Đời Sống Nội Tâm
Jacques LECLERCQ
Đời sống người Công giáo là đời sống thuộc tâm hồn. Là Công giáo không phải là làm việc này hay việc kia – là đi dâng lễ ngày Chúa nhật – là giữ giới luật. Người Công giáo đi lễ, giữ giới luật: đúng, nhưng chưa đủ. Là người Công giáo chính là tự hiến cho Chúa Giêsu.
Đời sống Công giáo là đời sống tâm hồn. Đời sống tâm hồn là đời sống bên trong. Đời sống người Công giáo là đời sống nội tâm.
Là Công giáo nghĩa là theo Chúa Giêsu. Nhưng trước hết phải nhìn xem Chúa Giêsu là ai. Không phải chỉ nhìn xem một lần thôi. Suốt đời phải đặt Chúa Giêsu trước mắt mà nhìn xem.
Giakêu, chắc không quá ham mê tiền của, nhưng chắc cũng không bao giờ ông nghĩ đến việc phân phát của cải. Lúc nhìn xem Chúa trong nhà ông, ông mới nghĩ đến việc đó. Ta phải nhìn xem Chúa Giêsu trong ta để tự hiến cho Chúa.
Nhưng, ngày nay, Chúa Giêsu không còn là một nhân vật hữu hình ở trong nhà ta như xưa ở trong nhà Giakêu nữa. Chúng ta tìm thấy Chúa trong Phúc âm, trong Thánh Thể, trong lời cầu nguyện. Có Chúa Giêsu luôn luôn hiện diện trong tâm trí, để rồi cho tình yêu Chúa nung nấu, đó là vấn đề sống nội tâm. Nhìn thấy không sự thiện nào thật sự là thiện khi nó đi ngược với sự thiện tuyệt đối. Nhìn thấy sự thiện tuyết đối là chính Chúa Giêsu. Nhìn thấy ngoài Chúa Kitô, không gì có giá trị. Nhìn thấy ý nghĩa của mỗi sự vật đều ở nơi Ngài. Nhìn thấy tất cả những cái đó, nhìn thấy cách tự nhiên, trong mọi lúc, trong mọi nơi, mọi sự, muốn được làn thế, tâm trí đã phải được Chúa chiếm đoạt. Đó là đời sống nội tâm.
Là Công giáo không phải là làm việc này, làm việc kia. Có một số quy luật người Công giáo phải tuân theo. Nhưng, là Công giáo không phải chỉ có thế thôi. Đối với người Công giáo: sống tức là để cho tình yêu chiếm đoạt, để cho tình yêu lôi cuốn như đợt sóng. Muốn được thế, tình yêu phải sống động. Nhưng, yêu không phải là làm việc này, làm việc kia. Việc làm có thể biểu lộ tình yêu. Nhưng chính tình yêu là sinh hoạt của tâm hồn.
Tình yêu được biểu lộ bẳng việc làm, nhưng được thành hình và nuôi dưỡng trong đời sống nội tâm. Tình yêu không việc làm là tình yêu giả dối. Cũng như tư tưởng và trái tim không căn cứ vào Chúa Giêsu thì không có đời sống Công giáo.
Người Công giáo là con người có một bí mật. Trong một hành vi, và tất cả đời sống họ, ta thấy tỏa ra ánh sáng của đời sống nội tâm. Nhưng đời sống ấy bí mật. Thế gian có thể nhìn thấy ánh sáng của nó, nhưng không biết lò lửa của nó.
Đời sống Công giáo là đời sống nội tâm: “Nước Thiên Chúa ở trong anh em” – Người Công giáo không sống cô đơn. Đời sống họ là đời sống song hành, sống với một Thầy chí thánh là Đấng có một tình yêu khôn tả.
Thời Chúa Giêsu sống giữa nhân loại, các môn đệ đã nhìn thấy Ngài. Nhưng các môn đệ ấy chỉ là một thiểu số, và chỉ là thiểu số trong miền Chúa giảng thôi. Họ đã chịu ảnh hưởng và đã tiếp tục chịu ảnh hưởng của Chúa.
Đối với chúng ta ngày nay, vấn đề “làm người Công giáo” cũng không thay đổi. Ta phải chịu ảnh hưởng của Chúa. Tư tưởng, ý chí, tình yêu Chúa phải đủ sống động trong ta để soi dẫn mọi hành vi của ta. Muốn được thế, ta phải luôn đàm thoại với Chúa.
Chúng ta chỉ thực là Công giáo, nếu chúng ta có một đời sống nội tâm hoạt động, tập trung nơi Thầy chí thánh. Người Công giáo là người bước đi mà vẫn nhìn xem Chúa trước mặt. Nhưng không phải chỉ làm có thế; và nếu chỉ nhìn xem Chúa một lần trong ngày cũng không đủ. Sự nhìn xem đó có thể mất đi. Chúa không hiện sẵn ra trước mặt ta đâu. Ta phải quay lại mà nhìn Ngài.
Làm việc đó thế nào. Bằng mọi cách. Chỉ kết quả là quan hệ thôi.
Từ khi có Kitô giáo, người ta đã không ngừng tìm những phương thế tốt nhất để liên kết với Chúa Kitô. Người ta đã viết hàng nghìn cuốn sách về vấn đề đó. Người ta đã nêu ra bao nhiêu phương pháp: nhiều môn phái đã thành lập. Tất cả những phương pháp ấy đều tốt, miễn là đưa tới mục đích.
Nhưng đây là điểm cốt yếu: Chúa Giêsu phải là trung tâm của cuộc sinh hoạt nội tâm, nhờ Chúa Giêsu ta được Chúa Cha yêu dấu và trong tình yêu ấy ta được hưởng nhờ Tin mừng kỳ diệu về ơn cứu chuộc, được liên kết với Thiên Chúa.
Chúng ta cũng có thể quan niệm: đời sống nội tâm là đời sống chuyên chú suy niệm về các nhân đức, tự kiểm thảo và chăm lo để nên hoàn hảo. Đời sống nội tâm hiểu như thế không phải là đặc điểm của Kitô giáo. Ta thấy các nhà hiền triết trong mọi tôn giáo khác cũng thực hành đời sống nội tâm theo ý nghĩa ấy. Đặc điểm của Kitô giáo không phải ở chỗ tin có Thiên Chúa, Thiên Chúa hoàn hảo, siêu việt, bất di bất dịch, nhưng chính ở chỗ: tin Thiên Chúa là Cha chúng ta. Cũng không phải ở chỗ chúng ta phải tìm sự hoàn hảo trong việc phát triển đầy đủ bản thân ta, nhưng chính là ở việc Chúa Giêsu mang lại cho ta Tin mừng của tình yêu Chúa, tình yêu ấy sống trong ta, và nhờ tình yêu Chúa Kitô sống trong ta, ta phải yêu thương mọi người.
Là Kitô hữu chính là đồng hóa với Chúa Kitô. Chúng ta phải đồng hóa với Chúa Kitô không phải bằng thể chất của hành vi ta. Chúng ta không ăn mặc như Ngài, không nói tiếng Aram như Ngài, nhưng chúng ta phải đồng hóa với Ngài bằng động lực của hành vi. Động lực hành vi của ta phải là động lực của Chúa Giêsu. Muốn được thế, phải chuyên cần đồng hóa với Chúa, phải luôn suy niệm giáo huấn của Chúa, phải luôn luôn treo gương Ngài trước mắt: trong mọi hoàn cảnh phải tự hỏi để biết mình phải có thái độ nào, phải làm việc gì để xứng hợp đúng hệt tinh thần Chúa Giêsu.
Thánh Phaolô đã bày tỏ quy thức đời sống Công giáo khi Ngài viết: “Không phải tôi sống nhưng Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20) và câu khác: “Chính Chúa Kitô là sự sống của tôi” (Pl 1, 21).
Vậy đời sống Công giáo trước hết là một đời sống nội tâm, là cuộc tiếp xúc với Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô sống thân mật trong linh hồn ta. Đời sống nội tâm của người Công giáo không phải thế nào cũng được đâu, nhưng phải là đời sống nội tâm đặc biệt, có Chúa Kitô là nguồn sống và tình yêu Chúa bao bọc.
Người Công giáo không được sao nhãng luân lý tự nhiên hoặc sao nhãng đào luyện tư cách. Những cái đó là hạ tầng của đời sống siêu nhiên và chỉ là hạ tầng thôi. Đó là nền móng của tòa nhà. Kitô giáo vượt trên luân lý tự nhiên, vượt trên tu đức thông thường cũng như trên ý niệm về Thiên Chúa siêu việt. Kitô giáo không phản đối những cái đó. Kitô giáo bao hàm những cái đó.
Cũng như quả núi bao hàm cả miền chung quanh chân núi. Nhưng khi đứng trên đỉnh núi, thở làn khí trong lành, người ta có cảm giác sống đời sống mới.
(Bài này được trích trong SỨ MỆNH NGƯỜI CÔNG GIÁO của Jacques LECLERCQ,
bản dịch của Hi Sơn và Minh Hải, Tiến giáo Văn nghệ, xuất bản 1957, trang 81 – 86)
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận