Con đường canh tân từ bên trong

333 lượt xem Tài Liệu
Listen to this article

WHĐ (23.5.2021) – Nhân dịp Dòng Tên mừng 500 ngày Thánh Inhaxiô Lôyôla được ơn hoán cải, cha Nguyễn Ngọc Thế, S.J., thuộc Tỉnh Dòng Tên Đức, tổ chức cho anh chị em Công giáo gốc Việt tại Đức một chương trình mừng kính “Năm Thánh I-nhã” với những bài thuyết trình hằng tháng trực tiếp qua ZOOM và YOUTUBE bằng tiếng Việt để giúp anh chị em hiểu biết về linh đạo I-nhã. Sau Thánh lễ Khai mạc chiều thứ bảy, ngày 22 tháng 5 năm 2021, cha Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J. đã thuyết trình đề tài mở đầu: Con đường canh tân từ bên trong. Được sự đồng ý của cha Giuse Nguyễn Công Đoan, WHĐ trân trọng giới thiệu toàn văn bài thuyết trình này.

* * *

CON ĐƯỜNG CANH TÂN TỪ BÊN TRONG

Giê-ru-sa-lem, 22/5/2021
L.M. Giuse Nguyễn công Đoan, S.J.

“Thời nào thánh nấy.”

Chúa Giê-su đã sắm được đoàn chiên bằng máu của mình, nên Chúa không bao giờ bỏ đoàn chiên cho sói dữ, dù nó đội lốt chiên hay đội lốt cả người chăn chiên. Trong lịch sử các dân tộc thì người ta nói “thời nào anh hùng nấy”, còn trong Dân Thiên Chúa thì phải nói Thời nào thánh nấy”, bởi vì mỗi vị thánh là một vị đã sống đức tin một cách anh hùng theo thời đại của mình, nổi bật là các vị tử đạo, đem chính mạng sống của mình làm chứng lòng tin vào Thiên Chúa, có những vị khác không đổ máu một lần, nhưng là cả một đời trung thành sống đức tin, thực hành lời Chúa. Bước đầu trong việc xem xét để tôn phong một vị thánh là xác nhận được rằng vị ấy đã sống các nhân đức theo gương Chúa Giê-su một cách anh hùng, đáng nêu làm gương cho các tín hữu. Có những vị thánh được Chúa trao sứ mạng phục vụ Hội Thánh theo nhu cầu của mỗi thời đại: từ việc săn sóc người nghèo, người bệnh, giáo dục, mục vụ, đi loan báo Tin Mừng, canh tân Hội thánh, bảo vệ công bằng xã hội… Có những vị chẳng làm gì hơn là sống trọn vẹn cuộc sống hàng ngày theo Tin Mừng.

Nhìn lại lịch sử Hội Thánh, thời Hội Thánh còn bị đế quốc Rô-ma bách hại đã có những sói dữ xâm nhập, phá hại từ bên trong bằng cách gieo rắc những giáo lý sai lạc, ngay từ thời các tông đồ, như ta thấy trong các thư của thánh Phao-lô và các tông đồ. Nhưng kể từ ngày Hội Thánh được bình an và trở thành quốc giáo của đế quốc Rô-ma vào thời hoàng đế Công-tăng-ti-nô (từ năm 312), thì sự “tục hóa” xâm nhập vào Hội Thánh ngày càng mãnh liệt.

Người kế vị thánh Phê-rô, từ thế kỷ thứ 8 đã có một vòng vương miện trên cái nón che đầu, mà người ta biện minh bằng huyền thoại rằng chính hoàng đế Côn-tang-ti-nô đã tặng. Thời Giáo Hoàng Bonifacio VIII (1294-1304) thì cái mũ có hai tầng triều thiên; trong bản kê khai kho tàng của Giáo Hoàng năm 1315 hoặc 1316 thấy có kể cái mũ ba tầng triều thiên rồi.

Giáo Hoàng đã trở thành một thứ hoàng đế, có nhiều lãnh địa ở Tây Âu, nhất là tại bán đảo Ý[1], có quyền tấn phong cho các vua, có cả một triều đình phục vụ gọi là giáo triều, và các vị chức sắc trong giáo triều cũng theo mọi thứ phù hoa của các triều đình từ trang phục đến cách xưng hô. Người kế vị thánh Phê-rô làm “mục tử” chăn dắt đoàn chiên của Chúa, mặc trang phục hoàng đế, đội vương miện ba tầng triều thiên[2]: với ý nghĩa là vua của Hội Thánh, vua của các lãnh địa thuộc quyền, vua của các vua thay hoàng đế Rô-ma. Sự tục hóa xâm nhập không chỉ ở giáo triều Rô-ma, mà cả hàng giám mục, linh mục.

Suốt 9 thế kỷ, các gia đình quý tộc ở bán đảo Ý, ở Pháp, Tây ban Nha, các vị vua mạnh thế ở Âu Châu chia nhau quyền lực và quyền lợi của cái đế quốc kỳ lạ này. Trong khi đó thì những “mục tử” ở mọi cấp không phải lúc nào cũng dành ưu tiên cho việc rao giảng Tin Mừng, Phúc âm hóa đời sống cá nhân và xã hội, việc giáo dục đức tin, sự quan tâm tới đời sống người nghèo mà các tông đồ thỏa thuận tại công đồng Giê-ru-sa-lem, như thánh Phao-lô kể lại trong thư gởi tín hữu Ga-lát:

Còn về các vị có thế giá – lúc bấy giờ các vị ấy có là gì đi nữa, điều đó không quan hệ đối với tôi: Thiên Chúa không thiên vị ai–, các vị có thế giá ấy đã không đưa ra thêm điều gì cho tôi. 7Trái lại, các ngài thấy rằng tôi đã được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người không được cắt bì, cũng như ông Phê-rô được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người được cắt bì. 8Thật vậy, Đấng đã hoạt động nơi ông Phê-rô, biến ông thành Tông Đồ của những người được cắt bì, cũng đã hoạt động biến tôi thành Tông Đồ các dân ngoại. 9Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an , những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Ba-na-ba để tỏ dấu hiệp thông: chúng tôi thì lo cho các dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì . 10Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm(2,6-10).

Nhưng cũng như trong Cựu Ước Thiên Chúa là Mục Tử nhà Ít-ra-en “lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành” (Tv 120/121,4), không ngừng gởi các ngôn sứ, các vị lãnh đạo (các thủ lãnh, các vua) để dẫn dắt Dân của Giao Ước Xi-nai. Chúa Giê-su là mục tử nhân lành luôn ở với Hội Thánh là Dân của Giao Ước Mới, cũng không ngừng gởi Thánh Thần khơi dậy những mục tử như lòng Chúa mong Ước và những vị thánh để đem hơi thở, ánh sáng và sức sống nuôi Dân Chúa, đặc biệt là các vị thánh với đặc sủng khơi dậy những nếp sống đặc biệt có sức canh tân Hội Thánh, từ thánh Biển Đức với các đan viện góp phần Phúc Âm hóa các dân tộc mới hình thành, vốn bị coi là man-di mọi rợ trong đế quốc Rô-ma, tới thánh Phan-xi-cô At-si-di để đem ánh sáng của sự khó nghèo theo Tin Mừng, phản kháng một thế giới đang phát triển về đời sống vật chất làm cho người ta lãng quên Thiên Chúa, đồng thời với thánh Đaminh đề cao việc rao giảng Lời Chúa. Người kế vị thánh Phê-rô thời đó coi hai vị thánh này là hai cột trụ giữ cho ngôi nhà Hội Thánh đang siêu vẹo đứng vững.

Những sự suy thoái trong hàng lãnh đạo, sự thiếu giáo dục đức tin tiếp tục đẩy Dân Chúa vào sự thiếu hiểu biết đức tin, bám vào những cái bề ngoài nhiều khi có vẻ mê tín, bùa ngải.

Tiếng La-tinh

Sau thời tan rã của đế quốc Rô-ma tiếng La-tinh không còn là ngôn ngữ của dân chúng, vì các dân mà người Rô-ma gọi là “man di mọi rợ”, đều có ngôn ngữ riêng của mình. Tiếng La-tinh chỉ còn là thứ tiếng dùng trong trường học, nhưng vẫn được coi là thứ “ngôn ngữ thánh” bảo vệ Sách Thánh và phụng vụ, khiến Lời Chúa là ánh sáng và là sự sống trở thành xa lạ với dân Chúa. Phụng vụ vốn là sự diễn tả của đời sống đức tin và nguồn sống nuôi dưỡng đức tin, bỗng trở thành xa lạ: người Pháp nói là đi nghe lễ, người VN nói là đi xem lễngười Đức Ich gehe zum Gottesdienst… Thật trái với đời sống cộng đoàn tín hữu từ ngày đầu mà sách Công Vụ diễn tả: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (2,42). Giảng đài (tòa giảng) trở thành “diễn đàn tự do” để nói đủ thứ, trừ Lời Chúa, hoặc “tòa phán xét” để cha phán xét hết mọi người, từ đứa trẻ đến ông trùm bà quản… Chính người đứng trên tòa giảng chẳng hiểu, hoặc tệ hơn không sống theo lời mình giảng. Có khi giảng đài là nơi phô trương tài hùng biện, văn chương, hấp dẫn người ta đến nghe, nhưng không phải để nuôi dưỡng đức tin mà cho khoái lỗ tai, và người giảng hãnh diện vì tài nghệ văn chương của mình. Phải chờ đến thế kỷ 20 công đồng Va-ti-ca-nô II mới giải thoát chúng ta khỏi cái “hàng rào thánh thiêng” tiếng La-tinh, nhưng ngoài sự cố chấp của một số người “nghiện đồ cổ”, còn nảy sinh nhiều thách đố mới.

Lời giám mục nói khi trao sách Thánh trong nghi thức truyền chức phó tế: “Con hãy tin điều con đọc, giảng điều con tin và sống điều con giảng” tức là bốn bước để lên tòa giáng: đọc, [hiểu], tin, sống và giảng; [thực ra là năm bước, vì phải thêm hiểu điều con đọc nữa!]. Nhưng người ta hay “nhảy lên” thay vì bước đủ 5 bước. Tiếc là điều đó vẫn còn đang xảy ra hôm nay, dẫn Hội Thánh vào những khủng hoảng mới.

Hội Thánh phải được canh tân không ngừng

Hội Thánh không quy tụ các thiên thần, nhưng là những con người bằng xương bằng thịt: “Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Áp-ra-ham. 17Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. 18Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách (x. Hr 2,16-18). Tuy Chúa Phục Sinh ở với Hội Thánh và không ngừng gởi Thánh Thần qua Lời Chúa và các bí tích để dạy dỗ và giúp mọi thành phần sống thánh thiện theo ý Thiên Chúa, nhưng Lời Chúa trở thành xa vời, phụng vụ và việc cử hành các bí tích trở thành những nghi thức bên ngoài thay vì là nguồn ơn sủng biến đổi người tín hữu theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Con người cũ do tội lỗi làm méo mó sống dai lắm, và nó được nuôi dưỡng cách tinh vi bởi Xa-tan, nên phải giết nó hàng ngày, như thư Cô-lô-xê (3,5-9) khuyên:

Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. 6Chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những kẻ không vâng phục. 7Chính anh em xưa kia cũng ăn ở như thế, khi anh em còn sống giữa những người ấy. 8Nhưng nay, cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục.

9Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, 10và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu” (3,5-10).

Ơn chúng ta đã lãnh nhận nhờ Chúa Giê-su Ki-tô làm cho chúng ta thành con người mới thuộc về thượng giới: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. 2Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. 3Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa.” (3,1-3)

Con người cũ, cụ thể là những ham muốn bên trong và cách hành xử bên ngoài mà thánh Phao-lô gọi là “thuộc về hạ giới”, tức là những gì ba kẻ thù Xa-tan, thế gian, và xác thịt không ngừng chuyền vào trong chúng ta, vì thế không thể giết nó một lần cho gọn, cũng không phải là tạo một khoảng trống, nhưng giết bằng cách thay thế nó, mặc lấy những tâm tình và cách cư xử của con người mới, nghĩa là “mang lấy những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2,5)  bước đi như Đấng ấy [Chúa Giê-su] đã bước đi” (1Ga 2,6).

Với thời gian, những nguyên nhân kể trên khiến cho Hội Thánh của Chúa, từ hàng lãnh đạo tới các tín hữu luôn cần được canh tân. Trong Cựu Ước thì Thiên Chúa sai các ngôn sứ, trong Hội Thánh của Tân Ước, Thánh Thần ban ơn đặc biệt cho một số người, không phân biệt phái tính hay thứ bậc nào, để làm công cụ canh tân Hội Thánh.

Một thánh Tô-ma với trí thông minh tuyệt vời, kết hợp với lòng đạo đức sâu xa, lòng sùng kính bí tích Thánh Thể gương mẫu, tổng hợp giáo lý với triết học Hy lạp, viết nên bộ sách được dùng như sách giáo khoa thần học cho tới thế kỷ 20.

Một thánh nữ Ca-ta-ri-na thành Sienna, nữ giáo dân Dòng Ba Đa-minh, được nhiều ơn thần bí để vào sâu trong màu nhiệm của Thiên Chúa và lòng yêu mến Hội Thánh thiết tha, được sai đi thuyết phục Đấng kế vị thánh Phê-rô rời bỏ sự an toàn ở lãnh địa Avignon, trở về Rô-ma[3] sau 72 năm.

Inhaxiô Lôyôla:
Từ mải mê tìm danh vọng trần gian
đến say mê làm Vinh Danh Thiên Chúa Hơn

I-nhi-gô (Iñigo) là con trai út trong 13 người con của gia đình quý tộc Loyola. 1491 vẫn được coi là năm sinh của I-nhi-gô, tuy không có tài liệu nào cho biết chắc chắn là hoàn toàn chính xác[4]. I-nhi-gô là tên thánh khi chịu phép rửa tội ở nhà thờ kính thánh Sebastiano. Sau này, giữa 1535-1540, thì ngài ký tên là I-nha-xi-ô, do lòng sùng kính thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a.

Bối cảnh đời sống Hội Thánh và xã hội thời kỳ này.

I-nhi-gô sinh vào cuối thời mà lịch sử Âu Châu gọi là thời Trung Cổ. Tuy chế độ phong kiến vẫn tồn tại ngay trong lòng các đế quốc hùng mạnh.

Sự phát triển của ngành hàng hải với hai đế quốc Bồ đào Nha và Tây ban nha đưa tới cái gọi là khám phá ra châu Mỹ, và hai đế quốc này chia nhau chiếm lãnh lục địa mới khám phá, thêm hai cường quốc hàng hải khác là Anh và Hòa Lan. Các cường quốc này chia nhau quyền lực ở Phi Châu và lục địa châu Mỹ, bắt cóc dân các bộ lạc ở châu Phi đem bán làm nô lệ cho những người khai khẩn lục địa châu Mỹ, đuổi người dân bản địa vào rừng sâu.

Các cường quốc này cũng mở rộng giao thương đường biển tới các nước châu Á trước khi đi tới những cuộc chiến tranh xâm lược mấy trăm năm sau. Các giáo sĩ làm tuyên úy trên các tàu buôn bắt đầu rao giảng Tin Mừng cho các dân. Bồ đào Nha thiết lập những căn cứ buôn bán tại Ấn Độ (Goa) và Trung Hoa (Macao), rồi việc truyền giáo ngày càng được tổ chức quy mô hơn, sử dụng những căn cứ buôn bán làm trụ sở cho các nhà truyền giáo.

Tại Việt Nam, sử biên niên triều Lê, năm 1533 đã ghi lại sự có mặt và hoạt động đơn lẻ của một giáo sĩ tên là I-nhê-khu. Nhưng khi các cha Dòng Tên tới Đàng Trong năm 1615 và Đàng Ngoài năm 1627 thì không thấy dấu vết gì do hoạt động đơn lẻ của giáo sĩ này.

Trong khi đó tại Âu Châu, việc cai quản Hội Thánh vẫn nằm trong quyền lực của các gia đình quý tộc. Các vị trí quan trọng như các tòa Giám Mục, Tổng Giám Mục vẫn ở trong tay những vị xuất thân từ các gia đình quý tộc. Cũng không có gì khó hiểu, vì chưa có những trường đào tạo linh mục, nên những người dòng dõi quý tộc mới có điều kiện đạt trình độ học vấn cao, và thế lực gia đình giúp họ leo lên những vị trí quyền lực trong Hội Thánh, từ Trung Ương tới địa phương. Rồi đến lượt họ, vẫn theo phong thái quý tộc, lo đưa thân nhân của mình, « con ông cháu cha », vào những vị trí quyền lực, những nơi béo bở. “Một người làm quan cả họ được nhờ”! Còn chính đời sống của họ, tuy mang chức thánh nhưng thường lại chẳng thánh thiện gì… trái lại họ thường theo lề thói nếp sống quý tộc, vương giả, lo tiến thân hơn là lợi ích của Hội Thánh. Còn những chốn quê mùa, nghèo nàn thì chỉ có những giáo sĩ ít học phục vụ… Mục tử như thế thì đàn chiên của Chúa phải chịu số phận nào!

I-nhi-gô sinh ra và lớn lên vào thời Hội Thánh bị khủng hoảng nghiêm trọng. Năm 1531, Vua Henry VIII đã tách Hội Thánh nước ông khỏi quyền Đấng kế vị thánh Phê-rô, cuộc ly khai tồn tại cho đến nay.

Một số nhà cải cách khác, tiêu biểu nhất là Martin Luther, sinh 10-11-1483, vào tu viện Erfurt 17/7/1505, là một tu sĩ dòng thánh Âu-tinh, rất thông minh và rất tha thiết với đời sống đức tin của các tín hữu. Thất vọng về cơ chế của Hội Thánh do Giáo Hoàng Rô-ma và hàng giáo sĩ, với tình trạng thối nát mà ông coi là hết thuốc chữa, chủ trương bãi bỏ toàn bộ cái cơ chế ông coi là hoàn toàn thế tục để chỉ giữ lại Sách Thánh, dịch ra ngôn ngữ của mỗi dân tộc, làm nền tảng cho đời sống đức tin.

Ông coi các thứ “việc đạo đức” “sùng kính” được cổ võ trong Hội Thánh, nhất là lúc đó Giáo Hoàng Giulio II lặp lại việc quyên tiền cho công cuộc xây dựng Đền Thánh Phê-rô ở Rô-ma bằng cách ban “ơn xá” cho người dâng cúng tiền bạc, ông coi đó là một thứ buôn thần bán thánh. Khoảng năm 1510/1511 ông ở Rô-ma 6 tháng, ông cũng tham gia những việc sùng kính khách hành hương quen làm. Một hôm ông cùng với các khách hành hương quỳ gối lên từng bậc thang được coi là “cầu thang thánh” mà Chúa Giê-su đã đi ở dinh Phi-la-tô, sau được gỡ đem về Rô-ma… ông bỗng được đánh động bởi lời thánh Phao-lô: “Giả như ông Áp-ra-ham được nên công chính vì những việc ông đã làm, thì ông có lý do để hãnh diện; nhưng không phải là hãnh diện trước mặt Thiên Chúa. 3Thật vậy, Kinh Thánh nói gì? Ông Áp-ra-ham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính. 4Người nào làm việc, thì lương trả cho người ấy không được kể là ân huệ, mà là nợ. 5Trái lại người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính. 6Đó là điều vua Đa-vít nói khi ca tụng hạnh phúc của người được Thiên Chúa kể là công chính mà không xét đến việc làm:

7Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,

người có tội mà được khoan dung!

8Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội!

Những suy nghĩ này dẫn ông tới khẳng định thứ hai là người ta được cứu độ nhờ đức tin chứ không phải nhờ những việc đạo đức. Những sự hư hỏng do tội tổ tông gây ra là không thể chữa lành, và người ta luôn phạm tội không thể tránh được: người ta vẫn là tội nhân và được cứu nhờ đức tin mà thôi. Hai định đề quyết liệt: 1/ Sách Thánh mà thôi không cần cơ chế, truyền thống loài người nào cả. 2/ Nên công chính nhờ đức tin mà thôi, và chỉ là được Chúa không kể là có tội, chứ không nhờ các “việc lành phúc đức” nào.

Ngày 31/10 / 1517 ông niêm yết tại cửa nhà thờ 95 điều mà ông coi là sai lạc về giáo lý trong Hội Thánh. Rô-ma gọi ông qua để tường trình, nhưng ông viện lý do sức khỏe không đi. Năm 1521, năm mà I-nhi-gô bị thương và được ơn hoán cải thì ông Luther bị Tòa Thánh ra vạ tuyệt thông.

Thối từ ngọn

I-nhi-gô chào đời ở Loyola 1491, thì năm sau, ngày 11/8/1492 tại Tòa Thánh Rô-ma, Hồng Y Borgia được bầu làm Giáo hoàng, lấy tên là A-lê-xan-đê VI. Vị Giáo Hoàng nổi tiếng… « hoang đàng » này thuộc gia đình quý tộc Borgia[5], Tây ban Nha, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1431 tại Sativa. Năm 1456, lúc mới 25 tuổi được cậu ruột là Giáo Hoàng Ca-lít-tô III phong làm Hồng y. Vừa là con ông cháu cha, vừa có tài quản trị nên ông leo nhanh trên thang quyền lực và danh vọng: 20 năm sau (1476) đã nắm quyền niên trưởng Hội Đồng Hồng Y tại Rô-ma. Tại giáo triều Rô-ma, Hồng Y này quan hệ với bà Vanozza Catanai, sanh 4 đứa con, 3 trai một gái. Được bầu làm Giáo Hoàng rồi, vẫn tiếp tục nếp sống hoang đàng. Qua đời 18/8/1503, không biết do ngộ độc thức ăn hay bị đầu độc.

Giáo triều Rô-ma như thế thì ở các cấp quyền lực khác ra sao, khỏi cần bàn thêm.

Trong khi đó thì ở miền Bắc Âu, giáo dân chẳng được dạy dỗ về đức tin, việc thực hành càng nguội lạnh. Tại đảo Corsica vào năm 1552, tuy vẫn có giám mục được bổ nhiệm nhưng đã 60 năm không có giám mục nào chịu sống ở đó. Các linh mục thì chẳng bao giờ giảng dạy, lo đi làm kiếm sống. Giáo dân thì nhiều người không thuộc kinh LẠY CHA, kinh KÍNH MỪNG! Thay vào đó là những thứ mê tín và cuộc sống luân lý suy thoái: ganh ghét, hận thù chồng chất. Trong nội địa châu Âu cũng có nhiều nơi Giám Mục không lo việc cai quản giáo phận mà chỉ nhận bổng lộc rồi lui tới với các nhà quý tộc để hưởng thụ.

Phải chờ đến ngày 13/5/1545 Giáo Hoàng Phao-lô III mới mở Công Đồng chung ở Trento (quen gọi là Công Đồng Tri-đen-ti-nô) để chấn chỉnh giáo lý, kỷ luật và đời sống trong Hội Thánh.

I-nhi-gô, người say mê vinh quang thế tục

Gia đình quý tộc Loyola giữ quyền bảo trợ giáo xứ Azpeitia ở địa phương này, với quyền đề cử cha sở và hưởng một số lợi nhuận. Đời sống của giáo dân trong giáo xứ này cũng bình thường như bao nhiêu giáo xứ thời đó, không phải là gương mẫu. Khi từ Paris trở về vì lý do sức khỏe theo lời khuyên của bác sĩ (1535-1536), I-nhi-gô đã giảng dạy giáo lý và thuyết phục chánh quyền địa phương cải cách nhiều thói tục trái với đời sống Ki-tô-hữu.

I-nhi-gô là con út, trong 13 người con trai của gia đình. Sớm mồ côi mẹ. Chị dâu lớn là người đạo đức, sau này khi I-nhi-gô nằm dưỡng thương, bà sẽ là người đưa cho I-nhi-gô hai cuốn sách làm thay đổi cuộc đời. Các anh thì mỗi người đều thành công trong sự nghiệp riêng, có người theo binh nghiệp, có người làm linh mục, có người phiêu lưu qua tận châu Mỹ…

Sau thời thơ ấu êm ả tại Loyola, siêng năng dự lễ, cầu nguyện cùng với gia đình và dân làng tại nhà thờ giáo xứ Thánh Sebastian, và nhiều nhà nguyện rải rác trên đồi, trong thung lũng Azpeitia, nữ tu viện dòng Phan-xi-cô, cậu út I-nhi-gô được người bạn của gia đình là Juan Velásquez de Cuéllar, quan coi về tài chánh của vua Fernando, nhận làm con nuôi, đưa về chốn cung đình ở Arevalo, khoảng năm 1505 hay 1506. Từ đây cho tới 1517, khi ông Velazquez qua đời, I-nhi-gô thường được đi theo vào triều đình, làm quen với nếp sống phù hoa. Thời gian này I-nhi-gô say mê trau giồi văn chương, tập viết chữ đẹp, ham đọc sách, nhất là các sách “hiệp sĩ”, vì thư viện ở đây rất phong phú. Cuốn sách với tên nhân vật chính là Amadis sẽ để lại ấn tượng sâu xa như ta sẽ thấy. Tuy vẫn trung thành với một số việc đạo đức, nhưng đời sống luân lý thì cũng lỏng lẻo theo nếp sống cung đình. Sau này, ngay trang đầu của sách Tự Thuật, ngài sẽ tóm tắt: đó là những năm “theo đòi thói thế gian… thích luyện tập binh khí… rất say mê tìm vinh quang, danh vọng trần tục”. Không có bằng chứng nào cho thấy ngài đã theo binh nghiệp, nhưng là người quý tộc thì văn võ kiêm toàn, khi cần là có khả năng cầm vũ khí xông vào chiến trận, như sẽ xảy ra tại Pamplona, biến cố dẫn tới nếp sống mới.

Ơn hoán cải: từ hiệp sĩ thế gian thành Hiệp Sĩ của Thiên Chúa.

Năm 1521 một đạo quân Pháp vây hãm thành phố Pamplona, chàng hiệp sĩ I-nhi-gô tình nguyện nhập cuộc, tham gia bảo vệ một pháo đài. Các sĩ quan khác đã thấy không còn hy vọng chống cự, chỉ còn một cách là đầu hàng. Nhưng vời dòng máu anh hùng và sẵn sàng chết để bảo toàn danh dự hơn là chịu nhục đầu hàng, I-nhi-gô truyền nghị lực khiến mọi người quyết tâm bảo vệ pháo đài đến cùng. Ngày 17/1/1521, sau khi đã hạ hết các pháo đài bảo vệ thành phố, Quân Pháp tập trung lực lượng tổng tấn công pháo đài cuối cùng. Một quả đại bác trúng vào chân I-nhi-gô, làm gãy một chân và gây thương tích da thịt cho chân kia, khiến I-nhi-gô quị ngã[6]. Mọi người đầu hàng. Quân Pháp tiến vào, biết I-nhi-gô là anh hùng, linh hồn của cuộc kháng cự, họ rất kính nể. Xử lý vết thương hết sức tử tế. 12 hay 15 ngày sau, người ta dùng chõng khiêng về Loyola. Đầu tháng sáu mới về tới lâu đài của gia đình. Có lẽ vì đường xa và phương tiện chuyên chở thô sơ thời đó, vết thương trở nên rất đau đớn, các bác sĩ và các chuyên gia giải phẫu khắp vùng được mời đến, tất cả đều kết luận là phải mổ vết thương, xếp lại các xương gãy. Một cuộc giải phẫu mới để xếp lại vết xương gãy: thời đó không có thuốc mê hay thuốc tê, nhưng I-nhi-gô không hề rên la, hay tỏ dấu hiệu nào là đau đớn, chỉ nắm chặt hai tay[7]. Sau đó thì tình trạng sức khỏe xấu đi đến nỗi gần chết, nhưng sau ngày 28 tháng sáu, áp lễ hai thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô, tình trạng bỗng khá lên mau chóng. I-nhi-gô vốn có lòng sùng kính thánh Phê-rô, nên cho đó là ơn của thánh Phê-rô[8].

Vẫn còn muốn bảnh trai để “theo thế gian”.

Nhưng khi các xương đã liền lại, thì I-nhi-gô thấy phía dưới đầu gối nhô lên, như có hai xương chồng lên nhau, gây ra tình trạng chân cao chân thấp, thật xấu xí. I-nhi-gô không thể chấp nhận, vi vẫn quyết tâm theo thế gian. Các chuyên gia lại được mời đến. I-nhi- gô hỏi có thể “đẽo” cục xương nhô lên đó không. Họ trả lời: dĩ nhiên đẽo được, nhưng sẽ đau đớn hơn tất cả những đau đớn đã phải chịu trước đây, vì xương đã lành rồi. I-nhi-gô chấp nhận mọi đau đớn, miễn là đạt ý muốn của mình. Người anh lớn tuổi nhất nghe thì rùng mình nói: anh không thể nào chịu nổi cái đau như thế. Nhưng I-nhi-gô vẫn chịu được với sự kiên nhẫn như đã quen.

Chưa hết. Còn phải kéo cho chân này dãn ra cho bằng chân kia. Thêm một khổ hình nhiều ngày nữa. Nhưng không thể đạt kết quả mong muốn là hai chân bằng nhau… Tuy nhiên trong khi đó thì Chúa cho I-nhi-gô lấy lại sức khỏe, tuy chưa thể đi lại, bắt buộc phải nằm trên giường. Thú vui đọc sách giúp chàng giết thời gian. Nhưng thư viện của gia đình đâu có phong phú như thư viện ở Arevalo. Không còn loại sách “hiệp sĩ” mà I-nhi-gô say mê, bà chị dâu đạo đức đem cho I-nhi-gô hai cuốn sách: Hạnh các thánh của Jacobus de Voragine, dòng Đa-minh (qua đời năm 1298) và Cuộc Đời Chúa Giê-su Ki-tô của Ludolph de Sassonie, tu sĩ dòng Chartreuse, truyền bá bằng các bản sao chép khoảng 1360-1377. Bản in đầu tiên năm 1472, sau đó dịch ra nhiều thứ tiếng ở lục địa châu Âu[9].

Thiên Chúa là mục tử nuôi con chiên đã bị bẻ què chân.

Sống ở vùng Thánh Địa, tôi được biết cách thức người du mục (Bê-đu-in) trị một con chiên non khi nó hay chạy một mình xa đàn, khiến người chăn chiên phải chạy đi tìm: người chăn chiên bẻ què một chân để nó không đi được, rồi ngày ngày ôm nó theo, cho nó ăn trong tay mình. Nó mau lành lắm, và sau đó nó chẳng bao giờ chạy xa ngươi chăn chiên nữa. Tôi thấy cách Chúa xử với I-nhi-gô cũng tương tự như vậy, nhờ thế biến đổi tâm hồn ngài, từ chỗ ham mê vui thú thế gian, tìm danh vọng cho mình, đến chỗ say mê yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi sự (en todo amar y servir) để làm vinh danh Chúa hơn (ad maiorem Dei Gloriam).

1/ Cuốn hạnh các thánh I-nhi-gô đọc (tựa đề La-tinh “Flos Sanctorum”: (Đóa hoa chư thánh) là sách viết về các vị thánh và các lễ lớn theo lịch phụng vụ, với lối văn thời đó, đề cao các nhân đức và các phép lạ. Tính tới năm 1500 đã in 74 lần bằng tiếng La-tinh và nhiều lần bằng sáu thứ tiếng phổ thông. Bản I-nhi-gô đọc là bản dịch tiếng Tây-ban-nha, có lẽ xuất bản ở Toledo năm 1511. Lời tựa của tu sĩ dòng Xi-tô, Gauberto Vagal, giới thiệu các thánh là những « hiệp sĩ của Thiên Chúa », phục vụ « vua hằng sống là Chúa Giê-su Ki-tô dưới cờ chiến thắng vĩnh cửu ».

Lời tựa với hình ảnh các thánh là những hiệp sĩ trổi vượt trong việc phục vụ dưới cờ Vua Hằng Sống là Chúa Ki-tô tạo nên trong tâm hồn I-nhi-gô một nỗi khao khát mới, trong những tháng tiếp theo sẽ vật lộn và thắng mộng làm hiệp sĩ phục vụ một người đàn bà theo lý tưởng hấp dẫn của các truyện hiệp sĩ, nhất là Amadis.

Lời tác giả kể về hai vị thánh hấp dẫn và tác động trên suy tư của I-nhi-gô hơn cả là Phan-xi-cô Át-xi-di (lễ 4 tháng 10) và Đa-minh (lễ ngày 8 tháng 8). I-nhi-gô muốn thi đua với hai vị thánh này, ngài tự nhủ: « Thánh Đa-minh đã làm điều này, thì tôi cũng phải làm như thế. Thánh Phan-xi-cô đã làm điều này thì tôi cũng phải làm như thế! » (Tự thuật, s.7). 

Lời tác giả Jacobus viết về thánh Âu-tinh, nhắc tới cuốn sách « Thành trì của Thiên Chúa » hẳn đã ảnh hưởng sâu đậm tới suy tư tư của I-nhi-gô, như sẽ thấy trong bài linh thao về « Vương quốc Đức Ki-tô » (Linh Thao ss. 91-98) và bài về « hai cờ hiệu » (LT ss.136-156), là hai bài then chốt trong tuần thứ hai của Linh Thao, dẫn tới sự chọn lựa bậc sống hoặc canh tân đời sống theo bậc đã chọn.

2/ Cuốn « Cuộc đời Chúa Giê-su Ki-tô » (tựa đề La-tinh: De vita Iesu Christi). Chính vua Fernando và hoàng hậu Isabella đã yêu cầu một tu sĩ dòng Phan-xi-cô là Ambrosino de Montesino dịch ra tiếng Tây-ban-nha, bản dịch này xuất bản ở Toledo năm 1502-1503 gồm 4 cuốn khổ lớn, tổng cộng 1.100 trang. Tác giả sắp xếp trình thuật về cuộc đời Chúa Giê-su từ đầu cho tới Chúa lên trời, thành 181 chương dài.

Trong lời mở đầu hay dẫn nhập, tác giả giải thích cách chiêm ngắm các biến cố trong cuộc sống của Chúa Ki-tô. Chương 1 nói về Ngôi Lời được sinh ra từ đời đời trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ chương 2 bắt đầu nói về kế hoạch của Thiên Chúa để cứu độ loài người đã sa ngã, rồi mầu nhiệm Truyền Tin, và tiếp tục cho tới Chúa Phục Sinh và Lên Trời. Bảy chương cuối nói về Thánh Thần hiện xuống, việc ca tụng Thiên Chúa, Ngày Chung thẩm và Vinh Quang trên trời.

Hai cuốn sách này đã thành thức ăn Thiên Chúa là Mục Tử dùng để nuôi con chiên bị bẻ chân, ban ơn hoán cải, biến đổi hoàn toàn con người và cuộc đời I-nhi-gô… « Đóa hoa chư Thánh » mở ra một phong cách hiệp sĩ mới, đấu tranh với lý tưởng hiệp sĩ mà I-nhi-gô đã từng nuôi bấy lâu bằng các truyện tiểu thuyết. Còn cuốn « Cuộc đời Chúa Giê-su Ki-tô » sẽ thiêu đốt tâm hồn I-nhi-gô bằng một ngọn lửa tình yêu mới, có sức dập tắt mọi thứ ham mê trần tục, làm cho I-nhi-gô chỉ còn khao khát và xin một ơn là « biết Chúa hơn, yêu Chúa hơn và theo Chúa sát hơn », đến mức muốn đạt tới « bậc khiêm nhường thứ ba » là nếu được chọn giữa hai con đường cùng làm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi linh hồn mình ngang nhau, thì sẽ chọn bên nào làm cho mình nên giống Chúa Giê-su hơn cả: con đường thập giá với mọi thứ cay đắng sỉ nhục mà Người đã đi[10].

Thời gian đầu, cuộc vật lộn giữa hai mô hình hiệp sĩ diễn ra trong tâm hồn I-nhi-gô, như con chiên bị bẻ chân vẫn còn mơ ước tự mình chạy lăng xăng như trước. Chính ngài kể lại trong sách « Tự Thuật »: « Đọc đi đọc lại nhiều lần hai cuốn sách ấy và cảm thấy thích những gì viết trong đó. Nhưng buông sách xuống, thì nhiều khi lại nghĩ về những gì đã đọc, nhưng nhiều khi lại nghĩ về những sự thế gian mà trước đây quen nghĩ. Và trong những điều hư danh đó thì một điều xâm chiếm tâm hồn rất mãnh liệt, khiến chàng say sưa mơ mộng hai hoặc ba hay bốn tiếng đồng hồ mà không cảm thấy thời gian trôi qua: tưởng tượng những gì phải làm để phục vụ một bà, những phương thế phải dùng để có thể đi tới miền đất bà đang ở, những lời tâng bốc gọn gàng phải nói, những hành động gươm giáo phải làm để phục vụ bà. Toàn những điều hư danh mà chàng cũng không thấy là mình không thể nào đạt được, vì bà ấy không phải là hàng quí tộc tầm thường: không phải hàng công tước cũng không phải hàng quận công, mà cao xa hơn bất cứ bà nào trong những hàng ấy. 

Nhưng Chúa giúp đỡ bằng cách làm nảy sinh, sau những mơ mộng đó, những tư tưởng khác, xuất phát từ những gì mới đọc. Vì khi đọc về đời sống của Chúa chúng ta và của các thánh thì lại nảy ra những suy nghĩ, lý luận với chính mình:

Nếu như tôi cũng đã làm những gì thánh Phan-xi-cô, và những gì thánh Đa-minh đã làm thì sẽ ra sao ?

Và cứ như thế suy luận ra nhiều điều chàng thấy là tốt, và tự đề ra cho mình những điều khó khăn và nặng nề, nhưng khi dự tính như thế thì lại thấy mình có thể dễ dàng đem ra thực hiện được. Điều suy tư trên hết là tự nhủ:

Thánh Đa-minh đã làm điều này thì tôi cũng phải làm. Thánh Phan-xi-cô đã làm điều này thì tôi cũng phải làm.

Cuộc kéo co giữa hai bên giằng dai nhiều ngày, một bên là mơ mộng hão huyền theo mô hình hiệp sĩ chỉ có trong tiểu thuyết, một bên là những điều thiết thực mà các hiệp sĩ của Thiên Chúa đã làm được và I-nhi-gô thấy là mình cũng làm được và phải làm theo. Một hôm chàng bắt đầu nhận thấy sự khác biệt do tác động mỗi bên để lại trong tâm hồn mình. « Lúc thả hồn mơ mộng theo tiểu thuyết, thì thích thú đến quên thời gian, rồi khi ngừng cơn thì nó để lại sự khô khan, buồn chán. Nhưng khi nghĩ tới đi chân không tới Giê-ru-sa-lem, chỉ ăn rau để sống và làm mọi việc khổ hạnh như thấy các thánh đã làm, thì không những cảm thấy được an ủi trong khi nghĩ tới những điều ấy, mà sau đó đọng lại trong lòng niềm thỏa mãn và vui sướng. » (ss.6-8).

Bài học vỡ lòng này cũng phải mất một thời gian mới thấm và đem lại kết quả, trở thành then chốt cho cuộc đời của I-nhi-gô và cho những người sẽ theo đường lối ngài dạy trong sách Linh Thao sau này: phân biệt thần loại, sự khác biệt giữa tác động của Thánh Thần Thiên Chúa và tác động của Xa-tan trong tâm hồn chúng ta.

Chiến thắng đầu tiên của Thánh Thần Thiên Chúa trong tâm hồn I-nhi-gô. Ngài bắt đầu suy nghĩ cách thiết thực về cuộc sống quá khứ và thấy cần phải ăn năn đền tội. Ước muốn noi gương các thánh trở thành cụ thể: ý định đi Giê-ru-sa-lem đã chớm xuất hiện, nay bùng lên thành nỗi khao khát mãnh liệt, đi hành hương với tất cả những khổ chế mà một tâm hồn quảng đại bừng cháy lửa yêu mến Thiên Chúa thường ao ước làm. (s.9).

Những mơ mộng hão huyền trước kia từ nay không những hoàn toàn bị đè bẹp, mà còn được Chúa đào sâu chôn chặt bằng một ơn đặc biệt mà I-nhi-gô kể lại trong sách Tự Thuật: Một đêm I-nhi-gô thức dậy, thấy rõ ràng một hình ảnh Đức Bà với Hài Nhi Giê-su, thấy một hồi lâu, và nhận được niềm an ủi cực kỳ mạnh mẽ và lòng ghê tởm toàn thể đời sống quá khứ, nhất là những sự xác thịt, cách mãnh liệt như thể xóa bỏ khỏi tâm hồn những gì trước đây đã vẽ vào đó. Từ đó tới nay là tháng tám năm 53 khi viết ra điều này, không hề bao giờ còn một chút chiều theo những sự xác thịt nữa. Vì hiệu quả như thế, có thể coi là điều Thiên Chúa đã làm, mặc dù Người không dám xác định cũng không dám nói hơn là điều đã nói [11]. Từ đó, qua cách sống bên ngoài, anh của Ngài và mọi người khác trong gia đình nhận ra là đã có một sự biến đổi lớn diễn ra trong nội tâm của Ngài » (s.10).

Lên đường đổi đời

Khi đôi chân đã mạnh và sức khỏe đã hồi phục, I-nhi-gô lên kế hoạch cương quyết lên đường đổi đời, nhưng trước hết là lên đường đi Giê-ru-sa-lem, âm thầm chuẩn bị. Nói lý do đi gặp Quận Công Najera đang ở Navarrete. Người anh lớn và nhiều người trong gia đình cảm thấy chuyến đi này là một cuộc thay đổi lớn chứ không đơn giản như I-nhi-gô nói. Một người anh khác đi theo. I-nhi-gô thuyết phục người anh đi viếng Đức Mẹ ở Aranzazu trước. Tại đây I-nhi-gô canh thức một đêm để xin Đức Mẹ thêm sức cho trên bước đường mới. Ghé Oñate thăm một người chị. I-nhi-gô để người anh ở lại nhà người chị, tiếp tục đi tới Navarrete với hai người tôi tớ của gia đình. Tại đây I-nhi-gô nhận được số tiền 200 đồng Quận công còn thiếu. I-nhi-gô gởi cho một số người để trả ơn, và gởi một số để tu bổ một tượng Đức Mẹ. Sau đó I-nhi-gô chia tay hai người tôi tớ và một mình một lừa lên đường đi Montserrat.

Lúc ấy I-nhi-gô chưa biết gì về những điều thuộc đời sống nội tâm, thế nào là khiêm nhường, là bác ái, kiên nhẫn, chừng mực… chỉ ôm ấp trong lòng nỗi khao khát mãnh liệt phụng sự Thiên Chúa theo tinh thần hiệp sĩ, bằng những gì đã học biết nơi các thánh, trước hết là làm những việc hãm mình, khổ hạnh theo gương các Thánh, và làm hơn nữa, không phải để đền tội cho bằng để làm đẹp lòng Thiên Chúa, và cảm thấy được an ủi mãnh liệt[12]. Trên đường, từ khi rời Loyola, I-nhi-gô vẫn còn mặc đồ quí tộc, đeo gươm và dao găm.

Tại một thị trấn trước khi tới Montserrat, ngài đã sắm trang phục của một người hành hương: một chiếc áo bằng vải thô dài tới gót chân, một cây gậy có móc treo bình nước trên đầu gậy và một bình đựng nước uống. Chất lên lưng lừa rồi thẳng đường lên núi.

Montserrat, bỏ trang phục hiệp sĩ, mặc đồ khách hành hương.

Montserrat  ngọn núi, trên đó có một tu viện với đền thờ là nơi hành hương kính Đức Mẹ từ lâu đời cho tới ngày nay.

Trên đường, đầu óc ngài chỉ nghĩ về những gì phải làm vì lòng yêu mến Thiên Chúa, những gì đã đọc trong các tiểu thuyết hiệp sĩ bây giờ gợi hứng cho ngài, vì các hiệp sĩ trong truyện thời đó vẫn thực hiện những nghi thức đạo đức khi được phong. I-nhi-gô quyết định sẽ làm một đêm canh thức trọn vẹn trước tượng Đức Mẹ, trong trang phục hành hương, trước khi xuống núi.

Sau khi cầu nguyện và xin một cha cho xưng tội. Ngài đã viết ra sẵn, và cuộc xưng tội kéo dài ba ngày. Cha giải tội này là người đầu tiên Ngài cho biết ý định đổi đời của mình, và thỏa thuận với cha là sẽ cho người ra nhận con lừa đem vào phục vụ tu viện, còn thanh gươm và con dao găm sẽ để lại bàn thờ Đức Mẹ sau đêm canh thức.

Đêm trước lễ Truyền Tin năm 1522, Ngài âm thầm cởi bỏ bộ đồ hiệp sĩ sang trọng, cho một người nghèo, rồi mặc bộ đồ hành hương đã sắm, tay cầm cây gậy và bình nước, canh thức suốt đêm trước bàn thờ Đức Mẹ, khi quì gối, khi đứng chứ không ngồi.

Manresa, người hiệp sĩ tập sự được Thiên Chúa trực tiếp làm thầy giáo.

Như đã kể trên, người hiệp sĩ của thế gian khao khát trở thành hiệp sĩ của Thiên Chúa, với lòng nhiệt thành và quảng đai, nhưng chưa biết gì về đời sống nội tâm, dù từ nhỏ vẫn sống theo nếp sống của một gia đình quí tộc « ngoan đạo ».

Từ khi bắt đầu đọc hai cuốn sách hạnh các Thánh và đời sống của Chúa Giê-su Ki-tô trên giường dưỡng thương, I-nhi-gô đã bắt đầu ghi những cảm nghiệm trong tâm hồn và chép lại những lời của Chúa Giê-su và của Đức Mẹ trong một cuốn vở ba trăm tờ (Tự Thuật s.11). Từ Montserrat đi xuống, ngài ghé vào thị trấn Manresa, lúc đó có khoảng 2000 cư dân, có tường chung quanh với tám cửa ra vào, tính ở lại « nhà thương » (tức là nhà cho người nghèo không nơi nương tựa) vài ba ngày để ghi lại những cảm nghiệm trong tâm hồn những ngày vừa qua.

Tại đây I-nhi-gô đi xin ăn hàng ngày, nhưng không ăn thịt, không uống rượu, dù được người ta cho, trừ ngày chúa nhật. Ngài không cho biết tại sao ý định ở vài ba ngày trở thành vô hạn định… I-nhi-gô thực hiện ý muốn thi đua với các thánh. Trước hết noi gương các thánh « tu rừng », để râu tóc, móng tay móng chân mọc hoang dã như « người rừng », Thiên Chúa bắt đầu dạy dỗ, luyện tập chàng hiệp sĩ mới này, để cho chàng trải qua mọi thứ thử thách bên trong: một thứ hình ảnh quái lạ làm chia trí ; cám dỗ sợ hãi: làm sao sống như thế này lâu dài, thậm chí cám dỗ tự vẫn nữa… Điều khổ tâm nhất là sự bối rối. Nhờ cha giải tội kiên nhẫn và cương quyết, Chúa cho Ngài lại sự bình an. Ngài dành mỗi ngày 7 giờ để cầu nguyện.

Tổng kết thành quả giai đoạn Chúa dạy dỗ tại Manresa.

Trong sách Tự Thuật[13], ngài nhận xét về giai đoạn này: « Thời kỳ này Thiên Chúa đối xử với người hành hương theo cách thức như thầy giáo ở nhà trường đối với một đưa trẻ, dạy dỗ nó. Có thể vì sự thô thiển và dốt nát, hoặc vì không có ai để dạy dỗ, hay vì ý muốn cương quyết phụng sự Thiên Chúa mà chính Thiên Chúa đã ban cho người. Về phần mình người xét thấy rõ ràng và luôn cho rằng Thiên Chúa đã đối xử với người như vậy ; trái lại, người nghĩ là xúc phạm đến Thiên Chúa nếu nghi ngờ về điều ấy ; có thể thấy được phần nào vì 5 lý do sau đây:

Một là vì người có lòng sùng kính mạnh mẽ đối với Thiên Chúa Ba Ngôi…

Hai là, một lần người được hiểu biết trong lòng với niềm vui thiêng liêng lớn lao, về cách thức Thiên Chúa dựng nên thế giới này như một luồng ánh sáng tỏa ra từ Thiên Chúa.

Ba là, chính tại Manresa, nơi người ở lại gần một năm, sau khi được Thiên Chúa an ủi, và nhận thấy hoa trái từ việc giúp các linh hồn bằng các cuộc tiếp xúc, người bỏ cái bề ngoài quá khích trước kia, cắt móng tay và hớt tóc… Một hôm trong thánh lễ vẫn dự tại nhà thờ một tu viện như vẫn quen, khi dâng Mình Thánh, người thấy bằng con mắt bên trong những tia sáng đến từ trên ; và mặc dù sau bấy nhiêu lâu vẫn không thể giải thích rõ ràng, song người hiểu rõ ràng là đã được thấy cách Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta hiện diện trong bí tích cực thánh.

Bốn là, nhiều lần và trong thời gian dài, khi cầu nguyện, người thấy bằng con mắt bên trong, nhân tính của Chúa Ki-tô, và hình dáng như một thân thể trắng, không lớn lắm cũng không nhỏ lắm, nhưng không thấy rõ từng chi thể. Người thấy như thế nhiều lần ở Manresa… một lần khác ở Giê-ru-sa-lem, và một lần khác khi đi đường gần Padova. Người cũng thấy Đức Bà như vậy, không phân biệt được các chi thể. Những điều được thấy này đã củng cố vĩnh viễn lòng tin của người, đến nỗi nhiều lần người tự nghĩ: dù không có Sách Thánh dạy chúng ta những điều về đức tin thì người cũng sẵn sàng chết vì các điều ấy, chỉ nhờ điều đã thấy.

Năm là, một hôm vì lòng sùng kính, người đi tới nhà thờ cách Manresa hơn một dậm, hình như là nhà thờ kính thánh Phao-lô. Con đường đi theo ven sông. Lòng đầy sốt sáng người ngồi một chút, quay mặt xuống sông. Đang ngồi như thế, người bắt đầu thấy con mắt tâm trí mở ra, và không phải được thị kiến, nhưng được hiểu và biết nhiều sự, những sự thiêng liêng cũng như những sự về đức tin và chữ nghĩa, và điều này diễn ra cùng với một sự soi sáng lớn lao, khiến mọi sự như trở nên mới mẻ. Không thể kể mọi chi tiết người đã nghe khi ấy, tuy nhiều, nhưng người nhận được một sự soi sáng lớn trong trí, đến nỗi suốt đời, cho đến nay đã qua 62 năm, nếu gom mọi sự trợ giúp đã nhận từ Thiên Chúa, và mọi sự người đã biết, dù cộng chung làm một, cũng không có vẻ được bằng với một lần đó mà thôi. Và điều này xảy ra khiến tâm trí người được soi sáng như thể đã thành một con người khác và có một trí hiểu khác với trí hiểu đã có trước. (Tự Thuật ss.27-30)

Định hướng cho lòng khao khát phụng sự Thiên Chúa: giúp đỡ các linh hồn.

Trong phần “tổng kết” này, xuất hiện một yếu tố mới, thâu tóm trong cụm từ “giúp các linh hồn”. Thiên Chúa đã mở cho chàng hiệp sĩ mới chiêu mộ, đầy lòng hăng say phụng sự Thiên Chúa biết hướng phụng sự. Cụm từ này sẽ thành lý tưởng cho bản thân I-nhi-gô và Dòng Tên cho tới nay.

Giai đoạn tiếp theo sẽ được tỏ lộ cho người trong cuộc hành hương Giê-ru-sa-lem hai tuần lễ, sau bao nhiêu cuộc phiêu lưu từ Manresa cho tới khi trở về. Tại Giê-ru-sa-lem, I-nhi-gô lên kế hoạch và quyết tâm ở lại đây, để vừa được kính viếng các nơi đã in dấu vết cuộc đời của Chúa, vừa giúp các linh hồn. Nhưng Thiên Chúa bày tỏ ý muốn rõ ràng qua cha bề trên dòng Phan-xi-cô là dòng đã hiện diện để trông coi các nơi thánh và phục vụ các Ki-tô hữu từ tám trăm năm nay, nhờ sáng kiến của thánh Phan-xi-cô, dám đi ngược chiều với trào lưu “Binh Thánh Giá” chủ trương dùng bạo lực chiếm lại Thánh Địa, ngài đơn thân đi Ai Cập, gặp vị lãnh đạo của đế quốc Hồi Giáo đã chiếm lãnh toàn bộ vùng Trung Đông từ thế kỷ thứ VIII, chinh phục được tình bạn của vị lãnh đạo đầy quyền lực này và xin được đặc ân cho các tu sĩ Dòng Phan-xi-cô ở tại Thánh Địa, trông coi các nơi thánh[14].

Giúp các linh hồn bằng cách canh tân đời sống đức tin của mỗi người.

I-nhi-gô dùng chính kinh nghiệm bản thân của mình từ Loyola tới Manresa mà Ngài đã ghi chép lại, để giúp người khác đi vào kinh nghiệm gặp gỡ đích thân với Thiên Chúa, dựa trên những điều căn bản trong giáo lý đức tin mà Ki-tô hữu đã tuyên xưng khi lãnh nhận bí tích rửa tội và được nuôi dưỡng nhờ ơn Thánh Thần mà các bí tích khác đem lại.

Hội Thánh gồm mọi người được Chúa Giê-su qui tụ trong Hội Thánh Ngài đã thiết lập trên nền móng là các tông đồ, và không ngừng hiện diện nhờ quyền năng Thánh Thần. Chúa Giê-su dùng hình ảnh cây nho: Thầy là cây nho, các con là ngành, Cha Thầy là người trồng nho. Ngành nào không sinh trái sẽ bị chặt bỏ… (Ga 15,1-8). Hình ảnh này I-sai-a 5 đã dùng nói về dân Chúa trong Cựu Ước. Ở đó Thiên Chúa để vườn nho tan hoang, nhưng vẫn giữ lại cái gốc để cây nho có thể mọc lại. Thánh Phao-lô dùng hình ảnh thân thể để nói về Hội Thánh, Không phải một thân thể biệt lập, nhưng là thân thể của Chúa Giê-su, Chúa là đầu (1Cr 12; Cl 1,19). Một chi thể đau thì toàn thân đau. Vì thế phải chữa trị từng bộ phận, không thể có một thân thể khác. “Giúp các linh hồn” trong ngôn ngữ của thánh I-nhã là giúp mỗi người tín hữu canh tân từ bên trong, sống trọn vẹn đời sống môn đệ trong một Hội Thánh duy nhất, công giáo và tông truyền.

I-nhi-gô không nói lý thuyết suông, mà chia sẻ kinh nghiệm bản thân: đã được Thiên Chúa dạy dỗ và biến đổi từ một người sống nửa chừng giữa Thiên Chúa và thế gian thành một người sống hoàn toàn cho Thiên Chúa, theo cùng đích cuộc đời mình và cùng đích mọi sự Thiên Chúa tạo dựng cho mình.

Nếu mỗi người tín hữu cũng như mỗi mục tử trong Hội Thánh, từ Giáo Hoàng trở xuống, canh tân đời sống của mình theo đức tin thì Hội Thánh sẽ giải tỏa ánh sáng Tin Mừng và biến đổi thế giới như ngọn đèn trong đêm tối, như men trong bột, như muối trong đồ ăn[15] .

Đúc kết kinh nghiệm và truyền đạt cho người khác

Khi rời Manresa, với cuốn vở ghi chép kinh nghiệm thiêng liêng từ giường dưỡng thương ở Loyola, I-nhi-gô đã có đủ những yếu tố để giúp người khác làm lại theo kinh nghiệm của mình trong suy ngắm, chiêm niệm cuộc đời Chúa Giê-su Ki-tô và cầu xin ơn Chúa giúp để tìm biết Thánh Ý Thiên Chúa và biến đổi chính mình trong bất cứu nếp sống nào. Hai cuốn sách đã giúp I-nhi-gô ở Loyola và kinh nghiệm bản thân cộng lại để làm nên một phương pháp gọi là Linh Thao. I-nhi-gô hoàn chỉnh bản chép tay và từ khi bắt đầu vào ngồi ghế nhà trường để học tiếng La-tinh chung với đám trẻ học trò, đã bắt đầu « giúp các linh hồn ». Nhưng các vị chức trách « Tòa Án Giáo Hội » ở Tây ban Nha rất tinh mắt, thính mũi và quan tâm xem xét những gì mới lạ, đã gây khó khăn, thậm chí hai lần bỏ tù I-nhi-gô.

Để được yên thân học triết học và thần học I-nhi-gô đã bỏ mấy người bạn cùng chí hướng ở lại và qua Paris trước, với hy vọng chuẩn bị đón các bạn qua sau, nhưng rốt cuộc chẳng ai qua. Paris thời ấy là kinh thành ánh sáng và tự do. Vì những người đã theo kinh nghiệm Linh Thao và thay đổi cuộc đời gây chấn động trong giới đại học, nên vị chức trách Tòa Án Giáo Hội ở Paris yêu cầu coi bản « Linh Thao » viết tay của I-nhi-gô. Kết quả là ngài thấy chẳng có gì sai lạc, và còn xin chép cho ngài một bản… Phải chờ cho tới khi đã thiết lập Dòng Tên, sách Linh Thao mới được Đ.G.H Phao-lô III ban đoản sắc phê chuẩn và khen ngợi ngày 31/7/1548.

Nhờ Linh Thao mà hai người bạn chung phòng cũng chung chí hướng hiến thân phụng sự Chúa: ba vị thánh ở chung một phòng trọ sinh viên: I-nhi-gô, Phê-rô Favre và Phan-xi-cô Xa-vi-ê trở thành hạt nhân lập nên Dòng Tên. Linh Thao trở thành công cụ chủ yếu để giúp các linh hồn và canh tân Hội Thánh từ bên trong, bắt đầu từ việc đào tạo các tu sĩ Dòng Tên.

Vài nét chính về Linh Thao và vai trò hai cuốn sách ở Loyola trong sự hình thành phương pháp và cuốn sách của I-nhi-gô.

Chương đầu cuốn sách của Ludolph có vẻ như suy niệm về lời tựa của Tin Mừng theo thánh Gioan và sẽ vang vọng trong suy niệm mở đầu vào Linh Thao « Nguyên Lý và nền tảng » dẫn tới xin ơn « tự do nội tâm », để sống theo kế hoạch của Thiên Chúa khi tạo dựng con người:

« Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó mà cứu rỗi linh hồn mình. Mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cùng đích Đấng Tạo Hóa đặt cho họ. Bởi thế người ta chỉ được sử dụng thọ tạo theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh và phải gạt bỏ khi chúng làm cản trở. Dối với mọi thọ tạo trong tất cả những gì nằm trong sự tự do của ta và không bị cấm, đến nỗi chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu và tương tự thế với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả ».

Rồi cuối cùng chuyển từ Linh Thao về đời sống hàng ngày với bài « Chiêm niệm để đạt tới tình yêu », đi từ chỗ nhận ra mọi sự là quà tặng của Tình Yêu, từ ơn tạo dựng tới ơn cứu chuộc và mọi ơn riêng Thiên Chúa ban, và đáp lại.

Tình yêu chỉ có thể đáp lại bằng tình yêu. Tình yêu diễn tả bằng hành động hơn lời nói. Tình yêu trao tặng, chia sẻ cho nhau. Tôi là hư vô, tôi là gì và tôi có gì đều là do Tình Yêu Thiên Chúa cho tôi. Tôi chẳng là gì và chẳng có gì, nên chỉ có thể đáp lại bằng cách dâng lại cho Thiên Chúa tất cả con người tôi, mạng sống tôi, những gì tôi có và điều tôi quí nhất là sự tự do của tôi, để Thiên Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Ngài, cho vinh danh Ngài hơn. Phần thưởng duy nhất tôi xin là được yêu mến Ngài.

Mọi sự đến từ Thiên Chúa, phản ánh vẻ đẹp của Thiên Chúa và tồn tại do sự hiện diện của Thiên Chúa, như lời thư Hip-ri: « Vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. 3Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật (1,2-3). Cả thế giới thọ tạo này, từng thọ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, trong lòng biển là Đền Thờ của Thiên Chúa. Như vậy tôi có thể thấy Thiên Chúa trong mọi sự và nhìn mọi sự trong Thiên Chúa. Tôi xin được biết « yêu mến và phụng sự Thiên Chúa trong mọi sự » (en todo amar y servir).

Cả lịch sử, từng biến cố lớn nhỏ trong lịch sử loài người, lịch sử Dân Chúa (trong Giao Ước Xi-nai cũng như trong Giao Ước Mới), trong đời tôi… đều là nơi hiện diện của Thiên Chúa, là nơi Thiên Chúa luôn hoạt động, nên tôi có thể « chiêm niệm trong hoạt động », nghĩa là luôn luôn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi biến cố lớn nhỏ, tìm làm theo ý Thiên Chúa và để Thiên Chúa làm mọi sự trong tôi, và tôi cùng làm việc với Thiên Chúa, như thánh Phao-lô nói trước Hội Đồng A-rê-ô-pa-gô ở A-thi-na: « Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở trong Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu » (Cv 17, 28).

Giữa Nguyên Lý và Nền Tảng để bước vào Linh Thao và Chiêm niệm để đạt tới tình yêu chuyển về đời sống hàng ngày là tiến trình chia làm 4 tuần – không phải tuần bảy ngày theo lịch – nhưng là 4 giai đoạn: tuần 1/ suy niệm về tội lỗi để xin ơn hoán cải ; 3 tuần sau đó là: chiêm niệm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giê-su theo các sách Tin Mừng, để xin ơn biết Chúa hơn, yêu Chúa hơn và theo Chúa sát hơn, vì Chúa là Con Đường, là Sự Thật và sự sống. 2/ chiêm niệm từ màu nhiệm Nhập Thể đến Chúa lên Giê-ru-sa-lem ; 3/ Cuộc Thương Khó ; 4/ Chúa sống lại và lên trời.

Nhưng I-nhi-gô không theo cung cách của Ludolph trích dẫn nhiều sách, giảng giải như một bài học. I-nhi-gô căn dặn người giúp người khác làm linh thao, « chỉ kể một cách trung thành sự kiện để chiêm niệm hay suy gẫm, chỉ giải thích sơ lược và vắn tắt từng điểm. Vì nếu khởi từ một căn bản lịch sử xác thực, người chiêm niệm tự mình suy nghĩ và lý luận mà gặp được điều gì giải thích hay giúp « cảm » sự kiện lịch sử ấy, hoặc nhờ tư duy hay nhờ ơn Chúa sáng tâm trí, họ sẽ thấy ý vị hơn và thu đạt kết quả thiêng liêng nhiều hơn là được người hướng dẫn diễn giải nhiều. Bởi vì không phải sự hiểu biết nhiều, nhưng chính sự cảm nếm bên trong mới làm thỏa mãn linh hồn » (Linh Thao s.3)

Tuần thứ hai đặc biệt có thêm những bài suy niệm như « chìa khóa » dẫn vào việc chọn lựa bậc sống, hoặc canh tân theo bậc sống đã chọn mà không thay đổi được nữa. Mở đầu là bài dẫn vào chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giê-su: suy niệm về Nước Thiên Chúa và lời mời gọi theo Chúa Giê-su phụng sự Nước Thiên Chúa.

Sau khi chiêm niệm đời sống ẩn dật của Chúa, dẫn vào đời sống rao giảng với bài hai cờ hiệu: cờ hiệu của Đức Ki-tô vị chỉ huy tối cao và Chúa chúng ta, đối nghịch với cờ hiệu của Lu-xi-phe, kẻ thù của bản tính loài người chúng ta. Bồi thêm là bài ba mẫu người, tiêu biểu cho thái độ thứ nhất là ừ, hay đấy… nhưng để đó chẳng làm gì ; thái độ thứ hai « làm cho gọi là có làm » ; thái độ thứ ba là dứt khoát 100%. Chìa khóa cuối cùng trước khi chọn lựa là « để tâm suy nghĩ về ba bậc khiêm nhường, tức là ba bậc phụng sự Thiên Chúamột là thà chết không phạm một tội trọng ; bậc thứ hai là thà chết không nghĩ tới phạm một tội nhẹ ; « bậc thứ ba hoàn hảo nhất: giả thiết sự ngợi khen và vinh danh Chúa ngang nhau trong mọi trường hợp, thì để noi gương và nên giống Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta cách thiết thực hơn, tôi muốn và tôi chọn sự nghèo khó với Chúa Ki-tô khó nghèo hơn là sự giàu sang, sự sỉ nhục với Chúa Ki-tô bị sỉ nhục hơn là danh vọng, và ao ước được coi là vô tích sự và điên dại vì Chúa Ki-tô, Đấng đã bị coi như thế trước, hơn là được coi như người thông thái khôn ngoan ở thế gian này. »[16]

Tất cả những chuẩn bị ấy nhằm giúp người tập linh thao đi tới dứt khoát chọn con đường làm môn đệ chân chính như Chúa Giê-su mời gọi và giải thích trong các sách Tin Mừng.

Đó cũng là điều ước của thánh Phao-lô: « Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta ! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. 15Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. 16Chúc tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Ít-ra-en của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người.17Từ nay, xin đừng có ai gây phiền toái cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giê-su » (Gl 6,14-17).

[1] Nước Ý thống nhất mà chúng ta thấy hôm nay chỉ mới có từ năm 1870.

[2] Nguyên thủy là cái mũ che đầu dùng ngoài phụng vụ cho Giáo Hoàng thôi.

[3] Chín đời G.H., từ G.H. Clement V, 7/6/1305 đến Gregorio XI mới trở về Rô-ma 17/1/1377, nhờ sự vận động của thánh nữ Catarina de Sienna, sinh tại Sienna (25-3-1347) – qua đời tại Rô-ma (29-4-1380) sau ba tháng hấp hối lạ lùng. G.H. Urbano VI gọi chị về Rô-ma tháng 11-1378 để giúp canh tân Hội Thánh. Hành động cuối cùng từ giường bệnh là hòa giải G.H. Urbano VI với Cộng Hòa Rô-ma. Clement V sợ tình trạng hỗn loạn ở Ý, nhất là các lãnh địa của Tòa Thánh và tại chính thành Rô-ma, nên không theo đề nghị của các Hồng Y về tấn phong tại Rô-ma, mà qua tấn phong tại Lyon 14/11/1305 và ở lại Avignon. 1348, G.H. Clement VI mua lại Avignon của Gioanna Napoli với giá 80.000 đồng tiền vàng làm lãnh địa của G.H.

[4] Bản thân Ngài khi tự thuật về ơn hoán cải sau khi bị thương trong nỗ lực bảo vệ pháo đài cuối cùng của thành phố Pamplona vào tháng 5 /1521, nói là cho tới năm 26 tuổi, thực sự là 30 tuổi.

[5] Gia đình quý tộc này cũng cung cấp một vị thánh ngay sau đó, là thánh Phan-xi-cô Borgia. Nguyên là quận công xứ Gandi, phó vương nước Tây ban nha, sau khi góa vợ và lo liệu cho 8 người con an phận, đã xin thánh I-nhã cho nhập dòng Tên, bí mật những năm đầu rồi sau mới công khai hóa và trở thành Bề Trên Cả thứ ba sau thánh I-nhã.

[6] Đại bác thời đó là những viên đá tròn, nếu là đại bác ngày nay thì tan xác rồi.

[7] Tự Thuật s. 2. Ai đọc Tam quốc Chí thì nhớ chuyện Quan vân Trường ngồi đánh cờ cho y sĩ nạo xương!

[8] Khi ở Arevalo, ngài đã viết một bài thơ ca tụng thánh Phê-rô, nhưng tiếc là không tìm thấy dấu vết nào về tác phẩm thi ca này.

[9] Tự Thuật ss. 5-6.

[10] Chúng ta nghe vang vọng lời thánh Âu-tinh, chỉ tiếc một điều là đã yêu Chúa quá muộn.

[11] Ngài nói cách rất dè dặt, không nói là được Đức Mẹ hiện ra hay nói gì hơn nữa về điều này.

[12] Ngài kể lại câu chuyện tranh luận với một người Hồi giáo về Đức Mẹ, và cách ngài phản ứng để minh họa tình trạng tâm hồn Ngài khi đó, một hiệp sĩ nhiệt thành, nhưng còn dốt nát tới mức nào, Chúa đã khiến con lừa giải quyết nỗi băn khoăn của Ngài là có nên đuổi theo giết người đó không (Tự Thuật s.15).

[13] Trong sách này I-nhi-gô luôn tự xưng là “người hành hương”.

[14] Phải chờ hơn bảy trăm năm sau, Công đồng Va-ti-ca-nô II mới chọn con đường đại kết giữa các Ki-tô hữu và đối thoại với các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo, và 800 năm sau ĐTC Phan-xi-cô ra thông điệp “Fratelli Tutti”, mà những người vẫn còn giữ “đầu óc binh Thánh Giá” kịch liệt chống đối.

[15] X. Mt 5,13-18.

[16] Thánh Phao-lô diễn tả giáo lý về Thập Giá là Sự Khôn Ngoan và Quyền Năng của Thiên Chúa trong thư 1 Cô-rin-tô 1,17-2,5. 

Trả lời