Ngày 8/8: Thánh Đaminh – Linh mục (khoảng 1170-1221)

541 lượt xem Hạnh Các Thánh
Listen to this article

Thánh Đaminh – Linh mục (khoảng 1170-1221)

Lễ nhớ

12152 St. Daminh

1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ thánh Đa-minh được cử hành hai ngày sau ngày Ngài qua đời (6 tháng 8 năm 1221) ở Bologne. Ngài được Đức Grégoire IV phong thánh năm 1234.

Dominique de Guzman sinh tại Caleruega gần Burgos, Tây Ban Nha, vào khoảng năm 1170. Mẹ Người là chân phước Jeanne d’Aza. Sau khi học xong trường kinh sĩ ở Palencia, Dominique nhận chức thành viên kinh sĩ hội ở Osma. Năm hai mươi bốn tuổi, Dominique theo Đức giám mục Diego de Azevedo sang Rôma, nhưng Đức giáo hoàng Innocent III sai người sang miền Nam nước Pháp lúc đó đang bị các lạc giáo Albigeoir và Cathare gây rối. Tại đây Ngài tổ chức một đoàn truyền giáo, và trong nơi trú ngụ của mình tại Prouille, gần Toulouse, Ngài thành lập một tu viện nữ theo luật dòng thánh Augustin để các chị trợ giúp công việc truyền giáo. Cũng tại đây, năm 1215, gần nhà thờ Saint-Romain ở Toulouse, đã xuất hiện hạt nhân đầu tiên của cộng đoàn tu sĩ thuyết giáo, theo luật dòng thánh Augustin. Các tu sỹ đặc biệt chú trọng lời khấn khó nghèo và việc giảng thuyết, sau một thời gian chuẩn bị nghiêm túc về mặt trí thức. Đức Giáo Hoàng Honorius III chấp thuận dòng mới năm 1216.

Dòng thuyết giáo (hay còn gọi là dòng Đa minh) trước tiên phát triển tại các thành phố đại học như Paris, Roma và Bologne. Cũng tại Bologne này đã có cuộc tổng hội đầu tiên của dòng năm 1220-1221. Nhưng hao tổn do một cuộc sống căng thẳng lao động và đền tội, thánh Đa minh đã qua đời lúc mới năm mươi mốt tuổi, chỉ năm năm sau khi Dòng của ngài được chuẩn nhận. Di hài Người an nghỉ tại Bologne, trong đại thánh đường Saint-Nicôlas-des Vignes. Nữ chân phước Cécile d’Andalo, nữ tu Đa minh, tả về con người của thánh Đa minh: “Thánh nhân tầm thước trung bình, mình hơi dẹp, mắt đẹp, tay đẹp và dài, tiếng nói rổn rảng. Vành tóc của Người thật hoàn hảo, thỉnh thoảng có điểm sợi bạc. Nét mặt người lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ, trừ khi bị xúc động trước nổi khổ nào đó của tha nhân”.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày gọi thánh Đa minh là “Nhà giảng thuyết siêu việt của chân lí”. Ngài bắt đầu sứ mệnh tại Languedoc bằng một cách sống nghèo, đi bộ, không tiền bạc, giống như các tông đồ xưa. Trong mười năm, Ngài hoàn toàn việc “giảng thuyết thánh”, nghĩa là loan báo phúc âm và làm chứng bằng nếp sống nghèo của phúc âm. Dòng của Ngài đã có công đem tin mừng đến khắp các thành phố lớn bằng lời giảng thuyết và các trường đại học qua việc giảng huấn. Các trách nhiệm quản trị trong Dòng được trao phó qua việc bỏ phiếu bầu chọn với nhiệm kỳ ngắn hạn.

Lời nguyện trên lễ vật nhắc tới “những người chiến đấu cho đức tin”. Quả thế, thời nào cũng vậy, cũng có những sai lầm mà Kitô hữu được kêu gọi phải chiến đấu; khí giới chiến đấu cũng chính là những thứ thánh Đa minh sử dụng xưa là lấy sự tinh truyền của phúc âm chống lại lạc giáo, lấy tự nguyện nghèo khó chống lại của cải.

Lời nguyện tạ lễ cầu xin Chúa cho Giáo hội “được nâng đỡ nhờ lời cầu nguyện của đấng đã soi chiếu Giáo hội bằng lời giảng của mình”. Phụng vụ bài đọc trích dẫn một đoạn trong bản phong thánh cho thánh nhân, theo đó Ngài “chỉ nói với Chúa trong khi suy niệm, hoặc nói về Chúa, và Ngài thúc giục các tu sỹ của mình cũng làm như thế”. Lòng mộ mến việc suy niệm đó bắt nguồn từ tình yêu và việc học tập Kinh thánh: “Ngài luôn mang theo mình cuốn Phúc âm thánh Matthêu và các thư của thánh Phaolô, và ngài siêng năng nghiên cứu đến nỗi thuộc lòng những sách đó” (Phụng vụ bài đọc).

Họa sĩ Fra Angelico đã vẽ thánh Đa minh với một ngôi sao chiếu phía trên đầu. Ánh sáng của ngôi sao ban đầu hiểu là hình ảnh sự thánh thiện của đấng sáng lập dòng Đa minh, người mà Đức giáo hoàng Grégoire IV nói: “Tôi biết cha Đa minh là một người hoàn toàn tuân thủ qui luật các thánh tông đồ”. Nhưng ngôi sao đó cũng chính là hình ảnh ánh sáng lớn mà thánh Đa minh cùng các đệ tử đã chiếu giải lên thế giới qua các thế kỷ, bởi vì Dòng Thuyết giáo đã đem lại cho Giáo hội những vị thánh lớn, như thánh Albert Cả và Thomas Aquinô. Ngài cũng còn được trình bày với cổ chuỗi trên tay để nhắc nhớ lòng sùng kính của ngài với chuỗi Mân Côi mà Ngài thường giải thích các mầu nhiệm trong khi thuyết giảng.

Enzo Lodi

Trả lời