Sống cho đúng người, thì phải có đức, có suy, có tình. Ba yếu tố ấy làm nên cái hỗn của cuộc sống, còn hành động là xác thân. Yêu ư? Anh không thể yêu mà không cảm nhận mình yêu, cùng với sướng khổ đi kèm, cùng với cử chỉ để bộc lộ. Rồi còn chiều chuộng và săn sóc, còn hy sinh để cứu vớt hay tạo hạnh phúc cho người. Càng hành động như thế, ta càng cảm thấy yêu thêm, và tình yêu sâu vững hẳn. Nghĩa là tri, hành, cảm dắt dìu nhau trong cuộc sống, với mỗi lúc một trong ba yếu tố hiện nổi.
Sống đạo cũng là sống, nên tiến trình nên thánh cũng diễn ra với sự kết hợp của tri, cảm, hành. Để hễ một bên tiến, thường cũng kéo theo hai yếu tố kia. Vì thế, hễ yêu Chúa sâu xa, tôi thường cảm nhận rõ sự có mặt với tôi của Chúa. Và hễ yêu đến thế, không thể tôi không làm một cái gì để biểu lộ tình yêu. Như hy sinh, như hiến thân đi mở Nước Chúa chẳng hạn. Đấy là kinh nghiệm, dù của những thánh đan tu như Tiên sa Avila, như Tiên sa hài nhi Giêsu, như Marie de l’Incarnation… Theo Tiên sa Avila, khi đạt tới sự hiệp nhất trong huyền thức, tự nhiên ta sẽ hết vấn vương với sự đời và mong mỏi làm gì đó cho hạnh phúc thật của anh em (x. Tự truyện, ch. 16-17; Lâu đài nội tâm, cung phòng V, ch.2…). Như thế, tri nghiệm vừa sánh đôi với đạo đức, vừa gia tăng tình yêu và thúc đẩy hành động. Ngược lại, thứ hành động có hồn là tri, cảm ấy cũng đưa tình yêu đạt tới tầng nền và chiều sâu, nhờ đó làm nó lớn lên và vững chắc. Để rồi kẻ chỉ tìm Chúa trong hết thảy những gian khổ của mình, sẽ cảm nhận Chúa có mặt chẳng những trong nỗi vất vả ấy, mà cả khi ngưng việc làm đã trở về với cầu nguyện. Cứ thế, tri, cảm, hành tiến thoái có nhau, dù chiêm nhân bay cao hơn về tri nghiệm (gnôsis), và hành nhân táo bạo hơn trong việc mở Nước Cha và đi sâu hơn trong “đức tin tác động bằng đức Ái”.
* * *
Huyền thức, do cảm nhận về một hiện diện thân yêu, trong khi thổi hồng ngọn lửa Ái, cũng luyện trong và đánh bóng tấm gương soi nội tâm, khiến lộ ra bề sâu của đại trí (sagesse), độ sắc sảo của khôn ngoan (prudence), sự bén nhạy của phân định (discernement). Nhờ đại trí, tôi không chỉ nhìn ra sự thật, mà còn ngỡ ngàng trước chiều cao của Thiên Chúa, bề dầy của thiên ân, bề sâu của mầu nhiệm, từ đó sinh ra một hoan lạc không gì diễn tả nổi, và bật lên những chúc tụng say sưa, có khi trong tiếng u-ơ của ơn dị ngữ (don de langues). Còn với sự khôn ngoan nói trên, tôi không chỉ tìm ra lối đi và cách ứng phó linh hoạt cho từng hoàn cảnh, mà cùng lúc còn cảm thấy trong công việc sự ấm áp của bàn tay Chúa “tay trong tay” đang dẫn dắt tôi đi.
Thật ra, huyền nghiệm không phải là thánh thiện, nhưng nó thường đi đôi với thánh thiện và là kết quả của sự trao đổi giữa Thần khí viết hoa của Chúa với thần khí con đẻ của Ngài nơi tôi. Sự chạm nhau giữa hai thần khí làm bật sáng ngọn đèn thiêng liêng của tâm (noũs), khiến tôi nhìn ra cả tôi lẫn Chúa cùng với tình thân và ý định của Chúa về tôi. Chẳng những cảm nhận Chúa trong tôi và tôi trong Chúa, mà nhờ tia sáng bật lên nối liền hai cực, tôi còn nhìn ra dưới bóng êm ái Chúa cả loài người và thế giới nữa. Vâng, nhờ ánh sáng này, đâu đâu tôi cũng thấy Chúa, khiến “sống với tôi là Đức Kitô” vậy. Một khi đã thấy Chúa trong hết thảy và hết thảy trong Chúa như thế, thì cầu nguyện chẳng còn phân ly với hành động nữa. Hành và nghiệm tri đã cùng bước với nhau, tay trong tay một cách rất mật thiết, và đây là trường hợp cung phòng bảy trong Lâu đài nội tâm của Tiên sa Avila. Cung phòng bảy là chỗ gặp (ở vô cực) của hai đường thẳng song hành, và người ta có thể đạt tới cao điểm ấy dù bằng con đường hành động, dù bằng con đường tri nghiệm.
TỪ LẬP CÔNG ĐẾN VÔ CÔNG – TỪ TỰ MÌNH ĐẾN DO CHÚA
Sự tăng dần ánh sáng trong tôi phải làm sáng dần sự thật về cả Thiên Chúa lẫn con người tôi. Thiên Chúa không còn là phản ảnh của những khát vọng thầm kín nơi tôi. Và con người tôi cũng không còn là cái mà tôi tưởng về mình. Tất cả được phơi bày dần, ngày trần trụi thêm. Và sự thật về tôi luôn tiến cùng chiều với sự thật về Chúa. Đó là con người tôi đứng trước Chúa, được soi rọi bởi ánh sáng Chúa. Mà đứng trước Thiên Chúa với chiều cao đáng sợ của Ngài, tôi chỉ còn có cách bé hẳn đi, có cách chui xuống đất thôi. Vì mọi vết nhơ dù nhỏ nhất cũng hiện nổi với sự xấu, hèn của chúng. Trần truồng và yếu kém quá, tôi khám phá mình cần Chúa và chỉ có cách trông chờ hết ở Ngài. Lại cũng chỉ khi xuống tới cái gốc hư vô của mình, tôi mới nhìn ra chiều cao và vẻ đáng yêu của Chúa, nhờ đó đi vào sự thân mật của Chúa (Xem thêm Fr. Roustang, Sdd, tr.l85tt). Cũng như khi nhìn rõ chiều cao của Ngài và đi vào sự thân mật ấy, tôi mới thấy mình bé bỏng và muốn ở lại trong sự bé bỏng ấy, nghĩa là khiêm nhu.
Thật ra, lúc tôi bắt đầu nhìn ra đúng Chúa, thì tôi cũng lóa mắt chẳng thấy gì nữa. Và đây là đêm tối nó thanh luyện thủy tinh thể, lấy đi từ “cái dằm” đến “cái xà”, cả đức lý lẫn tâm lý, để đủ trong và đủ độ thiêng liêng rồi, mắt tôi có thể tiếp nhận thứ ánh sáng mới, khác lạ hoàn toàn. Khi còn trong bóng đêm, tôi sẽ thấy mình khô lắm đấy, nhưng lại khổ không gì diễn tả nổi. Nỗi khổ vì khô ấy tố giác một sức căng: tôi bắt đầu mong muốn Chúa, nhưng sự căng muốn ấy không do tôi mà do Chúa, nên lúc đầu tôi không cảm nhận được. Đêm đã hết lúc mà mắt đã quen, và tôi hiểu ra rằng thánh thiện là do Chúa, chứ sự đóng góp của tôi chẳng đáng gì. Lúc thực sự coi tôi chẳng đáng gì, thường tôi cũng không mấy quan tâm đến sự toàn thiện của tôi nữa, mà chỉ khát khao vinh quang cho Chúa thôi.
Quả thật, khi mới bước vào đường nên thánh, tôi nghĩ đến nên thánh hơn là nghĩ đến Chúa. Và tôi tưởng như thánh thiện là do mình dù miệng luôn nói: “Tất cả là ân sủng”, “Tôi là đầy tớ vô ích”, v.v… Tuy nói ra như thế, nhưng đây mới chỉ là những ý tưởng trừu tượng, điều mà tôi cố tin, thế thôi. Chỉ sau nhiều thử thách do Chúa trực tiếp bằng những đêm tối, tôi mới khám phá ra cái mà tôi biết rất khác với cái là sự thật, và sự cảm nhận của tôi phân biệt với sự có mặt của Chúa. Do đó, việc thấy mình lung lay trong đức tin có thể đi đôi với niềm tin vẫn vững; việc thấy mình khô khan có thể đi đôi với an định ở bề sâu.
Vào thời mà tôi nghĩ rằng tất cả tùy thuộc mình, tôi cũng tưởng nên thánh là lập công, là đạt nhiều thành tích, là thủ đắc hết đức này đến đức kia, là sở hữu sự thánh thiện. Thật ra, ý nghĩ này rất cần để thúc tôi cố gắng, vì nếu phó thác bị hiểu sai đi khi tôi chưa chuẩn bị đủ và Thánh Thần chưa trực tiếp vào cuộc, thì tôi sẽ thiếu nghị lực và quyết tâm lúc mà tôi chưa có khả năng dung hòa giữa một bên là tự tin và bên kia là tin Chúa trong quá trình nên thánh. Nhưng rồi tới lúc tôi phải chuyển dần từ ỷ vào sức mình sang nương vào sức Chúa. Để cuối cùng, khi đạt tới ý thức “Vô kỷ, vô công, vô danh”, thì tôi đã tiến một bước rất dài trên đường toàn thiện. Đây cũng là lúc tôi tới ngưỡng cửa của đạo đức thiên phú, mà chìa khóa nằm trong tay Thần khí hoàn toàn.
TIẾN TRÌNH ĐỨC LÝ
Nên thánh và đức hạnh, đó là chính con người tôi nên thánh và sống đức hạnh. Tôi chỉ nên thánh và sống đức hạnh bằng hành vi và khuynh hướng của mình. Nói đến hành vi, phải nói đến ý thức và quyết định. Còn khuynh hướng đây là tập quán tốt hay đức tính chúng làm nên căn bản đức Lý của con người tôi.
Quả thật, một hành vi thực sự nhân linh luôn diễn ra với ý thức đầy đủ về lý do, sự việc, với quyết định dứt khoát trên cản bản của ý thức ấy. Do đó, quyết định biệt định hành vi thành tốt hay xấu, tốt ít hay tốt nhiều. Và qua hành vi, nó biệt định con người, biến tôi thành xứng hay bất xứng đáng bởi việc làm của tôi, do đó cũng vạch trên căn cước vĩnh cửu của tôi một dấu ấn nào đó.
Quyết định không thể y hệt nhau từ hành vi trước đến hành vi sau, và dấu vết để lại trên nhân cách cũng nông sâu khác nhau theo thời gian. Bởi lý do còn tác động của kinh nghiệm và tập quán. Kinh nghiệm giúp ta tập dợt, để bề rộng và bể dầy các hoàn cảnh khiến cho hành vi ngày thêm tinh tế, dẻo dai. Còn tập quán lại gia tăng độ nghiêng khuynh hướng và độ vững của nền, khiến quyết định thêm trơn, lanh, dễ, mạnh, chắc. Lý do là vì các khuynh hướng đối nghịch suy yếu dần và các chỗ gồ ghề tâm lý được mài trơn, khiến bộ máy làm việc tốt hẳn sau giai đoạn chạy rà (rodage).
Thế nhưng ngược lại, nếu do quen (việc) mà không phải chống chọi hay cố gắng gian khổ nữa, thì ý thức có kém đi, quyết định có mờ nhạt, do đó hành vi bớt nhân linh hay không?
Để trả lời câu hỏi, trước hết nên phân biệt ở hành động cái xác của nó là then máy tâm – sinh lý, và cái hồn là ý hướng, động cơ, tâm tình. Khi hành động nghiêng về xác, thì cái “quen” có giảm đi ý thức và quyết định thật. Còn khi nó mạnh về hồn, thì tập quán thành đức tính chỉ nói lên độ trơn nhạy của tinh thần và độ thuần hóa của “xác thịt” nó không còn là sức trì, mà đã thành lực đẩy cho tinh thần bay dễ hơn, khiến hành động như lướt êm trên đệm từ, không một rung chuyển của va chạm, nên cũng không còn cảm nhận của vượt cản, thế thôi. Mà như thế là hoàn thiện, chứ đâu phải khuyết điểm. Tự nguyện không còn nghịch với tự nhiên, vì tự nguyện đã nên tự phát (spontaniété) rồi. Tự phát chính là chỗ hoàn tất của đạo đức vậy (Xem thêm A. Louf, Std, tr.54).
Tự phát dù đã đạt, vẫn còn tiến không ngưng. Nó tiến về cả độ bén nhạy, trơn lanh, cả về nội lực và bề sâu nữa. Và như thế, có sự vượt trội của tiến bộ (proficiens) đối với khởi đầu, dù ngay lúc khởi đầu, anh đã có một tình yêu bốc lửa, một quyết định như búa giáng trên đe. Có điều sức mạnh của khởi đầu sẽ thành một trớn tốt, để do gia tốc mà tiến độ ngày càng lớn thêm. Vâng, sức mạnh khởi phát tác động vào bước tiến dài lâu, nhưng cơn sóng bề mặt mà chị thấy thường khác với dòng chảy bề sâu mà chị không thấy. Thế mà chính độ sâu bản thân (profondeur personnelle) mới là quan trọng (Xem thêm K. Rahner, Eléments de théologie spirituele, tr. 27-31). Độ sâu bản thân này vừa làm thành độ sâu đức Lý, vừa quyết định phần lớn độ sâu của quyết định trong hành động của anh.
Đó mới chỉ là đạo đức thủ đắc (vertu acquise), tự phát thủ đắc, độ sâu thủ đắc. Dù trơn lanh, bén nhạy và sâu xa tới đâu, hành vi trong đạo đức thủ đắc vẫn còn nhiều nông cạn, và tự phát của nó không thể là hoàn toàn. Bởi lẽ các đức thiên phú, con đẻ của ân sủng, từ bề sâu vô thức chưa bắt tay chặt chẽ được với sinh hoạt đạo đức mặt ngoài. Thần khí rồi phải vào cuộc trực tiếp, với những thử thách “đêm tối”, sẽ triệt hạ mọi rào cản và nối mạch giữa trong với ngoài, giữa siêu nhiên với tự nhiên. Hậu quả là một cuộc sống hoàn toàn mới, với một thánh thiện hoàn toàn khác. Đạo đức đã thành thiên phú cả ở bề mặt của hành động chúng ta. Hay nói cho đúng hơn, đạo đức thiên phú từ sâu thẳm vô thức đã tràn tới bề mặt ý thức và hoạt động ở đó. Giống như bước chuyển từ chiêm tự mình sang chiêm do Chúa (tức thiên phú) vậy. Theo tôi nghĩ, việc chuyển biến ấy thường diễn ra cùng lúc trên hai địa hạt chiêm hành. Vì sự sống thiêng liêng là một mà. Là một bằng cả hai mặt ấy, khiến cho khi Thánh Thần vào cuộc trực tiếp, thì Ngài vừa khiến tôi sáng lên bên trong, vừa dìu tôi đi trong hành động.
HỘI NHẤT TRONG ĐỨC ÁI
Sự hoàn thiện cũng là sự hoàn tất nhân cách đức lý con người, dù trên bình diện thiêng liêng cũng thế. Nghĩa là tôi không thánh với từng mảnh đức tính rời rạc, nhưng với những khuynh hướng tốt đã thành cơ cấu với nhau để làm nên chỉ Một con người đức Lý thôi. Sự hội nhất đức Lý ấy là do Nhân trên bình diện tự nhiên, còn trên bình diện siêu nhiên thì do Ái.
Bước tiến thiêng liêng quả là hướng về sự hội nhất trong đức Ái. Càng đào tới bề sâu tôi, đức Ái càng dung hợp các đức. Bước đầu của nó là xoi thủng lớp vỏ để làm hiện rõ vết nhơ do nết xấu và tội. Đức Ái sẽ thúc tôi ăn năn và hoán cải, đồng thời sắp đặt nội tâm và cuộc sống cho ngăn nắp. Gioan Thánh giá ví đức Ái với mặt trời chiếu qua cửa kính (Leo núi Các men, q.2, ch.4). Ánh sáng đức Ái vừa giúp nhìn ra vết bẩn trên kính, vừa tẩy rửa để lọt qua kính vô phòng, khiến tôi thấy rõ nội tâm, khiến kết hợp được trong đó những sức lực và khuynh hướng để tạo nên một nhân cách vững vàng.
Sự hội nhất cứ thế tiến mãi vào chiểu sâu, về phía những gì nề tảng nhất. Mỗi tầng khi được quét dọn và sắp đặt rồi, lại giúp ánh sáng xuyên vô tầng trong để đức Ái tiếp tục công việc. Tới một độ sâu nào đó, nó sẽ chạm phải những sức cản lớn nhất: về đức Lý, đó là cái Tôi và tầng ngầm của tự ái; về tâm lý, đó là phản xạ chống đỡ tự nhiên của trí năng và cảm năng vốn chưa quen với môi trường phi trọng lực, với những làn sóng siêu ngắn của Thánh Thần. Sức cản còn có thể là những trói buộc vô thức có tính tâm bệnh, khiến tôi khó chấp nhận cho mình (assumer) một số hoàn cảnh (situations) hay biến cố (événements). Với những trở ngại trước, thì đêm tối Chúa gửi sẽ san bằng dần. Còn với trở ngại tâm bệnh, thường phải nhờ đến phòng mạch phân tâm. Theo một số chuyên gia tu đức học, thì những khoảng tối tâm lý này, khi chưa tước đoạt hết tự do, sẽ không ngăn trở việc lướt sóng nên thánh, dù con tàu có thể chấn động do va chạm mạnh. Theo tôi nghĩ, và nhiều thần học gia hôm nay cũng vậy, thì tuy với ơn Chúa, tôi vẫn có thể vượt qua, nhờ đó thánh siêu nhiều mặt, nhưng sự hội nhất không thể toàn vẹn, cũng như thương tích không sao tránh khỏi.
* * *
Chẳng những hội nhất các đức là do đức Ái, mà các hành vi đức Ái cũng cần được hội nhất bằng một thái độ căn bản (attitude de fond).
Khi còn nông trong đức Ái, với cầu nguyện tôi nhiều ý nhiều lời, cũng như đếm số lần đi lễ, lần hạt, hành hương. Riêng hành động thì vẫn tản mát với những việc mục vụ này, việc xã hội kia. Kịp khi đức Ái do lâu ngày tập mà thành thái độ căn bản, tôi chỉ còn thiết tha với một mình Chúa dù trong công việc hay trong suy chiêm, đồng thời nhìn thấy Chúa nơi tất cả những người mà tôi đang phục vụ. Đây là lúc mà đức Ái không những hội nhất bản thân tôi, mà còn mở tôi sang thế giới, để sự hội nhất thành hội nhất Thiên-Thế-Ngã. Lúc cầu nguyện, tôi không chỉ nhìn Chúa, mà còn với Chúa nhìn sang hoàn vũ: “quan thế âm”, để đức Ái được suy chiêm nung nấu cũng thúc tôi tạm rời suy chiêm lên đường phục vụ. Rời suy chiêm, nhưng tôi đâu có từ giã Chúa, khi mà tôi vào cuộc là để yêu Chúa hơn, để với Chúa truân chuyên đường trường cứu độ. Ban đầu, tôi còn phải từng lúc ngưng tay để hâm nóng tình yêu. Ban đầu, tôi còn vất vả tay chống tay chèo để khỏi sa lầy trong công việc bằng cách luôn nhớ lại mục tiêu Vì Chúa. Nhưng rồi sau những đêm tối thanh tẩy, tôi chỉ còn biết sống cho Chúa dù trong hành hay chiêm, vì không còn khoảng cách giữa hai bên nữa.
Sự hội nhất không những diễn ra giữa hành và chiêm, mà còn diễn ra giữa hai mặt yêu Chúa và yêu người. Ban đầu, người ta tưởng như yêu Chúa trong nguyện cầu và yêu người trong phục vụ. Nhưng sao lại không thể yêu Chúa trong phục vụ khi mà vì Chúa tôi đang phục vụ anh em nhỉ? Và sao lại không thể yêu anh em khi nguyện cầu nếu trong nguyện cầu tôi đang hướng về họ trong Chúa? Chính vì yêu người đã thành một với yêu Chúa, mà thánh Gioan có thể quả quyết: “Kẻ không yêu (anh chị em) thì không biết (hiểu) Chúa” (1Ga 4, 8), và: “Nói mình yêu Chúa mà ghét anh chị em là nói ngoa” (1Ga 4, 20).
* * *
Riêng về yêu Chúa, đức Ái tiến từ Vì tôi sang Vì Chúa hoàn toàn.
“Vì tôi” ở đây nhắm sự nên thánh và hạnh phúc thiêng liêng của tôi. Vâng, ở bước khởi đầu, tôi quan tâm nhiều đến sự nên thánh này hơn là vinh quang của Chúa. Do đó, tôi mài lo tìm vượng cảm, tưởng như cảm nhận làm nên gặp gỡ (Chúa), và đây là do cố gắng, do công phúc của tôi. Cuối cùng, tôi mới hiểu ra: sự có mặt của Chúa (với tôi) không tùy thuộc vào cảm nhận của tôi đâu. Việc của tôi chỉ là cố gắng, còn gặp Chúa là ân sủng hoàn toàn. Hơn nữa, tôi có thể gặp Chúa mà không cảm thấy Chúa, không tí vượng cảm nào.
Bắt đầu, tôi cũng tưởng như (một cách vô thức, cố nhiên) Chúa là “phương thế’ cho tôi nên thánh, và sự gặp gỡ Chúa là “phương thế” cho hạnh phúc của tôi. Miệng vẫn nói là Vì Chúa đấy, mà lòng vẫn hướng về mình như vậy. Nhưng rồi khi hiểu ra: Cảm thấy Chúa chưa chắc đã là Gặp Ngài, tôi cũng vỡ lẽ rằng: Thánh thiện là ở chỗ tôi sống vì Chúa, chứ không vì sự nên thánh của mình nữa. Tôi đã thoát ra khỏi cái Tôi và tự ái để chỉ còn quan tâm đến “Nước Cha mở tới, ý Cha thực hiện” thôi. Đây cũng là lúc mà lòng tôi thong dong và an định nhất, vì tôi không còn lo gì cho tôi, dù khô khan hay sốt sắng, dù xứng đáng hay khuyết điểm. Tôi cũng chẳng bận tâm vì công việc thất bại hay gặp trở ngại nữa, bởi lẽ tôi dựa vào sức Chúa, chứ không ỷ vào sức tôi, cũng chẳng sợ hãi trước sự tán công của bóng tối. Tôi cũng chẳng bận tâm về số phận mai sau, vì tôi không tìm thiên đường cho mình, mà chỉ tìm vinh quang cho Chúa và hạnh phúc cho anh em. Đây là giai đoạn ba, là cấp toàn thiện theo đánh giá của các bậc thầy tu đức (Xem thêm Fr. Roustang, Std, tr.l94tt).
Lúc mà tôi không còn ỷ vào sức mình nữa cũng là lúc Thánh Thần vào cuộc trực tiếp, khiến tôi không còn phải nên thánh, vì chính Ngài thánh hóa tôi. Tôi đã chuyển từ hoàn thiện thủ đắc (một hoàn thiện rát thiếu sót) sang hoàn thiện thiên phú (với phong thái của Trời).
Ở tột điểm của giai đoạn ba, cảm nhận hiện diện đã thành một với hiện diện, và cảm nhận áy không chỉ diễn ra từng lúc mà thường hằng luôn. Đây là Cung phòng bảy theo tự vựng Tiên sa Avila, là “Hôn nhân thiêng liêng” theo tiếng gọi của cả Tiên sa Avila lẫn Gioan Thánh giá. Theo Tiên sa Avila, vào giai đoạn chót này, hồn và Chúa đã “nên một sự với nhau” như nước mưa rơi hòa trong nước sông, và nên một vĩnh viễn vì “Thiên Chúa không muốn xa hồn nữa”, còn hồn thì “ở hoài với Chúa trong trung tâm ấy”. Đây là nói về cả cảm nhận lẫn sự thực. Trước Hôn nhân, dù hợp nhất đến đâu, hồn cũng chỉ cảm nhận sự thực ấy từng lúc, chứ từ đây thì hồn thấy Ngài hiện diện thường hằng (x. Lâu đài nội tâm, Cung phòng bảy, ch.2).
Tôi không thể nói: ở đây không còn sợ ngã (Gioan Thánh giá cho rằng trong Hôn nhân thiêng liêng, hồn được cắm vững trong ân sủng Chúa, không còn phải sợ gì nữa – Ca khúc thiêng liêng, đoạn 22. Còn với Tiên Sa Avila, thì sự an toàn không tuyệt đối – Lâu đài nội tâm, Cung phòng bảy, ch.2). Nhưng thuyền tôi đã được thả neo khá chắc ở bến Chúa rồi. Tôi cũng không thể bảo: Ở đấy không có tiến thêm nữa. Vì đỉnh toàn thiện tuy đã tới mà vẫn ở cao hơn, vẫn phía trước, và tôi chỉ đật chân đến lúc mà tôi hoàn tất cuộc đời. Cho nên, nên thánh là tiến mãi không ngưng, và không tiến là thoái đấy. Có điều tôi tin được vào sự vững chắc của bước tiến, vì tôi đã hôn kết với Chúa, vì Chúa luôn ở cùng tôi. Chúa luôn ở cùng tôi, dù với thiếu sót bao giờ chả có do tính yếu đuối tự gốc của con người. Nên dù đã bước đi trên đoạn đường toàn thiện, tôi vẫn còn chi đó để ăn năn, để thanh lọc cho thêm tinh tấn. Kính càng trong, thì mắt nhìn ra hạt bụi càng nhỏ. Vì thế, bước tiến dù ở giai đoạn nào cũng vẫn là tiến trong cả Thanh, Minh và Hiệp đạo. Minh ngay trong lúc khởi đầu, vì tôi chỉ khởi đầu bước tiến khi đã được Chúa thúc, đã cảm thấy Chúa ngọt ngào và cảm thấy muốn tiến xa. Cũng ở bước đầu với hướng nhắm tiến xa ấy. Chúa đã ở cùng tôi, nghĩa là có kết hiệp rồi. Và cứ thế Thanh, Minh, Hiệp dắt dìu nhau đi, với Thanh ngày càng hướng tới tinh vi, với Minh (hay Tiến) đổi dần hướng và cách cố gắng, với Hiệp đi mãi vào chiều sâu tâm hồn.
Bước tiến càng không thể ngưng, khi mà yêu càng sâu thì khát khao Chúa và khát khao vinh quang Ngài càng mãnh liệt, như trong kinh nghiệm của Tiên sa Avila chẳng hạn. Đức Ái muốn cho đi, nhưng càng cho thì càng muốn dâng nhiều hơn nữa. “Mas, mas” (Nữa, nữa) như Phan sinh Xavier không thôi gào lên. Và đây cũng là nội dung câu châm ngôn mà I-Nhã Loyola đề xướng cho mình và cho những kẻ đồng chí hướng: AD MAJORJEM DEI GRORIAM, cho Thiên Chúa được vinh quang hơn nữa!
Sau khi đã dâng hết, tôi vẫn còn cái cuối để dâng: cái Tôi, hay sự gắn bó ngầm, khó dứt ra nhất, với mình. Thế nhưng cái chính mình ấy mới là quà tặng của tình yêu. Mà tình yêu thì thúc mở hết hầu bao, mở rộng vòng tay, mở tung lồng ngực. Tình yêu không tính toán, tình yêu quảng đại hoàn toàn.
Đi sâu vào đức Ái ấy, tôi cũng cảm nhận sự bé nhỏ của mình. Chỉ có đức Ái mới dễ đưa tới khiêm nhu độ chót, không mấy khó khăn. Cũng chỉ đức Ái mới biến thánh thiện thành hiện hữu cho tôi, lúc mà tôi không coi nó như một sở hữu nữa. Chứ dù đạo đức tới đâu, thoát tục cỡ nào, mà không hướng duy về Chúa, thì tất cả những thứ ấy sẽ gom thành của cải, nó thổi phồng cái Tôi lên.
* * *
Từ đạo đức thủ đắc, tuy đã sang đạo đức thiên phú, nghĩa là do Chúa trực tiếp và hoàn toàn, nhưng không phải vì thế mà tôi không cần cố gắng nữa. Không còn cố gắng để chủ động leo lên, nhưng vẫn còn cố gắng để nhũn mình ra, để buông mình nương theo Đấng đang bốc đưa tôi lên và đẽo gọt tôi dưới bàn tay êm dịu của Ngài. Vâng, không còn cố gắng kín nước giếng hay đạp gầu guồng, nhưng cố gắng vẫn có để đón nhận cơn mưa từ trời và để nước mưa thấm sâu tới lớp đất bên dưới.
Cảm nhận buông theo, thụ tiếp diễn ra trong cả chiêm lẫn hành ở giai đoạn thiên phú. Trong hành động, thì đây là lúc tôi được dẫn dắt hoàn toàn bởi Thần khí, qua đặc huệ của Ngài, khiến làm mà không phải tôi làm nữa, nhưng chính Chúa làm nơi tôi (Gl 2,20). Nghĩa là khi đến việc, chính Chúa sẽ soi cho tôi biết điều cần biết, nghiêng ý muốn tôi về điều nên chọn, v.v…
Tới đó, thì cũng phải tới đỉnh của A-patheia (vô thụ cảm) rồi: chẳng còn gì để bận tâm nữa. Có điều, đây cũng là lúc mà tim tôi được đổi với tim chúa, như kinh nghiệm của một số thánh, khiến tình cảm vừa rất mạnh vừa rất chìm, như một dòng nước ngầm cuốn tôi về phía ý Chúa và những gì vui lòng Chúa. Tuy vẫn còn phân biệt thân sơ tự nhiên ở bề mặt, và ở bề mặt vẫn có đau khổ. Nhưng tất cả thành êm dịu khi được nối với mạch ngầm của đức Ái siêu nhiên. Vâng, dù may hay rủi, dù thuận hay nghịch, tất cả đã biến thành quà tặng của Chúa, khiến rủi cũng thành may, chua chát cũng trở nên ngọt ngào (Xem thêm Fr. Roustang, Std. tr.197).
TÓM LẠI
Thánh thiện không chỉ là trong sạch hay miễn nhiễm, mà có gì tích cực hơn nhiều. Nên thánh cũng không do lập công hay tích góp ân sủng, vì việc chính của tôi là ý thức về sự thấp bé và yếu đuối của mình, để Chúa không gặp trở ngại trong việc thánh hóa tôi. Thế nhưng, hãy coi chừng: Tin vào Chúa không phải là ỷ lại, hết cố gắng đâu.
Thánh thiện thường đi đôi với huyền nghiệm, nhưng huyền nghiệm chỉ là một trong những biểu hiện của thánh thiện. Thánh thiện là do đức Ái, nên thánh thiện là của con người và hành vi.
Kẻ thực thánh là kẻ sống vì Chúa hoàn toàn, do đó cũng không còn bận tâm với cái thánh của mình nữa. Toàn thiện là ân huệ của Chúa, nên phải bớt dần phần mình để phần Chúa tăng lên. Chỉ khi tôi không còn tưởng mình đáng gì nữa, mà chờ ở Chúa tất cả, chỉ khi ấy Chúa mới có thể vào cuộc hoàn toàn, để đức hạnh chuyển từ thủ đắc sang thiên phú, nên cao sâu, huyền nhiệm.
Con người thánh cũng là con người hội nhất. Các đức khi ấy hợp kết với nhau trong đức Ái, các hành vi đi cùng hướng với nhau do một thái độ căn bản, các tương quan hội tụ lại khi yêu Chúa thành một với yêu người, yêu toàn thế giới…
Để tiến từ bình diện thủ đắc sang thiên phú, dù trong đức hạnh hay nghiệm tri, có lẽ không thể không trải qua những đêm tối, chúng giải thoát ta khỏi những vướng mắc sâu xa cuối cùng về mặt đức lý và tâm lý, đồng thời khiến ta quen dần với một ánh sáng và cách sống khác hẳn.
Thanh luyện xong và sống dưới tác động trực tiếp của Thần Khí quen rồi, tôi có thể được đưa tới Hôn nhân thiêng liêng, ở đó cảm nhận thành thường hằng về sự có mặt của Chúa cả trong suy chiêm lẫn hành động. Dù thế chăng nữa, bước tiến vẫn không ngừng, vì nếu không thì cảm giác tự mãn sẽ làm ta tuột dốc.
Dù tiến trình được chia thành Thanh-Minh-Hiệp hay Khởi- Tiến-Thành, sự phân ranh không thể rõ nét, và sự đảo ngược luôn có thể xảy ra.
(Hết)
Hoành Sơn
(Trích trong Nguyệt san Công giáo & Dân tộc, số 298)
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận