Ngày 10/9/2021 Vatican đã công bố thư của Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, đề ngày 3/9/2021, gửi đến hai vị lãnh đạo Do Thái, để trả lời về những khiếu nại của họ liên quan đến bài giáo lý của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 11/8/2021, nói đến Luật Mô-sê.
Hồng Thủy – Vatican News
Theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha, Đức Hồng y Koch đã viết thư trả lời cho thư của Rabbi Rasson Arussi, Chủ tịch Ủy ban Rabbi trưởng của Israel về Đối thoại với Tòa thánh, đề ngày 12/8/2021; và thư của Rabbi David Fox Sandmel, Chủ tịch Ủy ban Do Thái Quốc tế về các vấn đề liên tôn ở New York, đề ngày 24/8/2021. Trong thư của mình cả hai vị đều bày tỏ lo ngại về bài giáo lý Đức Thánh Cha giải thích về thư thánh Phao-lô gửi các tín hữu Galát (Gl 3, 10.21-22). Thánh Phao-lô đề cập đến một cuộc tranh cãi trong cộng đồng Kitô hữu tiên khởi về việc các Kitô hữu phải tuân giữ luật Do Thái chặt chẽ như thế nào.
Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói rằng Lề Luật không được bao gồm trong lời hứa với tổ phụ Áp-ra-ham. Nhưng ngài lưu ý: “Tuy nhiên, khi nói điều này, chúng ta không nên nghĩ rằng thánh Phao-lô đã chống lại Luật Mô-sê. Ngài đã giữ Luật. Nhiều lần trong các thư của mình, ngài bảo vệ nguồn gốc thánh thiêng của nó và nói rằng nó có một vai trò được xác định rõ ràng trong lịch sử cứu độ”. “Tuy nhiên, Lề Luật không mang lại sự sống, nó không hoàn thành các lời hứa bởi vì nó không có khả năng thực hiện được”.
Theo hãng tin Reuters, hai vị Rabbi nêu trên lo ngại rằng những bình luận của Đức Thánh Cha có ý nói rằng luật Do Thái đã lỗi thời.
Đức Thánh Cha không xem nhẹ Luật Mô-sê
Trong thư, Đức Hồng y Koch giải thích rằng trong bài giáo lý của Đức Thánh Cha, “Lề luật không bị xem nhẹ” vì Đức Thánh Cha khẳng định chắc chắn rằng thánh Phao-lô không chống lại Luật Mô-sê. Thật vậy, “thánh Phao-lô tuân giữ Luật này, nhấn mạnh đến nguồn gốc thiêng liêng của nó, và gán cho nó một vai trò trong lịch sử cứu độ.” Đức Hồng y nói, theo quan điểm này, cụm từ “Lề Luật không ban sự sống, không hoàn thành lời hứa” không nên được tách ra khỏi ngữ cảnh của nó, nhưng phải được “xem xét trong khuôn khổ tổng thể của thần học của thánh Phao-lô”.
Đức Hồng y lưu ý rằng trong bài giáo lý Đức Thánh Cha “không đề cập đến Do Thái giáo hiện đại”, đúng hơn, “bài giáo lý là một suy tư về thần học của thánh Phao-lô trong bối cảnh lịch sử của một thời đại nhất định”. Vì vậy, “vấn đề Lề Luật là quan trọng đối với Do Thái giáo hiện đại không hề bị đặt câu hỏi”.
Khác biệt giáo lý không ngăn cản sự cộng tác hòa bình
Nhắc lại những khẳng định tích cực mà Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục nói về Do Thái giáo, Đức Hồng y đi đến khẳng định rằng, theo bất kỳ cách nào, không thể cho rằng Đức Thánh Cha đang quay trở lại với cái gọi là “thái độ khinh rẻ”, coi thường luật Do Thái. Đức Hồng y Koch nói, đúng hơn, Đức Thánh Cha “hoàn toàn tôn trọng nền tảng của Do Thái giáo và luôn tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị giữa hai truyền thống đức tin”; và Đức Thánh Cha đồng ý rằng “sự khác biệt về giáo lý không và không thể cản trở sự cộng tác hòa bình của chúng ta để cải thiện thế giới chung của chúng ta và cuộc sống của con cái ông Nô-ê”.
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận