François Pallu: vị Thừa sai nhiệt thành thánh thiện

Listen to this article

 FRANÇOIS PALLU: VỊ THỪA SAI NHIỆT THÀNH THÁNH THIỆN

WHĐ (20.10.2021) – Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam in đậm dấu ấn của các vị Thừa sai ngoại quốc. Các ngài thuộc nhiều quốc tịch khác nhau: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Pháp. Nếu các ngài khác biệt về nguồn gốc thì lại duy nhất trong một lý tưởng, đó là làm sao để Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu đến với các dân tộc xa xôi. Lời của Đấng Phục sinh nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (x. Mt 28,16-30) đã thôi thúc các ngài lên đường. Lý tưởng ấy cũng giúp các ngài tìm được sức mạnh trên những bước đường truyền giáo đầy cam go thử thách. Quả thực là một điều không dễ, khi đến một xứ sở xa lạ hoàn toàn khác biệt văn hoá. Các ngài đã khởi đầu từ việc học ngôn ngữ, phong tục tập quán, và chỉ sau một thời gian, có thể giảng dạy cho người bản địa bằng ngôn ngữ của họ. Nhiều vị thừa sai đã can đảm hiến dâng chính mạng sống mình để làm chứng cho điều mình rao giảng. Sau Cha Alexandre de Rhodes, Dòng Tên, Đức Cha François Pallu và Đức Cha Lambert de la Motte là những thừa sai đầu tiên của Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris (MEP) đến truyền giáo tại vùng Viễn Đông. Hai vị Giám mục này cũng là Đồng Sáng lập của Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris. Các ngài là những người có công khai phá mở đường cho các thế hệ thừa sai sau này tiến bước. Tại Việt Nam, một số tín hữu, nhất là các nữ tu dòng Mến Thánh Giá, có thể biết chút ít về Đức Cha Lambert de la Motte, nhưng về Đức Cha François Pallu, hầu như không mấy ai biết đến. Nhân dịp kỷ niệm 337 năm ngày người qua đời (29-10-1684/29-10-2021), chúng ta cùng phác hoạ chân dung của vị thừa sai đã nỗ lực cố gắng hết mình để thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng tại Viễn Đông. Rất tiếc là vì nhiều lý do khác nhau, cuộc đời và sứ mạng của vị thừa sai nhiệt thành thánh thiện này đã bị lớp bụi thời gian che mờ. Ôn lại cuộc đời của ngài, chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho tiến trình xin Toà Thánh phong Chân phước và phong Thánh cho hai vị Đại diện Tông toà đầu tiên của Việt Nam sớm thành tựu.

François Pallu chào đời tại thành phố Tours, nước Pháp và lãnh bí tích Rửa tội vào ngày 31-8-1626. Sau khi học xong chương trình ở chủng viện, ngài thụ phong Linh mục ngày 24-9-1650 và tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ dân luật và Giáo luật. Với Đoản sắc Super Cathedram 1659, Đức Thánh cha Alexandre VII thiết lập hai Địa hạt Tông toà đầu tiên ở Viễn Đông là Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm hai Giám mục François Pallu (Đại diện Tông toà Đàng Ngoài) và Pierre Lambert de la Motte (Đại diện Tông toà Đàng Trong). Đức Cha Pallu được thụ phong Giám mục ngày 17-11-1658 tại Rôma với hiệu toà Héliopolis (nay thuộc Liban). Ngày 2-1-1662, ngài lên tàu tại cảng Marseille để đi Việt Nam, nhưng phải mất hai năm hai mươi bẩy ngày mới tới Thái Lan. Phái đoàn đi cùng ngài ban đầu có 7 linh mục và 2 giáo dân, nhưng khi đến nơi, chỉ còn 4 linh mục và 2 giáo dân.

Được trao sứ vụ Đại diện Tông toà Đàng Ngoài, nhưng Đức Cha  François Pallu lại chưa bao giờ đặt chân đến nhiệm sở của mình, vì bối cảnh xã hội lúc đó phức tạp, nhất là do những cuộc bách hại đạo tàn khốc. Thực ra, Đức Cha François Pallu luôn lo lắng cho nhiệm sở được Toà Thánh trao phó. Ngài đã nhiều lần tìm cách vào Đàng Ngoài mà không được. Khoảng giữa năm 1674, Đức cha François Pallu lên thuyền đi Đàng Ngoài. Cơn bão ném ngài vào bờ biển Manila, và người Tây Ban Nha chặn bắt ngài lại, đối xử với ngài như kẻ thù. Họ đưa ngài trở về châu Âu bằng con đường ngang qua Mexico. Phải nhờ đến sự can thiệp của vua Louis XIV, ngài mới được trả tự do. Lòng nhiệt thành với sứ mạng loan báo Tin Mừng thể hiện rõ trong đời sống và giáo huấn của Ngài, đồng thời cho thấy vị thừa sai của chúng ta luôn trong tâm thế sẵn sàng tử Đạo. Vào tháng 9-1663, sau khi được tin hai vị thừa sai là Cha Brunel Cha Périgaud qua đời vì bạo bệnh, Đức Cha François Pallu đã viết cho bà d’Aiguillon: “Kìa cây cầu đã được bắt đầu; thật quá hạnh phúc nếu xác và xương của chúng tôi, cũng như của những người con thân yêu của chúng tôi có thể được dùng làm cột trụ để củng cố nó và tạo ra một con đường trọn vẹn, rộng mở cho các thừa sai dũng cảm…”. Ngài cũng viết trong thư “gửi các Bạn” đề ngày 1-9-1663: “Chúng tôi thấy mình hạnh phúc vì có thể dùng thân xác của chúng tôi để xây dựng một cây cầu đưa các bạn đến Trung Hoa, hoặc đến Đàng Ngoài, để thi hành sứ vụ ở đó cách trung tín hơn. Cho nên, bất cứ điều gì xảy ra với chúng tôi, tôi xin các bạn luôn luôn xem công trình này như là một trong các công việc chính của chúng ta, và dường như đã được ủy nhiệm và giao phó cho chúng ta hơn là cho bất kỳ ai khác.”[1]

Ngày 17-1-1665, Đức Cha François Pallu trao quyền điều hành Đàng Ngoài cho Đức Cha Pierre Lambert de la Motte để lên đường về lại Châu Âu, với mục đích trực tiếp tường trình với Toà Thánh về những quyết định của Công đồng Ayutthaya được tổ chức năm 1664. Qua hai cuộc hành trình Âu – Á, lần thứ nhất (từ năm 1665 đến 1673) và lần thứ hai (từ năm 1674 đến năm 1681), vị thừa sai của chúng ta vừa tạo nhịp cầu thông tin thường xuyên để Toà Thánh hiểu rõ hơn nhu cầu truyền giáo và bối cảnh xã hội, văn hoá của các quốc gia Viễn Đông, vừa lĩnh hội sự chỉ dạy của Toà Thánh để giúp cộng đoàn Giáo Hội non trẻ ở miền truyền giáo này được vững vàng phát triển.

Tại Rôma, những đệ trình của Đức cha François Pallu được Thánh Bộ cứu xét cẩn thận. Kết quả là năm 1669, Toà thánh đã đưa ra những quyết định sau:

* Chấp thuận bản “Huấn Thị Gởi Các Thừa Sai”,

* Tán thành việc lập chủng viện chung cho cả vùng truyền giáo Viễn Đông;

* Đặt Xiêm La dưới quyền cai quản của các Giám mục Pháp. Các ngài có thể tiếp nhận và huấn luyện các linh mục cho vùng Viễn Đông.

Trong những chuyến đi này, Đức cha Pallu nỗ lực tìm kiếm thêm nhân sự cũng như nguồn tài trợ cho công cuộc truyền giáo.

Năm 1670, sau khi từ Rôma trở lại châu Á và đang còn lưu lại tại Ấn Độ, qua những tin tức nhận được về chuyến đi Đàng Ngoài của Đức Cha Lambert de la Motte, Đức Cha François Pallu tiếp tục liên hệ qua thư từ với Toà Thánh để xin sự chuẩn nhận cho các quyết định của Công đồng Phố Hiến, Dòng nữ Mến Thánh Giá và Hiệp hội Các Tín Hữu nam nữ Mến Thánh Giá do Đức cha Lambert thành lập tại Đàng Ngoài.

Nhờ cuộc vận động của Đức Cha François Pallu tại Rôma, ngày 25-11-1679, Toà thánh đã bổ nhiệm cha Deydier và cha de Bourges làm Giám mục và Đại diện Tông toà Đông và Tây Đàng Ngoài. Sau khi đã có nhân sự thay thế, ngày 1-4-1680, Toà Thánh bổ nhiệm Đức Cha François Pallu làm Giám quản Tông toà các vùng truyền giáo (tức là các địa phận) ở Trung Quốc, đặc biệt trông coi các tỉnh Giang Tây, Quảng Đông, Chiết Giang, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hồ Quảng, Quý Châu, Vân Nam, các đảo Đài Loan và Hải Nam. Ngày 15-4-1680, ngài chính thức được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa Phúc Kiến. Như một nhà truyền giáo không mệt mỏi và sẵn sàng lên đường, ngài đã đến địa sở mới vào ngày 14-1-1684. Sau những năm tháng miệt mài truyền giáo, với nhiều hy sinh gian khổ, lúc 3 giờ 30 Chúa nhật ngày 29-10-1684, ở tuổi đời 58, ngài lên đường cho cuộc hành trình cuối cùng về Nhà Cha tại Giáo phận Phúc Kiến. Di ngôn ngài muốn thông truyền cho chúng ta, chính là những lời ngài căn dặn trước khi qua đời: “Nếu tôi còn gì phải dặn dò anh em, thì đó là anh em hãy sống hiệp nhất và bác ái với nhau và với các vị Đại diện Tông toà. Bao lâu còn bác ái trong các Giáo phận thì mọi sự đều tốt đẹp.”[2]

Hội đồng Giám mục Việt Nam và Hội Thừa Sai Paris đang tiến hành các thủ tục để xin Toà Thánh phong Chân phước cho hai vị Đại diện Tông toà đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam: Đức Cha Pierre Lambert de la Motte (1624-1679) và Đức Cha François Pallu. Hai vị Đại diện Tông tòa này cũng là các đấng đồng sáng lập Hội Thừa sai Hải ngoại. Tuy nhiên, truyền thống của Hội nhìn nhận Đức Cha François Pallu giữ vai trò hàng đầu và có ảnh hưởng trội hơn trong việc thiết lập các cấu trúc đầu tiên của Hội.[3]

Đức Cha François Pallu là một Giám mục thánh thiện và luôn khiêm tốn đón nhận ý Chúa qua Giáo Hội. Ngài đã viết thư cho Đức cha Lambert: “Tôi thà chết hơn là đi chệch một dấu phẩy khỏi những giới hạn đã được quy định cho chúng ta, cho dầu chỉ để tỏ lòng kính trọng và vâng phục mà tôi phải và muốn giữ suốt đời tôi đối với Tòa Thánh.”

Hoa trái thánh thiện của hai vị Thừa sai này chính là cộng đoàn tín hữu Công giáo tại Việt Nam và đông đảo các nữ tu Mến Thánh Giá, trong nước cũng như hải ngoại. Việc xin Toà Thánh phong Chân phước và Phong Thánh cho hai vị Giám mục, nhằm mục đích tạ ơn Thiên Chúa, tôn vinh hai vị Thừa sai đã chấp nhận nhiều lao nhọc hy sinh trong thuở bình minh của Giáo Hội tại Việt Nam và cầu nguyện cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam được an bình.

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2021

+Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng Giám mục Hà Nội (một phần đất của Đàng Ngoài trước đây)

[1] Trích trong cuốn François Pallu của tác giả Louis Beaudiment, trang 88 của bản dịch Việt ngữ sắp xuất bản.

[2] Adrien Launay, Lettres de Mgr Pallu, được trích dẫn trong cuốn Tiểu sử Đức Cha François Pallu và Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, HĐGM Việt Nam xuất bản năm 2020.

[3] Trích “Lời nói đầu” của Linh mục Gérard Moussay (MEP) Quản thủ văn khố, cho cuốn François Pallu của tác giả Louis Beaudiment, sách đã dẫn ở trên.

Trả lời