ĐTC GẶP CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, TU SĨ, CHỦNG SINH
VÀ GIÁO LÝ VIÊN SLOVAKIA
Văn Yên, S.J
Vatican News (13.9.2021) – Sau khi gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Dinh Tổng Thống, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến Nhà thờ Chính tòa thánh Martino cách đó 2km để gặp các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Slovakia.
Đức Thánh Cha được Đức TGM của Bratislava và cha sở Nhà thờ Chính tòa đón tại lối vào. Ngài được một nữ tu và một giáo lý viên trao bó hoa để đặt trước Thánh Thể trước khi ra trước cung thánh để bắt đầu buổi gặp gỡ.
Trước hết, Đức TGM Stanislav Zvolenský, chủ tịch HĐGM Slovakia đại diện những người tham dự chào mừng Đức Thánh Cha. Sau đó, Đức Thánh Cha đáp lời bằng một diễn văn với lối nói gần gũi và thân tình.
Ngài nói rằng: “Tôi đến đây để san sẻ với anh chị em bước đường cuộc sống, những ưu tư, mong đợi và hy vọng của Giáo hội và đất nước này. Đây là cách mà cộng đoàn tín hữu sơ khai đã sống: chuyên chăm và hiệp nhất, họ bước đi cùng nhau (Cv 1,12-14).”
Giáo hội không phải là pháo đài
Điều đầu tiên được ĐTC nhấn mạnh là “Giáo hội không phải là một pháo đài, một thế lực, một lâu đài tọa lạc trên cao nhìn xuống thế giới với khoảng cách và tự mãn.” “Nhưng Giáo hội là cộng đoàn muốn gắn kết với Đức Kitô bằng niềm vui Tin Mừng, đó là men làm dậy nên vương quốc của bác ái và hòa bình trong khối bột thế giới. Do vậy, chúng ta không nên tin vào cám dỗ của sự hoành tráng, những điều to lớn kiểu trần thế! Giáo hội phải khiêm nhường như Đức Giêsu, Đấng đã tự ra không, trở nên nghèo để chúng ta được giàu có (2Cr 8,9), Người đã đến và ở giữa chúng ta để chữa lành những vết thương nhân loại của chúng ta.”
Đức Thánh Cha dùng 3 từ để nhắn nhủ các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên: (1) tự do; (2) sáng tạo; (3) đối thoại
Từ thứ nhất là sự tự do.
Không có tự do thì không có nhân loại đích thực, bởi vì con người được tạo dựng cách tự do để được tự do.
Tuy vậy, tự do không phải là một thành tựu tất yếu, không tồn tại một lần cho mãi mãi. Tự do là một hành trình, đôi khi khó khăn để khởi sự lại. Tự do bên ngoài hoặc trong các cơ cấu xã hội là không đủ để coi là tự do đích thật. Tự do trước tiên là lời mời gọi nơi cá nhân về trách nhiệm trong chọn lựa của mình, là phân định và thăng tiến cuộc sống. Điều này thực sự khó khăn và làm chúng ta sợ hãi.
Đức Thánh Cha gợi nhớ lịch sử dân tộc Israel: họ chịu đau khổ dưới ách thống trị Pharaô, họ là nô lệ, nhưng được Thiên Chúa giải thoát. Nhưng để trở nên thực sự tự do, không chỉ là được giải thoát khỏi kẻ thù, họ phải băng qua sa mạc, một hành trình gian khó. Khi đó, họ nghĩ rằng, có lẽ trước đây còn đỡ khổ hơn, ít ra còn có củ hành củ tỏi… Đó là một cám dỗ lớn lao, là chẳng thà có được củ hành còn hơn là hành trình gian khó và liều mình để được tự do.
Đôi khi ngay cả nơi Giáo hội, ý tưởng này có thể gây hại cho chúng ta, đó là: tốt hơn là xác định tất cả, các điều luật phải giữ, sự chắc chắn và đồng bộ, hơn là để mọi người tự trưởng thành và chịu trách nhiệm, hơn là suy tư, tự vấn lương tâm, và đem ra thảo luận. Trong đời sống thiêng liêng và Giáo hội, có cám dỗ đi tìm sự bình an giả tạo, điều có thể làm chúng ta vô sự, hơn là tìm nhiệt huyết Tin Mừng giúp biến đổi và làm chúng ta không thể ngồi yên. Sự an toàn của củ hành Ai Cập thì dễ chịu hơn sự vô định của sa mạc, nhưng Giáo hội không để mình rơi vào cuộc phiêu lưu của tự do, ngay cả trong đời sống thiêng liêng, có nguy cơ trở thành một nơi khắt khe và khép kín. Có lẽ một số người đã quen với điều này, nhưng những người khác – nhất là những thế hệ trẻ – họ không được thu hút bởi một đức tin không cho họ tự do nội tâm, bởi một Giáo hội nghĩ đến mọi người theo cùng một cách thức và vâng phục mù quáng.
Đức Thánh Cha khuyến khích: “đừng sợ đào luyện con người với mối tương quan trưởng thành và tự do với Chúa. Điều này có thể cho chúng ta cảm tưởng là không thể điều khiển mọi thứ, là mất đi sức mạnh và quyền lực, nhưng Giáo hội của Đức Kitô không muốn thống trị tâm hồn và chiếm lĩnh không gian, Giáo hội muốn là “nguồn mạch” hy vọng trong đời sống con người. Tôi nói điều này, nhất là cho các Mục tử, anh em thi hành sứ vụ trong một đất nước, là nơi mọi sự thay đổi rất nhanh và các tiến trình dân chủ được khởi sự, nhưng sự tự do vẫn còn mong manh.
Từ thứ hai là sự sáng tạo.
Đức Thánh Cha nhắc đến hai thánh Cirillo và Metodio, những vị rao giảng Tin Mừng cho vùng đất này. “Các vị ấy dạy chúng ta rằng, việc truyền giáo không bao giờ là sự lặp lại của quá khứ. Niềm vui Tin Mừng luôn là Đức Kitô nhưng cách thức tin vui này có thể trở thành con đường trong thời gian và trong lịch sử thì khác nhau. Thánh Cirillo và Metodio đã cùng nhau rao giảng ở vùng đất này của lục địa châu Âu và, được nung nấu bởi nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng, đã sáng tạo ra bộ chữ cái mới để dịch Thánh Kinh, các bản văn Phụng vụ và giáo lý Công giáo. […] Họ là những nhà sáng chế ngôn ngữ mới, để truyền đạt đức tin, họ sáng tạo trong việc chuyển ngữ thông điệp Kitô giáo, họ gần gũi với lịch sử các dân tộc mà họ tiếp xúc để nói ngôn ngữ của họ và đồng hóa mình với văn hóa ấy. Đất nước Slovakia hiện nay không cần điều này sao? Chẳng lẽ đây không phải là nhiệm vụ cấp thiết nhất của Giáo hội giữa các dân tộc châu Âu, đó là tìm ra “mẫu tự” mới để nói về đức tin sao?
Chúng ta nhớ lại việc những người đàn ông đã làm gì để đưa người bại liệt đến trước Chúa Giêsu khi không thể băng qua đám đông đứng chật kín cửa vào. Họ đã gỡ mái nhà và thả người bại liệt xuống (Mc 2,1-5). Họ thật sáng tạo! Thật đẹp biết bao khi chúng ta biết tìm ra con đường, cách thức và ngôn ngữ mới để loan báo Tin Mừng! Nếu lời rao giảng và mục vụ của chúng ta không thể tiến tới bằng cách thông thường, chúng ta hãy cố gắng mở ra những không gian mới, thử những lối nẻo khác. Hai thánh Cirillo và Metodio đã làm như thế, và cho chúng ta thấy rằng, không thể làm cho Tin Mừng lớn mạnh nếu không được bén rễ trong văn hoá dân tộc, trong các biểu tượng, ưu tư, ngôn từ và căn tính của dân tộc ấy. Họ từng bị buộc tội là lạc giáo bởi đã dám dịch ngôn ngữ đức tin. Chính ý thức hệ ấy sản sinh ra nỗ lực đồng bộ hóa, nhưng Tin Mừng hóa là một tiến trình hội nhập văn hóa, là hạt giống phong phú sự mới mẻ, là sự đổi mới của Thần Khí làm mới lại mọi sự.
Từ cuối cùng là từ đối thoại.
Một Giáo hội biết tạo nên tự do nội tâm và trách nhiệm, biết sáng tạo trong việc hội nhập vào lịch sử và văn hóa, phải là Giáo hội biết đối thoại với thế giới, với những ai nhận biết Đức Kitô dù không phải “người của chúng ta”, với những ai đang nỗ lực tìm kiếm sự thánh thiện và với cả những ai không tin.
Sự hiệp nhất, liên đới và đối thoại luôn mong manh, đặc biệt khi sau lưng là một lịch sử đau thương đã để lại những vết hằn. Hồi tưởng lại những vết thương có thể khiến người ta rơi vào thù hận, mất tin tưởng, thậm chí là khinh thường, thúc đẩy chúng ta dựng nên những rào cản đối với những ai khác chúng ta. Mặt khác, những vết thương có thể trở thành những lối mở, như những vết thương của Chúa, trao truyền lòng thương xót của Thiên Chúa, ân sủng làm thay đổi đời sống và biến đổi chúng ta trở nên người kiến tạo hoà bình và hòa giải. Tôi biết nơi anh chị em có câu châm ngôn rất hay: “Ai ném anh một hòn đá, anh cho họ một ổ bánh mì”. Câu này đậm tính Tin Mừng! Đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu hầu phá vỡ vòng luẩn quẩn và tàn phá của bạo lực, bằng cách đưa má bên kia cho ai đánh mình hầu chiến thắng sự dữ bằng sự thiện (Rm 12,21).
Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu chúc mọi người tiếp tục hành trình của mình trong tự do của Tin Mừng, trong sáng tạo của đức tin và trong đối thoại xuất phát từ lòng thương xót Chúa.
Sau bài diễn văn, Đức Thánh Cha chụp hình chung với các Giám mục và bắt tay chào riêng nhiều người tham dự cũng như những người chờ đợi ngài từ bên ngoài nhà thờ, trên đường ngài ra xe để trở về Tòa Sứ Thần cách đó 4km. Kết thúc buổi sáng ngày thứ hai của chuyến viếng thăm.
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận