Tôn phong 127 Chân phước tử Đạo tại Cordoba, Tây Ban Nha

Listen to this article

TÔN PHONG 127 CHÂN PHƯỚC TỬ ĐẠO
TẠI CORDOBA, TÂY BAN NHA

Giuse Trần Đức Anh, O.P

vietnamese.rvasia (17.10.2021) – Sáng thứ Bảy 16/10/2021 vừa qua, Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã đại diện Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa giáo phận Cordoba, Nam Tây Ban Nha, để tôn phong Chân phước cho cha Juan Elías Medina và 126 bạn tử Đạo.

Các Chân phước mới gồm 115 nam và 12 nữ, đã chịu chết vì đức tin tại giáo phận Cordoba, trong thời nội chiến Tây Ban Nha, từ năm 1936 đến 1939, trong số này có 79 linh mục, 39 giáo dân, cùng với 5 đại chủng sinh, 3 tu huynh và 1 nữ tu. Các vị tử Đạo tuổi từ 15 đến 88, nhưng phần lớn ở lứa tuổi từ 30 đến 40.

Đứng đầu danh sách là cha Juan Élias Medina (1902-1936), sinh tại Castro del Río, gần Cordoba năm 1902, gia nhập chủng viện năm 15 tuổi, thiếu thốn phương tiện nhưng đầy lòng nhiệt thành. Cha thụ phong linh mục năm 1926 khi được 24 tuổi, và hoạt động mục vụ lần lượt tại hai giáo xứ. Cha bắt đầu cảm thấy cuộc bách hại tôn giáo đang dần dần đảo lộn Tây Ban Nha. Ngày 21/7/1936, sau khi được yêu cầu xuất trình khí giới của mình, cha giơ cây thánh giá nhỏ bé ra. Trong tù, cha Medina an ủi các bạn đồng tù, ban phép giải tội cho nhiều người và chăm chỉ đọc kinh Mân Côi và sách nguyện. Ngày 25/9 cùng năm 1936, cha bị hỏi cung và ba lần cha khẳng định mình là linh mục. Cùng hôm đó, cha bị xử bắn chung với 14 tù nhân khác, tại nghĩa trang Castro del Río.

Ngày 25/11 năm ngoái (2020), Đức Thánh Cha đã cho phép Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử Đạo của cha Medina và 126 vị khác thuộc giáo phận Cordoba.

Trong bài giảng, Đức Hồng y Semeraro nhận xét rằng: “Nhóm các vị tử Đạo hôm nay đặt chúng ta “trước nhiều tầng lớp người khác nhau, một sự phong phú và sâu xa về linh đạo, và nhiều khi, với những căn cội sâu xa về khoa thần học, được biểu lộ qua nhiều hoạt động thường nhật, trước khi đạt tới đỉnh cao của cuộc tử Đạo, đóng bằng ấn máu toàn thể cuộc sống của các vị. Hôm nay, chúng ta đang đứng trước một phần của lịch sử và việc nhớ lại phần này có thể trở thành nơi truyền giảng Tin Mừng trong bối cảnh tục hóa ngày nay. Đây là chứng tá của một Giáo hội có nhiều sắc thái khác nhau, như thể đây là một Lễ Hiện Xuống mới, ứng nghiệm lời ngôn sứ Giôen: Chúa Thánh Linh đổ tràn trên mọi người: già trẻ, con trai, con gái, bất kỳ ai khẩn cầu danh Chúa, đều được cứu thoát”.

“Vì thế, Đức Hồng y nói, họp nhau tại buổi lễ này, chúng ta có thể lập lại với các thiên thần, bài ca chúng ta vừa nghe trong sách Khải Huyền: “Chúc tụng, vinh quang, khôn ngoan, cảm tạ, vinh dự, quyền năng và sức mạnh cho Thiên Chúa chúng ta đến muôn đời. Amen”. (7,12)

 Nguồn: vietnamese.rvasia

Trả lời