Ngày 11/7: Thánh Bênêđictô – Viện phụ (khoảng 480 – 547)

353 lượt xem Hạnh Các Thánh
Listen to this article

Thánh Bênêđictô – Viện phụ

Lễ nhớ

 

12007 St Benedict

 

1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Grêgoriô Cả trong cuốn Đối thoại của mình, khi kể về tiểu sử và phép lạ của Viện Phụ Biển Đức khả kính, không nhắc tới ngày qua đời của Người tại núi Cassin, vào khoảng năm 547, sau khi đến sống ở đây từ năm 529. Lễ kính được cử hành theo ngày mà bản phụng vụ cổ nhất các nước francs ghi lại, ngày 11 tháng Bảy. Ngày này trùng ngày hài cốt của Người có thể đã được chuyển từ núi Cassin về Flenry trên bờ sông Loire vào năm 703 như lời một tác giả vô danh thế kỷ VIII ghi lại. Tuy nhiên, các tu sĩ Núi Cassin, những người vẫn còn giữ di hài được coi là của Thánh Biển Đức thì vẫn không đồng ý với truyền thuyết đó.

Ngày 11 tháng Bảy đã thế chỗ cho ngày chết của Người, vì theo niên biển của núi Cassin, ngày đó chính là 21 tháng Ba.

Biển Đức (theo tiếng Latinh là Benedictus có nghĩa là được chúc phúc), sinh tại Norcia (Ombrie), vào khoảng năm 480, trong một gia đình La Mã dòng họAnicia, bảy mươi năm sau khi quân đội Wisigotho của Alaric vây hãm thành và bốn năm trước Odoacre, vua người Hérules, hạ bệ vị hoàng đế La Mã cuối cùng và chứng kiến sự xuống dốc của nền văn minh phương Tây do làn sóng tràn ngập của các dân man di, đặc biệt của người Goths do Totila lãnh đạo. Trong bối cảnh đó, Biển Đức, sau thời gian theo học tại Roma, muốn rút lui khỏi thế gian. Biển Đức thử nghiệm nhiều hình thức tu dòng khác nhau sau khi đã từng ẩn tu trong một hang núi gần Subiaco miền Latium ba năm: ban đầu Ngài sống cuộc đời bán-đơn tu tại Effide (nay là Affile), sau sống độc tu gần Aniene, nơi đây chỉ có một tu sĩ tên là Romain biết Ngài và mang thức ăn cho Ngài. Tuy nhiên những người chăn cừu cũng đã biết và họ đã thường lui tới với Người. Sau này, Biển Đức trở thành bề trên một tu viện gần đấy theo yêu cầu của các tu sĩ sống tại đây. Thế nhưng vì không đồng tình với kỷ luật cải cách của thánh nhân, một số tu sĩ tìm cách đầu độc Ngài. Biển Đức bỏ đi, đến sống ở Subiaco như một tu sĩ cộng đoàn và đã thành lập mười hai tu viện nhỏ cho các tu sĩ dưới quyền. Ngài rời Subiaco đến sống ở núi Cassin khoảng năm 529.

Thánh Grêgoriô Cả viết tiểu sử Thánh Biển Đức thành ba mươi tám chương theo văn phong khoa trương thời đại, kể lại ba mươi bảy năm của thánh nhân ở Norcia. Tác giả trình bày cho chúng ta một Biển Đức chọn câu “Ora et labora“(cầu nguyện và lao động) làm châm ngôn sống, lấy chiếc cày và thập giá làm biểu tượng. Thánh Biển Đức là người bảo vệ nền văn minh phương Tây bằng cách đối đầu với vua Totila người Ostrogoths. Khi sắp qua đời, Ngài yêu cầu được đưa tới nhà nguyện, nơi đây “đứng lên, hai tay hướng về trời, ngài cầu nguyện và trút hơi thở cuối cùng”. (Grêgoriô Cả, Tiểu sử …37, 3).

2. Thông điệp và tính thời sự

Các kinh cầu nguyện trong Thánh Lễ hôm nay rút từ bản Qui luật của Thánh Biển Đức, tất cả đều nhắc tới giáo huấn của vị thầy cao cả trên đường tu đức này, người đã từ bỏ việc học hành sách vở, bỏ gia đình và tài sản thân phụ để lại, chỉ để làm vui lòng Chúa.

Lời nguyện của ngày nhắc tới bản Qui luật (lời nói đầu 45 và 49): “Lạy Chúa, Chúa đã làm cho Thánh Biển Đức trở thành nhà hướng dẫn cho những ai đang học cách phụng sự Ngài, chúng con xin Chúa đừng để chúng con coi trọng điều gì hơn tình yêu Chúa và chúng con sẽ được tiến bước trên con đường các giới răn của Ngài với tâm hồn không gì vướng bận”. Qui luật của Thánh Biển Đức dung hòa kinh nghiệm tu đức của Thánh Basile với sự khôn ngoan của người Roma và sự kín đáo Phúc Âm “ngu dốt một các sáng suốt”, hầu biến nó trở nên bản hiến chương cho cái thành trì mới tức là tu viện này. Tại đây, viện phụ là hiện thân cho quyền cha của Thiên Chúa trong một thế giới được xây dựng trong an bình nhờ các sợi dây nối kết của tình ái Đức Kitô. Chúng ta có thể đọc thấy tinh thần Qui luật trong Phụng vụ Bài đọc: “Họ sẽ tuyệt đối không ưa chuộng gì hơn Đức Kitô”. Qui tắc này không phải chỉ dành cho các tu sĩ, nhưng liên hệ mọi tín hữu, vì mỗi người ai cũng có thể noi gương Thánh Biển Đức “nhanh nhẩu bước đi trên những nẻo đường Phúc Âm, trong sự êm ái của tình yêu và con tim không hề vướng bận” (xem Đáp ca của Phụng vụ Bài đọc). Lời nguyện sau hiệp lễ nhắc tới một khía cạnh khác của tinh thần Biển Đức (xem Qui luật, 72): “Ước gì chúng con có thể vâng theo lời giáo huấn của Thánh Biển Đức, biết trung thành phụng sự Chúa trong việc cầu nguyện và bác ái với anh em”. Các khu vực thuộc dòng Biển Đức luôn tìm cách lan tỏa tình bác ái huynh đệ ra chung quanh bằng việc giúp con người tự hoàn thiện nhờ lao động (kể cả lao động chân tay) và lòng hiếu khách. Lời nguyện trên lễ vật (lấy tư tưởng từ Tông Hiến của Đức Phaolô VI khi công bố Thánh Biển Đức làm bổn mạng Châu Âu) thì cầu xin “ơn hiệp nhất và an bình”. Roma được hưởng một giai đoạn an bình với Théodoric và Cassiodore cho đến năm 526. Chiến thắng của Kitô giáo Roma đối với làn sóng man di đứng đầu là Totila trở thành biểu tượng của sự hiệp nhất tan rã nay đã tìm lại được. Việc tìm lại các giá trị nhân bản và giá trị của Kitô giáo đã cứu vãn nền văn hóa Châu Âu, trong khi hoàng đế Justinien cùng với những cuộc chiến chinh dữ dội và bất tận của ông cũng như nghị sĩ Cassiodore đã thất bại. Cassiodore vẫn sống trong ảo tưởng rằng nền văn hóa La Mã cũng như nền triết học của nó sẽ muôn đời vĩnh tồn.

Một ca vãn của Pierre le Vénérable viện phụ Cluny viết rằng: Thánh Biển Đức đã dạy “muôn dân biết phục tùng luật lệ và các ước nguyện của Đức Kitô”. Tinh thần qui hướng vào Đức Kitô của Thánh Biển Đức vốn cũng là một thứ nhân bản đích thực đã dung hoà tính siêu việt của lời cầu nguyện (ora) với việc làm của con người (labora), vì như Thánh Grêgoriô viết: Thánh Biển Đức “nhờ biết cân nhắc mọi sự cách chín chắn, đã nắm được đầy đủ tinh thần tất cả những người ngay lành”. (Tiểu sử … II, 8, 9).

Enzo Lodi

Trả lời