Cách đây ba tuần một dự án đầu tiên thuộc Tổ chức “Đức Thánh Cha Phanxicô vì châu Phi” đã được khánh thành tại Congo.
Ngọc Yến – Vatican News
Đây là một dự án do sơ Rita Mboshu-kongo khởi xướng và được Đức Thánh Cha chúc lành. Tổ chức có mục tiêu thúc đẩy huấn quyền của Đức Thánh Cha qua các sáng kiến liên đới và thúc đẩy phát triển toàn diện cho những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và thanh niên.
Trong một lá thư gửi tới các thành viên của Tổ chức, sau khi chúc lành cho dự án, Đức Thánh Cha viết: “Đối với tôi, đây là nguồn vui lớn. Một hoạt động bác ái và liên đới, mà tôi rất yêu quý”. Thật vậy, theo Đức Thánh Cha, đây là một sáng kiến phù hợp với những gì được nêu trong thông điệp Fratelli tutti: “Chỉ một cái nhìn bởi lòng bác ái mới có thể làm cho phẩm giá của người khác được nhìn nhận, và nhờ đó người nghèo được đón nhận và trân trọng trong phẩm giá của họ, được tôn trọng trong căn tính và văn hóa của họ, và như thế được hội nhập thực sự vào xã hội”. (Fratelli Tutti, 187).
Trong thư, Đức Thánh Cha mạnh mẽ khuyến khích sơ Rita và các cộng tác viên “thực hiện hoạt động bác ái và liên đới này với những người khó khăn nhất”. Ngài đảm bảo cầu nguyện cho Tổ chức để mọi người có thể đạt được mục tiêu đề ra. Mục tiêu tìm thấy trong huấn quyền một con đường cần tuân theo để sống tinh thần liên đới, trong sự hài hòa với Thiên Chúa, với người khác và với thế giới.
Số phận của những người được chào đón tại Tổ chức này đa số là các trẻ nữ, từ 11 đến 17 tuổi thuộc các tôn giáo khác nhau. Nhiều em trong số này đã làm mẹ, hoặc đã kết hôn vì gia đình muốn có của hồi môn. Ngoài ra còn có những phụ nữ mới mãn hạn tù, hoặc có con nhưng không có cha, không có cơ hội học hành, học nghề, bị bạo hành. Tất cả họ là những người bị bỏ rơi, là thành phần được Đức Thánh Cha gọi là “những người rốt cùng”, “những người bị loại bỏ”.
Cùng đồng hành và ở bên cạnh những thiếu nữ này là sơ Rita Mboshu-kongo, người được những người quen biết gọi là “con hổ” vì những hoạt động năng động dấn thân thăng tiến phụ nữ. Tiếng nói của sơ đã nhiều lần vang lên trên các phương tiện truyền thông Ý, và không chỉ để tố cáo nỗi khiếp sợ của nạn bạo hành phụ nữ ở mọi thể loại, bao gồm cả những vụ lạm dụng trong Giáo hội đối với các nữ tu, đặc biệt ở châu Phi.
Hiện nay, sơ Rita đang hoạt động trên khắp châu Phi, đặc biệt tại Kinshasa, thủ đô Congo, một nơi bị tàn phá nhiều nhất. Và cũng tại đây sơ thành lập Tổ chức “Đức Thánh Cha Phanxicô vì châu Phi”. Đây là khu vực ở bên ngoài thủ đô với khoảng 30 ngàn dân, hơn 85% trong số họ ở dưới mức nghèo đói tuyệt đối: các gia đình thực sự sống với mức sống dưới một đô la một ngày.
Tin cùng chuyên mục:
Tiền Chủng Viện Thánh Liêm khai giảng năm học mới
Cáo phó: Ông Cố Inhaxiô Đoàn Như Bắc
Cáo phó: Ông Cố Giuse Vũ Văn Khiêm
Kỷ niệm 15 năm Hồng Ân Giám mục của Đức Cha Giáo phận