ĐTC chào một nạn nhân sống sót sau cuộc diệt chủng của Đức quốc xã

Listen to this article

Ngày 26/5/2021, cuối buổi tiếp kiến chung tại sân Damaso, Đức Thánh Cha đã chào bà Lidia Maksymowicz, một người Ba Lan gốc Belarus, nạn nhân sống sót sau các trại tử thần của Đức Quốc xã và các thí nghiệm của tiến sĩ Mengele. Năm lên 3 tuổi, bà Lidia cùng với mẹ và ông bà ngoại của bà bị tách ra khỏi gia đình và đưa đến trại tập trung vì bị nghi ngờ cộng tác với các đảng phái. Sau 17 năm, qua hội Chữ Thập đỏ, bà mới được gặp lại mẹ của bà. Bất chấp những bất hạnh chồng chất lên cuộc đời từ năm 3 tuổi, bà Lidia không bao giờ ngừng tin tưởng vào Chúa,.

Hồng Thủy – Vatican News

“70072” là con số được xăm trên tay của bà Lidia, cho thấy bà là cựu tù nhân của trại tập trung Auschwitz. Bà đã cho Đức Thánh Cha xem con số được xăm trên cánh tay của bà. Đức Thánh Cha đã nhìn bà Lidia một lúc và sau đó cúi xuống hôn lên con số mà sau 76 năm, hàng ngày nhắc nhở bà về nỗi kinh hoàng bà đã trải qua.

Một cử chỉ thay cho muôn vạn lời nói

Như khi đến thăm trại tập trung Auschwitz vào năm 2016, Đức Thánh Cha không có lời nào, chỉ có một cử chỉ tự phát, trìu mến – một cử chỉ mà bà Lidia nói với Vatican News rằng “đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi và hòa giải tôi với thế giới.” Bà Lidia chia sẻ: “Với Đức Thánh Cha, chúng tôi hiểu nhau bằng ánh mắt, chúng tôi không cần phải nói gì với nhau, không cần nhiều lời.”

Bà Lidia hiện đang sống ở Krakow. Bà là một trong những người cuối cùng sống sót sau thảm họa diệt chủng ở châu Âu. Bà hiện đang đến thăm Ý với tư cách là khách mời của hiệp hội Ký ức Sống của Castellamonte (Torino) để chia sẻ câu chuyện của mình với những người trẻ. Chứng tá của bà đã được ghi lại trong một bộ phim tài liệu về cuộc đời của bà, có tựa đề “La bambina che non sapeva odiare” (Bé gái không biết thù ghét).

Ba món quà tượng trưng cho ký ức, hy vọng và cầu nguyện

Bà Lidia đã tặng Đức Thánh Cha ba món quà tượng trưng cho những gì bây giờ là nền tảng của cuộc đời bà: Ký ức, hy vọng và cầu nguyện. Ký ức, được thể hiện bằng một chiếc khăn tay có sọc xanh trắng với chữ “P”, là Ba Lan, trên nền hình tam giác màu đỏ, mà tất cả các tù nhân Ba Lan sử dụng trong các buổi lễ tưởng niệm.

Hy vọng, được tượng trưng bằng một bức tranh, được vẽ bởi Renata Rechlik, trợ lý của bà, miêu tả khi bà còn nhỏ, đang nắm tay mẹ của bà, khi họ quan sát từ xa những con đường dẫn đến lối vào trại Birkenau và đánh dấu sự khởi đầu của sự kết thúc cho hàng triệu người Do Thái và các tù nhân khác.

Cuối cùng, lời cầu nguyện: bà Lidia đặt vào tay Đức Thánh Cha một tràng hạt có hình ảnh của thánh Gioan Phaolô II, được cha Dariusz, con đỡ đầu của bà làm phép. Bà nói: “Đó là thứ tôi dùng hàng ngày để cầu nguyện.” (CSR_3887_2021)

Trả lời