Không biết từ bao giờ, những người yêu nhau thường dành tặng cho nhau những bông hoa xinh đẹp, ngát hương thơm. Không biết từ bao giờ, những cánh hoa đã trở thành một phần không thể thiếu trong những ngày lễ, ngày kỷ niệm đặc biệt, và không chỉ còn dành cho tình yêu đôi uyên ương, nhưng còn là tình mẹ, tình cha, tình anh em… Người ta chúc mừng nhau bằng những cánh hoa. Người ta gói ghém tất cả tâm tư, tình cảm của con tim rất khó diễn tả bằng lời trong những cánh hoa tươi thắm, để trao gửi người thân yêu.
Khi những chú ve sầu bắt đầu ca lên khúc ca đón chào mùa hạ mới, khi những cánh phượng hồng rực rỡ khoe sắc tô thắm cả một góc trời, những người con của Đức Mẹ cũng bắt đầu tìm kiếm những cánh hoa dâng Người thể hiện lòng hiếu thảo. Tháng Năm về. Tháng Năm chan chứa hương hoa đồng nội. Tháng Năm say đắm bởi vẻ đẹp của ngàn hoa. Tháng Năm rộn rã bao vũ điệu trong câu hát ân tình Ave Maria.
Không biết từ bao giờ, những người con của Mẹ lại dùng những cánh hoa để tôn vinh, để ca ngợi và để tỏ lòng yêu mến. Không biết vì sao lại chọn những cánh hoa, đến nỗi tháng Năm, tháng đặc biệt kính Mẹ cũng được gọi với cái tên thật mỹ miều: Tháng Hoa. Phải chăng Mẹ của chúng ta thích ngắm vẻ đẹp, thích ngửi hương thơm, thích nét dịu dàng, thanh khiết… nơi những cánh hoa xinh?
Có thế mà thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng đã từng liệt kê những hương, những hoa trong những thứ có thể dùng để ca tụng Mẹ Đồng Trinh:
…
“Để ca tụng – bằng hương hoa sáng láng,
Bằng tràng hạt, bằng sao mai chiếu rạng”[1].
Có lẽ cũng giống như đôi uyên ương kia chẳng thể dùng bất cứ lời lẽ nào để diễn tả cho hết tình cảm chất chứa trong con tim; có lẽ đối với họ những cánh hoa dễ dàng gói ghém trọn vẹn lời muốn nói, mà những người con của Mẹ cũng dùng những cánh hoa tiến dâng Người. Hay hoa là tạo vật xinh đẹp chứa đựng những gì là thanh khiết, dịu êm, trong trắng, mỹ miều… như tiếng lòng thầm thì yêu mến mà ta muốn dâng lên Mẹ?
Thả hồn vào giữa rừng hoa và chìm đắm trong hương kinh nguyện cầu, ta tìm chiêm ngắm dung nhan Mẹ hầu mong được giải đáp khỏi những băn khoăn và thêm chút gì đó cho ý nghĩa của Mùa Hoa đang tới. Và, ta chợt nhận ra rằng chính tận sâu thẳm trái tim ta cũng đang băn khoăn một nỗi niềm mơ ước là dâng lên Mẹ những đóa hoa xinh đẹp nhất thay cho lời cảm tạ tri ân. Gọi đó là cánh hoa đáp trả ân tình Mẹ, bởi lẽ chính Người đã trao tặng cho ta “Cánh Hoa” xinh đẹp và quý giá nhất từ lòng Người: Đức Giêsu – con yêu dấu của Người.
“Từ lúc Mẹ nói lời XIN VÂNG, trời với đất rất đỗi vui mừng. Ngọt ngào như dòng suối mát giữa nơi sa mạc. … Nhờ Mẹ Ngôi Lời Thiên Chúa đến với nhân loại. … Huyền nhiệm quá muôn đời tiếng XIN VÂNG”. Lời câu hát ngọt ngào được nhạc sĩ Trầm Hương kết dệt trong những nốt nhạc nhẹ nhàng say đắm vẫn mãi như đang lan tỏa trong khắp miền ký ức ta. Đó cũng chính là một diễn tả tuy đơn sơ nhưng chất chứa cả một mầu nhiệm vĩ đại mà Thiên Chúa đã thực hiện qua Đức Maria. Qua câu hát đơn sơ ấy, ta có thể chiêm ngưỡng được những cánh hoa mỹ miều từ lòng Mẹ.
Quả thế, để đón lấy hạt giống và vun trồng trong cung lòng mình Cánh Hoa đẹp nhất, Đức Maria đã chăm sóc và trang điểm khu vườn linh hồn Mẹ bằng ngàn vạn cánh hoa tươi xinh. Đó là những cánh hoa Khiêm Nhường, Trong Trắng, Giản Đơn, Nhẫn Nhục, Vâng Phục, Kiên Nhẫn, Tình yêu dành cho Thiên Chúa, Lòng bác ái hướng đến những người chung quanh, sự Khinh miệt và tách rời thế giới tội lỗi trần tục, Trung trinh vẹn toàn, Thinh Lặng, Tử Tế và Nhu Mì[2],… Tất cả những cánh hoa đó đã đua nở trong cung lòng Mẹ và đã kết dệt nên như một chiếc nôi êm ái, xứng đáng cho Cánh Hoa Giêsu lót mình. Và, cũng chính những cánh hoa này sẽ là hương thơm cần thiết để Mẹ có thể chấp nhận tất cả mọi gian truân của của cuộc đời, mọi khổ lụy kiếp nhân sinh mà trung thành với tiếng Xin Vâng cho đến khi phải đón nhận Con Mẹ tự hủy mình đi cho Thập Tự trổ hoa ơn cứu độ. Có thể nói, Mẹ đã dùng tất cả những cánh hoa của lòng Mẹ vun trồng và chăm sóc bấy lâu hợp với sự dâng mình của Con Chúa thành nguồn dinh dưỡng làm trổ sinh Cánh Hoa Thập Tự.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Cánh Hóa Thập Tự, ta mới cảm hết được tình yêu lớn lao mà Mẹ Maria đã dành cho chúng ta. Nơi Cánh Hoa Thập Tự, ta thấy một sức sống mãnh liệt của tình yêu. Càng bị vùi sâu trong bùn đen cuộc đời bao nhiêu, cánh hoa lại mọc lên càng vi diệu bấy nhiêu. Một Tình Yêu vô bờ! Một tình yêu mà khiến Kẻ Yêu hủy mình đi hoàn toàn. Một tình yêu mà khiến Kẻ Yêu chẳng còn giữ lại gì riêng cho bản thân. Một tình yêu mà Kẻ Yêu chỉ biết dâng trao mà chẳng hề nghĩ chi đến sự đáp trả. Cứ việc cho, cho hết, cho cả chính mình. Đau Khổ đã trở nên nguồn dinh dưỡng đặc biệt nuôi cái hạt mầm của loài hoa Tình Yêu ấy… Tất cả những gì Đức Kitô đã dành cho nhân loại qua cuộc tử nạn đau thương trên Thập Tự Giá thì cũng hoàn toàn có thể áp dụng nơi cung lòng của Mẹ Maria. Chính Mẹ cũng đau nỗi đau ấy; chính Mẹ cũng hoàn toàn hủy mình để dâng trao cùng một hy lễ vẹn toàn ấy; và chính Mẹ cũng đón nhận tất cả cùng một tình yêu như tình yêu mà Con Mẹ đã dành cho nhân loại chúng ta: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,33).
Trước tình yêu Mẹ đã dành, đón nhận những cánh hoa mỹ miều nhất mà Mẹ đã trao tặng cho mỗi người, chúng ta không khỏi dậy lên lòng cảm kích vô bờ. Có lẽ đó cũng là lý do khiến chúng ta tìm dâng trao những cánh hoa thật tươi, thật đẹp, thật ngát hương để tiến dâng lên Mẹ. Đó là cách con cái Mẹ tỏ lòng hiếu thảo và những cánh hoa tươi thắm cũng phần nào gợi nhắc cho mỗi người chiêm ngưỡng những cánh hoa từ lòng Mẹ. Từ đó có thể noi gương Mẹ mà chăm sóc cho khu vườn linh hồn mình cũng trổ sinh ngàn hoa nhân đức, hầu cũng có thể thốt lên như nhạc sĩ Trầm Hương: “Con muốn theo Mẹ: Sống XIN VÂNG với trái tim thảo hiền”, mà đón nhận được Cánh Hoa xinh đẹp nhất ngự vào như chính Mẹ khi xưa.
Sương Thiên Linh
[1] Nhóm Trí Thức Việt tuyển chọn, Hàn Mặc Tử – Thơ Và Đời, NXB. Văn Học, Hà Nội, năm 2016, Avê Maria, tr. 104-106.
[2] X. Anthony Lê, “12 Đức Tính Thời Thơ Ấu Của Mẹ Maria”, daminhvn.net, số ra ngày 13/07/2014.
Nguồn tin:
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận