BỐN LÝ DO ĐỂ KHÁM PHÁ LẠI CÁC BÀI THÁNH VỊNH TRONG PHỤNG VỤ
Aurelio Porfiri
WGPQN (06,4,2022) – Có lẽ nhiều người không để ý, nhưng chúng ta phải biết rằng sách Thánh vịnh, bộ sưu tập thơ ca tôn giáo Do Thái, là trung tâm của phụng vụ Kitô giáo và Công giáo. Tất nhiên điều này không có gì mới, vì nó đã là như vậy ngay từ lúc khởi đầu của Giáo hội, hoặc gần như là vậy. Và vì thế, chắc chắn có lý do, vì các Thánh vịnh có một giá trị rất đặc biệt trong trí tưởng tượng tôn giáo của chúng ta. Tôi muốn kể ra bốn lý do để suy tư nhằm giúp chúng ta tái khám phá các Thánh vịnh trong phụng vụ của chúng ta.
Thánh vịnh là lời của Chúa.
Dĩ nhiên đã có những cuốn Kinh thánh khác trong đó Thiên Chúa nói với chúng ta, nhưng các Thánh vịnh có một giá trị riêng biệt. Trong Thánh vịnh, Thiên Chúa dạy chúng ta biết cách hướng về Ngài. Thường trong phụng vụ hiện đại, dường như chúng ta chỉ mong muốn tính vui tươi, nhẹ nhàng, hoan hỉ (hoặc giả định là vậy); nhưng trong Thánh vịnh chúng ta có cả một vòng những cảm xúc con người, từ vui tươi đến sầu buồn. Trong Thánh vịnh, Thiên Chúa dạy chúng ta biết rằng cuộc sống không chỉ là niềm vui mà có cả nỗi buồn; Thánh vịnh nói cho chúng ta mọi cảm xúc có thể có của con người, hướng chúng ta đến điều mà Đức Phaolô VI gọi là “con người toàn vẹn”.
Thánh vịnh nâng những thống khổ của chúng ta lên cao
Đúng vậy, Thánh vịnh nói về tất cả những cảm xúc của chúng ta, bao gồm những khốn khổ của chúng ta. Nhưng ngôn ngữ thơ ca khi đề cập đến các tình huống này, đã thăng hóa nó, nâng nó lên, theo nghĩa nào đó khiến nó trở nên dễ chịu hơn, ít đau đớn hơn. Thơ ca trong các Thánh vịnh đã trở thành chủ đề cho nhiều nghiên cứu, vì nó không đơn thuần là thơ, mà là ngôn từ đã trở nên mãnh liệt đến độ thẩm thấu vào trong linh hồn của người nghe cách hữu hiệu. Trong các Thánh vịnh, những nỗi khốn khổ của nhân loại được phô bày, nhưng dường như có một bàn tay giữ chúng ở trên cao, không làm cho chúng chìm xuống cùng với chúng ta.
Thánh vịnh dạy chúng ta hát
Chúng ta không thể quên rằng Thánh vịnh đã được hát. Khi đọc Thánh vịnh, chúng ta có thể thấy ở những dòng đầu tiên thường là giới thiệu các tác giả, những nhạc cụ có thể được dùng, và thậm chí là cả giai điệu sẽ được hát. Các Thánh vịnh phải được hát, bởi vì bài hát không chỉ là một trò tiêu khiển, một thứ phụ kiện; nhưng đó là cách mà linh hồn chúng ta thực sự có thể vươn lên khỏi kiếp trần tục của mình. Tôi nói như vậy bởi vì tình hình ca hát trong phụng vụ của chúng ta ngày nay không phải chỉ là đáng buồn mà còn có vẻ như một thảm kịch thực sự và đúng nghĩa. Sự nghèo nàn và khốn đốn này, lấy đi của chúng ta một phương tiện cơ bản có thể chỉ dẫn cho việc cầu nguyện của chúng ta cách đúng đắn nhất và hiệu quả nhất dành cho Tạo Hóa. Cần có suy tư đúng về các Thánh vịnh, để tái khám phá tầm quan trọng của việc ca hát trong phụng vụ, không phải mọi bài hát, mà là bài hát, thứ được dành cho Thiên Chúa chứ không phải được tái chế từ những điều trần tục.
Thánh vịnh kết nối chúng ta với truyền thống phụng vụ
Giáo hội, dường như ngay từ đầu, đã luôn ủng hộ việc dùng các Thánh vịnh trong phụng vụ. Chúng ta biết rằng, từ thời các tông đồ, các Thánh vịnh luôn nằm trên môi miệng các tín hữu. Tertulliano cũng như các tác giả khác đã nói cho chúng ta biết về điều này. Nhưng khi Giáo hội có thể tổ chức buổi phụng vụ của mình cách có tổ chức hơn, họ đã chọn các câu Thánh vịnh để làm phong phú thêm các khoảnh khắc phụng vụ, ví dụ như ca nhập lễ, ca tiến cấp, dâng lễ, hiệp lễ …. Các Thánh vịnh là ngôn ngữ phụng vụ kết nối chúng ta với các thế hệ cha ông của chúng ta trong đức tin. Chúng là kho tàng của Truyền thống phụng vụ của chúng ta. Trong thực tế, sự biến mất các bài hát liên quan đến các bản văn có trong sách lễ dành cho những bài ca nhập lễ và hiệp lễ khác nhau, ca dâng lễ, thực sự là một dấu hiệu trong hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta đang gặp phải.
G. Võ Tá Hoàng
Chuyển ngữ từ: musicasacra.substack.com
Nguồn: gpquinhon.org
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận