Bài Học Loan Báo Tin Mừng Từ Cây Thánh Giá

Listen to this article

Bài Học Loan Báo Tin Mừng Từ Cây Thánh Giá

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

Chúng ta thật hạnh phúc được sinh ra và lớn lên trong một gia đình công giáo. Đạo công giáo đã dạy cho chúng ta nhiều điều bổ ích, nhất là cho chúng ta biết được nguồn gốc của con người từ đâu và sẽ đi về đâu. Cái đặc biệt nhất để nhận biết người công giáo là Cây Thánh Giá. Cây Thánh Giá, nơi Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng sáng lập nên đạo công giáo đã chịu đóng đinh và chịu chết. Trong ngày thứ 6 Tuần Thánh, chúng ta tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su Ki-tô, một phần để suy tôn Thánh Giá Chúa, một phần để nhận ra tội ác của mỗi người nhằm sửa lỗi, dốc lòng chừa và làm mới lại đời sống tâm linh hằng ngày. Trong tâm tình suy tôn Thánh Giá Chúa, chúng ta cùng nhau rút ra một vài bài học quý giá từ Cây Thánh Giá cho việc Loan Báo Tin Mừng trong thời đại ngày hôm nay.

Nhìn lên cây Thánh Giá, chúng ta thấy một hình ảnh rất cụ thể đó là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh và chịu chết trên đó. Giường nằm của cây Thánh Giá có hai chiều rõ rệt: chiều dọc của Cây Thánh Giá, hướng về trời và đất; chiều ngang hướng về tha nhân, thiên nhiên và vạn vạt.

Từ cây Thánh Giá, nhìn từ chiều dọc, chúng ta sẽ đón nhận được bài học từ Đức Giêsu đối với Chúa Cha, hướng về Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện. Với chiều dọc này, Đức Giê-su không chỉ là xuất phát từ Thiên Chúa, là trung gian duy nhất của Thiên Chúa đối với con người và vũ trụ, nhưng Ngài cũng là trung gian của nhân loại, khi Ngài là con người thật sự để chuyển cầu mọi nhu cầu, ước nguyện lên Chúa Cha. Bài học trước tiên là sự Vâng Phục.

Là Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giê-su đã không nhất quyết duy trì địa vị nhưng đã vâng phục chấp nhận mặc lấy thân phận phàm hèn qua việc làm người nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. (x. Pl 2, 6-11) Không chỉ dừng lại ở việc làm người thật sự, nhưng Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự nguyện vâng phục trong mọi sự vì yêu. Đức Giêsu luôn từ bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa Cha như lời Người phán: “Ta từ trời xuống, không phải để làm theo ý Ta, mà là ý của Đấng đã sai Ta” (Ga 6, 38). Người coi việc thi hành ý Chúa Cha quan trọng và cần thiết như lương thực của Người: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Người” (Ga 4, 34). Nơi Thánh Giá, Đức Giê-su vâng phục triệt để ngay cả chấp nhận hy sinh bản thân mình: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. (Mt 26, 39). Một sự vâng phục tự nguyện của Đức Giê-su vì tình yêu đối với Chúa Cha và đối với nhân loại. Đây là bài học rất cần thiết cho mỗi chúng ta trong sứ vụ Loan báo Tin Mừng. Có vâng phục, chúng ta mới dám dấn thân và hy sinh ý riêng mình để ý Chúa và ý bề trên được thể hiện nhằm mưu cầu cho công tác truyền giáo.

Bài học thứ 2 là sự Khiêm Hạ

Nơi Thánh Giá, chúng được làm sáng tỏ hơn câu nói của Chúa Giê-su: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng,..”(Mt 11,28). Chúa Giê-su, hình ảnh của Thiên Chúa khiêm nhu và hiền lành trong khi Ngài hiện diện ở mọi nơi trong lúc giảng dạy. Bài học khiêm tốn tột cùng của một vị Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành lại để cho loài thụ tạo đóng đinh; Là Đấng ban sự sống nhưng dám chấp nhận bị giết chết bởi kẻ chết; là Đấng có quyền trên mọi sự lại chấp nhận nhỏ bé trong bàn tay hữu hạn của con người để rồi bị bắt, bị đóng đinh và bị giết chết. Quả thật, sự khiêm tốn từ Thánh Giá có giá trị rất lớn cho sứ vụ Loan báo Tin Mừng trong mọi môi trường. Đến với tha nhân nếu thiếu sự khiêm tốn chắc chắn chúng ta sẽ khó được đón nhận. Vì ai cũng thích người khiêm tốn. Khiêm tốn tạo nên sự ‘dĩ hoà vi quý’, tạo nên lối sống văn hoá quan tâm hơn là loại trừ nhau, dễ dàng xây nên ‘chiếc cầu nối kết’ hơn là ‘bức tường ngăn cách’ trong công cuộc truyền rao Tin Mừng.

Bài học thứ 3 là Yêu Thương

Vì là Thiên Chúa Tình Yêu và để muốn cứu độ nhân loại, Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể đã làm người để đồng lao cộng khổ với con người trong hành trình dương thế và đỉnh cao của tình yêu đó là chấp nhận chết cách nhục nhã trên cây thánh giá nhằm cứu độ muôn người. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3, 16). Yêu là hy sinh, yêu là cho đi tất cả vì người mình yêu. Yêu thương là chu toàn lề luật là vậy (x. Rm 13,10). Chúa Giê-su, hình ảnh yêu thương của Thiên Chúa cư ngụ nơi trần gian để lại bài học thật đáng quý để từ nay ai biết yêu thương là người ấy là con Thiên Chúa. Ai yêu thương thì có Chúa Giê-su ở cùng. Quả thật, sứ vụ Loan báo Tin Mừng sẽ không tiến triển và lan rộng nếu mỗi người ki-tô hữu thiếu đi đời sống yêu thương và bác ái.

Bài học thứ 4 là sự Thinh Lặng

Giữa bao lời tri hô, căm phận và ồn ào của đám đông cũng như của những vị lãnh đạo Do Thái, Đức Giê-su, Thiên Chúa Ngôi Hai đã âm thầm và lặng im xem ra như thất bại và bất lực hoàn toàn trước ánh mắt của loài người, nhưng đó lại là bài học thinh lặng cao độ của một vị Thiên Chúa làm người để chấp nhận mọi sự vì tình yêu. Ngài đã trở nên như con chiên hiền lành bị đem đi giết nhưng đem lại hiệu quả khôn lường: “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7), và nhờ cái chết của Người, “Người sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế Ta sẽ ban cho Người muôn người làm gia sản… bởi vì Người đã hiến thân  chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân, nhưng thực ra, Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53,11-12). Sự thầm lặng của Vị Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su là bài học thật tuyệt vời để nói rõ với mọi người rằng không cần đao to búa lớn, không cần ồn ào náo nhiệt mới là giới thiệu Tin Mừng, nhưng nhiều khi nhờ sự im lặng, âm thầm nhưng hiệu quả công việc lại rất hiệu quả. Sự tiếp cận tha nhân, nhất là những người chưa cùng niềm tin trong thái độ nhẹ nhàng, âm thầm chắc sẽ dễ dàng chuyển tải sứ điệp của Chúa Ki-tô hơn là khua chiêng múa trống cũng như ồn ào xung xăng.

Mặt khác, nơi Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta không chỉ học những bài học nơi chiều dọc nhưng chúng ta được hướng dẫn và noi gương Chúa nơi chiều ngang.

Quả thật, không thể Loan báo Tin Mừng nếu mọi ki-tô hữu bỏ qua trường học Thánh Giá. Mầu nhiệm Thánh Giá giới thiệu trọn vẹn những phương cách và các đức tính tốt để mỗi chúng ta ra đi Loan báo Tin Mừng. Thật vậy, không thể đến với tha nhân (qua chiều ngang cây Thánh Giá) nếu chúng ta không đến với Thiên Chúa. Hay nói cách khác, không gặp gỡ hay ở lại với Thiên Chúa (ngang qua chiều dọc cây Thánh Giá), chúng ta không thể gặp gỡ hay ở lại với anh chị em chúng ta được (qua chiều ngang của cây Thánh Giá). Phải chăng Gioan Tồng Đồ đã nhắc nhở chúng ta điều này: Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Ga 4,20) Vì thế, người Loan báo Tin Mừng là người nối kết chặt chẽ, thâm sâu và nhuần nhuyễn với 2 chiều dọc – ngang của cây Thánh Giá. Tại sao vậy? Vì nhờ đó, chúng ta sẽ có sức mạnh và lòng nhiệt huyết khi chúng ta hướng đến chiều dọc của cây Thánh Giá, tức hướng về Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự. Nơi Ngài, chúng ta những người Loan báo Tin Mừng sẽ kín múc được nhiều ân sủng, nhựa sống, tình yêu, nguồn bình an nhằm đủ sức, đủ tâm, đủ tài, đủ lửa nhiệt huyết, đủ tình yêu quảng đại, đủ hy sinh phục vụ, đủ vâng phục, đủ khiêm tốn,…để trao ban và rắc gieo cho nhiều người nơi môi trường sống thường ngày chúng ta, là chiều ngang của cây Thánh Giá.

Tuy nhiên, nơi Thánh Giá Chúa Giê-su, Ki-tô, chúng ta được hướng dẫn và nhắc nhở rằng làm sao Loan báo Tin Mừng trong khi chúng ta sống khô khan-nguội lạnh, thiếu đời sống gắn chặt với Thiên Chúa? Làm sao Loan báo Tin Mừng nếu mỗi người luôn mang bộ mặt buồn thảm và khó chịu? Làm sao Loan báo Tin Mừng nếu chúng ta cứ thích ở lại trong sự tự tôn-tự kiêu-tự hào-tự khép mình, mà không chịu tập sống khiêm tốn để dấn thân ra đi giới thiệu niềm vui Tin Mừng? Làm sao Loan báo Tin Mừng nếu mỗi người môn đệ của Chúa luôn sống trong tâm trạng hận thù-ghen ghét, nóng giận, la lối, ác độc, hiềm khích, nói hành nói xấu…? Làm sao Loan báo Tin Mừng nếu môn đệ của Chúa không trung thành-trung tín trong đời sống bổn phận cũng như trong bậc sống của mình?…

Chính vì thế, nơi Thánh Giá, trường học Loan báo Tin Mừng, mỗi kitô hữu được mời gọi chiêm ngắm tình yêu diệu kỳ của Thiên Chúa để biết hy sinh hãm mình trong mọi việc dầu có khó khăn gian nan, để biết chấp nhận mọi cái thử thách trái với ý riêng của mình, để biết yêu thương dẫu bị phản bội và đối xử bất công, để biết tha thứ dẫu bị hiểu nhầm hay bị hận thù và ngay cả giết chết. Qua cách sống học từ cây Thánh Giá, với sự nỗ lực của bản thân cùng với Ơn Chúa ban, chúng ta dần dần trở thành những cây thơm cỏ ngọt luôn lan tỏa hương hoa cho môi trường sống chung quanh, nhất là cho những người chưa cùng niềm tin với chúng ta. Qua Thánh Giá và nỗ lực sống đúng như vậy, mỗi kitô hữu sẽ trở nên những gương sống-gương sáng nhằm thu hút cũng như cảm hóa được nhiều người mọi nơi mọi lúc, nhất là anh chị đồng bào chưa cùng niềm tin.

Thật vậy, trường học Thánh Giá đã mở ra với nhiều bài học thuận lợi cho việc Loan Báo Tin Mừng, nhưng tự sức con người chúng ta vốn mỏng giòn-yếu đuối rất khó để có thể lĩnh hội hoặc chiếm hữu tất cả nếu thực sự thiếu sức mạnh của Chúa Thánh Thần, là Đấng Chủ Lực trong việc Loan Báo Tin Mừng. Chúng ta khiêm tốn nhận ra sự bất lực-bất xứng của bản thân để mau chóng chạy đến van xin sự thánh hóa, hướng dẫn và bảo trợ của Ngài, nhất là ơn khôn ngoan và sức mạnh để chúng ta biết sống đơn sơ như bồ câu và khôn ngoan như con rắn (x.Mt 10,16) nơi môi trường đẫy dẫy những giằng bẫy của thế gian.

Chúng ta vừa cùng nhau nêu ra một vài bài học trên đây từ cây Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô, mong ước rằng mỗi chúng ta sẽ nắm được phần nào cho đời sống tâm linh của mình và nhờ đó, chúng ta dễ dàng được thôi thúc ra đi để mang nhiều vui và sự bình an của Thiên Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận mà trao ban cho mọi người ở mọi nơi. Từ bài học Cây Thánh Giá Chúa, chúng ta cũng mau chóng cất lên quyết tâm như thánh Phaolo Tông đồ xưa “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5, 14)” và “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

Nguồn tin:

Trả lời