ĐHY Parolin: châu Âu cần tin vào Thiên Chúa giữa khủng hoảng “mùa đông dân số”

Listen to this article

Hôm Chúa Nhật 4/7/2021, trong Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Strasbourg ở Pháp, Đức Hồng y Parolin nói rằng châu Âu cần niềm tin vào Thiên Chúa khi nó đang phải chiến đấu với khủng hoảng “mùa đông dân số”, và kêu gọi châu Âu tái khám phá nguồn cội Ki-tô giáo của mình.

ĐHY Pietro Parolin cử hành Thánh lễ tại Strasbourg, Pháp 

Hồng Thủy – Vatican News

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, là đặc sứ của Đức Thánh Cha tại lễ kỷ niệm 1.300 năm ngày qua đời của thánh Odile, bổn mạng của miền Alsace, đông bắc nước Pháp, giáp giới với Đức và Thụy Sĩ.

Châu Âu cần niềm tin vào Thiên Chúa

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Hồng y khẳng định rằng “châu Âu cần có hy vọng nếu muốn chấm dứt mùa đông dân số, điều vốn không phải là kết quả chính yếu của một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc xã hội, mà là sự suy yếu của hy vọng và ý nghĩa đích thực của cuộc sống và sự tồn tại”. Do đó, “Châu Âu cần niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là Cha; nó cần sự tự tin vào tiềm năng của nó, đặc biệt là về mặt thiêng liêng”.

Trong Thánh lễ Đức Hồng y Parolin cũng tấn phong giám mục cho Đức cha Gilles Reithinger, cựu bề trên tổng quyền của Hội Thừa sai Paris, được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá tổng giáo phận Strasbourg.

Lẽ ra Đức Hồng y đã thăm Strasbourg vào năm ngoái nhân kỷ niệm 50 năm Tòa Thánh có đại diện thường trực tại Hội đồng châu Âu – tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Strasbourg – nhưng do đại dịch, các chuyến đi bị hủy bỏ.

Căn cội Ki-tô giáo của châu Âu

Trong cuộc gặp gỡ các nhân vật chính trị và xã hội của miền Alsace, Đức Hồng y nói rằng Tòa Thánh đã thể hiện “sự quan tâm mạnh mẽ và sống động đối với công việc của các Tổ chức của châu Âu” kể từ khi thành lập. Ngài nhắc lại chuyến thăm của Đức Phanxicô đến Strasbourg vào năm 2014, trong đó Đức Thánh Cha đã nói chuyện với cả Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu, cũng có trụ sở tại thành phố này.

Đức Hồng y nhận định rằng Đức Thánh Cha “hy vọng châu Âu có thể khám phá lại cội nguồn Ki-tô giáo của mình, bắt đầu từ con đường huynh đệ này, điều chắc chắn đã truyền cảm hứng và linh hoạt cho các vị sáng lập châu Âu hiện đại, bắt đầu từ Robert Schuman”, chính trị gia người Pháp mới được Đức Thánh Cha nâng lên bậc Đấng Đáng kính vào tháng trước.

Đức Hồng y cũng khẳng định rằng rằng ở một châu Âu đa nguyên, sứ vụ của Giáo hội là “nâng cao con người” không chỉ về thể xác, “mà còn về tâm hồn và tinh thần của họ”. Ngài nói: “Nếu không tôn trọng phẩm giá tự nhiên và siêu nhiên của con người trong hình ảnh và giống với Thiên Chúa, Chúa và Đấng Tạo Hóa của con người, thì xã hội sẽ không bao giờ tốt đẹp hơn”. (CNA 05/07/2021)

Trả lời