Trong 24 năm qua, với việc thành lập trung tâm Anak-tnk, cha Matthieu Dauchez, linh mục người Pháp cùng với các cộng tác viên đã giải cứu và giúp đỡ cho khoảng 60 ngàn trẻ em đường phố ở Philippines.
Ngọc Yến – Vatican News
Ơn gọi linh mục của cha Matthieu bắt đầu từ chủng viện Ars với mong ước đơn giản là linh mục triều phục vụ giáo phận Versailles, và không có ý định đi xa. Nhưng trong thời gian học ở chủng viện cha đã được Thánh Thần linh hứng qua những người bạn linh mục. Những người bạn thiêng liêng này đã mời cha ra đi truyền giáo, và điểm đến là Philippines.
Trong khi giúp đỡ những người nghèo ở đất nước châu Á này, ngay lập tức cha Matthieu nhận ra rằng các trẻ em nghèo này không chỉ cần vật chất nhưng các em khao khát một điều khác, vượt lên trên cơm bánh hằng ngày. Thế là cha cùng với các cộng tác viên người bản xứ và các linh mục bạn thành lập trung tâm Anak-tnk để hoạt động giải cứu và hỗ trợ các trẻ em đường phố có tổ chức và đạt được hiệu quả hơn.
Trung tâm xem xét các hồ sơ khác nhau, bao gồm các trẻ em lang thang bị bạo hành, lạm dụng, các trẻ em mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi, đặc biệt các trẻ em đang sinh sống ở các bãi rác lớn. Sau khi xem xét về hoàn cảnh các em, cha Matthieu giúp các em về y tế, dinh dưỡng và học tập trong các khu nhà do cha và các cộng tác viên thiết lập.
Cha cho biết, mặc dù muốn điều tốt cho các em nhưng thực tế không dễ đưa các em vào các trung tâm. Cha phải rất kiên nhẫn trong khi thuyết phục các em đến với cha. Một khi đã chịu đến trung tâm, các nhân viên còn phải tiếp tục kiên nhẫn trong việc lấy lại niềm tin vào con người và vào cuộc sống nơi các em. Vì thường các em bị người lớn phản bội, hoàn toàn thất vọng, bị lạm dụng. Với người lớn các em bị coi là đồ vật, có thể sử dụng theo ý muốn của họ. Trong những trường hợp này các nhà giáo dục phải hiện diện thường xuyên với các em trên đường phố để dần dần cảm hoá các em. Đây là một sự đặt cược của hy vọng để các em ý thức rằng mình là duy nhất, có phẩm giá như mọi người khác trên thế gian này.
Để làm được điều này, theo cha Matthieu, một điều không thể thiếu đó là đời sống cầu nguyện. Cha tổ chức cho các em những lần cầu nguyện vào chiều tối. Cha nói: “Chính trong cầu nguyện Chúa có cơ hội hành động. Những điều kỳ diệu đã xảy ra, các em đã thể hiện những niềm vui đích thực, đó là sự tha thứ, tìm lại được nụ cười. Tự sức mình tôi không thể làm được những điều này, tôi biết đây là một mầu nhiệm giữa Chúa và các em”.
Ngoài giờ cầu nguyện trong các ngôi nhà đón tiếp, cha còn tổ chức giờ chầu Thánh Thể ở các nơi đã xảy ra các sự kiện đau thương. Như vào một ngày thứ Năm kia, thủ lãnh của một băng đảng ở một bãi rác đã giết một bà mẹ, người đã đứng ra tổ chức một nhóm các bà mẹ cùng trợ giúp nhau vượt khó trong khi mưu sinh trên bãi rác. Chứng kiến cảnh đau thương này, cha đã tổ chức chầu Mình Thánh vào tối thứ Bảy sau đó, xin mọi người cầu nguyện cho người phụ nữ này và xin ơn hoán cải tâm hồn của những người chỉ muốn làm hại người khác.
Theo cha Matthieu, khi phải chịu đựng những bất công, đau khổ, các trẻ em đường phố thực sự chia sẻ những đau khổ của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Cha tin có sự kết hợp trong sự đau khổ này với Chúa Kitô, và do đó, nếu các em chia sẻ đau khổ của Chúa trên Thánh giá thì các em cũng sẽ được chia sẻ niềm vui, hy vọng, tình yêu với Chúa. Tất cả những ai đến thăm các ngôi nhà đón tiếp đều nhận được niềm vui này nơi các em.
Cha Matthieu chia sẻ về cảm nghiệm phục vụ các em đường phố như là phục vụ Chúa Giêsu: Một ngày kia cha chăm sóc một em bé lên 12 tuổi trong bệnh viện. Em bị bệnh nặng và rất yếu. Khi mở mắt ra, thấy cha, em nói “Cha ơi, con khát”. Cha lấy nước cho em uống. Em ra đi ngay sau uống nước xong. Cha nhớ lại chính Chúa Giêsu trên Thánh giá cũng đã chịu đựng cơn khát. Người lính lấy giấm cho Chúa, nhưng không hiểu ý nghĩa câu nói của Chúa, còn cha, cha hiểu những gì em bé này đang trải qua. Em khao khát tình yêu, khao khát yêu thương và được yêu. Thế giới này cần phải trải nghiệm tình yêu này.
Linh mục truyền giáo người Pháp cho biết thêm rằng, để có thể phục vụ các trẻ em đường phố trong 24 năm qua, một điều rất quan trọng đó là đời sống huynh đệ của các thành viên của trung tâm. Nhóm của cha gồm 200 người, 99% là người Philippines, tất cả đều sống và phục vụ vì các trẻ em nghèo. Cha khẳng định chính đời sống cầu nguyện đã củng cố tình huynh đệ giữa các thành viên và giữ được sự nhiệt thành trong phục vụ.
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận