Giá. Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều tường thuật một sự kiện đã xảy ra ở khoảnh khắc lịch sử này, là ngay khi Con Thiên Chúa tắt thở trên Thập Giá, “bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới” (Mt 27,51; Mc 15,38; Lc 23,45). Ý nghĩa sâu thẳm và chung cuộc của khoảnh khắc này trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được chính Đức Kitô báo trước trong Phúc Âm thánh Gioan, khi Ngài mạc khải cho người phụ nữ xứ Samaritan, đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem… Nhưng giờ đã đến-và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế… (Ga 4,20-21.23 – Nhấn mạnh của người viết).
Thực vậy, khi công trình cứu chuộc cho toàn thể nhân loại được hoàn tất với Thập Giá của Đức Kitô thì bức màn che phủ cung thánh của Đền Thờ Giêrusalem, tượng trưng cho sự đặc tuyển của Israel trong lịch sử cứu độ phải bị hạ xuống, vì không còn giá trị nữa. Điều này không đồng nghĩa rằng một tôn giáo mới xuất hiện thay thế cho Do Thái Giáo. Lý thuyết hay “thần học thay thế”[31] này nhiều lúc đã điều khiển cách suy nghĩ của một số Kitô hữu và có thể đã là nguyên nhân cho những bách hại mà dân tộc cũng như tín hữu Do Thái Giáo phải chịu xưa và nay.[32] Điều đã xảy ra là, như Phaolô diễn tả, “Người đã hy sinh thân mình để phá đỗ bức tường ngăn cách là sự thù ghét[33] để liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại thành một”; có nghĩa rằng, trong Đức Kitô, những người tìm đến với ơn cứu độ của Thiên Chúa từ Do Thái Giáo cũng như từ các tôn giáo khác tạo thành một “cộng đoàn…những người được cứu độ” (Cv 2,47 – Nhấn mạnh của người viết). Cộng đoàn mới này bao gồm tất các những ai tin vào Đức Kitô. Họ có chung một căn tính và một tên gọi là “Χριστιανούς” (Cv 11,26), được hiểu đơn giản là những bạn của Đức Kitô, những người thuộc về Đức Kitô.
Trong cộng đoàn mới này những người có nguồn gốc và tập tục tín ngưỡng phát xuất từ Do Thái Giáo vẫn tiếp tục sống theo lề luật Moisen, trong khi những người đến từ các tín ngưỡng tôn giáo khác (lương dân) không bị bó buộc phải thực hành tập tục Do Thái Giáo. Đó là giáo huấn Công Đồng đầu tiên của Giáo Hội nhóm họp tại Giêrusalem (x. Tđcv 15:24-29). Trong chiều kích của bài viết chúng ta không bàn sâu đến diễn tiến cũng như những thay đổi công đồng đã tạo nên cho cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Nhưng những quyết định của các tông đồ tại Công Đồng Giêrusalem cho thấy rằng những người tin vào Đức Kitô đã không tự nhìn mình như một “tôn giáo” bên cạnh hay đối lại với Do Thái Giáo.[34]
Đề cập đến điều này để thấy rằng trong ngôn ngữ thường ngày hay cả trong thần học giáo lý chúng ta phải dùng chữ Kitô Giáo để nói đến niềm tin của chúng ta. Từ ngữ Kitô Giáo đương nhiên hàm ý một tôn giáo giữa các tôn giáo hay nhiều khi được hiểu là tôn giáo của Đức Kitô.[35] Điều này trước hết một cách nào đó không diễn tả chính xác niềm tin của chúng ta. Chúng ta không theo tôn giáo của Đức Kitô, vì tôn giáo mà suốt cuộc sống trần gian Con Thiên Chúa, vâng theo Thánh Ý Chúa Cha (x. Dt 10,5-7), đã sống và thực hành là Do Thái Giáo, là “đạo cũ” theo quan niệm người Kitô hữu thường có.[36]
Niềm tin của chúng ta là “Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1; x. Cv 5,42), là một lời rao giảng rằng “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình” (Ga 3,16) và rằng “tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời” (Ga 6,40). Diễn tả cách khác, Kitô giáo chính là lời loan báo cho tất cả mọi người rằng họ có thể trở nên công chính, được cứu độ “do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su” (Rm 3,23). Tin mừng về Đấng là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6) , về Đấng Cứu Độ Nhân Loại này không thể bị giới hạn hay đóng khung trong bất cứ một nền văn hoá, ngôn ngữ hay tâm thức riêng biệt nào. Tấm màn che cung cực thánh của Đền Thờ Giêrusalem đã rớt xuống là hình ảnh của tất cả rào cản của các tấm bình phong tôn giáo tín ngưỡng cũng phải được hạ xuống, để nhân loại trong các tôn giáo, các miền tín ngưỡng khác nhau có thể chiêm ngắm gương mặt cứu độ của Con Một Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ Trần Gian.
Nói lên điều này không có nghĩa rằng chúng ta muốn rao giảng Kitô giáo như một “siêu tôn giáo”, vượt lên trên hay hơn hết mọi tôn giáo, nhưng ngược lại cũng không ai có quyền giới hạn Đức Kitô là Đấng Cứu Thế chỉ cho và trong một khung cảnh tín ngưỡng cá biệt hay đồng hoá Đấng Cứu Độ Nhân Loại như một biểu tượng tôn giáo dành riêng một nhóm ưu tuyển nào. Khuynh hướng “tách riêng ưu tuyển”[37] này phát xuất từ quan điểm cực đoan của một số nhóm từ thời Cải Cách và hiện còn rất rõ và mạnh nơi các giáo phái không hiệp thông hay chống lại Giáo Hội Công Giáo.[38] Những giáo phái bảo thủ cực đoan Kitô giáo này lên án hết mọi người Kitô hữu khác, ngay cả Đức Giáo Hoàng và người Công Giáo, cho rằng chỉ có những ai thuộc nhóm tách riêng ưu tuyển của họ mới được cứu độ.[39] Điều đáng lo ngại là khuynh hướng tôn giáo bảo thủ cực đoan này đang len lỏi vào lòng Giáo Hội Công Giáo ở một số nước phương Tây qua các nhóm nhân danh truyền thống (traditionalist) chống lại nổ lực đổi mới và cởi mở (công giáo hoá) của Công Đồng Vatican II, đặc biệt việc canh tân phụng vụ. Trong nhóm này, phải kể đến những người đang bảo vệ và tìm cách mở rộng việc làm lễ theo nghi thức cũ bằng tiếng La Tinh trước Công Đồng. Khi dùng một ngôn ngữ (cổ ngữ) để tạo nét đặc thù và ưu tú cho một nhóm, sự hợp nhất và tính công giáo trong đời sống Giáo Hội có thể bị đe doạ.[40] Đức Thánh Cha Phanxicô đã cố gắng giới hạn khuynh hướng và thực hành có thể gây chia rẻ và hiểu lầm này qua Motu Proprio mới nhất, “Traditionis Custodes” về việc sử dụng Nghi Thức Phụng Vụ Roma trước canh tân năm 1970, ban hành ngày 16.07.2021.[41]
Để kết luận, chúng ta có thể nói rằng, bước theo chân Thầy Chí Thánh “Đấng đã làm chứng[42] trước toà tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô” (1Tm 6:13) bằng cái chết của mình, những ai rao giảng Đức Kitô Chịu Đóng Đinh cũng phải dám chấp nhận trả giá cho chân lý bằng chính thập giá và sự sống của mình (x. Mt 10,38; 16,24; Ga 12,24). Không một thái độ cuồng tín nào phù hợp với Phúc Âm Đức Kitô, không một thánh chiến nào có thể được lý giải khi máu Con Thiên Chúa đã đỗ ra để “thiết lập hoà bình,…tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người” (Ep 2,16). Để sự cuồng tín không còn bị lợi dụng cho các cuộc “thánh chiến” và để viễn cảnh về một tình huynh đệ đại đồng có thể trở nên hiện thực, hướng đến một nền hoà bình cánh chung viên mãn (x. Is 11,6-9), căn tính tôn giáo và chọn lựa căn bản của người tín hữu vô danh[43] xứ Samaria phải được đề cao và sống. Thật vậy tín ngưỡng của lòng nhân hậu đã dừng bước chân của người lữ hành không mang phẩm hàng tôn giáo này, đòi buộc những ai đang thực hành tín ngưỡng nơi các tôn giáo, đặc biệt những người có vai trò lãnh đạo, nhìn lại niềm tin và hành động của mình, như Đức Thánh Cha gợi ý:
“… Trong những người quay mặt bỏ đi, có một chi tiết đáng chú ý: họ là những tín đồ tôn giáo, và hơn thế, là những chức sắc tôn giáo, chuyên lo việc tế tự thờ phượng Thiên Chúa: một thầy tư tế, một thầy Lêvi. Đây là lời cảnh báo mạnh mẽ: việc tin vào Thiên Chúa và tôn thờ Ngài không bảo đảm cho việc sống theo ý muốn của Ngài. Một người có niềm tin có thể không trung thành với tất cả những gì niềm tin này đòi hỏi, thế nhưng, lại có thể cảm thấy gần gũi Thiên Chúa và nghĩ rằng mình xứng đáng hơn những người khác. Nhưng vẫn có những cách sống niềm tin tạo thuận lợi cho việc mở lòng ra với anh em; và sống như thế mới bảo đảm cho việc thực sự mở lòng ra với Thiên Chúa. Thánh Gioan Kim khẩu còn đi đến chỗ diễn tả hết sức sáng sủa thách đố này của các Kitô hữu: “Bạn muốn tôn kính thân thể Đức Kitô ư? Chớ khinh chê thân thể ấy khi thân thể ấy trần trụi. Đừng tôn kính thân thể Người, theo kiểu: trong nhà thờ thì cho Người mang những y phục lụa là gấm vóc, nhưng ở ngoài lại coi thường, để cho thân thể ấy phải lạnh giá và trần trụi”… Điều ngược đời là đôi khi những người quả quyết mình không tin lại có thể chu toàn ý muốn của Thiên Chúa hơn những người tin (FT 74).
Thực ra đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô đề cao hình ảnh và gương mẫu của người Samaritanô Nhân Hậu trong giáo huấn của ngài, nhưng Fratelli Tutti có thể được đọc như bài suy niệm dài về dụ ngôn độc sáng này của Phúc Âm Luca.[44] Nói cách khác Fratelli Tutti chính là cẩm nang giúp mỗi người chúng ta nghe và hiểu lệnh truyền của Thầy Chí Thánh: “Hãy đi và làm như vậy!” (Lc 10,37).
Nguồn: gpquinhon.org (17.12.2021)
[1] FT viết tắt của Fratelli Tutti. Các trích dẫn trong bài viết sẽ theo bản dịch Việt ngữ của Nhóm Dịch Thuật HĐGMVN được đối chiếu và hiệu đính khi cần, theo nguyên bản tiếng Ý và tiếng Anh của Toà Thánh.
[2] Theo chú thích số 5 của bản văn Fratelli Tutti trong trang của Toà Thánh, tài liệu nguyên gốc mang tên Document on Human Fraternity for World Peace and Living Together, Abu Dhabi (4 February 2019): L’Osservatore Romano, 4-5 February 2019. Kể từ đây sẽ trưng theo tên bản dịch của HĐGMVN.
[3] Về nguồn gốc Á Châu của Kitô giáo, trong Tông Huấn Ecclesia in Asia, ban hành ngày 06.11.1999, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã khẳng định: “… chính tại Á Châu mà Thiên Chúa đã mạc khải và hoàn thành ý định cứu độ của Người ngay từ đầu. Người hướng dẫn các tổ phụ và kêu gọi ông Môisen giải thoát dân Người. Người nói với Dân được tuyển chọn qua nhiều ngôn sứ, quan án, vua chúa và những phụ nữ dũng cảm đầy lòng tin. Vào thời viên mãn Người sai Con Một của Người, Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ, mặc lấy xác phàm làm người Á Châu!… Vì Đức Giêsu sinh ra, sống, chết và chỗi dậy từ cõi chết nơi Đất Thánh, vùng đất bé nhỏ ấy ở Tây Á đã trở nên mảnh đất đầy hứa hẹn và hy vọng cho cả loài người. Đức Giêsu đã biết đến và yêu mến mảnh đất này. Người gắn bó với lịch sử, những đau khổ và hy vọng của dân miền này. Người thương yêu dân miền này và đi theo truyền thống và di sản Do Thái. Quả thực từ lâu trước, Thiên Chúa đã chọn dân này và mạc khải chính mình cho họ để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến. Và từ mảnh đất này, nhờ lời rao giảng Tin Mừng trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội đã ra đi để làm cho “muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Cùng với Giáo Hội hoàn cầu, Giáo Hội tại Á Châu sẽ bước qua ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, vừa kinh ngạc trước những gì Thiên Chúa đã thực hiện từ những bước đầu ấy cho tới ngày nay, vừa hiểu rõ rằng cũng như trong ngàn năm thứ nhất, Thánh Giá đã được cắm trên miền đất Âu Châu, rồi trong ngàn năm thứ hai được cắm trên miền đất Mỹ Châu và Phi Châu, thì chúng ta có thể cầu ước nguyện rằng, trong ngàn năm thứ ba Kitô giáo, một mùa gặt lớn về đức tin sẽ được thu hoạch tại lục địa rộng lớn và đầy sức sống này…” (Ecclesia in Asia 1)
[4] “La carità politica” (FT 190), theo nguyên bản tiếng Ý, được dịch ra là “Political charity” trong bản tiếng Anh của Toà Thánh.
[5] Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại vì Hoà bình thế giới và Chung sống, Abu Dhabi (04.02.2019): L’Osservatore Romano, 4-5 tháng 2, 2019, tr. 6, trích trong FT 192.
[6] Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại vì Hoà bình thế giới và Chung sống, Abu Dhabi (04.02.2019): L’Osservatore Romano, 4-5 tháng 2, 2019, tr. 6, được trích trong FT 275.
[7] Chúng ta sẽ bàn về đề tài “thánh chiến” một cách sâu xa hơn ở phần sau.
[8] Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại vì Hoà bình thế giới và Chung sống, Abu Dhabi (04.02.2019): L’Osservatore Romano, 4-5 tháng Hai 2019, tr. 7, được trích lại trong FT 283.
[9] JOHN XXIII, Espressa la sua gratitudine: Allocution at a General Audience, 27.07.1960, trong Osservatore Romano, 29.07.1960; được in lại trong Acta et Documenta Concilio Oecumenico Vaticano II Apparando, Series II (Praeparotoria), vol. 2: Acta Summi Pontificis Ioannis XXIII (Rome: Vatican City Press, 1964, p. 14.
[10] Nơi đây có ý nói đến “Triumphalism” (tạm dịch là “hoành tráng chủ nghĩa”), là một trong những chủ thuyết và cách sống mà các nghị của Công Đồng Vatian II đã nỗ lực để thanh tẩy cho cộng đoàn tín hữu Kitô. Về vấn đề này, có thể xem thêm GILLES PELLAND S.J., A Few Words on Triumphalism, in René Latourelle, ed., Vatican II, Assessment and Perspectives, Twenty-five Years After, Paulist Press, New York, Vol I, 106-122.
[11] Tâm thức phòng thủ (Anti-mentality) này điều khiển giai đoạn đối kháng (Counter-era) trong lịch sử Giáo Hội trước Công Đồng. Về vấn đề này, xem thêm “The End of Counter-Reformation Era” trong Paulus Y Pham, The Way, Christendom from Reformation to Vatican II, Rome, Miscellanea Francescana, 2017, 155-157
[12] Đây là phụ đề của Dignitatis Humanae, Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo, của Công Đồng Vatican II, theo bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Pio X, ấn hành 1972, 575.
[13] Đây là phụ đề của Nostra Aestate, Tuyên Ngôn về Liên Lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo, theo bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Pio X, ấn hành 1972, 463
[14] Các nghị phụ cũng đã rất khó khăn để giải thích và vượt qua các giáo huấn quá nghiêm khắc về tôn giáo của giai đoạn trước Vatican II, tiêu biểu là Syllabus (năm 1864 – DZ2901-2980) của Đức Giáo Hoàng Pio IX. Về vấn để này, có thể xem Jacques Dupuis, Toward Christian Theology of Religious Pluralism, Orbis Books, Maryknoll, New York 2001, p. 122-129.
[15]Về cuộc tranh luận và diễn tiến bỏ phiếu cho văn kiện, xem thêm Francis X. Murphy (Xavier Rynne), Vatican Council II, Orbis Books, Maryknoll, New York 1999, 98-109, 298-303.
[16] Hiện tại giáo phái Lefebvre và các nhóm bảo thủ ly khai từ chối Công Đồng Vatican II đều xem giáo huấn về tự do tôn giáo của Dignitatis Humanae là sai lạc.
[17] Một trong những tiếng nói chống đối mạnh nhất đại diện cho khuynh hướng bảo thủ chống lại đường hướng cởi mở và đổi mới của Công Đồng Vatican chính là Marcel Lefebvre (1905-1991), một Giám Mục người Pháp mà tên tuổi của ông gắn liền với giáo phái Pio X, ly khai khỏi Giáo Hội sau Công Đồng Vatican II. Lefebvre đã là thừa sai truyền giáo tại Phi Châu và đã từng được giữ chức Đại Diện Giáo Hoàng cho các nước thuộc địa Pháp tại Phi Châu, gồm 46 địa phận truyền giáo nói tiếng Pháp tại Phi Châu.
[18] Về chiều kích của văn kiện, xem thêm Bernd Groth SJ, From Monologue to Dialogue in Conversation with Nonbelievers or The Difficult Search for Dialogue Partners, trong René Latourelle, ed., Vatican II, Assessment and Perspectives, Twenty-five Years After, Vol III, 184-198
[19] Đây là một chọn lựa, trước hết của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XIII và sau là của toàn thể Công Đồng, x. Bernd Groth SJ, From Monologue to Dialogue in Conversation with Nonbelievers or The Difficult Search for Dialogue Partners, trong René Latourelle, ed., Vatican II, Assessment and Perspectives, Twenty-five Years After, Vol III, 185-189
[20] Trong sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, giáo huấn của Gaudium et Spes số 16 được dùng để định nghĩa về sự thánh thiện và bất khả xâm phạm của lương tâm của mỗi con người: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác… Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ…” (GLCG số 1776 – Nhấn mạnh của người viết).
[21] Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại vì Hoà bình thế giới và Chung sống, Abu Dhabi (04.02.2019): L’Osservatore Romano, 4-5 tháng 2, 2019, tr. 6, được trích dẫn trong FT 285. Nhấn mạnh của người viết.
[22] Islamic Eminate of Afghanistan (IEA) – Để có một cái nhìn tương đối rõ về Taliban, có thể xem https://www.bbc.com/news/world-south-asia-11451718 hoặc https://en.wikipedia.org/wiki/Taliban
[23] Về đề tài Jihad (thánh chiến trong luật Coran) xem https://en.wikipedia.org/wiki/Jihad hoặc https://vi.wikipedia.org/wiki/Jihad
[24] Theo nghiên cứu của BBC https://www.bbc.com/news/world-middle-east-27930414 thì Taliban được xếp hạng thứ 6 trong sô 11 nhóm thánh chiến Hồi Giáo chính hiện nay, mà đứng đầu là nhóm Al-Qaeda tiếp theo là nhóm ISIS.
[25] Xem https://www.publicsafety.gc.ca/cnt/ntnl-scrt/cntr-trrrsm/lstd-ntts/crrnt-lstd-ntts-en.aspx
[26] Đối với kinh Koran, Kitô hữu cũng được xếp loại là những kẻ “thờ đa thần”, vì tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi.
[27] Nhiều nhóm khủng bố của thế giới Tây Phương đều có nguồn gốc tôn giáo, như nhóm KKK (Ku Klux Klan) chuyên đốt phá và giết người cũng có nguồn gốc từ giáo phái nhóm Tin Lành Mỹ và cũng dùng thập giá như biểu hiệu của nhóm, xem https://en.wikipedia.org/wiki/Ku_Klux_Klan. Anders Breivik, người khủng bố gốc Nauy, trong bản “Tuyên Ngôn” của mình cũng đã nhân danh Kitô giáo. Có thể xem
https://en.wikipedia.org/wiki/Anders_Behring_Breivik
[28] Chỉ cần dịch chữ Ecclesia Militans sang một trong các ngôn ngữ Tây Phương hiện đại, chúng ta sẽ gặp và biết chủ trương của các nhóm bảo thủ cực đoan nhân danh Kitô giáo này trên các trang mạng được dùng cho mục đích propaganda cho các phong trào nguy hiểm này. Đáng lưu ý là một số trong các nhóm này cũng mang danh “công giáo” (Catholic Militant Church) do sự có mặt của một số người trở lại Công Giáo từ các giáo phái quá khích Tin Lành.
[29] Về luân lý điều khiển giai đoạn Thập Tự Chinh (Crusades), Thomas Bokenkotter, trong A Concise History of the Catholic Church, Image Books, Doubleday, New York 1990, nhận xét: “The Church still taught as late as the eleventh century that it was a grave sin to kill a man in a battle waged for only secular purposes… Somewhat later the theologians revived Augustine’s theory of the ‘just war’, which allowed secular rulers the benefit of the doubt unless they were acting against papal interests. And so actually it became very difficult for Churchmen to declare that any properly authorized war was unjust…” (p.138).
[30] Như đã trích dẫn, Fratelli Tutti đã phân tích và chỉ rõ hai nguyên nhân chính của những cuộc khủng bố (thánh chiến) hiện tại, là “do việc tích tụ dần những diễn giải sai lạc về các bản văn tôn giáo, và do hậu quả của những chính sách gây ra đói nghèo, bất công, áp bức và ngạo mạn” (FT 283).
[31] “Replacement Theology”, hay còn gọi là “Supersessionism”. Có thể xem https://www.gotquestions.org/replacement-theology.html
[32] Chúng ta không loại trừ cách suy nghĩ này đã góp phần tàn sát người Do Thái trong Đệ Nhị Thế Chiến và còn đang điều khiển các nhóm bài Do Thái (Antisemitism) đang vẫn còn đang hoạt động trong xã hội hiện đại.
[33] Thánh Phaolô dùng chữ ἔχθρα – để diễn tả sự ngăn cách, không chung đụng giữa dân Israel và dân ngoại theo lề luật Moisen, xin xem Lv 22,10-16.
[34] Sách Tông Đồ Công Vụ cho thấy các tín hữu Kitô gốc Do Thái giáo, ngay cả các tông đồ, đều tiếp tục thực hành các tập tục tôn giáo Do Thái của mình: Các tín hữu Kitô vẫn “ngày ngày chuyên cần đến đền thờ” (Cv 2,46), các tông đồ vẫn cầu nguyện theo giờ kinh nguyện của Đền Thờ (x. Cv 3,1), “mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô” (Cv 5,42).
[35] Thánh Phaolô ở cuối các cuộc hành trình truyền giáo, trước lúc bị điệu về Roma, khi tự bào chữa trước mặt vua Agrippa, đã nói về “tôn giáo” của ngài: “… Từ lâu họ đã biết, và nếu muốn, họ có thể làm chứng rằng tôi đã sống theo phái nghiêm nhặt nhất trong tôn giáo chúng tôi, tức là phái Pha-ri-sêu” (Cv 26,5 – Nhấn mạnh của người viết).
[36] Các tác giả Phúc Âm đều đồng nhất cho chúng ta thấy hình ảnh của một tín đồ Do Thái Giáo thuần thành nơi Con Thiên Chúa Nhập Thể: Cắt bì khi vừa đúng tám ngày theo luật Môisen (Lc 2,21; x. Lv 12:3), được dâng vào Đền Thờ theo luật thanh tẩy (Luc 2:22-39; x. Lv 12,2-5.8), hành hương lên Đền Thánh mỗi năm (Lc 2,41; Ga 212t; 6:4t; Ga 11:55t; x. Xh 23,17).
[37] Từ ngữ Biệt Phái trong Phúc Âm cũng mang ý nghĩa này.
[38] Đây có ý nói đến khuynh hướng giáo hội học loại trừ (Exclusive Ecclesiolgy). Về vấn đề này có thể xem thêm “Development of Exculusive Eccleiology” trong Paulus Y Pham, The Way, Christendom from Reformation to Vatican II, Rome, Miscellanea Francescana, 2017, 65-91.
[39] Đại diện cho khuynh hướng cực đoan này là nhóm Anabaptists và Mennonites. Về vấn đề này có thể xem Alister E. McGrath, Reformation Thought, Oxfort 1999, 204-206.
[40] Có lẽ Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng bảo thủ đáng lo ngại này. Khuynh hướng bảo thủ này mỗi lúc một tiến gần đến các nhóm ly khai từ chối Công Đồng Vatican II khi họ thậm chí cho rằng nghi thức Thánh Lễ mới bằng tiếng bản xứ là không có hiệu lực!
[41]https://www.vatican.va/content/francesco/en/motu_proprio/documents/20210716-motu-proprio-traditionis-custodes.html. Có một quan sát đáng lưu ý là nơi các nhóm truyền thống (traditionalist) chúng ta thấy sự có mặt của nhiều người trở lại với Giáo Hội Công Giáo từ các nhóm Kitô hữu quá khích Tin Lành Cải Cách. Họ rất dễ mang theo và sống não trạng bảo thủ cực đoan của giáo phái ở trong Giáo Hội Công Giáo, nếu không được hướng dẫn đúng mức để sống chiều kích công giáo của công đoàn tín hữu Chúa Kitô.
[42] Nguyên ngữ của từ “làm chứng” (mang bằng chứng) là “μαρτυρήσαντος” cũng có nghĩa là tử đạo (martyrium) trong các ngôn ngữ khác.
[43] Cả hai ý niệm “chọn lựa căn bản” (Fundamental Option) và “Kitô hữu vô danh” (Anonymous Christian) đều được khai triển bởi thần học gia Karl Rahner S.J.
[44] Đức Thánh Cha đã dùng nguyên chương hai của Thông Điệp với tựa đề “A stranger on the road” (Môt người lạ trên đường) để suy niệm và quảng diễn về người Samaritan Nhân Hậu.
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận