Các hình thái hoạt động vì sứ vụ loan báo Tin mừng

Listen to this article

CÁC HÌNH THÁI HOẠT ĐỘNG VÌ SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

Michel Trương 

Dẫn ý nhập đề

Khi nhập cuộc trong chuyên đề Loan báo Tin mừng (LBTM) thì mọi giới đang gắn bó thực thi hoặc trên đường tìm hiểu, đều có thể nhận thấy phạm vi hoạt động của Sứ vụ thì khá phong phú và đa diện. Chính vì đặc tính này mà thông thường mỗi cá nhân, đoàn thể khi ý thức được trọng trách và sẵn sàng dấn bước thì họ đảm nhận một lãnh vực nào đó, rồi ra sức gánh vác thi hành. Sự tôn trọng Tiếng gọi riêng nơi từng người là điều tất yếu, tuy vậy nếu đứng trên phương diện quan sát và thể hiện óc tổ chức tự nhiên đối với sinh hoạt con người, thì xét thấy cũng cần đúc kết ra một dạng phân khúc khả dĩ trong số các hình thức hoạt động Sứ vụ. Hy vọng qua đó sẽ giúp cho việc đánh giá diễn biến và định hướng phát triển sẽ được thuận lợi hơn. Ngoài ra cũng ước muốn, thực hiện đôi dòng soạn thảo này như phần nào đáp lại Lời chỉ dẫn trong Huấn thị Cooperatio Missionalis, Hợp tác Truyền giáo. Xét là, nếu như có phân biệt được cụ thể từng khâu hoạt động thì mới dễ dàng xúc tiến việc hợp tác sao cho đem lại hiệu quả đích thực.

Mục tiêu nội dung bài viết cũng định nhắm tới, có thể hỗ trợ cho các nhân sự đang dấn thân trong Sứ vụ, xác định tường tận vai trò mình đang phục vụ và tầm mức công việc phải chu toàn, hoặc vả, những ai chưa thuận dịp tham gia vào Sứ vụ thì có thể chọn ra một khung việc thích hợp để dần bước dâng hiến đóng góp phần mình với hoài bảo của Giáo Hội. Thêm vào đó, cũng có nhã ý chia sẻ cùng các Đấng Bề trên và các Vị chuyên trách khi theo dõi mọi biến chuyển hoạt động, đặng dễ dàng ước định được mối tương quan giữa các chiều kích trong chuyên đề. Ý sau cùng, cũng là cách giúp cho Tác viên LBTM hiểu rõ hơn môi trường mình đang phụng sự và hướng đến sự thăng tiến.

Nếu xét về mặt biểu trưng quy mô, hiệu năng đóng góp cho Sứ vụ thì việc soạn thảo sẽ trình tự giới thiệu từng phân khúc đi từ hình thái đơn sơ hơn đến những cấu trúc biểu thị tính linh hoạt và chuyên sâu. Tuy nhiên có một đặc điểm cần lưu ý, trên phương diện phục vụ thiêng liêng thì người ta hay có lối đánh giá theo cách nhận thức đặc thù của nó. Xin mượn một hình ảnh sinh hoạt đời thường để làm minh họa cho ý tưởng, giữa các môn võ thuật ví dụ như Judo, Thái cực quyền, Kung-fu Trung hoa v.v…, thường người ta hay so sánh cho rằng môn này độc đáo hơn môn kia, nhưng giới am hiểu thì lại nhận định, nó còn tùy thuộc vào kẻ có khiếu luyện công, trì chí để đạt tới cảnh giới ưu việt của môn đó. Trong sinh hoạt tâm linh có lẽ cũng mang nét tương tự, cần xét đến tâm tình tận tụy hiến dâng của đương sự, và còn thêm yếu tố do Lòng nhân lành Thiên Chúa mà đón nhận Của Lễ, như Ngài đã nhận hy lễ nơi Abel, tôi trung của Ngài; hoặc khi Chúa Kitô cũng từng khuyên bảo: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9, 13).

Phần trình bày nội dung chính dưới đây, bài viết xin được khởi sự mô tả phân khúc đầu tiên, đề cập đến hình thái phổ biến thông thường nhất trong số các hoạt động thuộc Sứ vụ. Tuy kém chuyên sâu hơn về mặt khoa bảng nhưng trong vài khoảnh khắc lịch sử của Giáo hội, thì nó cũng cho thấy đã mang lại nhiều thành tựu vượt bậc.

Hình thái I: Sức sống đạo đức Cộng đồng Kitô hữu, chính là Loan báo Tin mừng

Không thể chối cãi, nhờ cách hành Đạo chính chắn của cộng đồng Kitô hữu được biểu hiện qua các thói quen nhân đức, sốt sắng, chuẩn mực trong sinh hoạt thường ngày mà tạo ra một phương thế LBTM hữu hiệu. Hiện thực này đã được minh chứng một cách hùng hồn trong Lịch sử Giáo hội, chúng ta sẽ theo dõi một vài sự kiện tiêu biểu để có thể xác tín về điều đó.

Đầu tiên, lấy bối cảnh Thời hậu các Tông đồ, thuở ấy Giáo Hội đâu có mấy người để chuyên lo công việc Thừa sai, vậy mà dân chúng khắp vùng đã gia nhập Kitô giáo tăng nhanh đến độ làm cho chính quyền La Mã và tín đồ các tôn giáo khác phải ngỡ ngàng, thán phục. Bởi do chính sách bắt Đạo thời kỳ đó mà người Kitô hữu buộc phải di tản đến nhiều nơi, đi đến đâu thì họ sống gương mẫu và truyền giáo đến đấy. Từ nguyên do bối cảnh như vậy mà Kitô giáo lúc bấy giờ được lây lan nhanh chóng và phát triển vượt bậc. Sự kiện thứ hai, là vào thế kỷ thứ V khi Đế quốc La Mã suy sụp và các tân lãnh đạo người Man-dân lên nắm quyền, họ thấy rằng cần phải cậy dựa vào lực lượng Kitô giáo để làm cầu hiệp thông nối kết cho sự thống nhất trong toàn dân. Chính vì đời sống luân thường đạo lý theo tinh thần Phúc âm của quần thể Kitô hữu, mà đã gây nên sức chú ý cho giới cai trị, họ muốn sao để có được sự ổn định, an dân cho vương quốc vừa mới hình thành. Xuất phát từ căn nguyên này mà vào Thời trung cổ, Kitô giáo đã trở thành quốc giáo ở hầu hết các vương quốc Châu Âu. Và còn rất nhiều minh chứng khác nữa trong suốt quá trình tồn tại của Giáo Hội, đã mang lại cho chúng ta những bài học về mối liên quan giữa sức sống đạo đức quần thể Kitô hữu với thành quả công cuộc truyền bá Đức tin. Tuy vậy, còn một điều kinh nghiệm hiển nhiên khiến người đời sau buộc phải thừa nhận, là các Kitô hữu khi ấy biểu hiện được sức mạnh đoàn kết một ý một lòng trong đời sống Đạo, mà nhờ đó đã tạo nên sức ảnh hưởng lớn lao đối với nhiều dân nước.

Giờ đây chắc không ít trong chúng ta cũng mong mỏi sao cho, công cuộc LBTM ngày nay hẳn còn mang những đường nét hùng hồn của quá khứ. Chắc chắn chưa phải là những nhà sử học hoặc chuyên nghiệp Thừa sai, nhưng chúng ta cũng có thể kiểm điểm lại và chú tâm cải thiện vài cung cách sinh hoạt thông thường để có thể nối bước các Bậc tiền nhân, với mong muốn gầy dựng Giáo Hội sao cho ngày càng thêm đông và thánh thiện. Thực tình mà nói, làm sao có thể kiến nghị nổi một dạng thức sinh hoạt lý tưởng nào, nơi các cộng đồng Giáo xứ để mang lại hoa trái tốt lành, là dễ gây được ấn tượng đẹp đáng thu hút đối với lương dân vùng kề cận. Vì môi trường sinh hoạt xã hội ngày nay quả là hết sức biến đổi và đa dạng. Tuy nhiên, thấu hiểu được và có ý thức gầy dựng thì vẫn hơn, vã lại theo truyền thống Kitô giáo, luôn đòi buộc chúng ta khi thực thi điều gì phải đi đôi với Lòng cậy trông. Nhằm ao ước phát huy tính phát quang bản chất thiện lành từ các cộng đoàn Giáo hội, trong khuôn khổ giới hạn của bài viết, chúng ta chỉ đặt sự lưu tâm đến một ít khía cạnh thực tiễn, biểu trưng tính khả thi, nhằm tạo cơ duyên cho những ai đang nhận thức, sẽ có cơ sở để tiến hành quan sát, rồi khi dịp thuận tiện đến thì sẵn sàng ra tay chung sức vì ý hướng chung.

Điều quan tâm trước tiên, sẽ đặt hướng nhìn đến yếu tố quần thể, là cộng đồng các Kitô hữu cùng sinh hoạt mà ngày ngày họ quấn quýt bên nhau trong các Giáo xứ, Họ đạo. Cách chung, cần có lối nhìn tường tận về thực trạng chiếm đa số, khó có thể nói đây là một cộng đồng mẫu mực sống chứng nhân Tin mừng, mà trong khi ấy, hết 50% tín hữu tại đó lại biểu lộ cho người ngoài thấy tình trạng bê tha của mình. Chúng ta chưa hẳn vội kết luận ngay, thật là một chỉ tiêu lý tưởng quá đáng, vì làm sao tìm ra nơi nào có đến 90% số tín hữu mang danh sống Đạo chân chính đâu? Xin cũng đừng quá bi quan đến vậy, nếu quan sát một cách thấu đáo thì vẫn có thể tìm được cách lý giải. Nhớ lại sự kiện trong Cựu Ước, Sách Sáng thế, “Chúa đáp: Vì mười người đó Ta sẽ không phá hủy Xơ-đôm” (St 18, 32). Từ dẫn chứng này khiến chúng ta vững tin hơn nơi Lòng nhân từ Thiên Chúa, dù tỉ lệ số đông có là bao nhiêu nhưng bởi ý thức khiêm tốn và lòng cậy trông vào Chúa, nơi nhóm người có tâm hồn nhân đức, cũng hy vọng mang lại hoa trái cho công cuộc LBTM. Họ cần xác định một cách đứng đắn về thực trạng nơi họ sinh hoạt, không nản lòng mà cũng không hàm hồ kiêu căng, để cùng nhau thể hiện đồng tâm hiệp lực giữa những kẻ có cùng thiện chí, nhờ vậy, sẽ không khó gì để tạo nên cơ hội lôi cuốn thêm những ai đang còn thái độ chểnh mảng nguội lạnh trong đời sống Đức tin. Người khác có chứng kiến sự hoán cải trong nội bộ chúng ta trước đã, thì mới liên tưởng đến điều thiện hảo đang dần dà tác động vào họ, rồi mong sẽ có ngày bên nhau chung sống trong một niềm tin. Như vậy có thể nói, yếu tố hiệp thông mật thiết giữa những người đạo đức chuẩn mực trong tổng thể của một cộng đồng sống Đạo, cũng tạo nên sức mạnh tiềm năng gây ảnh hưởng được, nhằm phát quang tinh thần Phúc Âm ra ngoài xã hội.

Song song đó, cũng đừng chủ quan với câu tục ngữ: “Con sâu làm rầu nồi canh”. Nếu một Cộng đồng đa số sống qui củ mà chỉ có một ít phần tử biểu lộ nét tiêu cực, phản diện đạo lý một cách quá lộ liễu. Trong bối cảnh này thì Đấng cai quản và những nhân sự hữu trách nơi cộng đồng, phải can đảm tìm biện pháp khuyên lơn, giải thích, răn bảo, để về mặt tự nhiên, tỏ ra mình có ý thức trọng trách vì lợi ích chung. Xin đừng quản ngại bởi “những con sâu” đó mà trở nên quá dè chừng hoặc chùn bước, nhưng cần có thái độ không do dự để suy nghĩ, tìm phương cách tác động đến. Xin được mượn Lời Thánh Phaolô để chia sẻ cùng các Vị có thành ý, khi phải đối mặt với những tình huống như thế: “Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ” (2Cr 1, 6).

Một truyền thống tốt lành khác trong sinh hoạt cộng đồng Giáo hội, mà nay xem ra đang chạm tới nguy cơ mai một, đó là phong cách về cử chỉ tôn kính với các nghi thức phụng tự. Từ xưa đến nay, Kitô giáo luôn được đánh giá cao về mặt cử hành phụng vụ có qui củ, luôn thể hiện đặc nét chừng mực nghiêm trang cung kính. Vì rằng, hầu hết các nghi lễ Công giáo đều bắt nguồn từ Phúc âm hoặc những sự kiện trong Lịch sử Giáo hội, tiếp đến qua các Công đồng, nhiều Đấng chuyên trách đã xem xét một cách thấu đáo mới cho áp dụng trong toàn Giáo Hội. Do vậy, chúng ta cần hết sức tôn trọng chấp hành các Nghi lễ được ấn định cùng với tâm tình hiệp thông ý nghĩa chính chắn của Phụng vụ. Vào buổi hiện tại, thường thấy nhiều thái độ du di, thái quá hoặc có ý lạm dụng đang dần dà xuất hiện khá phổ biến ở một số cá nhân hay vài nơi sinh hoạt cộng đồng. Họ không ý thức rằng, người ngoại giáo xưa giờ vẫn thường hay quan sát cách chúng ta hành đạo qua các lễ nghi, không ít trường hợp tân tòng có được động cơ gia nhập ban đầu là xuất phát từ ấn tượng đẹp qua các hình thức thờ phượng của Kitô hữu. Cũng xét đến trường hợp, nhiều vị Thừa sai phải hết sức ra công thuyết giảng, trình bày đường nét Chân Thiện Mỹ tôn giáo mình, thì lại chính những nhân sự thiếu hiểu biết mà biểu hiện tính lệch lạc, đã làm cho công sức của các Vị ấy thành ra phản tác dụng. Ngoài việc một số Chủ chăn nhận thấy điều sai sót và ra khuyến cáo, những đồng môn mang ý thức chân chính cũng cần tiếp tay để nhắc nhở. Vì không ngờ rằng chính nghi lễ và cung cách hành đạo của chúng ta cũng ảnh hưởng đến Sứ vụ LBTM.

Đoạn trình bày đến đây, không đặt trọng tâm nơi đối tượng tín hữu giáo dân, mà mạn phép hướng tới những Thừa tác viên coi sóc cộng đồng Dân Chúa. Ý thức bổn phận một cách tinh tế của Vị cai quản sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến Sức sống Cộng đồng Kitô hữu. Một số đức tính như: Đời sống gương mẫu, lời lẽ gây ấm lòng đáng thuyết phục, quên mình vì Đàn chiên, tâm tình nhiệt huyết vì Sứ vụ v.v… sẽ hy vọng tạo nên một quần thể sống Đạo đồng nhất, từ đó làm sức lôi kéo lương dân trong vùng dễ dàng nhận ra nét đẹp tôn giáo. Chỉ cần diễn đạt một cách đơn sơ thế thôi, chắc hẳn Quý độc giả sẽ còn tự suy diễn thêm nhiều hơn nữa. Ngoài ra, có thể tận dụng những dịp ngẫu nhiên đưa đến một vài lần trong năm, nếu thấy hoàn cảnh thuận lợi cho phép, thì Vị quản xứ có thể kêu gọi những kẻ giàu lòng hảo tâm và hội đủ điều kiện, để rồi đích thân mình cùng với các ân nhân đó đến giúp những lương dân trong thôn xóm đang gặp phải tình thế khó khăn cuộc sống. Của một thành mười, chỉ cần thực hiện được một vài lần những hình ảnh ngoạn mục ấy thôi, thì nó sẽ ghi trong tâm trí và tạo ấn tượng đến nhiều lương dân trong vùng, họ sẽ lưu mãi vẽ đẹp này mà nhờ đó sẽ có ngày, khi đặng thêm với các nhân tố khác nữa, những bạn ấy nhận ra được dấu chỉ của Lòng nhân hậu Chúa Kitô. Nói cách vắn gọn, sau khi nắm hiểu được vai trò của mình có tác động hệ trọng trong Sứ vụ, người Thừa tác viên vừa động viên, vừa hòa nhập để tạo nên ý thức tinh thần sống Đạo hiệp nhất và chú tâm sẵn lòng vì tha nhân. Cũng cần lưu ý, không nên vì cớ này để tự biến mình thành kẻ huyền thoại, biểu dương sáng kiến, nhưng từ trong ý nghĩ sâu xa mà thấu suốt được sự mong chờ của Giáo Hội trong nỗ lực LBTM.

Đương nhiên còn nhiều hình thức sinh hoạt cộng đồng tốt lành khác gây chú ý đến dân tình địa phương, giúp mang lại hiệu quả cho công cuộc LBTM, ví dụ như: hình ảnh đoàn kết chung sức để tu bổ cơ sở Giáo xứ, công tác từ thiện xã hội, đóng góp cứu trợ thiên tai, phụ lo việc ma chay trong thôn xóm v.v… Nhưng vì những hình ảnh này đã được đề cập, phân tích ở nhiều tư liệu khác rồi, nên thấy không cần mô tả gì thêm ở đây. Để bày tỏ đánh giá cao thành quả LBTM bởi nhân tố tập thể đồng chung sức vì Sứ vụ Giáo hội, xin được trích lời của Đức Gioan Phaolô II trong Tông huấn Ecclesia In Asia: “Cộng đoàn Kitô hữu mà càng bén rễ sâu vào kinh nghiệm nơi Thiên Chúa, được xuất phát từ một niềm tin sống động, thì cộng đoàn ấy càng có thể loan báo một cách đáng tin cậy cho tha nhân để họ nhận biết trọn vẹn về Nước Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô” (số 23).

Hình thái II: Hưởng ứng lời kêu gọi từ Vị Chủ chăn

Làm sao có thể khiến cho các Kitô hữu Giáo dân, dù phải lo toan trăm việc trần thế nhưng lại vẫn mang trong mình đôi chút tâm huyết, tích cực đóng góp cho Sứ vụ và còn mang lại hiệu quả cao? Có lẽ ai đó cũng sẽ tìm ra được phương cách, nhưng các vị Chủ chăn ắt hẳn sẽ nắm giữ vai trò trọng yếu hơn cho câu giải đáp. Xin được mượn một hình ảnh sau đây, sinh hoạt giữa vị Linh mục và cộng đoàn tín hữu, để làm trưng dẫn phát họa:

Một Linh mục quản xứ nọ chọn ra 4 ngày trong năm, Lễ Hiển Linh, Lễ Hiện Xuống, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Ngày Khánh nhật Truyền giáo. Từ trước những ngày đó, Vị ấy chuẩn bị dặn dò các Giáo dân: “Ngày hôm đó Anh chị em nhớ mang theo tiền kha khá để bỏ rổ, tôi sẽ dùng toàn bộ số đó để gởi cho Hội Truyền giáo; ngoài ra xin tham dự Thánh lễ ngày đó cho sốt sắng và sau Thánh lễ, xin mọi người nán lại đọc 10 Kinh Kính Mừng ở Đài Đức Mẹ, tất cả việc ấy, chúng ta có ý cầu cho công cuộc Truyền giáo của Giáo Hội”. Chỉ cần chừng bấy nhiêu thôi, thì cũng có thể hình dung ra được, những hoa trái tốt lành mà Vị ấy có thể mang lại cho Sứ vụ LBTM của Giáo Hội.

Tuy nhiên ý trình bày nội dung phân mục này chủ yếu đặt trọng tâm vào, nhờ sự kêu gọi của Đấng bản quyền, quan tâm động viên hoặc đứng ra tổ chức mà nhiều thành phần Dân Chúa có được cơ hội đóng góp một cách cụ thể vào Sứ vụ LBTM. Xuất phát từ lòng nhiệt thành đối với Sứ vụ, Đấng bề trên đưa ra ý định và an bài cho các Tín hữu, thực hiện một số tiêu chí hoạt động, với tính cách không quá phức tạp, nhưng cũng không thiếu đặc tính hy sinh để họ có điều kiện tham gia trong Sứ vụ. Những đối tượng Tín hữu đáp lời vận động từ vị Chủ chăn mà hành sự theo cách chỉ dẫn, bày tỏ thiện chí và mang tính thường xuyên, thì được công nhận đã tham gia trong một hình thái phân khúc của toàn bộ công trình thực thi Sứ vụ LBTM.

Điều hiển nhiên mà người ta thường thấy, về hình ảnh một số Linh mục thừa sai ra sức tạo dựng ban đầu các cơ sở thí điểm truyền giáo, sau đó với tiếng gọi từ Tòa giám mục phát đi, nhiều bà con giáo dân ở khắp Họ đạo trong Giáo phận, vào mỗi ngày cuối tuần họ hè nhau đến thí điểm ấy để làm công tác phục vụ ủy lạo. Có thể xem đây là thí dụ điển hình để diễn đạt nội dung phân mục theo cách cho dễ hiểu nhất. Tuy nhiên, cũng còn xét đến sự hiện diện của các Phong trào, Đoàn thể được phát động và giám sát bởi vị Chủ chăn. Mặc dù danh nghĩa của các tổ chức này đôi khi không hiển thị trực tiếp ý nghĩa truyền giáo, nhưng thành quả từ những hoạt động Cộng đoàn đã ảnh hưởng không ít đến công cuộc LBTM của Giáo Hội. Với sự kiện Hội nghị Loan báo Tin mừng toàn quốc diễn ra từ ngày 07/8/2017 mang chủ đề : Các hội đoàn Công giáo Tiến hành và Sứ mạng LBTM, có thể làm đánh dấu những bước đi và thúc giục chúng ta đóng góp cho Sứ vụ theo hình thức hoạt động này.

Vai trò tác động của Đấng bản quyền đôi khi còn mang tầm ảnh hưởng trên các yếu tố khác nữa, mà người ta đúc kết được kinh nghiệm nhờ quan sát trên một số sự kiện ở nhiều nơi. Một là, nhờ sự lên tiếng kêu gọi từ trung tâm Giáo hội địa phương mà xem như mọi hoạt động có được tính hợp thức hóa. Từ đó, những Tín hữu hưởng ứng phục vụ, họ cảm thấy mình đang hy sinh phấn đấu trong lòng Giáo Hội, không mang cảm giác bị lâm vào tình cảnh lẻ loi hoặc mặc cảm bởi chuyện vu vơ. Vì vậy, nếu như thường xuyên có được sự thể hiện quan tâm của vị Chủ chăn đến các sinh hoạt này thì ắt sẽ mang lại nhiều khích lệ cho những nhân sự đang đảm nhận công tác phục vụ. Hai là, bối cảnh xã hội đâu thể luôn là trường kỳ bình thản yên ổn, rất nhiều sự kiện được ghi lại một cách hùng hồn trong Lịch sử Giáo hội. Khi những biến cố như thiên tai, giặc giã, dịch bệnh v.v… ập đến, người ta từng thấy các vị Giám mục đi tiên phong hô hào, rồi cùng với đồng bào lương, giáo tận lực cứu vãn tình thế. Nhiều khi những nỗ lực phục vụ dai dẳng thời gian của chúng ta, chưa hẳn có ảnh hưởng tác động cho bằng, một dịp xả thân vào các tình huống như thế.

Ngoài ra, chính nhờ đặc tính chức năng Thừa tác viên Chủ Chăn mà những Tín hữu biểu lộ sự vâng phục để tham gia trong các hình thức phục vụ với danh nghĩa vì Giáo Hội, họ sẽ được lãnh nhận tính Hiệp thông vào trong toàn thể công trình của Sứ vụ. Xin được trích lời Đức Gioan Phaolô II trong Tông huấn Christifideles Laici, để làm cơ sở cho ý trình bày: “Trong trường hợp các hiệp hội gặp phải khó khăn và có nhiều hình thức mới xuất hiện, các vị Chủ Chăn trong Giáo Hội phải dùng quyền bính của mình, vì lợi ích của Giáo Hội, và cũng vì lợi ích của chính các hội đoàn giáo dân, các Ngài phải phán đoán, phân biệt để hướng dẫn, nhất là khích lệ cho các hiệp hội ấy trưởng thành trong sự hiệp thông và trong sứ mệnh của Giáo Hội.” (số 31)

Sau cùng còn một kiến nghị nhỏ, thời gian gần đây trong Giáo Hội thấy xuất hiện một dạng dấn thân khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cấu trúc ấy là những nhóm chỉ gồm số ít người hợp lại hoạt động chung chí hướng, đặc điểm của họ là rất gắn bó trong phục vụ và mang lại hiệu quả cao, danh gọi cho hình thức này là, Cộng Đoàn Cơ Bản. Nhờ tiếng nói phát ra từ trung tâm điểm mà hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều người hưởng ứng, dẫn đến việc có thể qui tụ được những nhóm theo mô hình này để tạo ra lối sống thực hành chứng nhân LBTM trong xã hội.

Hình thái III: Hoạt động gắn bó với Linh đạo Truyền giáo

Nếu muốn trình bày một cách ngắn gọn đơn sơ để dễ xác định, các Kitô hữu đang dấn thân vì Sứ vụ LBTM được xem thuộc Hình thái III, cơ bản là, nhờ Ơn dẫn dắt mà họ nhận ra một Tiếng gọi thiêng liêng đặc biệt và muốn đáp lại theo cách chuyên sâu cùng với tâm tình nhiệt huyết hiến dâng. Tùy hoàn cảnh mà đương sự tham gia vào Sứ vụ ở các môi trường đa dạng, cách tổng quát, xin tạm liệt kê vài thí dụ điển hình để biểu trưng cho hình thái hoạt động này.

– Một là, thành phần những nhân sự được dịp tham dự một kỳ huấn luyện Tác viên LBTM do cấp Giáo phận hoặc Ủy ban LBTM tổ chức, như thế họ được trang bị một số kiến thức cần thiết về ý nghĩa của Sứ vụ Truyền giáo, thêm vào đó, cũng có vài hiểu biết Thần học liên quan cận kề. Sau khóa học, do ý thức bởi Lời mời gọi, họ phấn đấu thực hành áp dụng những gì đã được truyền thụ. Nhóm người này dấn thân hoạt động tuân theo sự chỉ đạo chung dưới hình thức tổ chức từ ý chỉ của Đấng bề trên, đồng thời cũng tiếp nhận sự hỗ trợ và giám sát bởi Thừa tác viên linh hướng.

– Hai là, Bậc tu sĩ Dòng hoặc Triều, mà nhiệm vụ thường ngày được giao phó là không chuyên trong chức năng thi hành Sứ mạng Truyền giáo. Mặc dù phải sinh hoạt phục vụ theo Linh đạo Dòng, nhưng đồng thời, vì ý thức cao độ và mang tâm đắc hướng đến công cuộc Truyền giáo. Vì vậy, các Vị tranh thủ thể hiện thêm một vài động thái hy sinh trong đời sống và bền vững gắn bó, cùng mang tâm tình khẩn xin cho đặng hoa trái tốt lành đối với Sứ vụ LBTM của Giáo Hội (như là cung cách để dõi theo Linh đạo Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu).

– Ngoài ra, những Anh, Chị do Lòng mến Chúa mà nhận ra Tiếng gọi thiêng liêng để tự nguyện dấn thân, sống theo một số tiêu chí hành sự thánh thiện, đại khái như ý diễn đạt ở Bài viết: “Người Giáo dân tham gia trong Sứ vụ LBTM”. Trường hợp này, nếu hoàn cảnh thuận lợi cho phép, xét thấy là nên trình duyệt với Đấng bản quyền, và như không quá trở ngại, thì cũng tìm cách thỉnh xin sự trợ giúp của Thừa tác viên Linh hướng. Trong mọi tình huống, đương sự phải thể hiện được tính nghiêm túc, ý thức mình là phần tử thuộc Giáo Hội, luôn tỏ ra khiêm tốn, phó thác và có ý ngay lành.

Tập hợp các đối tượng được diễn tả tiêu biểu như trên, có thể kiến nghị về một danh gọi chung là, Tác Viên Loan Báo Tin Mừng. Đương nhiên khi đem mọi tiêu chí đó hòa nhập vào sinh hoạt cuộc sống thì cần luôn ý thức về một Linh đạo Truyền giáo mà mình theo đuổi. Linh đạo này sẽ dẫn đưa người Tác viên từng bước được biến đổi và thăng tiến khả dĩ phỏng theo tư chất, phẩm hạnh của Nhà thừa sai Ad Gentes, dẫu là không nhất thiết được cơ duyên đến vùng Truyền giáo và rao giảng Tin Mừng. Xin được mượn lời trong Thư Thánh Phaolô mà hiệp ý cũng như để ca tụng các Anh, Chị đáp lại sự mời gọi qua định hướng này: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy …..”(Rm 8, 35). Vâng chính thế, ứng viên của Linh đạo này khiến chúng ta có thể quả quyết rằng, họ được diễm phúc lắng nghe ít nhiều nơi Tiếng gọi tình yêu từ Chúa Kitô mà gánh lấy hy sinh vì Sứ vụ LBTM.

Một đặc điểm khá thú vị theo kinh nghiệm của những người đi trước, khi thực hành các tiêu chí ấy trong thiện chí, thì họ sẽ có cơ hội tiến thân bởi Ơn thúc giục để dâng hiến ngày càng chuyên sâu hơn, thậm chí còn có thể thi hành vượt khỏi các điều đòi hỏi từ sự chỉ dẫn đã truyền đạt. Dấu chỉ nhận thức tính đứng đắn của sự thăng tiến trong Linh đạo là, trong khi phấn đấu bằng đời sống thánh thiện thì đôi khi có những cơ hội để họ đón lấy vài biến cố thử thách mà dường như Ý Quan Phòng gởi đến cho. Ở đây không dám luận giải một cách tỉ mỉ về ý tưởng này, mà chỉ xin đơn cử một câu chuyện có thật đối với một đồng sự Tác viên LBTM. Nghề nghiệp anh này là chuyên viên phân tích dữ liệu trong một công ty nghiên cứu thị trường, ngày nọ nơi quán cà phê, có người tiến lại gần và nói với anh: “Xin đề nghị anh bạn, có thể cung cấp lén cho tôi chỉ vài thông tin mật, tôi sẽ thù lao cho anh một khoản tiền bằng lương tháng của anh”. Anh ấy nghe xong trả lời: “Thành thật lấy làm tiếc, anh đã liên hệ nhầm người rồi, vì tôi còn phải bảo toàn nhân phẩm của mình nữa chứ”. Những hình ảnh đại loại như thế, được xem là cơ hội để người Tác viên tự khẳng định lấy mình trong lúc theo đuổi Ơn gọi, dù hoàn cảnh thực tại đang gặp tình trạng thật khó khăn túng thiếu. Qua những biến cố thử thách và đòi hỏi hy sinh như vậy, cũng là phương cách giúp họ biết đặt niềm cậy trông vào Chúa Thánh Linh, để Ngài sẽ tiếp tục dẫn dắt và ban ơn Đoàn sủng cho chúng ta, thêm tận lực hơn trên đường phụng sự lý tưởng vì Sứ vụ LBTM.

Sau hết, cũng theo kinh nghiệm truyền đạt lại, Lòng tin và Niềm cậy trông nơi Mẹ Maria cùng các Đấng Thánh quan thầy được xét cũng là yếu tố quan trọng, mang lại hữu ích để giúp Tác viên vững vàng gắn bó với Linh đạo. Lời cầu bầu của các Đấng sẽ trở nên linh nghiệm cho chúng ta nhờ vào thường xuyên biết liên tưởng đến các Ngài trong các giờ Kinh nguyện. Nhất là khi, có những tình huống chúng ta đối diện với một vài biến cố trong cuộc sống thường nhật, làm cho chúng ta gợi nhớ về bối cảnh tương tự trong cuộc đời của các Đấng, thì lập tức khi ấy, chúng ta liền vui vẻ đón nhận hy sinh, nghịch cảnh để được dịp bắt chước giống như các Vị đã từng làm khi còn đương thời, cùng lúc, cũng kèm theo một vài tâm tình cầu nguyện vắn tắt. Bằng cách thức như vậy thì tin chắc, sẽ không thiếu những Ơn lành tuôn đổ đặng phù giúp các Tác viên có được nghị lực chu toàn đời sống Linh đạo của mình.

Với việc mô tả những hình thái bên trên, liên quan chủ yếu đến vai trò hành sự phần đông là của Giáo dân, bài viết xin được đúc kết một ý tưởng tổng hợp chung cho mọi nỗ lực hoạt động được kiến nghị ở các nội dung vừa rồi. Trong phần đầu Hiến chế Lumen Gentium, Công đồng Vatican II gọi chúng ta là: Đoàn lữ hành như dân Israel xưa, mà nay đang tiến bước tìm về Thành thánh tương lai bất diệt (trích ý số 9). Thật vậy, đời sống Kitô hữu chúng ta còn xem như một hành trình Đức Tin để đạt tới cùng đích của Ơn Cứu độ, do vậy cần phải có lòng Tin và thể hiện Niềm tin. Bổn phận trong đời sống Đức Tin đòi hỏi chúng ta gồm sống Đạo và luôn cả việc truyền Đạo nữa, với lời huấn dạy của Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp Redemptoris Missio, ước mong sẽ mang đến cho mọi người ý thức hơn về tính cách này: “Bởi vì, động lực truyền giáo bao giờ cũng là dấu chỉ sinh động trong lịch sử của Giáo Hội thế nào, thì việc suy yếu nỗ lực truyền giáo là dấu hiệu khủng hoảng Đức tin giống như vậy” (số 2).

Hình thái IV: Hoạt động đỉnh cao, Sứ mạng Truyền giáo Ad Gentes

Để nắm sơ qua theo cách gọi, Sứ mạng Truyền giáo Ad Gentes là hình ảnh của những Thừa sai chuyên biệt phụng mệnh Bề trên, đến một vùng Truyền giáo nhằm lo việc cải Đạo cho lương dân và khởi sự gầy dựng để dần dà hình thành ra các tân Giáo hội địa phương, tức cộng đoàn Xứ đạo mới. Cách gọi này xuất hiện từ sau Công đồng Vatican II, nhất là được nhấn mạnh trong Thông điệp Redemptoris Missio của Đức Gioan Phaolô II. Riêng chữ Ad Gentes, nghĩa dịch: Đến với muôn dân, là tên của một trong các sắc lệnh Công đồng, mà nội dung ấy diễn đạt về ý nghĩa cũng như những qui định liên quan tới Sứ mạng Truyền giáo. Đối tượng hoạt động thuộc Hình thái IV này, chủ yếu được kể là các Tu sĩ Dòng đảm trách thi hành Sứ mạng Truyền giáo, đồng thời cũng tính đến các Linh mục Triều, phụng mệnh Đấng bản quyền để chuyên lo việc hình thành ra các Họ đạo non trẻ trong Giáo phận.

Khi đặt bút mô tả những đường nét thuộc Sứ mạng Truyền giáo Ad Gentes, phụ trách biên soạn xin bày tỏ phần nào lấy làm quan ngại. Vì thật khó mà trình bày đến một lãnh vực, vốn đã có kho tàng tri thức phong phú cùng với kinh nghiệm dày đặc, được tích lũy lâu đời từ các Hội Dòng Thừa Sai và Tổ chức truyền giáo chuyên biệt. Nhất là khi soạn giả cũng chưa từng có tham gia vào công việc ấy, tuy nhiên, cũng thứ cho là không thể không đề cập chi cả. Vì tính Hiệp thông trong Sứ vụ, khi mà kêu gọi chia sẻ, hỗ trợ cho nhau vì công cuộc LBTM của Giáo Hội, dù ở hình thức nào, thì người Giáo dân cũng cần biết ít nhiều đến các đối tác tương quan với mình. Ngoài ra, qua dịp giới thiệu còn tạo cho một số Anh, Chị đang quan tâm về chuyên đề, có thể hiểu biết thêm và chiêm ngưỡng những gì mà các bậc anh hào đã hiến mình vì Sứ mạng Truyền giáo. Từ thành ý đó, xin được mạn phép ghi lại đôi nét tiêu biểu với vài hình ảnh đặc trưng, xem ra cũng là một yêu cầu chính đáng. Với những gì sắp được tường trình dưới đây chỉ là mang tính “nghe sao thuật lại vậy”, nó thể hiện bằng sự tiếp thu về những hiện trạng mà các Đấng thừa sai đáng kính của chúng ta đã từng đi qua.

a/ Thực hiện trình tự nguyên tắc Tam Dân

Trước tiên xin được giải thích ý nghĩa cách dùng ngôn từ ở trên, đó là tiến trình thực hiện gồm các bước: Tiên khởi quan tâm chăm lo vấn đề Dân sinh, rồi tiếp tục nghĩ đến việc phục vụ Dân trí, và sau cùng mới nghĩ tới chuyện cải hóa Dân tâm cho đối tượng Lương dân. Quả thật là hiển nhiên, muốn truyền Đạo có kết quả thì trước hết phải lo cho người ta có “cái ăn”, thấy ổn rồi thì tính thế nào để mang đến “cái biết”, và rốt cùng mới dẫn dụ vào “cái tâm” của họ. Nguyên tắc này thường được Cố Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang phát biểu ở những lần thuyết trình về chuyên đề Truyền giáo trong Giáo Phận Cần Thơ của Ngài. Không khó để nhận ra ngay, cách thức đó khá tương thích với câu ngạn ngữ trong Nho giáo: “Dụng tận lực tri Thiên mệnh”, vì nó đặt tiêu chí đi từ quan điểm tiếp cận sát với thực tế của sinh hoạt con người. Chúng ta hiểu, dù bất kỳ nỗ lực hoạt động LBTM nào, cũng đều cần đến sự tác động của Chúa Thánh Thần, nhưng tiên vàn thì kẻ hành sự nên luôn đi trước trong việc ý thức bổn phận thực tế và tận dụng khả năng của mình mà chăm lo phục vụ tha nhân với cách phù hợp theo lẽ tự nhiên thuộc đời sống nhân sinh.

b/ Hiến mình để mang lấy số phận đồng cảnh ngộ

Hai câu chuyện về Cha Thánh Đamien nơi đảo Molokai và Đức Cha Jean Cassaigne ở trại cùi Di Linh, là biểu trưng cho một cung cách Truyền giáo rất đặc thù của Đạo Công giáo, mà nơi các tôn giáo khác chưa thấy ghi lại hình ảnh nào tương tự. Ngoài ra, không chỉ có bối cảnh liên quan đến bệnh phong mà thôi, người ta còn được nghe về những gương anh dũng của Mẹ Têrêsa Calcutta hoặc Sœur Emmanuelle -Một chiến sĩ đồng hành với kẻ bươi rác bên Ai Cập- cũng được đánh giá là những tiêu biểu khác thuộc nguyên tắc này. Thiết nghĩ không cần đàm luận gì nhiều hơn, chỉ xin mượn Lời của Thánh Phaolô để mô tả ý trình bày trong việc giới thiệu một nguyên tắc Truyền giáo ở mục này: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8, 9). Một nguyên tắc Truyền giáo được xem là thật chính đáng vì phản ánh đúng với những lời diễn đạt trong Tin Mừng.

c/ Chứng tá hành sự theo nghĩa từ của chữ “Nho”

Trong sáu cách cấu tạo chữ Hán, gọi là Lục thư, thì có một cách trong số đó mang tên Hội ý, nghĩa từ chữ ”Nho” trong Hán ngữ, là được hội ý bởi hai nghĩa của chữ Nhân và chữ Nhu. Nó hàm ý, Nho giáo dạy người ta để thành ra kẻ trở nên nhu cầu cho người khác. Quay sang nguyên tắc thi hành Sứ mạng Truyền giáo có liên quan tới cách lý giải chữ ”Nho” như trên. Xin được mượn hình ảnh của Vị thừa sai Jean Marie Merdrignac, từng sống ở Kiên Lương, Hà Tiên để làm minh họa. Tại địa danh ngày nay gọi là xã Hòa Điền, một nơi do cấu tạo đất phèn nên việc canh tác nông nghiệp rất kém hiệu quả. Ấy vậy mà vào năm 1931, Cha Merdrignac lại dẫn một tốp dân đến vùng hoang sơ này để lập nghiệp. Nơi đây thuộc vùng núi đá vôi, nên Cha khởi sự bằng việc dạy người ta cách xây lò và xắp chất đá để nung vôi. Chúng ta biết kỹ thuật xếp đá đòi hỏi phải rất cao tay và vô cùng khéo léo, về sau dân địa phương cũng không hiểu tại sao từ trước, Cha lại thạo nghề như vậy. Chính Cha làm người thợ chất đá lúc ban đầu và sau đó truyền nghề ấy lại cho một số kỹ thuật viên địa phương nối nghiệp. Dân chúng nơi này dần dần trở nên phát đạt và Cha đã thành lập được Họ đạo Đất Hứa, nơi mà sinh hoạt Đạo vẫn luôn sung túc cho đến ngày nay. Trong lịch sử Truyền giáo, người ta cũng còn thấy muôn vàn hình ảnh khác về các Vị thừa sai, đã tận hiến đời mình để trở thành nhu cầu cho tha nhân. Họ mưu sự hành động một cách kiên trì và đơn độc mà tạo cho cả một cộng đồng có điều kiện sinh sống ổn định lâu dài, song song đó, các Ngài cũng hình thành một khung cảnh sống Đạo đầy nhiệt thành và Đức tin vững mạnh tại nơi phục vụ.

d/ Hội nhập văn hóa

Phần mô tả nguyên tắc này nhấn mạnh đến đặc tính của một vùng địa lý, mà đa số quần chúng nơi đó đã từng gắn bó lâu đời từ trước, với một nền văn hóa mang tính thánh thiêng, hoặc có thói quen sùng bái Thần linh hay theo một tôn giáo nào khác. Khi các Nhà thừa sai tới đây để tìm cách truyền bá Tin Mừng, thì họ phải từng bước tìm cách chuyển hóa từ tập tục của một nền văn hóa tâm linh có sẵn, để dựng thành một phong cách sống phù hợp với niềm tin và nề nếp sinh hoạt Kitô giáo. Những mẫu gương lịch sử đầy ấn tượng thuộc lãnh vực này, chính là đời hoạt động của các Thừa sai tiên phong tiếng tăm: Valignano truyền giáo ở Nhật, Roberto de Nobili ở Ấn Độ và Matteo Ricci tại Trung Hoa.

Nhờ tài khéo léo và thật khôn ngoan của các Ngài, cùng với quá trình thực hiện đầy nhẫn nại, để rồi từ từ diễn biến chậm rãi, các Đấng biến đổi tư duy của người bản địa. Một khi mà những tân tòng đã thay đổi được cách suy nghĩ, thì họ sẽ giữ Đạo một cách hết sức kiên cường. Những bằng chứng hùng hồn ở Nhật Bản, trong suốt 200 năm cách ly với Giáo Hội hoàn vũ và Thừa sai nước ngoài, mà cũng còn thấy nhiều người vẫn duy trì Đức tin, từ thế hệ này trao truyền cho thế hệ sau, là bởi những bà Mẹ có nhận thức cao độ rồi nhắn nhủ dạy bảo lại cho con cháu tiếp nối, mà họ chẳng có phương tiện phượng tự chi cả. Sở dĩ được vậy là do, nếu chưa kể đến Ơn phù trợ, vì từ trong ý nghĩ thâm sâu nơi họ đã có ít nhiều sự so sánh về nét Chân, Thiện, Mỹ của hai hình thái sinh hoạt tâm linh, và tất nhiên, cái mà họ chấp nhận sau thì được xem là nó lý tưởng hơn và đáng để đi theo.

e/ Nguyên tắc lây lan Karachi

Gần đây người ta thường hay nghe nói đến: “Sáng kiến Loan báo Tin Mừng từ nhà này sang nhà khác” xuất phát ở Karachi, thuộc đất nước Pakistan. Khởi đầu sáng kiến được thấy áp dụng tại Giáo xứ Thánh Gioan, người ta chứng kiến nơi đó, thấy có tổ chức một nhóm các nhân sự mục vụ đi thăm viếng những hộ gia đình và nói cho đồng bào của họ về Đức tin. Đặc biệt đối nhân là với những người đã được Rửa tội nhưng vì những lý do nào đó nên không còn siêng năng đến nhà thờ và đã ở bên ngoài lề của sinh hoạt Giáo hội. Cha Arthur Charles, Chánh sở Giáo xứ chia sẻ: “Chúng ta thường khuyến khích các Tín hữu chăm sóc người nghèo, hoạt động vì công lý và kính yêu Chúa, nhưng ít ai coi trọng đến việc Loan báo và Truyền giảng Tin Mừng. Vì những lý do khác nhau, mà nỗ lực riêng của các Tín hữu trong việc chia sẻ Tin Mừng có vẻ hiếm hoi hoặc ngoại lệ”.

Vì thế Cha đã có sáng kiến gửi các nhân sự kinh nghiệm về Mục vụ đến truyền giáo cho từng nhà. Quả thật, một tầm nhìn và ý niệm hoàn toàn mới lạ đang xảy ra tại Pakistan. Nhiều nhận xét cho rằng nó sẽ còn được phát triển ở nhiều nơi khác trong tương lai. Cha Charles cũng cho biết, Giáo phận mà Ngài đang phục vụ, rất thiếu Linh mục và Giáo lý viên, khi mà các Tín hữu thường hay bị bối rối về việc tìm hiểu Giáo lý, do đó nhiều lúc cần phải dựa vào các Cộng đoàn khác ở nơi xa xôi đến. Vì thế một nhóm người trẻ đã tình nguyện hy sinh thời gian để lo việc dạy Giáo lý và rao giảng Lời Chúa. Với con số được chọn lúc ban đầu là 12 người, Cha đã đào tạo cho họ kiến thức về Thần học, chuẩn bị mọi thứ rồi sai họ đi. Cha giải thích rằng: “Nhiệm vụ chính của họ là đi từ nhà này sang nhà khác, thăm các gia đình không đến Nhà thờ, nhằm giúp các Tín hữu này cầu nguyện và đọc Tin Mừng chung với nhau”.

Như vậy với nguyên tắc sử dụng nhân tố hay phương thức nào đó, mà làm dần dà lây lan Tin Mừng trong sinh hoạt dân chúng, đối với kẻ từng trong Đạo hoặc ngoại giáo. Theo cách này, nhiều người đã xem đây như là một thể cách đầy tiềm năng, mà hiện nay đang được chú tâm nghiên cứu và áp dụng.

f/ Vận dụng nguyên lý Đắc nhân tâm

Chắc hẳn không ít người đã được nghe đến tác phẩm nổi tiếng: “How to win friends and influence people, Làm thế nào chinh phục được bạn bè và gây ảnh hưởng tới người khác” của Thuyết trình gia người Mỹ Dale Carnegie, mà Nhà văn Việt Nam chúng ta, Nguyễn Hiến Lê phỏng dịch lại ghi tựa đề: Đắc Nhân Tâm (hiểu nôm na theo Việt ngữ: Đặng Lòng Người). Không cần bàn luận gì thêm về tác phẩm này nữa, vì đã có quá nhiều văn nhân phân tích nó rồi, có điều, mục tiêu cuốn sách là giúp cho thành đạt kinh doanh, còn đoạn trình bày dưới đây sử dụng chung ngôn từ, nhưng để bàn đến một cung cách mà các Thừa sai đã vận hành đi đôi với việc thực hiện Sứ mạng của mình.

Làm sao trong lời ăn tiếng nói, lối ứng xử giao tế sinh hoạt tự nhiên giữa mình và mọi người có thể tạo được sự thoải mái, mãn nguyện cho nhau là điều rất cần thiết khi thi hành Sứ vụ. Thái độ tiếp xúc xã hội với vẻ mỹ quan hiện hữu trước rồi mới tính đến việc chinh phục ý thức tâm linh cho tha nhân sau, từng được các Nhà thừa sai chú tâm áp dụng triệt để. Xin dẫn chứng bằng một đoạn được ghi trong giáo trình Truyền giáo học: “Một cha Dòng Tên hỏi một người Nhật bản, đã từng học giáo lý với Cha Arrupe để chịu Phép rửa, vì muốn biết lý do nào mà ông này đã theo Đạo. Ông người Nhật trả lời: ‘Tôi không hiểu gì nhiều về những điều Cha ấy nói, nhưng tôi thấy là Cha tốt quá!’ . Thế nên, cần lưu ý là lương dân gặp Ðức Kitô qua con người của Thừa sai, bởi đối với họ, Thừa sai là hình ảnh, là hiện thân của Ðức Kitô.

Vâng đúng thế, các yếu tố như coi trọng người khác ngay từ buổi ban đầu; dò bắt tâm lý, nhu cầu của họ rồi tìm cách thỏa mãn cho; tế nhị nhẹ nhàng đối với những sai phạm của họ dẫu là có quá đáng; thậm chí nhiều khi còn phải tốn lắm hy sinh chỉ cốt để cho họ cảm nhận được đôi chút niềm vui v.v… Các Ngài xử sự như vậy, vừa là vận dụng nguyên lý Đắc Nhân Tâm, đồng thời cũng thể hiện bản chất con người Thừa sai cần có, tức phản ánh chân dung Đức Kitô.

g/ Nhờ An bài và Soi dẫn mà nhập vai “Cứu nhân độ thế”

Để thuận vào đề, xin mượn ngay hình ảnh Cha Maximilian Kolbe, người Ba Lan trong thời Chiến Tranh Thế Giới II, một Chứng nhân anh hùng ngoạn mục. Lịch sử không thấy ghi lại những ai đã tận mắt chứng kiến lúc Ngài hy sinh hôm ấy, rồi sau đó khiến cho có người nào theo Đạo. Nhưng với chứng tích của biến cố này, người ta không thể bỏ qua tính tác dụng của nó trong toàn bộ công trình truyền bá Kitô giáo. Vì sự kiện đó đã ghi lại một dấu ấn làm biểu tượng in hằn nơi cộng đồng nhân loại, từ đó cũng tạo nhiều thuận lợi cho hiệu quả hoạt động Truyền giáo. Tại Việt Nam qua sự hiện diện và đóng góp của Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), cũng minh chứng về thành quả theo nguyên tắc này. Chắc hẳn chưa từng có ai phát biểu: Nhờ tiện ích trong lúc đọc chữ Quốc ngữ mà tôi gia nhập Đạo, nhưng công trình khai sáng ra chữ ấy của Cha đã góp phần thật to lớn cho tổng thể công việc Truyền giáo trên quê hương xứ sở.

Và nếu chúng ta tra cứu thêm trong lịch sử, thì còn rất nhiều Đấng khác cũng từng cống hiến như những kẻ “Cứu nhân độ thế”, từ đó đem lại kết quả lâu dài với biết bao hữu ích cho Sứ vụ. Vì cảm kích những Gương chứng nhân thuộc nguyên tắc Truyền giáo này, nên cũng xin được đàm luận thêm đôi điều. Chúng ta không nhất thiết phải đợi chuyện đại sự mới quan sát tìm hiểu hoặc trông đợi Ơn soi dẫn, để đến phiên mình thì cũng được ”an bài”. Nếu quả thật có ai chỉ ra cách hiểu như vậy, thì có lẽ sẽ bị nhiều người đánh giá, đúng là tư tưởng lệch lạc. Trái lại, giả như có một đời sống, ngoài việc ý thức chu toàn bổn phận, còn biết thường xuyên quan tâm đến kẻ khác, và có khi phải quên mình để tác động kịp thời một cách vô vị lợi vì hoàn cảnh cấp bách nào đó của tha nhân, như thế thấy là đủ đẹp lý tưởng rồi, mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng ít là có một dịp trong đời để vận dụng. Khiêm tốn mà nói, thực thi được đức tính vừa kể, thì có thể xem như là đã tiếp thu được bài học rút ra từ nguyên tắc ở mục này. Chính Chúa Kitô, trong Phúc âm thánh Luca, cũng có kể một dụ ngôn có cùng hình ảnh thuộc nội dung trình bày này, về câu chuyện Người Samaria tốt lành gặp kẻ đi từ Giêrusalem xuống Giêricô bị đánh cướp. Tiện khi đề cập đến đây, xin mời Quý độc giả quan sát, lời kẻ ấy dặn dò: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10, 35). Từ ý câu này, chúng ta rút ra thêm một ý tưởng thực hành, mà các Bậc tiền nhân cũng đã từng thể hiện như vậy, đó là, phàm làm việc gì thì hãy gắng làm cho đến nơi đến chốn.

Vài nguyên tắc thi hành Sứ mạng Truyền giáo Ad Gentes được liệt kê bên trên chỉ là đôi nét tượng trưng. Thôi thì còn vô số những phương pháp khác mà các Đấng anh hùng Thừa sai đã vận hành và đem lại thành quả hiển hách. Có những công trình Thừa sai mà các Ngài phải sử dụng cùng lúc đến nhiều nguyên tắc mới đạt được mục tiêu mong muốn. Chúng ta chung lòng thành khẩn dâng lời cảm tạ Ơn Trên, đã ban cho có những tài năng ngoạn mục để nhờ đó đem lại Ơn Cứu Độ cho muôn dân. Đối với các bạn độc giả lần đầu tiếp xúc với những lời kể về hình ảnh các Đấng thừa sai chuyên biệt, dù chỉ vắn tắt nhưng mong rằng, sẽ mang lại cho các bạn đôi chút phấn khởi, hy vọng rằng tất cả sẽ cảm nhận được một tâm tình đặc biệt nào đó, để từ đấy quan tâm tích cực đến Sứ vụ LBTM trong toàn Giáo Hội.

Một hướng đi thay cho lời kết

Cuối bài soạn thảo xin được mạn phép thưa cùng Quý vị, một kiến nghị đơn sơ với mong ước cải thiện thêm đôi chút cho hoạt động Sứ vụ LBTM, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét tính khả thi để thực hiện trong tương lai. Bối cảnh thế giới ngày nay đã rơi vào tình trạng tiến hóa vượt bậc, hầu như mọi nơi đều thay đổi cung cách sinh hoạt một cách chóng mặt. Cho nên với hình ảnh một Thừa sai le lói mà đến phục vụ cho cả một vùng Truyền giáo rộng lớn như cách xưa nay, xem ra đang kém hiệu quả và cần chấn chỉnh bổ sung. Theo chủ quan trong khi soạn thảo, việc kêu gọi những nhân sự phụ cộng tác với các Nhà hoạt động truyền giáo chuyên biệt, thấy là giờ đây trở nên cấp thiết. Nếu nói đến cộng tác trong sinh hoạt phục vụ mang tính phương tiện vật chất thường ngày, thì thiết nghĩ không cần mấy quan tâm, vì các đối tác hảo tâm thiện nguyện tại địa phương dường như chưa bao giờ thiếu cả. Ý bàn luận ở đây, là muốn đề cập tới những cộng sự viên có sức hiểu biết khả dĩ và kỹ năng thao tác trong lãnh vực Truyền giáo thể hiện với vài chuyên môn, đồng thời cũng hội đủ tư cách đồng trách nhiệm để thi hành Sứ mạng. Đối tượng tiềm lực muốn nhắm tới, thì không ai khác là những Tác viên LBTM mà trong bài viết đã mô tả ở Hình thái III. Vì thế, nếu chúng ta có đủ điều kiện thì mời gọi và tiến hành rộng rãi chương trình đào tạo để có khá nhiều thành phần nhân sự này. Với hy vọng trong số đó, có thể tuyển được một số Anh, Chị, mà cư trú không xa với địa điểm truyền giáo, như thế họ có thể tranh thủ đến cộng tác với các Vị thừa sai chuyên biệt.

Ngoài ra còn cần lưu tâm hơn về đặc tính Hiệp thông trong Sứ vụ LBTM, tức ý nghĩa Cộng tác Thiêng liêng. Cùng với tổng thể sức cầu nguyện trong toàn Dân Chúa, cộng thêm đời sống dấn thân làm Chứng nhân và Chiêm niệm của các Tác viên LBTM, thì tin rằng sẽ được chuyển hóa thành những Đặc sủng, mà Chúa Thánh Thần có thể ân ban hầu giúp sức cho giới Giáo sĩ Thừa sai có thêm được nhiều nhân lực, hăng say, vững bước, cũng như hy vọng mang lại hoa trái tốt lành cho công cuộc LBTM trong Giáo Hội. Cũng để kết thúc bài viết, xin được trích một đoạn trong Thông điệp Redemptoris Missio làm dẫn chứng, khi Đức Gioan Phaolô II có lời khuyên nhủ như sau: “Trong số những hình thái tham gia vào Sứ vụ, tóm lại phương thức đầu tiên vẫn là việc cộng tác thiêng liêng: đó là bằng lời cầu nguyện, hy sinh và đời sống chứng tá của người Kitô hữu. Việc cầu nguyện phải đồng hành với các Nhà truyền giáo trong từng chặng đường của họ để việc loan báo Lời Chúa được hiệu quả nhờ vào Ơn Chúa.” (số 78)

WHĐ (20.7.2021)

Trả lời